1. Một linh mục tin rằng Chúa cứu ngài khỏi tay những kẻ bắt cóc ở Haiti

Cha Antoine Macaire Christian Noah, một linh mục dòng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ đến từ Cameroon, đã trốn thoát khỏi một băng nhóm tội phạm đã bắt cóc ngài ở Haiti vào tháng trước và đã được đưa đến một quốc gia khác để bảo đảm an toàn.

Hôm 2 tháng 3 vừa qua, Cha Fausto Cruz Rosa, bề trên của Phái đoàn Thừa sai dòng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ ở Antilles, nói với ACI Prensa rằng Cha Macaire “đã bị bắt cóc và bị biệt giam 10 ngày trong một ngôi nhà bỏ hoang trên vùng ngoại ô Port-au-Prince,” của thủ đô Haiti.

“Vào ngày thứ 10, khi những kẻ bắt cóc đi ra ngoài ngài đã có thể trốn thoát. Bọn tội phạm thường xuyên ra ngoài vào ban đêm và nhốt ngài ở một trong những ngôi nhà mà các băng đảng thường chiếm giữ ở Haiti”.

Cha Macaire, 33 tuổi, được thụ phong cách đây chưa đầy hai năm, đã bị bắt cóc vào sáng ngày 7 tháng 2 khi đang trên đường đến cộng đồng truyền giáo của mình ở Kazal, cách Port-au-Prince khoảng 20 dặm về phía bắc.

Cha hiện đang ở Santo Domingo, thủ đô của Cộng hòa Dominica, nơi ngài vừa được giáo đoàn cử đến.

Cha Cruz kể lại rằng vào khoảng 1 giờ sáng ngày 17 tháng 2 giờ địa phương, Cha Macaire phải đục một lỗ trên trần căn phòng nơi ngài bị giam giữ để thoát ra ngoài, rồi ngài bắt đầu chạy cho đến khi gặp một con đường.

“Ngài đã chạy cho đến 5:30 sáng, đến một thị trấn lân cận tên là Cabaret. Ở đó, một linh mục đã đón ngài vào giáo xứ. Ngài đã ở đó vài ngày cho đến khi chúng tôi tìm cách đưa ngài đến đảo Gonave, và sau đó đến thủ đô Haiti, hướng tới sân bay”

Theo cha Cruz, hoàn cảnh bị bắt của Cha Macaire diễn ra như sau: Vị linh mục trẻ đang trên đường trở về Haiti sau khi hướng dẫn các cuộc linh thao cho phái đoàn của ngài ở Cộng hòa Dominica.

Sau khi xuống máy bay, Cha Macaire đón một chiếc xe buýt, nhưng chẳng may, chiếc xe bị bởi một băng nhóm tội phạm chặn lại.

“Rõ ràng họ chỉ bắt ngài vì ngài là người nước ngoài. Đó là chiến lược họ luôn sử dụng. Và sau đó họ đưa ngài đến nơi giam giữ để đòi tiền chuộc”

Cha Cruz lưu ý rằng linh mục Phi Châu “không cảm thấy sợ hãi vì ngài đã cầu nguyện với vị thánh bảo trợ của mình, Thánh Antôn thành Padua,” cũng như Thánh Anthony Mary Claret và Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Maria.

“Ngài là một người chuyên chăm cầu nguyện, rất thanh thản. Những kẻ bắt cóc ngạc nhiên làm sao linh mục có thể chịu đựng được, vì chúng chỉ cho ngài thức ăn bốn lần trong 10 ngày và một ít nước”.

Theo lời vị bề trên, “những lời cầu nguyện của toàn thế giới” rất hữu ích, và ngài chắc chắn rằng “Chúa đã thực sự can thiệp, để vị linh mục bị bắt cảm nhận được sức mạnh và lòng can đảm để trốn thoát và tin tưởng sẽ ra ngoài bình an vô sự. “

Cha Cruz nhấn mạnh rằng Cha Macaire “sẵn sàng trở lại Haiti càng sớm càng tốt.”

“Tuy nhiên, chúng tôi đã khuyến nghị rằng ngài nên vắng mặt trong thời gian này”.

Haiti đang chìm sâu vào một cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội sâu sắc. Quốc gia này đã không có tổng thống kể từ tháng 7 năm 2021, khi Tổng thống Jovenel Moïse bị ám sát và không có cuộc bầu cử mới nào được tổ chức. Cuộc đấu tranh giành quyền lực đã làm trầm trọng thêm các cuộc biểu tình và bạo lực do các băng nhóm vũ trang và những kẻ bắt cóc thực hiện.

“Ngay bây giờ các băng đảng là những kẻ nắm giữ quyền lực trên thực tế. Cảnh sát khó có thể làm bất cứ điều gì; họ thậm chí đã giết nhiều cảnh sát và các lực lượng thực thi pháp luật sợ hãi co cụm lại. Các linh mục đã nộp đơn khiếu nại và họ được thông báo rằng họ không thể làm bất cứ điều gì,” Cha Cruz giải thích.

Theo lời kể của cha bề trên, Cha Macaire đã hỏi những kẻ bắt cóc tại sao chúng lại thực hiện những hành động như vậy, và chúng trả lời rằng “tình hình rất phức tạp” và rằng chúng “không nhìn thấy tương lai”.

“Bây giờ chúng ta cầu nguyện cho những kẻ bắt cóc, cho sự hoán cải của họ và cho toàn bộ tình trạng mất an ninh và bạo lực mà người dân Haiti đang phải trải qua. Chúng ta cầu nguyện rằng Chúa sẽ tiếp tục lắng nghe chúng ta và rằng đất nước sẽ sớm tìm ra cách nào đó để thoát khỏi cuộc xung đột,” Cha Cruz kết luận.
Source:National Catholic Register

2. Các nhà lãnh đạo Giáo hội ở Giêrusalem kêu gọi bình tĩnh giữa làn sóng bạo lực mới

Với căng thẳng gia tăng giữa người Do Thái và người Palestin lên đến một tầm cao mới trong tuần qua giữa một loạt các vụ giết người mới, các nhà lãnh đạo Giáo Hội ở Bờ Tây đã lên án bạo lực và kêu gọi một giải pháp lâu dài tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trong một tuyên bố ngày 1 tháng 3 từ Tòa Thượng phụ Latinh ở Giêrusalem, các nhà lãnh đạo giáo hội trong khu vực cho biết họ “rất buồn trước sự leo thang bạo lực mới nhất ở Thánh Địa Giêrusalem”.

Họ đặc biệt chỉ ra một sự việc vào Chúa Nhật tuần trước, ngày 26 tháng 2, trong đó hàng chục người định cư Israel đã “tung hoành” qua thị trấn Huwara của Palestine gần Nablus, giết chết một người đàn ông và làm bị thương hàng chục người khác “bằng các thanh kim loại và hơi cay, đồng thời đốt cháy hàng chục tòa nhà và xe hơi.”

Họ nói rằng cuộc tàn sát hôm Chúa Nhật ở Huwara là một hành động trả đũa sau khi một tay súng Palestine giết hai người định cư Israel trong cùng một thị trấn, một hành động tự nó là phản ứng đối với việc giết hại 11 người Palestine ở Nablus một tuần trước đó.

Sự việc Huwara xảy ra vào cuối cuộc họp hiếm hoi giữa chính quyền Israel và Palestine ở Aqaba, Jordan, trong đó Israel cho biết họ sẽ ngừng mở rộng các khu định cư trên lãnh thổ Palestine nhằm chấm dứt điều mà các nhà lãnh đạo Giáo Hội gọi là “sự leo thang theo hình xoắn ốc và vô nghĩa” của xung đột bạo lực.

Bạo lực ở Bờ Tây đã gia tăng trong những tháng gần đây, đặc biệt là sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 đã mang lại liên minh dân tộc chủ nghĩa và cánh hữu cực đoan nhất của Israel cho đến nay, bao gồm các đảng theo đường lối cứng rắn mà nhiều người lo ngại sẽ ngày càng trở nên cực đoan, gây thêm bạo lực.

Trong năm qua, Israel được cho là đã tiến hành các cuộc tấn công gần như hàng ngày, khiến hàng trăm người Palestine thiệt mạng. 66 người Palestine đã bị giết cho đến nay chỉ riêng trong năm 2023.

Trong đợt leo thang căng thẳng mới nhất, thị trấn Huwara của Palestine đã bị những người định cư Israel tấn công, đốt xe hơi và ném đá chỉ vài giờ sau khi hai người Israel bị bắn chết khi họ lái xe qua thị trấn nằm ở phía bắc Bờ Tây.

Sau vụ việc, được một số người Palestine mô tả là một “cuộc tàn sát”, Bộ trưởng Tài chính cực hữu của Israel, Bezalel Smotrich, nói rằng Huwara nên bị “xóa sổ”.

Nhận xét đã vấp phải phản ứng dữ dội, bao gồm cả những lời chỉ trích hiếm hoi từ Hoa Kỳ, một đồng minh quan trọng của Israel.

Bạo lực gia tăng, bất chấp hội nghị thượng đỉnh gần đây ở Jordan. Một tài xế người Mỹ gốc Israel đã bị bắn chết hôm thứ Hai, và hôm thứ Tư, các lực lượng Israel đã giết một người đàn ông Palestine khi đang tìm kiếm những kẻ tình nghi trong trại tị nạn Aqabat Jaber gần Jericho.

Kể từ khi chính phủ mới của Israel nhậm chức vào cuối năm ngoái, Lực lượng Phòng vệ Israel cho đến nay đã tiến hành 3 cuộc truy quét quy mô lớn vào các thành phố của Palestine, trong đó có cuộc đột kích vào ngày 22 tháng Hai ở Nablus khiến 11 người Palestine thiệt mạng, đó là số người Palestine thiệt mạng lớn nhất trong một chiến dịch của quân Israel kể từ năm 2005.

Với căng thẳng gia tăng từng ngày, có những lo ngại về sự leo thang hơn nữa trước tháng lễ Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo và lễ Vượt qua của người Do Thái chỉ trong vài tuần tới, khiến Hoa Kỳ, Jordan và Israel phải kêu gọi bình tĩnh.

Trước làn sóng bạo lực gần đây nhất này, người đứng đầu về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc Volker Turk đã mô tả nhận xét của Smotrich kêu gọi “xóa sổ” Huwara là một “tuyên bố kích động bạo lực và thù địch không thể hiểu nổi”.

“Tình hình trên lãnh thổ Palestine bị xâm lược là một thảm kịch, trước hết là một thảm kịch đối với người dân Palestine,” ông nói với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu, khi trình bày một báo cáo về tình trạng của các vùng lãnh thổ bị xâm lược.

Turk cho biết báo cáo của ông cho thấy lực lượng Israel thường xuyên sử dụng các “vũ khí gây chết người” bất kể mức độ đe dọa và đôi khi thậm chí như một biện pháp ban đầu chứ không phải là biện pháp cuối cùng.

Ông cho biết báo cáo của ông cũng đã ghi lại hàng trăm vụ giết người, trong đó có một số công dân không có vũ khí và nhiều trường hợp bạo lực ở cả hai bên.


Source:Crux

3. Giáo Sĩ Trưởng Do Thái Giáo của Mạc Tư Khoa vạch trần các thủ đoạn của Putin sau khi bỏ trốn khỏi Nga

Pinchas Goldschmidt, Chủ Tịch Hội Đồng Các Rabbi Do Thái Giáo Âu Châu, nguyên là Rabbi trưởng Do Thái Giáo Mạc Tư Khoa từ năm 1993 cho đến khi bỏ trốn vào tháng 3 năm 2022 đã có một bài viết trên tờ Foreign Policy nhan đề “I Was Moscow’s Chief Rabbi. Russia Forced Me to Flee”, nghĩa là “Tôi là Giáo Sĩ Trưởng Do Thái Giáo của Mạc Tư Khoa. Nga buộc tôi phải trốn chạy”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Tôi đến nước Nga Xô viết vào năm 1989, khi perestroika và glasnost đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, để giúp xây dựng lại cộng đồng Do Thái đã bị tàn phá sau 70 năm cai trị của Cộng sản.

Một ngày mùa đông năm 2003, viên chức của Cơ quan An ninh Liên bang, gọi tắt là FSB, người được bổ nhiệm vào Hội Đường Hợp Xướng Mạc Tư Khoa vào thời điểm đó—một người đàn ông mà tôi sẽ gọi là Oleg (tên của anh ấy đã được cố tình thay đổi)—mời tôi đến đồn cảnh sát tại 40 phố Sadovnichevskaya. Oleg và đồng nghiệp của anh ấy bắt đầu nói rằng tôi, một công dân Thụy Sĩ, đã sử dụng thị thực nhập cảnh ra vào nhiều lần để ở lại Nga, điều này là bất hợp pháp vì tôi là một nhân viên tôn giáo; tuy nhiên, họ sẵn sàng bỏ qua vấn đề này nếu tôi bắt đầu báo cáo với họ. Họ ép tôi ký một cái gì đó, nhưng tôi từ chối thẳng thừng, nói rằng cáo mật người khác là vi phạm luật Do Thái.

Sau hơn một giờ quấy rầy tôi, cuối cùng họ cũng để tôi đi. Tôi đã bị chấn động đến tận cùng của con người mình. Oleg đã quay lại hai lần để thuyết phục tôi. Thậm chí có lần anh ta còn dừng xe tôi trên đường—kể từ lúc đó, tôi hiểu rằng người lái xe của tôi có thể cũng đang làm việc cho FSB. Hai năm sau, vào năm 2005, tôi bị trục xuất khỏi Nga—có thể liên quan đến việc tôi từ chối hợp tác với các cơ quan tình báo. Cuối cùng, tôi cũng có thể trở lại sau khi có sự can thiệp của Thủ tướng Ý khi đó là Silvio Berlusconi.

Trong những năm sau đó, tôi biết đã có nhiều nỗ lực tuyển dụng đồng nghiệp của mình trong cộng đồng Do Thái. Ngoài ra, các đặc vụ của FSB thường xuyên theo dõi, thăm viếng và đe dọa những người đứng đầu các tổ chức tôn giáo, bảo đảm rằng mọi người đều biết về sự hiện diện của họ. Một số thủ lĩnh sinh viên Do Thái được mời đến văn phòng của FSB trên Quảng trường Lubyanka

Có lẽ đáng chú ý nhất là vào năm 2000, Điện Cẩm Linh đã liên minh với Liên đoàn các Cộng đồng Do Thái của Nga, gọi tắt là FEOR— đó là một quan hệ đối tác phục vụ một số mục đích. Đầu tiên, đó là bằng chứng ngoại phạm cho việc Putin không phải là người bài Do Thái khi ông tiêu diệt hàng loạt các đối thủ chính trị - nhiều người trong số họ là người gốc Do Thái như Mikhail Fridman, Vladimir Gusinsky, Mikhail Khodorkovsky, Boris Berezovsky.

Nhiệm vụ thứ hai của FEOR là dành cho thế giới phương Tây: Khi Putin trở nên độc đoán hơn và các cường quốc phương Tây trở nên e ngại, những người đứng đầu FEOR đã được cử đến phương Tây để truyền đạt một thông điệp: dù Putin có tồi tệ đến đâu đi nữa, thì bất kỳ sự thay thế nào cũng sẽ tồi tệ hơn, và người Do Thái sẽ bị bách hại. Khi các cuộc biểu tình gia tăng ở Mạc Tư Khoa sau khi Putin tuyên bố trở lại nắm quyền vào năm 2012, các giáo sĩ Do Thái của FEOR đã nhanh chóng yêu cầu các giáo dân ở Mạc Tư Khoa của họ ngừng và không được tham gia các cuộc biểu tình, nhưng phải ủng hộ nỗ lực chung của chính phủ nhằm phi chính trị hóa xã hội dân sự.

Sau đó, khi Nga chinh phục Crimea, các nhà lãnh đạo của FEOR đã đi đầu trong việc thúc đẩy quan điểm trên mạng xã hội khi các cuộc biểu tình nổ ra từ người Do Thái Nga: Người Do Thái, đừng tham gia; đây không phải là cuộc chiến của chúng ta.

Trong bối cảnh câu chuyện tuyên truyền của Nga về cuộc chiến chống phát xít mới ở Ukraine, Bảo tàng Khoan dung, do FEOR xây dựng và tập trung vào câu chuyện về Thế chiến II, đã được sử dụng nhiều lần để thúc đẩy quan điểm rằng cuộc chiến chống lại Ukraine là một cuộc chiến chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít. Đây là quan điểm được Giáo sĩ Alexander Boroda, chủ tịch của FEOR, sử dụng để ủng hộ cuộc chiến. Các tổ chức chị em của FEOR bên ngoài nước Nga, chẳng hạn như Chabad, hầu như không nói một lời nào.

Mặc dù Cẩm Linh đã phần nào thành công trong việc kiểm soát và biến cộng đồng Do Thái ở Nga thành công cụ, FSB vẫn tiếp tục cuộc chiến tiêu hao lực lượng chống lại các giáo sĩ Do Thái, chủ yếu là người nước ngoài. Họ đã trục xuất hơn 11 giáo sĩ Do Thái trong các cộng đồng suốt thập kỷ qua— họ là những người không tuân theo đường lối của đảng do FSB thành lập và được Giáo Hội Chính thống Nga minh họa cho các Giáo Hội khác noi theo.

Hai tuần sau cuộc xâm lược Ukraine, tôi quyết định bỏ trốn khỏi Nga - nơi tôi đã phục vụ cộng đồng của mình với tư cách là giáo sĩ Do Thái trong ba thập kỷ - để đến Âu Châu và sau đó là Israel. Tôi nhận ra rằng tôi sẽ bị áp lực phải ủng hộ cuộc chiến, và sẽ rất nguy hiểm nếu tôi bày tỏ bất kỳ sự bất đồng nào.

Kể từ khi tôi ra đi, bất cứ nơi nào tôi đến trên thế giới, tôi thường được hỏi: Tại sao không còn những tiếng nói bất đồng và phản đối từ Giáo hội Chính thống Nga, cũng như các nhóm tôn giáo khác? Câu trả lời rất đơn giản và thường gây sốc cho người phương Tây—nhưng đó là một thực tế nổi tiếng đối với những người sống ở Nga: Vào thời Xô Viết, KGB kiểm soát đời sống tôn giáo và tuyển dụng một số lượng lớn các giáo sĩ để làm việc cho an ninh nhà nước. Hầu như không thể đạt được vị trí cao hơn trong bất kỳ hàng giáo phẩm tôn giáo nào mà không phải là một đặc vụ tích cực của KGB. Dưới thời của Putin, FSB lặp lại cùng một chính sách đó.


Source:Foreign Policy