Linh mục thần học gia Robert P. Imbelli, ngày 5 tháng 1 năm 2023, ngày an táng Đức Bênêđíctô XVI, trên First Things, có bài viết rất sâu sắc về Đức cố Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI:



Qua nhiều đợt “thu hẹp quy mô” liên tiếp và sự chia tay đầy đau đớn với nhiều cuốn sách quý giá, tôi đã cẩn thận giữ lại một tập: số 17 của bộ sách đáng nể được Herder và Herder xuất bản trước và trong Công đồng Vatican II với nhan đề chung là Quaestiones Disputatae [Những Vấn đề đang Tranh luận]. Cuốn sách mỏng, Revelation and Tradition [Khải huyền và Truyền thống], bao gồm ba tiểu luận, một của Karl Rahner và hai của Joseph Ratzinger. Tôi đã mua nó khi tôi còn là một chủng sinh đang học năm cuối ở Rôma trong phiên họp cuối cùng của Công đồng. Đương nhiên tôi rất háo hức được đọc tác phẩm của hai periti [chuyên viên] của Công đồng, và tôi sẵn lòng bỏ ra một nghìn hai trăm lire, tương đương với giá bìa là 1.95 đô la.

Tôi đã phần nào quen thuộc với Rahner, nhưng đây là cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên của tôi với Ratzinger. Bài tiểu luận của Rahner tôi thấy khoa trương; nhưng bài của Ratzinger không chỉ trong suốt - mà còn tỏa sáng. Điều nó gây ấn tượng đối với tôi, khi còn là một sinh viên thần học trẻ tuổi, là việc hiểu mặc khải như một giao tiếp bản thân, và do đó đòi hỏi chủ thể phải tiếp nhận một cách yêu thương và đầy đức tin. Ba câu đặc biệt có tính “mặc khải”. Ratzinger khẳng định rằng “Mặc khải hơn cả kinh thánh giống như thực tại vượt quá thông tin về nó... Vì mặc khải luôn luôn và chỉ trở thành thực tại khi có đức tin.” Và “thực tại thực sự xảy ra trong mặc khải Kitô giáo không là gì và không gì khác hơn là chính Chúa Kitô.”

Rõ ràng trong những nhận xét này là cam kết của Ratzinger đối với tính bất khả phân ly giữa thần học và linh đạo. Thần học với tư cách là “đức tin tìm kiếm sự hiểu biết” phát sinh từ một mặc khải, được đưa ra và được chấp nhận, mà chủ đề xác định là Chúa Giêsu Kitô. Mặc khải, được hiểu như vậy, có tính cảm nghiệm, liên hệ và xúc cảm—phong phú hơn nhiều so với cách tiếp cận có tính tuyên bố hạn hẹp của các sách giáo khoa thần học. Đây là cách hiểu về mặc khải đã được trình bày một cách có thẩm quyền trong Dei Verbum, Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải Thiên Chúa của Vatican II, mà Joseph Ratzinger đã đóng một vai trò quan trọng trong việc soạn thảo.

Cuộc gặp gỡ nghiêm túc tiếp theo của tôi với Ratzinger diễn ra vài năm sau đó. Tôi là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Yale vào cuối những năm 60 đầy biến động, dự kiến sẽ bắt đầu giảng dạy tại Chủng viện Saint Joseph ở Dunwoodie vào mùa thu năm 1970. Bên cạnh triển vọng giảng dạy lần đầu tiên đầy khó khăn, còn có thách thức về việc sử dụng bản văn nào. Các sách giáo khoa đã bị loại bỏ. Các bài báo tình cờ thì rất nhiều, mỗi bài thăm dò theo kiểu làm thử và khám phá. Không có gì cung cấp nhiều hơn thức ăn cầm tay, không phải thực chất mà các chủng sinh năm thứ nhất cần đến.

Ratzinger đến giải cứu. Sự trợ giúp của ngài là một cuốn sách mà từ đó đã trở thành một tác phẩm kinh điển về thần học, được dịch ra hai mươi thứ tiếng: Introduction to Christianity [Nhập môn Kitô giáo]. Nó bắt nguồn từ những bài giảng được giảng dạy ở Tübingen vào năm 1967, được xuất bản vào năm sau bằng tiếng Đức, và được dịch sang tiếng Anh vào năm 1969—đúng lúc để dùng làm tài liệu chính cho khóa giảng của tôi ở Dunwoodie. Tôi dám nói rằng có lẽ đây là lần đầu tiên cuốn sách được sử dụng trong một khóa học thần học ở Hoa Kỳ. Tôi dạy cuốn sách hàng năm trong tám năm làm việc tại Dunwoodie, và sau đó thường là trong các buổi hội thảo sau đại học tại Cao đẳng Boston. Cuốn sách đã có ảnh hưởng quyết định đối với nhiều sinh viên trong hơn năm mươi năm kể từ lần đầu tiên xuất hiện.

Một số đặc điểm của cuốn sách đáng được nêu bật vì chúng vẫn còn phù hợp cho đến tận ngày nay. Thứ nhất, với tầm nhìn sáng suốt mà Ratzinger đã nhìn thấy, trong vòng vài năm sau khi Công đồng kết thúc, sự phản bội phổ biến đối với các nguyên tắc nền tảng và các khẳng định chủ đạo của Công đồng. Trong “Lời nói đầu” mùa hè năm 1968, ngài lập luận: “Câu hỏi về nội dung và ý nghĩa thực sự của đức tin Kitô giáo ngày nay bị bao trùm trong một màn sương mù mịt mù hơn bất cứ giai đoạn nào trước đó trong lịch sử”. Và ngài dựa vào câu chuyện dân gian về “Hans Clever” [Hans Khôn khéo]—người đã đổi cục vàng của mình lấy những đồ vật ít giá trị hơn cho đến khi chỉ còn lại một viên đá mài—để buộc tội những nhà thần học đã “dần dần làm giảm các yêu cầu của đức tin.” Vài năm sau, ngài sẽ tóm tắt sự phản bội bằng cách than trách rằng “họ đã đổi rượu thành nước và gọi nó là ‘aggiornamento’”.

Thứ hai, cuốn sách được cấu trúc như một bài suy niệm thần học-linh đạo về Kinh Tin kính Các Tông đồ. Sự lựa chọn có ý nghĩa quan trọng, vì nguồn gốc của nó là sự trao đổi trong Phép Rửa, trong đó người tân tòng cam kết sống một cuộc sống được biến đổi, từ bỏ những quyền lực làm suy giảm con người và tuyên xưng niềm tin ban sự sống vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thật vậy, Ratzinger đã mạnh dạn đặt mục tiêu cho cuốn sách của mình: “giúp hiểu lại đức tin như một điều gì đó làm cho nhân tính thực sự trở thành khả hữu trong thế giới ngày nay.”

Thứ ba, trọng tâm của vấn đề (và của cuốn sách) là viễn kiến Kitô học của nó. Một lần nữa, cách tiếp cận của Ratzinger hoàn toàn mang tính thần học và bản thân mạnh mẽ. Ngài viết: “Đức tin Kitô giáo không chỉ là sự lựa chọn ủng hộ nền tảng tâm linh cho thế giới. Công thức trung tâm của nó không phải là 'Tôi tin vào điều gì đó', mà là 'Tôi tin vào Ngài'. Đó là cuộc gặp gỡ với con người Giêsu, và trong cuộc gặp gỡ này, nó trải nghiệm ý nghĩa của thế giới như một con người.” Chính Chúa Giêsu là người đặt cơ sở và làm cho sự hiện hữu của con người biến đổi thành khả hữu: điều mà truyền thống gọi là theosis hay thần hóa.

Như mọi khi với Ratzinger, suy tư của ngài kết hợp lòng trung thành và tính sáng tạo. Ngài ghê tởm những cách diễn đạt được đóng gói sẵn, cái mà John Henry Newman gọi là “những chữ không có thực chất”. Trong một lời nhận xét gay gắt được viết trước Công đồng Vatican II, nhà thần học trẻ viết: “Có lẽ không có gì... đã gây hại cho việc rao giảng nhiều hơn là làm mất uy tín mà nó phải gánh chịu khi chỉ đưa ra các công thức không còn là tài sản trí thức sống động của những người đang công bố chúng.” Và, sau Công đồng, ngài ta thán rằng căn bệnh vẫn y nguyên, ngoại trừ việc “các công thức giáo điều” giờ đây thường được thay thế bằng “các khẩu hiệu thế tục,” được tuyên bố một cách tuyệt đối chắc chắn.

Trong Introduction to Christianity [Nhập môn Kitô giáo], Ratzinger đã phác thảo một cách tiếp cận Kitô học trung thành với truyền thống ngàn năm của Giáo hội, nhưng được tô bằng ngôn ngữ mới mẻ liên bản vị. Chúa Giêsu Kitô là Ađam mới, Ađam cánh chung, Đấng được xác định bởi tính tương quan toàn diện: Người Con hiện hữu từ Chúa Cha, lợi ích của con người nam nữ ở mọi thời đại. Chúa Giêsu Kitô không chỉ thiết lập bí tích Thánh Thể. Toàn bộ con người của Người là Thánh Thể: lòng biết ơn đối với Chúa Cha, sự tự hiến cho nhiều người. Và Người không ngừng thánh hiến Giáo Hội của Người, bằng sự hy sinh yêu thương của Người, như một dân tộc Thánh Thể.

Điều đã rõ ràng trong Introduction to Christianity [Nhập môn Kitô giáo] là cuộc khủng hoảng của Giáo hội hậu Vatican II, cốt lõi của nó, là một cuộc khủng hoảng Kitô học. Rượu biến đổi là Chúa Giêsu Kitô bị pha loãng bởi những người chỉ cầu khẩn ngài như một hình mẫu đầy cảm hứng cho các mục đích xã hội lặt vặt, hoặc giản lược bác bỏ Người như một nhân vật hầu như không được biết đến từ thế kỷ thứ nhất của “kỷ nguyên chung”. Chính sự biện phân này đã thúc đẩy Đức Bênêđictô sáng tác bộ ba tác phẩm Jesus of Nazareth [Chúa Giêsu thành Nadarét]. Ngài bày tỏ mối quan tâm mục vụ của mình một cách sâu sắc trong lời nói đầu của tập đầu tiên: “Đây là một tình huống đầy kịch tính đối với đức tin, bởi vì điểm quy chiếu của nó đang bị nghi ngờ: Tình bạn mật thiết với Chúa Giêsu, điều mà mọi sự phụ thuộc vào, có nguy cơ biến thành mây khói.” Chỉ nhờ mối liên hệ sống động với Chúa Giêsu, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống, chúng ta mới có thể tiếp cận được tình yêu của Chúa Ba Ngôi, trong đó vạn vật sống, vận động và hiện hữu.

Kể từ lần gặp gỡ đầu tiên với các tác phẩm của Joseph Ratzinger, chàng chủng sinh trẻ tuổi đó đã trở thành (làm sao có thể được?) một cụ ông đã tám mươi tuổi. Tôi đã dạy các khóa học về thần học của Joseph Ratzinger, đã viết những bài báo đánh giá cao tầm nhìn thần học của ngài, và đã thu được lợi ích bản thân từ sự khôn ngoan tâm linh của ngài. Đối với tôi, những bài giảng của ngài với tư cách là giáo hoàng là nguồn hiểu biết sâu sắc và cam kết mới để theo Chúa Kitô. Và trong gần 58 năm làm linh mục của tôi, thần học sâu sắc của ngài về phụng vụ đã là một ngôi sao chỉ đường cho chính tôi.

Trong lời mở đầu cho tập đầu tiên của Tuyển Tập Tác Phẩm của mình, Đức Bênêđictô XVI đã viết: “Đối với tôi, phụng vụ của Giáo Hội đã là thực tại trung tâm của đời tôi từ thời thơ ấu, và... nó đã trở thành trung tâm của những nỗ lực thần học của tôi.” Với chiều sâu và sự phong phú trong các tác phẩm phụng vụ của ngài, thật là một minh chứng đáng buồn cho sự hời hợt thần học của nhiều người chỉ trích ngài khi họ giản lược buộc tội ngài thích linh mục cử hành Thánh lễ quay lưng lại với cộng đoàn hơn. Ngoài sự kiện thực nghiệm này là các Thánh lễ mà Đức Bênêđictô cử hành tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô luôn là “coram populo” [hướng về giáo dân], mối quan tâm của ngài ít liên quan đến vị trí thể lý cho bằng định hướng tâm linh.

Tất nhiên, điều đang bị đe dọa có tính Kitô học: ý nghĩa duy nhất và phổ quát của Chúa Giêsu Kitô. Như tôi đã viết, trong đời sống và thần học hiện đại của Giáo hội, thường có vẻ như chúng ta là một “cơ thể bị chặt đầu”, một tập hợp tự quy chiếu vào chính mình, tiến hành (theo lời của Hồng Y Cantalamessa) “etsi Christus non daretur”—như thể Chúa Kitô không tồn tại. Nhưng Ratzinger nhấn mạnh, trong cuốn sách tuyệt vời The Spirit of the Liturgy [Tinh thần Phụng vụ] lộng lẫy của ngài, “điều quan trọng là cùng nhau nhìn lên Chúa. Giờ đây không phải là vấn đề đối thoại mà là vấn đề thờ phượng chung, lên đường hướng về Đấng sẽ đến”.

Đối với người thợ khiêm nhường này trong vườn nho của Chúa, hòa hợp với nhịp điệu của năm phụng vụ, điều xem ra chắc chắn có tính quan phòng là phụng vụ rửa tội của ngài được cử hành vào Đêm Vọng Phục Sinh và phụng vụ an táng của ngài vào Đêm Vọng Hiển Linh. Lễ Hiển Linh luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với vị giáo hoàng thần học gia. Nó hợp nhất các niềm hy vọng của Israel và các quốc gia. Nó tích hợp ánh sáng của đức tin và ánh sáng của lý trí. Trong số những bài giảng đáng nhớ của Đức Bênêđictô, những bài giảng về Lễ Hiển Linh có một sức hấp dẫn đặc biệt.

Trong bài giảng nhân Lễ Hiển Linh đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của ngài, Đức Bênêđictô XVI nói:

Giáo hội là thánh thiện, nhưng bao gồm những người nam và nữ với những giới hạn và lỗi lầm của họ. Chính Chúa Kitô, chỉ một mình Chúa Kitô, khi ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta, có thể biến đổi sự khốn khổ của chúng ta và không ngừng đổi mới chúng ta. Ngài là ánh sáng của các dân tộc, lumen gentium, Đấng đã chọn soi sáng thế giới thông qua Giáo hội của Người. “Làm sao điều này có thể xảy ra được?”, chúng ta cũng tự hỏi mình bằng những lời mà Đức Trinh Nữ từng nói với Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel. Và chính Mẹ, Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội, cho chúng ta câu trả lời: với mẫu gương của Mẹ về sự sẵn sàng hoàn toàn có đó cho thánh ý Thiên Chúa—“fiat mihi secundum verbum tuum” [xin làm cho tôi như điều ngài nói] (Lc 1:38)—Mẹ dạy chúng ta trở thành một “biểu lộ ” của Chúa, mở lòng chúng ta ra cho quyền năng ân sủng và trung thành tuân theo lời của Con Mẹ, ánh sáng thế gian và cùng đích của lịch sử.

Nếu âm nhạc của Mozart luôn làm Ratzinger thích thú bởi chiều sâu nhân bản của nó, thì âm nhạc của Bach đã củng cố ngài bởi chứng tá cao cả và lời kêu gọi đức tin. Do đó, thật phù hợp khi tôi đang nghe Oratorio Giáng sinh của Bach thì được tin về cái chết của Đức Bênêđíctô. Cantata thứ tư, dành cho ngày đầu năm mới, kết thúc bằng một bản hợp xướng cầu nguyện nhẹ nhàng:

Xin Chúa Giêsu cai quản khởi đầu của con,
Xin Chúa Giêsu luôn ở bên cạnh con.
Xin Chúa Giêsu hướng dẫn cảm xúc của con,
Xin một mình Chúa Giêsu là niềm khao khát của con.
Xin Chúa Giêsu ở trong suy nghĩ của con.
Lạy Chúa Giêsu, xin đừng để con dao động bao giờ.


Thật phù hợp với cuộc hành trình và tầm nhìn của cả cuộc đời ngài, khi Joseph Ratzinger hấp hối, những lời cuối cùng của ngài là: “Signore, ti amo.” [Lạy Chúa, con yêu mến Chúa]