1. Quan chức Chính Thống Giáo Nga vu cáo Đức Giáo Hoàng gây ra cuộc chiến ở Ukraine

Trong một diễn biến hết sức ngỡ ngàng, bất chấp thực tế là tổng thống Nga Vladimir đã phát động cuộc xâm lược Ukraine, một quan chức của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga là Trưởng Phó Tế Vladimir Vasilik đã cáo buộc rằng cuộc chiến tại Ukraine là một âm mưu của Vatican và xúc phạm đến Đức Giáo Hoàng khi gọi ngài là “quỷ sứ” và một “kẻ cắp”.

Massimo Introvigne, một ký giả của Bitter Winter, là tờ báo trên mạng chuyên về tự do tôn giáo, có bài tường trình nhan đề “Russian Orthodox Leader: Ukraine is a Catholic Conspiracy, the Pope is a Monster and a Thief”, nghĩa là “Nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo Nga nói rằng Ukraine là một âm mưu của Công Giáo, và Đức Giáo Hoàng là một tên Quỷ Sứ và một Kẻ Cắp”. Người đưa ra quan điểm quái đản này là Protodeacon Vladimir Vasilik.

Chữ Protodeacon chúng tôi dịch là Trưởng Phó Tế. Protodeacon bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp proto- có nghĩa là 'cao nhất' và diakonos, là một từ Hy Lạp cổ rất tiêu chuẩn có nghĩa là “trợ lý”, “người hầu” hoặc “người chờ đợi”. Trong Chính Thống Giáo, Protodeacon là một cấp bậc danh dự được trao cho một số phó tế đã kết hôn và đã phục vụ lâu năm. Cách riêng, đối với Chính thống Nga, đây là danh hiệu danh dự được trao cho các phó tế đã kết hôn, và giáo sĩ nào có tước hiệu này thì được quyền mặc một chiếc skufia màu đỏ tía.

Trong Giáo Hội Công Giáo, trong số các Hồng Y đẳng phó tế, vị niên trưởng được gọi là Cardinal Protodeacon hay Hồng Y Trưởng Đẳng Phó Tế.

Nói tóm lại, Ông Vladimir Vasilik là một người có gia đình, có chức phó tế, và là một quan chức cấp cao của Chính Thống Giáo Nga.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn văn bài viết của ký giả Massimo Introvigne qua phần trình bày của Túy Vân.

Khi đọc các trước tác của Trưởng Phó Tế Vladimir Vasilik, bạn có thể nhận ra rằng ông ta không phải là một kẻ điên cô đơn. Ông ta không chỉ là một học giả đã xuất bản về lịch sử Giáo hội trên các tạp chí phương Tây có uy tín, mà ông ta còn là thành viên của Ủy ban Phụng Tự của Thánh Công Đồng đầy quyền lực của Giáo Hội Chính thống Nga và là người thường xuyên đóng góp cho các tờ báo và tạp chí của Giáo Hội này.

Vasilik đã trích một đoạn trong với thông điệp Giáng Sinh của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó ngài mời những người tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma hãy nhìn vào “khuôn mặt của những anh chị em Ukraine đang sống trong Giáng Sinh này trong bóng tối, trong giá lạnh hoặc xa nhà của họ vì sự tàn phá của mười tháng chiến tranh.”

Dù Đức Thánh Cha Phanxicô thường tỏ ra quá ôn hòa khi bình luận về cuộc chiến Ukraine, Vasilik vẫn bày tỏ sự tức giận của ông ta rằng Đức Thánh Cha đã không đề cập đến “các anh chị em Nga”, những người cũng đã chết trong cuộc chiến. Do đó, ông ta đã nhân cơ hội này để thực hiện một hành động mà ông ta, gọi là “vạch mặt” Đức Giáo Hoàng và tuyên bố rằng các sự kiện ở Ukraine cuối cùng là kết quả của một âm mưu thâm độc của Vatican.

Vasilik nói, Giáo Hội Công Giáo không chỉ âm mưu chống lại Nga và Chính thống giáo từ thế kỷ 16, mà giờ đây rõ ràng là Vatican đã tổ chức “Maidan năm 2014. Vì ngay cả người mù cũng có thể thấy rằng những nhà hoạt động hăng hái nhất tại quảng trường Maidan là các linh mục Công Giáo Uniate.

Túy Vân xin mở ngoặc giải thích như sau. Trong hai năm 1595 và 1596, một số giáo phận Chính Thống Giáo ở Ukraine và Nga đã chấp nhận Hiệp Ước Brest quay lại hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh, hình thành nên Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương. Do đó, từ Uniate thường được dùng với ý mỉa mai để chỉ các linh mục của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Maidan là một quảng trường lớn ở thủ đô Kyiv, là nơi đã diễn ra các cuộc biểu tình giữa những người Ukraine muốn gia nhập vào Liên Hiệp Âu Châu, chống lại lực lượng an ninh của tổng thống Viktor Yanukovych, là người gốc Nga, muốn giữ chặt Ukraine trong thế giới Nga. Các cuộc biểu tình liên tục và dữ dội vào tháng Hai, 2014 đã buộc Viktor Yanukovych phải bỏ chạy sang Nga. Người Nga đã phản ứng bằng cách tung ra cuộc xâm lược 2014, chiếm bán đảo Crimea và một phần của vùng Donbas.

Trưởng Phó Tế Vasilik cũng là một nhà hoạt động tích cực chống tà giáo. Một số đồng nghiệp của Vasilik tin rằng Maidan 2014 thực sự được tổ chức bởi giáo phái Scientology, nhưng họ đã viết rằng sự thật là người Công Giáo cũng hợp tác.

Đức Thánh Cha Phanxicô bị Vasilik cáo buộc là kẻ chủ mưu của những âm mưu đặc biệt thâm độc này. Ngài trở thành Giáo hoàng vào năm 2013, và vào năm 2014, Cách mạng Maidan đã xảy ra, một sự kiện mà theo tuyên truyền của Nga khiến các cuộc xâm lược năm 2014 và 2022 là không thể tránh khỏi.

Theo Vasilik, Đức Thánh Cha Phanxicô là “người hưởng lợi chính” từ những gì đang xảy ra ở Ukraine. Tại sao? Bởi vì tình hình chiến tranh đang cho chính phủ Ukraine cái cớ để đàn áp Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC, và hợp nhất nó với Giáo Hội Chính thống Ukraine, gọi tắt là OCU, hiệp thông với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô.

Vasilik còn đi xa hơn khi cho rằng “có những kế hoạch dài hạn cho sự hợp nhất của Tòa Thượng phụ Constantinople và Giáo Hội Công Giáo Rôma. Ông ta tiên đoán rằng vào năm 2025—năm kỷ niệm Công đồng Đại kết Thứ nhất, Công Giáo và những kẻ phản bội Chính thống giáo Hy Lạp sẽ hiệp nhất. Và họ quyết định chọn Ukraine làm nơi thử nghiệm cho một liên minh như vậy. Ý tưởng rất đơn giản là việc thành lập một Giáo Hội quốc gia duy nhất của Ukraine. Đầu tiên, các nhóm ly giáo khỏi UOC được đẩy vào cái gọi là OCU, và sau đó toàn bộ UOC của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa được gắn vào OCU, không phải tự nguyện, mà bằng bị bắt buộc. Và sau đó tất cả điều này được hiệp nhất trong Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương. Do đó, cuối cùng sẽ chỉ còn lại một Giáo Hội Công Giáo Ukraine duy nhất theo nghi thức Đông phương”.

Vasilik nói Đức Thánh Cha Phanxicô là một con quái vật, “một con cá sấu, khi ăn thịt con mồi của mình, không ngừng rơi nước mắt, nhưng vẫn ăn. Theo cách tương tự, Giáo hoàng của Rôma có thể khóc, than thở, thương tiếc. Tuy nhiên, điều này sẽ không ngăn ngài ăn Chính thống giáo—công việc của ngài là như vậy, chính xác hơn, bản chất của ngài là như vậy. Ngài không phải là Giáo hoàng, không phải là cha, nhưng ngài là một tên trộm, một tên trộm thực sự. Và 'kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt' (Ga 10:10).”

Vasilik có một số hy vọng cho năm mới, khó khăn. Ông ta hy vọng năm 2023 sẽ mang lại hòa bình. Nhưng hòa bình, ông ta giải thích, là “thứ mà chúng ta chỉ có thể đạt được thông qua chiến tranh.” Không phải là “chiến tranh thương mại” mà một số chỉ huy Nga đã tham chiến ở Ukraine chủ trương mà là một cuộc thánh chiến toàn diện. Vasilik giải thích “chiến tranh thương mại” là trường hợp các chỉ huy Nga chiếm các thành phố của Ukraine nhưng không tàn phá các thành phố này vì không muốn phạm tội ác chiến tranh với hy vọng còn có thể làm ăn với phương Tây. Theo ông, lẽ ra các chỉ huy Nga phải phá hủy hoàn toàn các cơ sở hạ tầng có giá trị của Ukraine.

Vasilik tuyên bố hoặc là chúng ta chiến thắng, hoặc là “chúng ta sẽ biến mất, với tư cách là một quốc gia và một dân tộc. Hoặc thậm chí biến mất hoàn toàn về thể chất. Trong trường hợp này, chúng ta chỉ có một lựa chọn: chiến thắng hoặc chết. Bạn không thể vừa chiến đấu vừa nghĩ đến chuyện làm ăn, giao dịch thương mại cùng một lúc. Tuy nhiên, ông ta phàn nàn rằng vì một số lý do nào đó, những sự thật cơ bản này nghe có vẻ không thuyết phục đối với một số chỉ huy của chúng ta. Thành ra, tôi muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo cho họ và nói với họ rằng vào năm 2023, nước Nga sẽ được đổi mới, tẩy sạch tội lỗi của mình — bao gồm các tội lỗi phá thai, tham nhũng, tham ô, và quét sạch sự hiện diện của những người vô thần và các giáo phái, và cuối cùng là sự dâm ô. Sau đó, cuối cùng, nước Nga sẽ trở thành nước Nga thánh thiện”.

Đây là kết luận cuối cùng của chúng tôi: Một nhà lãnh đạo tôn giáo mà đưa ra các lập luận vừa quái đản, vừa sắt máu như thế này thì nguy cơ chiến tranh thế giới là rất cao.
Source:Bitter Winter

2. Đức Thánh Cha Phanxicô lên án Iran vì sử dụng án tử hình đối với người biểu tình

Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Hai đã lên án Iran vì đã sử dụng án tử hình đối với những người biểu tình, và đòi hỏi sự tôn trọng nhiều hơn đối với phụ nữ.

Nhận xét của Đức Giáo Hoàng, được đưa ra trong bài phát biểu hàng năm trước các nhà ngoại giao cạnh Tòa Thánh, là nhận xét mạnh mẽ nhất của ngài kể từ khi bắt đầu các cuộc biểu tình trên toàn quốc ở Iran sau cái chết của Mahsa Amini, một phụ nữ người Iran gốc Kurd, 22 tuổi, trong khi bị cảnh sát giam giữ vào tháng 9 năm ngoái.

“Quyền sống cũng bị đe dọa ở những nơi mà án tử hình vẫn tiếp tục được áp dụng, như trường hợp trong những ngày này ở Iran, sau các cuộc biểu tình gần đây đòi hỏi sự tôn trọng nhiều hơn đối với phẩm giá của phụ nữ,” Đức Phanxicô nói.

Ngài nói: “Án tử hình không thể được sử dụng cho một công lý nhà nước có chủ đích, vì nó không tạo ra sự ngăn cản cũng như không mang lại công lý cho các nạn nhân, mà chỉ thúc đẩy khát khao báo thù”.

Sau đó, ngài lặp lại lời kêu gọi chấm dứt án tử hình trên toàn thế giới, nói rằng án tử hình “luôn luôn không thể chấp nhận được vì nó tấn công quyền bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người”.

Bốn người biểu tình đã bị hành quyết sau hậu quả của tình trạng bất ổn ở Iran.
Source:Reuters

3. Nhật Ký Trừ Tà số 222: Sự cô đơn của Địa Ngục

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #222: The Isolation of Hell”, nghĩa là “Nhật Ký Trừ Tà số 222: Sự cô đơn của Địa Ngục”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hai trong số những nhà trừ quỷ của chúng ta đang làm việc cùng với một người bị quỷ ám. Đêm trước buổi trừ tà đầu tiên, mỗi người đều có một trải nghiệm khác thường giống hệt nhau. Khi họ gặp nhau vào sáng hôm sau, cả hai đều mô tả đã bị choáng ngợp trong đêm hôm trước bởi cái lạnh dữ dội. Họ không thể thấy ấm dù quấn mình trong nhiều lớp quần áo. Họ đang đóng băng ở bên trong. Trải nghiệm của họ kéo dài khoảng một giờ rồi tan biến.

Ngày hôm sau, khi họ gặp và cầu nguyện với người bị quỷ ám, thì rõ ràng là cô ấy bị một số triệu chứng của quỷ bao gồm cả sự cô lập lan tỏa. Cô ấy không có bạn thân và mặc dù cô ấy là một người chuyên nghiệp có trách nhiệm, nhưng cô ấy không có mối liên hệ thực sự nào với con người. Đời sống tình cảm của cô “lạnh nhạt”. Hy vọng rằng các nhà trừ quỷ của chúng ta, bằng cách trải nghiệm sự cô đơn do ma quỷ gây ra cho cô ấy với tư cách là “những người mang gánh nặng”, là một sự giúp đỡ để cô ấy mang gánh nặng của mình và hỗ trợ hướng tới sự giải thoát.

Cô lập là đặc điểm chung của những người bị chiếm hữu. Khi ma quỷ hiện diện, những người bị ảnh hưởng thường trải nghiệm điều gì đó trong cuộc sống địa ngục. Trong các khu vực địa ngục, không có tình bạn. Chỉ có một sự cô lập cảm xúc xuyên thấu tâm hồn. Trong Dante's Inferno, khu vực thứ chín và thấp nhất của địa ngục, nơi chính Satan cư ngụ, được miêu tả như một vùng đất hoang vu băng giá.

Con đường phục hồi cho những người bị quỷ ám cuối cùng sẽ bao gồm việc kết nối lại với bạn bè, những người thân yêu và một cộng đồng cùng đức tin. Thiên đàng là tình yêu, hiệp nhất và hòa bình. Địa ngục là hận thù và cô lập. Tất cả chúng ta đều cần hơi ấm của tình người, nếu không cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành địa ngục thực sự.
Source:Catholic Exorcism

4. Tổng thống Zelenskiy đình chỉ quyền công dân của 12 Giám Mục và Tổng Giám Mục của Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã ký sắc lệnh đình chỉ quyền công dân của 12 Giám Mục và Tổng Giám Mục của Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC, cổng thông tin chính phủ đưa tin vào ngày 7 tháng Giêng

Cơ quan an ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết các tài liệu tuyên truyền của Nga được tìm thấy trong các cuộc đột kích vào khuôn viên các nhà thờ và tu viện của UOC

Sắc lệnh số 898/2022 đã được tổng thống ký vào ngày 28 tháng 12 năm 2022, liên quan đến 13 vị Giám Mục và Tổng Giám Mục của 6 giáo phận Donetsk, Crimea, Dnipro, Romen, Odesa và Bukovyna.

Đặc biệt hai Tổng Giám Mục Anatoliy Ivanovych Yeletskikh, và Serhiy Leonidovych Anitsoi bị kết tội phản quốc và tài sản bị tịch thu. Ngày 30 tháng 9, Putin đã ký sắc lệnh sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine là Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson vào Nga. Hai vị này đã hồ hởi phấn khởi tham dự và trả lời cuộc phỏng vấn của thông tấn xã Tass, ngập tràn hy vọng về tương lai.

Tổng Giám Mục Mykola Mykolayovych Donyenko của Crimea cũng bị kết tội phản quốc. Ngày 27 tháng 5, 2022, Đức Tổng Giám Mục Onufriy Berezovsky của Kyiv và toàn Ukraine quyết định không trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nữa. Tổng Giám Mục Mykola Mykolayovych Donyenko phản đối quyết định này và đưa các giáo xứ của ông vào Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga.

Quyết định của Tổng thống Zelenskiy cũng tước quyền công dân của linh mục Viktor Anatoliyovych Gradomskyy, Cha sở nhà thờ chính tòa Alexander Nevsky ở Odessa.

Trong một quyết định khác, Hội đồng an ninh quốc gia Ukraine trừng phạt thêm bảy linh mục của UOC với các bản án khác nhau, bao gồm cả việc trục xuất khỏi Ukraine.

Lịch sử vắn tắt của Chính Thống Giáo tại Ukraine.

Thế giới Chính Thống Giáo không có vị lãnh đạo tương đương với Đức Giáo Hoàng trong thế giới Công Giáo. Từng quốc gia có một Giáo Hội độc lập hoàn toàn với các Giáo Hội Chính Thống ở các quốc gia khác. Có 14 Giáo Hội Chính Thống độc lập như thế, trong đó Chính Thống Giáo Nga có đông tín hữu nhất. Trong số 14 Giáo Hội này, Tòa Thượng Phụ Constantinople được gọi là Tòa Thượng Phụ Đại Kết hiểu theo hai nghĩa. Thứ nhất, Đức Thượng Phụ Đại Kết được coi là vị đứng đầu trong số 14 vị Thượng Phụ, về danh nghĩa, chứ không có quyền tài phán như Đức Giáo Hoàng trong thế giới Công Giáo. Thứ hai, các Giáo Hội tân lập ở các quốc gia có số tín hữu ít quá sẽ trực thuộc vào Tòa Thượng Phụ Constantinople cho đến khi họ được cấp tư cách độc lập qua một sắc lệnh gọi là Tomos của Tòa Thượng Phụ Constantinople.

Vào thế kỷ thứ 10, Tòa Thượng Phụ Constantinople bổ nhiệm một Tổng Giám Mục cho Kyiv và toàn Nga. Tòa Tổng Giám Mục đặt ở Kyiv. Nhưng đến thế kỷ 13 do bị Mông Cổ xâm lược, Tòa Tổng Giám Mục phải dời về Vladimir và sau đó dời sang Mạc Tư Khoa. Sau khi hết giặc Mông Cổ, Tòa Tổng Giám Mục lại đặt ở Kyiv. Dân số Chính Thống Giáo tăng mạnh nên người Nga muốn tách riêng thành một Giáo Hội khác.

Năm 1596, Đức Tổng Giám Mục Michael Rohoza của Kyiv và toàn Nga chấp nhận Hiệp Ước Brest, quay lại hiệp nhất hoàn toàn với Tòa Thánh, và đưa các giáo xứ của mình vào Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương.

Chính Thống Giáo Nga được cấp Tomos để thành lập một Giáo Hội Chính Thống riêng và theo Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô giải thích vào năm 2018, Chính Thống Giáo Nga được Tòa Thượng Phụ Đại Kết ủy quyền chăm sóc cho Chính Thống Giáo Ukraine. Nói cách khác, Chính Thống Giáo Ukraine vẫn thuộc quyền tài phán của Tòa Thượng Phụ Constatinople, không phải Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Thượng Phụ Kirill phản đối giải thích này.

Trong thời kỳ cộng sản, tại Ukraine chỉ có một Giáo Hội Chính Thống là Giáo Hội Chính Thống trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Sau khi cộng sản sụp đổ, tại Ukraine có đến 3 Giáo Hội Chính Thống. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Nga trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Hai nhóm Chính Thống Giáo thứ hai và thứ ba của Ukraine đã nhập lại thành một. Hôm 5 tháng Giêng, 2019, trước sự hiện diện của các thành viên phái đoàn chính phủ Ukraine Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Tòa Thượng Phụ Constantinope đã ký kết Tomos, tức là sắc lệnh công nhận Chính Thống Giáo Ukraine, gọi tắt là OCU, là một Giáo Hội Chính Thống độc lập, và trao Tomos cho Đức Thượng Phụ Epiphaniy của Kyiv và Toàn Ukraine.

Phản ứng lại, Thượng Phụ Kirill đoạn giao với Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, cấm các linh mục hiệp thông thánh thể với Chính Thống Giáo Constantinope, và không được cầu nguyện cho Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô.

Sau khi Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cấp Tomos cho OCU, thế giới Chính Thống Giáo có 15 Giáo Hội Chính Thống độc lập. Nếu kể thêm Giáo Hội Chính Thống ở Mỹ, thì là 16.
Source:Reuters