Đức Biển Đức XVI đã qua đi, nhưng ảnh hưởng và chứng tá của ngài vẫn còn tồn tại lâu dài trong Giáo Hội. Những ngày này, cả thế giới Công Giáo hướng về ngài, một nhà thần học cũng là một vị Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo La Mã mới từ trần. Thiết tưởng, đây cũng là dịp để kẻ viết bài này gợi lên vài suy tư đơn sơ về con người vĩ đại này.

1. Hai khía cạnh dường như tương phản trong cùng một con người:

Thời điểm năm 2005, các phương tiện truyền thông đại chúng chưa phổ biến như hiện nay, nên dù có loáng thoáng nghe qua cái tên của Hồng Y Josef Ratzinger, nhưng mình không biết mặt ngài. Lần đầu tiên mình biết mặt ngài là trong tang lễ của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Thú thật, mình không mấy thiện cảm với vị Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, Hồng Y Josef Ratzinger với đôi mắt sắc lẹm, khuôn mặt nghiêm túc đến đáng sợ của ngài trong khi cử hành phụng vụ có thể làm người đối diện, nhất là những kẻ biết ngài lần đầu lúc ấy có lẽ không mấy cảm tình. Là Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin (tên cũ là Thánh Bộ) trong một thời gian dài, khi cần tranh biện và xử lý công việc, con người ấy vẫn bị mang biệt danh là Hồng Y thiết giáp / xe tăng, một biệt danh được đặt cho ngài! Bởi lẽ ngài có phong cách của một nhà hộ giáo thời hiện đại, luôn bênh vực truyền thống và chống lại chủ nghĩa tương đối trong tín lý và luân lý nơi một xã hội Tây Phương luôn tìm cách phủ nhận cội rễ văn minh Kitô giáo của mình! Ngài không ngại đối thoại, tranh biện với tất cả những luồng tư tưởng trái chiều nhờ một gia sản tinh thần phong phú.
Tuy nhiên, ẩn đằng sau vẻ ngoài có vẻ triệt để, học thuật và khó gần ấy, ngoài đời thực, người ta lại cảm nhận về một con người tính tình nho nhã, có vẻ dè dặt, phong thái khiêm nhu cho dù là một bậc thức giả lớn-không chỉ của Kitô giáo hay thế giới Tây Phương, nhưng còn ở tầm mức quốc tế nữa. Trong cuộc sống, ngài vẫn giữ lại những thói quen nhân bản đáng mến khi rất thương mèo, thích chơi piano, đam mê nhạc của Amedeus Mozart, và đam mê viết lách cho tới cuối đời.
Thế mới hay, đừng vội đánh giá người nào chỉ qua cái nhìn đầu tiên. Ấn tượng đầu tiên về một người đúng là rất quan trọng, nhưng nó không phải là tất cả những gì chúng ta biết về người đó. Cần có một cái nhìn và hiểu biết đủ sâu hơn để thấy được hình ảnh của một người một cách toàn diện chứ không phiến diện võ đoán.

2. Một Giáo Hoàng thần học gia:

Trước khi làm Giáo Hoàng được biết đến với tên gọi Biển Đức XVI (Benedictus / Benedetto / Benoit / Benedict / Bento...), thế giới thần học Kitô giáo đã nghe biết về một Josef Ratzinger-nhà thần học tên tuổi-từ lâu. Chịu chức Linh Mục lúc 24 tuổi, chỉ hai năm sau, khi 26 tuổi, ngài đã lấy bằng Tiến Sĩ Thần Học. Là một chuyên viên thần học của Công Đồng Vatican II, ngài cùng với Đức Cha Karol Wojtyla (Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II) đã đóng góp vào công đồng chung thứ XXI của Giáo Hội Công Giáo, một công đồng gần nhất trong lịch sử Giáo Hội và đã đem lại nhiều lợi ích, được ví như làn gió Hiện Xuống Mới cho đời sống Giáo Hội trong thời hiện đại. Được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục (1977) rồi chỉ ba tháng sau được vinh thăng Hồng Y, Đức Hồng Y Josef Ratzinger là một nhà thần học lớn của Giáo Hội Công Giáo của thế kỉ XX. Ngài là một nhà thần học làm Giáo Hoàng, điều khá hiếm trong lịch sử Giáo Hội. Trong lịch sử các Giáo Hoàng, người ta thấy có những Giáo Hoàng là những triết gia (Đức Hyginô, Đức Gioan Phaolô II....), luật gia (Đức Urbanô VIII...), văn sĩ thi sĩ (Đức Piô II...), kiến trúc sư (Đức Julius II...), khoa học gia và là nhà toán học (Đức Sylvester II...), học giả (Đức Biển Đức XIV...). Chúng ta có nhiều nhà thần học, nhưng một nhà thần học làm Giáo Hoàng, thì không nhiều. Người ta có thể kể ra Lêô Cả (Thánh Leo I 400-461), Grêgôriô Cả (Thánh Gregory I 540-604), hay Lêô IX (Thánh Leo IX 1002-1054) như là những Giáo Hoàng thần học gia lớn. Cách đặc biệt hai vị đầu tiên là những giáo phụ và là những Tiến Sĩ Hội Thánh lớn của Giáo Hội Latin thời cổ đại và đầu thời trung cổ. Đúng là có nhiều Giáo Hoàng là giáo sư thần học nhưng là thần học gia thượng thặng thì khá hiếm. Cách quãng quá lâu để Giáo Hội lại có một Giáo Hoàng thần học gia như Đức Biển Đức XVI. Chắc chắn là người ta còn cần một thời gian dài để tìm hiểu, học hỏi và hấp thụ những di sản tinh thần do ngài để lại.
Trong những ngày qua, người ta xem nhiều hình ảnh hay thước phim về cuộc đời vị Giáo Hoàng thần học gia quá cố. Điều đó là tốt. Nhưng có một cách để chúng ta vinh danh ngài và nhớ về ngài, đó là tìm hiểu, đọc và học hỏi những gì ngài viết ra. Đó là một cách mang ơn ngài rất cụ thể! Không phải kẻ viết bài này tìm cách tôn vinh những lãnh tụ của mình cách quá đáng, song đó là một sự thật mà đơn giản là chúng ta cần trân trọng.

3. Một đời sống chứng tá trung thành với giáo huấn Công Giáo:

Tuy là một thần học gia, sự khôn ngoan nơi ngài không chỉ phát xuất từ những tri thức mang tính thông tin ngài lãnh hội được trong quá trình học hành, suy tư và giảng dạy. Nó có nguồn gốc từ một đời sống chứng tá trung thành với giáo huấn Công Giáo. Được biết đến như một nhân vật điển hình cho nhóm bảo thủ và truyền thống, Đức Biển Đức XVI thường bênh vực và cho thấy tính hợp lý của giáo huấn truyền thống của Công Giáo vốn đang phải đối diện với biết bao phản đối, chỉ trích từ các luồng văn hóa, lối sống và triết học hiện đại. Có những luồng chỉ trích mang tính xây dựng, có những luồng chỉ trích ôn hòa, và cũng có những luồng chỉ trích đầy ác ý. Như biết bao vị “lãnh đạo” khác thường phải “lãnh đạn”, Đức Biển Đức XVI không tránh khỏi những chỉ trích. Ngài được coi là quá bảo thủ và truyền thống trong suy tư và quan điểm thần học luân lý. Ngài bị cho là người thích rườm rà màu mè trong những bộ lễ phục giáo hoàng khi giới thiệu lại những lễ phục tiền Công Đồng Vatican II, một động thái được những người cấp tiến hay thậm chí thuộc phái ôn hòa cho được coi là “đi lùi” so với nỗ lực cải cách phụng vụ bắt đầu từ thời các vị Giáo Hoàng như Phaolô VI, Gioan Phaolô I và Gioan Phaolô II. Ngài cũng thường bị hiểu sai bởi những trích dẫn trong các bài diễn văn của mình, vì những lời ngài nói đòi hỏi một vốn tri thức tinh thần cao độ để hiểu, một vốn liếng thường có nơi các nhà trí thức hơn là quảng đại quần chúng. Vào cuối đời, Ngài cũng bị người ta vu oan là thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ. Chính ngài thú nhận đã đau khổ nhiều vì những khó khăn xảy ra trong Giáo Hội những thập niên gần đây. Đó cũng là thực tế cuộc sống thôi, vì nhân vô thập toàn! Khi đã suy nghĩ và cầu nguyện lâu dài, ngài đi đến quyết định công bố sự thoái vị của mình vì lý do sức khỏe vào tháng 28/02/2013, gây nên một cú sốc lớn trong thế giới Công Giáo. Bởi lẽ ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên quyết định thoái vị kể từ khi Đức Grêgôriô XII thoái vị vào năm 1415 để chấm dứt cuộc Ly giáo Tây phương và là người đầu tiên làm điều này theo sáng kiến của bản thân kể từ triều đại Đức Cêlestinô V vào năm 1294. Nhiều người nhận ra sự thoái vị này là một hành động can đảm và khiêm nhường của ngài, khi chấp nhận bước vào trong bóng tối và hiệp thông với Giáo Hội bằng đời cầu nguyện âm thầm. Hành động này được nhiều người cho rằng trái ngược với việc Đức Gioan Phaolô II tiếp tục sứ vụ của ngài cho tới chết, dù dư luận có những lúc đòi ngài phải thoái vị. Mỗi vị Giáo Hoàng có cách hành động riêng, vì Đức Gioan Phaolô II coi việc trung thành với sứ vụ Phêrô của ngài là một thập giá ngài sẵn sàng ôm trọn cho tới chết, còn Đức Biển Đức XVI có lẽ có một cái nhìn về cơn khủng hoảng mà Giáo Hội đang phải đối diện cần phải có một người khác có khả năng hơn ngài đảm trách. Sự thánh thiện của Đức Biển Đức XVI tỏ hiện qua đời sống và các tác phẩm của ngài đã khiến nhiều người tin rằng ngài có thể được tuyên thánh trong tương lai, thậm chí ngài “khó” thoát khỏi tước danh Tiến Sĩ Hội Thánh thời hiện đại...

4. Một sự liên tục không đứt quãng trong Huấn Quyền các Giáo Hoàng:

Người ta vẫn truyền tai nhau câu nói dí dỏm nhưng rất thực tế: Người ta đến Roma để XEM Đức Gioan Phaolô II (vì triều giáo hoàng lâu dài nhiều kỉ lục của ngài!), để NGHE Đức Biển Đức XVI (vì những lời khôn ngoan sắc sảo và trí thông minh của Ngài) và để LÀM cùng với Đức Phanxicô (một vị giáo hoàng quan tâm tới tình hình mục vụ thực tiễn của Giáo Hội toàn cầu). Rất nhiều người tự cho là bảo thủ hay truyền thống, thậm chí có những nhóm lạc giáo, ly giáo đã sử dụng Đức Biển Đức XVI cho riêng họ khi cho rằng chỉ có ngài mới là Giáo Hoàng chân thật, còn Đức Phanxicô là Tiên Tri Giả, Giáo Hoàng giả, là Con Thú được nói đến trong Sách Khải Huyền... Những luận điệu như thế không thấy được tính liên tục không đứt quãng trong Huấn Quyền mà chính các vị Giáo Hoàng vẫn gìn giữ đối với kho tàng đức tin (fidei depositum). Dĩ nhiên, vẫn sẽ có những vấn đề khác nhau được giải quyết khác nhau vì tính tình khác biệt của từng vị, nhiều hoàn cảnh riêng rất tế nhị, kể cả ơn soi sáng của Thánh Thần ở mỗi thời khắc của Giáo Hội cũng là khác nhau nên có những khác biệt trong việc trình bày đức tin và phong hóa (luân lý) là khác nhau ở mỗi thời đại, kể cả cách hiểu về mạc khải của Chúa cũng còn là một quá trình tiệm tiến kia mà! (SGLHTCG số 95) Nếu còn tin vào Giáo Hội lữ hành thì chúng ta còn cần thấy mình chưa “xong việc”, thấy mình chưa “biết hết mọi sự”, nên vẫn phải còn vâng theo ơn soi sáng của Chúa để tiếp tục đón nhận, yêu mến và truyền lại kho tàng đức tin ấy dưới nhiều hình thức, thể hiện rất rõ qua Huấn Quyền liên tục không đứt quãng của các Giáo Hoàng. Đức Phanxicô đâu có nói gì nghịch lại với Thánh Kinh và Thánh Truyền, dù cho cách tiếp cận mục vụ của ngài được coi là mềm dẻo, thực tế và mang tính linh hoạt hơn, phù hợp hơn đối với một thế giới hôm nay nhiều thương tổn và đau khổ như một thứ “bệnh viện dã chiến” mà ngài nói tới nhiều lần. Đức Phanxicô cũng nhiều lần ghé thăm và gọi điện thoại cho Đức Biển Đức XVI và giữa hai vị luôn có tình huynh đệ giao hảo thực sự chứ không phải một sự diễn xuất giả tạo như nhiều người lầm tưởng và kết án. Chính Đức Phanxicô nhiều lần tỏ lòng quý trọng và biết ơn vị tiền nhiệm của mình là Đức Biển Đức XVI, và ngược lại, Đức Biển Đức XVI tuyên bố hoàn toàn vâng phục và yêu mến Đức Phanxicô, chúng ta lại không bắt chước các ngài sao? Chúng ta hãy quý mến Đức Gioan Phaolô II, chúng ta cũng hãy quý mến Đức Biển Đức XVI và hãy cũng một lòng quý mến như thế đối với Đức Phanxicô và cả những vị kế nhiệm ngài nữa. Chẳng phải Đức Giêsu đã phán: “Hỡi Phêrô, con là Đá, và trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng được” (Mt 16,18) đó sao?

Đức Biển Đức XVI đã qua đi, nhưng ảnh hưởng và chứng tá của ngài vẫn còn tồn tại lâu dài trong Giáo Hội. Giữa một thế giới nhiều biến động và khủng hoảng, đời sống chứng tá của vị Giáo Hoàng này sẽ còn là điểm tựa cần thiết của Giáo Hội, không chỉ cho thế kỉ XX, nhưng còn cho thế kỉ XXI nữa.

Con Chiên Nhỏ
Lễ An Táng Đức Biển Đức XVI
05/01/2023