“Những năm cộng tác đầu tiên với Giáo sư Ratzinger, sau đó với Đức Hồng Y Ratzinger, và sau đó với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, đối với tôi là một ân sủng thực sự của tình phụ tử thiêng liêng,” Đức Hồng Y người Áo Christoph Schönborn cho biết như trên trong một tuyên bố với báo chí, vài giờ sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Danh Dự vào ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Đức Hồng Y Tổng Giám Mục 77 tuổi của Vienna nhắc cho mọi người nhớ rằng: Đức Bênêđictô XVI “thuộc lớp những người thầy vĩ đại phải đau khổ”. Tình bạn của ngài với vị giáo hoàng người Đức, người mà ngài đã cùng làm việc từ năm 1987 đến năm 1992 trong việc chuẩn bị Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, được xuất bản dưới triều đại giáo hoàng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Ngài cũng nhắc lại việc thoái vị lịch sử của Đức Bênêđictô XVI như một hành động “dũng cảm” khiến cho thừa tác vụ của giáo hoàng trở nên “nhân bản hơn” và mở ra “một cánh cửa cho tương lai của chức vụ giáo hoàng.”

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn văn tuyên bố của Đức Hồng Y Christoph Schönborn

Đối với tôi, Đức Bênêđictô trên hết luôn là một người thầy vĩ đại. Tôi là học trò của ngài, và tôi đã được lợi ích rất nhiều từ sự giảng dạy của ngài. Nhưng tôi không phải là người học trò duy nhất của ngài: Ngài là thầy dạy cho cả Giáo hội với nền thần học đầy minh triết, sáng sủa và rõ ràng. Đối với tôi, ngoài tư cách của một bậc thầy, tôi dám nói rằng ngài còn là một người cha, bởi vì bậc thầy này không chỉ đơn thuần là một nhà giáo dục.

Đức Bênêđíctô, với tư cách là một con người, với tư cách là người hướng dẫn, là người dẫn dắt, người mở ra, người đưa ra những chân trời. Và những năm cộng tác đầu tiên với Giáo sư Ratzinger, sau đó với Đức Hồng Y Ratzinger, và sau đó với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, đối với tôi là một ân sủng thực sự của tình phụ tử thiêng liêng.

Tôi đặt các tác phẩm của Đức Bênêđictô bên cạnh các tác phẩm của Thánh Augustinô

Và rồi theo năm tháng, một tình bạn thực sự lớn dần. Đây là điều mà cá nhân tôi mắc nợ Đức Bênêđictô. Những gì còn lại của Đức Bênêđictô trên hết là công việc của ngài. Sau nhiều thế kỷ, ngài là một giáo hoàng thần học, một nhà thần học bậc thầy, và tôi đặt ngài bên cạnh các Tiến sĩ vĩ đại của Giáo hội, các Giáo phụ của Giáo hội. Trong thư viện của tôi, tôi đặt các tác phẩm của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô bên cạnh các tác phẩm của Thánh Augustinô. Bởi vì tôi nghĩ rằng ngài sẽ vẫn là một trong những người vĩ đại của thế kỷ 20, được nhớ đến trong các thế kỷ sắp tới, như Newman được nhớ đến trong thế kỷ 19, như Thánh Thomas, như Thánh Bonaventura được nhớ đến trong thế kỷ 13. Tôi nghĩ ngài thuộc hàng ngũ những bậc thầy tuyệt vời phải chịu đựng.

Ngày 11 tháng 2 năm 2013 sẽ còn mãi trong ký ức của Giáo Hội

Ngày 11 tháng 2 năm 2013, sẽ vẫn còn trong ký ức của Giáo hội: Đức Thánh Cha Bênêđictô tuyên bố rằng ngài sẽ từ bỏ Ngai Tòa Thánh Phêrô để từ nay trở đi sống như một người cầu nguyện, đã nghỉ hưu. Đó rõ ràng là một biến động, một cú sốc, nhưng tôi đã hoan nghênh nó ngay từ giây phút đầu tiên như một quyết định cá nhân cần được tôn trọng và vinh danh, và tôi nghĩ hành động này đã làm một điều gì đó cho sứ vụ giáo hoàng, cho thừa tác vụ thánh Phêrô.

Theo một cách nào đó, tôi dám nói rằng hành động này, bước thoái vị này, đã làm cho thừa tác vụ của Phêrô trở nên nhân bản hơn. Sự kiện đơn giản là Đức Giáo Hoàng có thể nói: “Tôi không còn sức nữa, những thử thách trước mắt chúng ta quá lớn, một người trẻ tuổi hơn phải đảm nhận,” là một hành động rất can đảm, rất khiêm tốn, đồng thời cũng là một hành động mở ra một cánh cửa cho tương lai của sứ vụ giáo hoàng, điều này có thể quan trọng cho tương lai.
Source:Aleteia