Có ai dám bỏ phố lên rừng không? Không phải là rừng bình thường mà là rửng trên hẻm hóc núi cách mặt đất nhiều mét. Mời quí vị cùng Nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi thăm hai giáo xứ và rảo qua hai giáo họ ở vùng Gia Lai, thuộc giáo phận Kontum này.

Sáng sớm ngày 25/12/2022, chúng tôi bay ra Gia Lai với hành lý gọn nhẹ vì quà Giáng Sinh đã gửi theo xe đến trước. Quãng đường từ cảng hàng không Pleiku đến nhà thờ De Sơmei khoảng 40 km, quãng đường dài mà con đường hơi nhỏ. Ngôi nhà thờ bằng gỗ nằm giữa vùng đất bằng phẳng, thông thoáng. Cái lạnh 18° C làm chúng tôi co ro, thèm chút nắng tự nhiên. Cha chánh xứ trẻ chào đón chúng tôi rất thân tình.

Xem Hình

Việc chuẩn bị quà và chào đón người lớn, trẻ em diễn ra nhịp nhàng, tốt đẹp. Các cháu thiếu nhi ở đây rất ngoan, xếp hàng trật tự. Vốn tiếng Việt chưa đủ để giao tiếp nên chúng bẽn lẽn, rụt rè, nên một trưởng giáo lý viên “thông dịch” nội dung của chúng tôi cho các em. Nhận đồ chơi, áo lạnh, bánh kẹo, các em vui hẳn lên. Cha xứ trẻ mới được chịu chức linh mục gần một năm, nay đã được về đây làm linh mục chánh xứ. Coi sóc 2.000 giáo dân, tất cả là dân tộc Banar sinh sống bằng nghề nông. Sau khi phát quà cho các cháu, chúng tôi dùng bữa trưa với Cha và một số người quen của Cha.

Bữa trưa mừng lễ với những món ăn “rất dân tộc”; có tiết canh dê, ruột non của dê om với lá é, cà đắng còn thịt dê hấp thì chấm với muối ớt xanh.... Câu chuyện rất vui giữa những người chưa quen biết nhau.

Sau bữa trưa, chúng tôi vội vã đi vào vùng rừng núi đúng nghĩa và đây mới thực sự là “điểm khám phá” của chuyến đi. Chỉ với 40 km đường rừng, chúng tôi thấy sao mà khó khăn hiểm trở quá! Khoảng 10 km đoạn đầu thì còn thấy thấp thoáng một vài xe gắn máy đi qua, nhưng đoạn đường kế tiếp thì quanh co, gập ghềnh, dốc cao, đường lồi lõm đang sửa, có khá nhiều bảng cảnh báo “Vực sâu nguy hiểm”. Tài xế phải là “tay lái lụa” thì khách vãng lai mới yên lòng. Dẫu vậy, quang cảnh của núi rừng rất đẹp! Đẹp hơn cả vùng Lâm Đồng. Triền núi dưới ánh nắng có màu xanh ươm vàng; dưới thung lũng có cả một làng dân tộc... mà người lạnh lùng nhất có đi qua đây cũng phải “mềm lòng” vì cảnh đẹp của tự nhiên. Con đường dẫn vào làng có những ngôi nhà gỗ đơn sơ, nhà rông, nhà xây tuềnh toàng. Đây là giáo họ Kon Jot (một trong ba giáo họ thuộc giáo xứ Kon Rơng), chỉ có 600 giáo dân, sống quây quần quanh khu vực nhà thờ gỗ.

Xe chúng tôi vừa dừng lại thì tiếng chuông nhà thờ đổ. Đó là cách cha xứ qui tụ trẻ em. Sau đó là tiếng nhạc reo vui từ dàn máy của nhà thờ. Ông già Noel của Nhóm chúng tôi giơ tay vẫy chào trong sự háo hức của đám trẻ. Người lớn đứng quanh sân. Bầu khí vui vẻ rộn ràng của một ngày lễ. Khi chúng tôi soạn quà thì có tiếng chiêng, tiếng trống vang lên; đội múa của nhà thờ cũng dàn ngang thực hiện điệu múa dân tộc theo tiếng nhạc. Cảm xúc chúng tôi dâng trào. Trong vùng cao, núi sâu hẻm hóc thế này mà có một cộng đoàn dân Chúa như thế này ư? Chúng tôi cũng nhịp nhàng trao quà; trẻ em thì cũng áo lạnh, mũ, bánh kẹo; các bà mẹ thì môt phong bì tiền mua sữa; ban đánh chiêng và đội múa có quà riêng... Nhìn các bà mẹ, chúng tôi mường tượng, hài nhi Giêsu cũng “ngọ ngoạy” tìm vú mẹ. Thế mới đúng nhỏ bé phận người! Cha xứ dáng hao gầy cứ đứng tủm tỉm cười. Cả giáo họ cùng vui. Niềm hạnh phúc len sâu vào lòng chúng tôi dù đang thấm mệt. Để đáp lại tấm lòng của khách viếng thăm, những “giáo dân nhiệt thành” đã đưa ra một thau khoai mì luộc, một thau nhỏ chuối luộc và trứng gà nấu chín. Ngồi ăn khoai mì, cha chánh xứ cho biết: “Tôi là cha phó trông coi ba giáo họ: Kon Jot có 600 giáo dân; Kon Nak có 1.500 giáo dân và Kon Pram cũng có 1.500 giáo dân. Tôi mới về đây được hơn một năm, lúc trước ở cách đây 30 km”. Cầm môt mẩu khoai mì luộc, cha ăn ngon lành, rồi nói tiếp: “Đây là vùng núi Kon Ka Kinh cao 1.740 mét so với mực nước biển. Người dân dùng nước trên núi cao dẫn về làng để sử dụng. Người dân Banar chỉ biết trồng lúa đồi và trồng khoai mì mà thôi!”.

Tôi hỏi: “ Thưa Cha, ở làng Kon Jot này cha có phát gạo để hỗ trợ dân nghèo không? Nơi này đã đầy đủ nhu cầu dân trí dân sinh chưa ạ?”. Đôi mắt trên khuôn mặt gầy guộc của cha nhìn ra xa. Cha nói tiếp: “Khi có đoàn từ thiện cho gạo, cho quà thì bản làng nhận; nhưng không thường xuyên, một năm độ mấy dịp thôi. Khi có người bị tai nạn cần cấp cứu hay sinh con, thì các cha giúp chở ra bệnh viện huyện Đak Đoa, cách đây 60 cây số. Ở Kon Jot này, mới có các cha đến ở cùng giáo dân nên chưa có nhà xứ, chưa có giếng nước, chưa có hàng quán từ thiện bán hàng giá rẻ cho bà con, chưa có nhà vệ sinh công cộng... Đó là mấy chuyện cần làm ngay.... À, chị cho bản làng xin một tủ sách được không?”. Tôi gật đầu khẽ thưa: Dạ, chắc là được ạ!

Tối hôm đó, chúng tôi phải trở về nhà thờ chính để trọ qua đêm. Khi ra về, các ông các anh quí mến bắt tay chúng tôi tạm biệt thân thiện.

Giáo xứ Kon Rơng vừa xây nhà thờ xong thì cha xứ phải nhập viện. Trước khi đi, cha giới thiệu cha phó cho chúng tôi. Thế nên chúng tôi được chăm lo rất tươm tất. Cùng ăn bữa cơm tối, cha phó làm chúng tôi hiểu được vì sao cha trôi dạt đến nơi này, dù nhà bố mẹ ở Đồng Nai. Giáo dân ở vùng này rất hay qui tụ đọc kinh. Lúc xe chúng tôi đến thì vừa tan giờ chầu. Trời lạnh thế mà người già, trẻ em vẫn đến nhà thờ. Tôi bỗng quí mến lòng sốt sắng của giáo dân ở đây nên dặn lòng ngày mai sẽ nán lại lúc 9 giờ 00 sáng để dự thánh lễ bổn mạng.

Sáng sớm hôm sau, mới 4 giờ 30 sáng mà chuông điện nhà thờ đã vang lên. Tôi bước ra cuối nhà thờ, gặp được một bạn trẻ còn cuốn chăn. Vừa lạnh run, bạn vừa nói: “Con vào ở hẳn trong nhà thờ để giúp công việc cho cha. Hôm nay, giáo xứ mừng bổn mạng, thánh Stephano”. Chúng tôi trở về phòng. Cái lạnh vùng núi có phần buốt hơn nơi khác.

Trước giờ lễ, chúng tôi thấy nhiều trẻ em vào sân nhà thờ rất sớm. Chúng tôi vào phòng lấy bánh kẹo ra phát cho các cháu đỡ nhạt miệng. Những bức ảnh ghi lại quang cảnh buổi lễ khiến chúng tôi hiểu rằng, nơi đây phải có một ngôi thánh đường tương xứng với lòng đạo sốt sắng của cộng đoàn dân Chúa, dẫu có khó khăn. Sau thánh lễ là phần liên hoan toàn giáo xứ theo cách mừng lễ của người dân tộc. Chúng tôi muốn ở lại chung vui nhưng anh tài xế người dân tộc muốn trở về nhà và hứa đưa chúng tôi đến thăm một giáo họ khác, ngay cạnh nhà anh, để tham quan và nghỉ ngơi cho đến khi ra sân bay.

Ở vùng Gia Lai, các giáo họ có nhà thờ thường làm bằng gỗ, không có ghế, giáo dân ngồi bệt xuống sàn, quì và đứng trong thánh lễ. Các lễ mừng thường có múa dân tộc, đánh cồng chiêng và uống rượu cần...

Giáo họ mà chúng tôi tạm dừng chân buổi trưa không có linh mục ở cùng giáo dân, trực thuộc giáo xứ chính (xin phép không nói tên). Nhưng vùng này, thuộc huyện Mang Yang, tương đối khá hơn vùng núi hẻm hóc nghèo nàn kia. Nhà nội trú chỉ nuôi 10 em, nhưng các học sinh đến học thêm khoảng 30 em (do cha mời dạy và trả lương) làm cho quang cảnh nhà thờ vui những bước chân. Khi thấy các em ăn mấy quả ổi xanh chấm với muối, chúng tôi tặng mỗi em một tờ tiền đủ để mua bánh ăn. Được biết, cha xứ của giáo họ này đã xây được một nhà nội trú “đúng chuẩn” dành cho các em cấp 3 người dân tộc, ở cách đó 15 km. Mỗi tháng, một em chỉ cần đóng 200 ngàn Việt Nam đồng và 13 kg gạo, còn bao nhiêu khoản chi tiêu cho việc học cấp 3 được cha lo hết. Việc cha trợ giúp cho các học sinh người dân tộc như thế làm chúng tôi xúc động và cảm phục. Ai làm việc trong ngành giáo dục thì thấy rõ giá trị quí báu của việc này.

Trời sụp tối, chúng tôi kết thúc chuyến đi trong vui vẻ. Sự nghèo khó của người dân vùng hẻm núi Gia Lai như lời mời gọi chúng tôi trở lại, trực tiếp hay gián tiếp cũng được. Hình ảnh vị linh mục nhập viện sau khi làm xong nhà thờ làm chúng tôi chùng lòng, nhưng cả một cộng đoàn đông đảo có chỗ thờ tự tươm tất thì sự hy sinh của cha cũng cân xứng biết bao! Những việc cần phải làm có “nội dung dân sinh” mà cha phó ở giáo họ Kon Jot nói với chúng tôi, chỉ cần mọi người chung tay thì “phép màu” sẽ xảy ra.

Cảm ơn lời cầu nguyện của quí thân hữu, Chúa đã chúc phúc cho chúng tôi trong hành trình này.