1. Ngoại trưởng Nga tấn công uy tín của Tòa Thánh sau những nhận xét bị cho là mang tính phân biệt chủng tộc của Đức Giáo Hoàng

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một bình luận được xem như một lời bào chữa gián tiếp cho Mạc Tư Khoa, bằng cách nói rằng bản thân người Nga có thể không khát máu như được mô tả. Ngài nói:

“Như thường lệ, những kẻ tàn ác nhất có lẽ là những người đến từ Nga, nhưng không tuân theo truyền thống Nga, chẳng hạn như người Chechnya, người Buryats, vân vân,” Đức Thánh Cha nói như trên khi đề cập đến hai sắc dân thiểu số thường bị quân Nga đẩy ra tiền tuyến trong các cuộc xung đột của Nga.

Người Nga đã không hiểu hay cố ý không hiểu thiện chí của Đức Thánh Cha. Thông tấn xã TASS của nhà nước Nga cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov chỉ ra rằng những nhận xét mang tính phân biệt chủng tộc gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô về các quân nhân Nga thuộc sắc tộc Chechnya và Buryat tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã làm suy yếu uy tín của Vatican.

Ông Lavrov nói: “Gần đây, có một tuyên bố rất khó hiểu, hoàn toàn không phải là Kitô giáo, đã phân loại hai sắc dân của Liên bang Nga thành những người mà từ đó chúng ta có thể mong đợi những hành động tàn bạo trong các cuộc chiến. Chúng tôi đã phản ứng với điều đó, Vùng Buryatia và Cộng hòa Chechnya đã làm như vậy. Điều đó chắc chắn không nâng cao uy tín của Tòa thánh,” ông Lavrov nói trong một cuộc họp báo về các vấn đề an ninh Âu Châu hôm thứ Năm.
Source:TASS

2. Tòa Thánh xác nhận các trang web bị tấn công

Trang web chính thức của Vatican đã bị đánh sập trong một cuộc tấn công mạng bị nghi ngờ, chỉ vài ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô bị Mạc Tư Khoa chỉ trích vì những nhận xét rằng mới đây trong đó ngài lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Trang web của Vatican, nơi các tín hữu có thể tìm thấy những lời cầu nguyện, thư từ và thông báo của Đức Giáo Hoàng, đã bị tắt vào thứ Tư. Các phần của trang web vẫn ngừng hoạt động vào sáng thứ Năm, với các thông báo lỗi cho khách truy cập.

Vụ tấn công xảy ra sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô đổ lỗi cho Nga về cuộc xâm lược Ukraine. Những nhận xét trước đây của ngài về cuộc chiến có vẻ dè dặt hơn.

Hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy ai là người chịu trách nhiệm cho một cuộc tấn công mạng quá hiển nhiên này.

Phát ngôn nhân của Tòa thánh, Matteo Bruni, nói với Reuters: “Các cuộc điều tra kỹ thuật đang diễn ra do những nỗ lực truy cập các trang web một cách đông đảo bất thường.”

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với tạp chí America của Dòng Tên: “Khi tôi nói về Ukraine, tôi nói về một dân tộc tử vì đạo.”

“Chắc chắn kẻ xâm lược là nhà nước Nga. Điều này rất rõ ràng.”

“Đôi khi tôi cố gắng không nói rõ để không xúc phạm và thay vào đó là lên án chung chung, mặc dù ai cũng biết tôi đang lên án ai.”

Đức Thánh Cha Phanxicô, 85 tuổi, có các tài khoản truyền thông xã hội tích cực trên web, và Twitter từ tài khoản @Pontifex. Đức Giáo Hoàng người Á Căn Đình được coi là một nhà cải cách cấp tiến hơn của Vatican và được biết đến với những nhận xét thẳng thắn về biến đổi khí hậu.

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.

Vào năm 2020, các nhà nghiên cứu an ninh mạng Recorded Future đã phát hiện ra một cuộc tấn công mạng của Trung Quốc vào mạng máy tính nội bộ của Vatican. Cuộc tấn công đã sử dụng phần mềm độc hại “Trojan” để xâm nhập vào các hệ thống của Tòa thánh. Các điện tặc Trung Quốc đã gửi một email cho một quan chức Vatican ở Hương Cảng.

Khi email được mở ra, nó cho phép tin tặc cố gắng truy cập thông tin cá nhân về các kế hoạch đàm phán của Giáo Hội Công Giáo với nhà cầm quyền Trung Quốc.

Vào năm 2019, Vatican cũng đã ra mắt ứng dụng Chuỗi Mân Côi để theo dõi những lời cầu nguyện, ứng dụng này đã bị hack để lấy cắp thông tin chi tiết của người dùng trong vòng vài phút.
Source:Telegraph

3. Tiến sĩ George Weigel bàn về tội diệt chủng ở Ukraine

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “GENOCIDE IN UKRAINE?”, nghĩa là “Tội diệt chủng ở Ukraine thì sao?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Bản ghi nhớ cho các thành viên mới được bầu của Quốc hội như JD Vance và cả những người đương nhiệm như Josh Hawley và Kevin McCarthy: Đã đến lúc ngừng hô các khẩu hiệu như “Nước Mỹ trên hết!” và “Không có chi phiếu khống nào cho Ukraine!”, và hãy nghiêm túc về những gì đang xảy ra ở Đông Âu.

Một tài liệu tốt để bắt đầu là xem lại Công ước diệt chủng năm 1948. Hiệp ước đó, mà Hoa Kỳ là một bên ký tên, đã định nghĩa “diệt chủng” là

bất kỳ hành vi nào sau đây được thực hiện với ý định tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một nhóm quốc gia, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo, như: (a) giết các thành viên của nhóm; (b) gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần cho các thành viên của nhóm; (c) cố tình tạo ra các điều kiện sống của nhóm được tính toán để dẫn đến sự hủy diệt toàn bộ hoặc một phần về thể chất của nhóm đó; (d) áp dụng các biện pháp nhằm ngăn ngừa sinh đẻ trong nhóm; (e) buộc chuyển trẻ em của nhóm này sang nhóm khác.

Nhà sử học Timothy Snyder của Đại học Yale cho rằng, được đo lường theo các tiêu chí của Công ước diệt chủng (mà Nga là một bên tham gia), cuộc chiến của Nga ở Ukraine là tội ác diệt chủng. Nhận định đó được chia sẻ bởi các nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, những người đã cố gắng giải thích tình hình của Ukraine cho Đức Thánh Cha Phanxicô chính xác bằng những thuật ngữ đó. Trong một bài giảng gần đây, Giáo sư Snyder đã khuếch đại trường hợp buộc tội diệt chủng đối với Nga bằng cách xác định thêm các “dấu hiệu” về ý định và hoạt động diệt chủng, được rút ra từ nghiên cứu của ông về các cuộc xâm lược diệt chủng trong nhiều thế kỷ qua. Những “điểm nổi bật” đó bao gồm việc phủ nhận tư cách nhà nước của những người mà thực dân muốn kiểm soát; tuyên bố rằng một dân tộc hoặc quốc gia lịch sử không phải là như thế; phủ nhận nhân tính của người khác; từ chối thừa nhận rằng một người trước đó đã phạm tội diệt chủng đối với một nhóm dân cư nhất định; tuyên truyền các lý thuyết “thay thế” trong đó tuyên bố rằng “những người khác đang chiếm không gian của chúng ta nên chúng ta sẽ phải lấy lại”; và làm quá tải mạch khái niệm của thế giới bằng cách thực hiện quá nhiều hành động tàn ác đến nỗi những người không bị ảnh hưởng trực tiếp phải sửng sốt, đặt câu hỏi liệu những gì đang diễn ra có thực sự là “diệt chủng” hay không.

Ngoài việc đáp ứng các tiêu chí của Công ước diệt chủng, làm thế nào để cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine minh họa cho những “dấu hiệu” khác của Giáo sư Snyder về ý định và hành động diệt chủng?

Phủ nhận tư cách nhà nước và quốc gia. Tổng thống Nga Vladimir Putin, người có những tuyên bố được củng cố bởi một lịch sử tôn giáo sai lầm do các nhà chức trách cấp cao của Giáo Hội Chính thống Nga tuyên truyền, đã phủ nhận rằng người Ukraine là một quốc gia thực sự và Ukraine là một quốc gia thực sự, ít nhất là kể từ năm 2011. Kể từ đó, nhà độc tài đã tiếp tục sự quanh co đó, đặc biệt là trong khi chiếm đóng (và hiện tuyên bố đã sáp nhập) những vùng đất rộng lớn ở miền đông Ukraine. Putin cũng đã sử dụng ngôn ngữ diệt chủng một cách công khai trong những ngày ngay trước khi phát động cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2 vừa qua.

Phi nhân hóa và ma quỷ hóa. Cái cớ của Putin để xâm lược một nước láng giềng hòa bình, không đe dọa là vì đó là một quốc gia phát xít do “Đức quốc xã” cai trị. Tuyên truyền của Nga trong chiến tranh đã liên tục mô tả người Ukraine là những người bị quỷ ám hoặc quỷ Satan - và do đó là một sự sỉ nhục đối với chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo mà Putin tuyên bố một cách kỳ cục như là sự biện minh cho chế độ của ông ta và các hành động của nó.

Dịch chuyển / Thay thế. Putin và bộ máy tuyên truyền của ông ta đã tuyên bố rằng những cư dân hợp pháp của lãnh thổ mà ngày nay là Ukraine đều là người Nga, và bị bắt làm nô lệ cho một âm mưu quốc tế thao túng các nhà lãnh đạo của Ukraine mà ông ta cho là soán ngôi, bất kể họ được bầu lên một cách dân chủ. Putin cho rằng nếu những kẻ soán ngôi có thể bị tiêu diệt, trật tự đúng đắn sẽ được khôi phục. Lập luận tồi tệ này là một đặc điểm chính trong tuyên truyền trên truyền hình của Nga, ngay cả khi hơn 100,000 trẻ em Ukraine đã bị đưa đến Nga để bị “Nga hóa”.

Phủ nhận các hành vi diệt chủng trước đây. Nước Nga của Putin tiếp tục phủ nhận rằng Liên Xô của Stalin đã tiến hành một chương trình bỏ đói hàng loạt người ở Ukraine trong hai năm 1932 và 1933, trong một cuộc diệt chủng có động cơ chính trị, đã giết chết ít nhất bẩy triệu người. Họ coi đó là một “thảm họa tự nhiên”. Nỗ lực của Nga ngày nay nhằm cắt nước, điện và lương thực ở Ukraine không thể không gợi lại tính chất cầm thú trong nạn đói khủng bố thời Stalinin được gọi là Holodomor.

Sự nhạy cảm và lương tâm bị lu mờ bởi những lời nói dối liên tục về vụ giết người hàng loạt. Các cơ quan điều tra quốc tế đã xác nhận tội ác diệt chủng của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, việc các nhà tuyên truyền Nga và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov liên tục phủ nhận những thực tế này có thể đã làm lu mờ sự nhạy cảm của thế giới – như chúng đã bị lu mờ ở Balkan và Rwanda trong những năm 1990; vì ngày nay họ đang bị lu mờ trước nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc.

Bài giảng dài hai mươi phút của Giáo sư Snyder có sẵn trên YouTube: “Timothy Snyder: 6 bước để chứng minh tội ác diệt chủng của Nga ở Ukraine.” Bất kỳ thành viên nào của Hạ viện hoặc Thượng viện Hoa Kỳ muốn tham gia cuộc tranh luận về Ukraine một cách nghiêm túc về mặt đạo đức dưới ánh sáng của các thông tin khách quan cần phải xem video này.
Source:First Things