1. Đức Giám Mục Kharkiv nói về tình trạng địa phương khi mùa đông sắp đến

Trong một cuộc phỏng vấn với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, Đức Cha Vasyl Volodymyr Tuchapets nói về những khó khăn mà người Ukraine đã phải vật lộn và những thử thách sắp tới.

Khi chiến tranh bước sang tháng thứ chín, tổ chức giáo hoàng Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là CAN, đã nói chuyện với Đức Cha Vasylij Tuchapets, Giám mục Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương của Kharkiv, trong chuyến thăm trụ sở của tổ chức bác ái, về tầm quan trọng của việc ở lại với người dân, cách chiến tranh đã ảnh hưởng đến công việc mục vụ và các nhu cầu ở miền đông Ukraine khi mùa đông đến gần.

Vào ngày đầu tiên của cuộc xâm lược, Đức Cha Vasylij thức dậy lúc 5 giờ sáng vì tiếng nổ khi quân Nga bắt đầu ném bom Kharkiv. Trên đường đến nhà thờ, ngài thấy mọi người hoảng sợ, nhiều người cố gắng đến nhà ga với hành lý của họ. Giao thông thành phố đã không hoạt động và có những người xếp hàng dài tại các trạm xăng dầu.

Lời chỉ dẫn đầu tiên của ngài vào ngày hôm đó là tất cả các linh mục nên ở lại giáo xứ của họ, gần gũi với các tín hữu được giao phó cho các ngài. Đồng thời, sự an toàn của gia đình các ngài cần được chăm sóc và chú ý, vì hầu hết các giáo sĩ thuộc giáo phận Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đều có vợ và con.

Một buổi tối sau thánh lễ, vị giám mục đang rời nhà thờ thì một nhóm thanh niên địa phương tiếp cận với ngài, những người mà ngài chưa từng thấy trong nhà thờ. “Cảm ơn Đức Cha đã ở lại với chúng tôi,” họ nói. Đức Cha Vasylij nói: “Người ta không nên sợ hãi, và Chúa sẽ ban phước cho họ. Nếu một linh mục bỏ chạy, tất cả mọi người đều thua cuộc”.

Giáo phận Kharkiv, mới được thành lập vào năm 2014, trải rộng trên 84,000 km vuông - gần bằng diện tích của nước Áo - và bao gồm ba vùng Kharkiv, Poltava và Sumy, với tổng dân số hơn năm triệu người. Khu vực theo truyền thống Chính thống giáo này đã bị tục hóa nặng nề trong thời Liên Xô.

Đức Cha cho biết: “Chúng tôi bắt đầu công việc của mình với các tín hữu Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, chủ yếu gồm các cựu sinh viên đại học ở lại Kharkiv, và các cựu sinh viên bị trục xuất đến Siberia,” nhưng hiện nay hầu hết giáo dân là người địa phương đã tìm thấy đức tin của mình thông qua tiếp xúc với các giáo xứ của chúng tôi.

Đức Cha Vasylij lưu ý rằng việc chăm sóc mục vụ đang thay đổi theo chiến tranh. Nhiều người đã bỏ đi, nhưng những người mới cũng đã đến, tìm kiếm sự giúp đỡ và trú ẩn. Mọi người đến các nhà thờ Kharkiv mỗi ngày, không chỉ để nhận viện trợ nhân đạo. Họ có câu hỏi và đang tìm kiếm câu trả lời. “Hầu hết những người đến cầu nguyện bây giờ là những người bắt đầu đến trong chiến tranh. Đôi khi, sau nhiều năm chung sống, họ yêu cầu kết hôn hoặc làm lễ rửa tội cho con cái.”

Trẻ em cũng đến nhà thờ, thường sau khi trải qua nhiều tháng sống ẩn dật trong nhà của chúng, hoặc trong các tầng hầm và mái ấm. Các chị em và các hoạt náo viên tổ chức các trò chơi, cuộc thi, các buổi họp và dạy giáo lý hai lần một tuần cho những ai có thiện chí. Đối với một số người, đó là lần đầu tiên họ tiếp xúc với lời cầu nguyện. Đức Cha nói: “Các lớp học ở trường đều trực tuyến vì lý do an ninh.

Viện trợ bắt đầu đến Kharkiv ngay sau khi chiến tranh bắt đầu. Theo thời gian, các linh mục và tình nguyện viên đã trở nên thành thạo trong việc phân loại thực phẩm, quần áo, sản phẩm vệ sinh, đồ dùng cho trẻ em, v.v. để họ có thể nhanh chóng cung cấp cho mọi người những gì họ cần. Từ 1.500 đến 2.000 người vẫn đến nhà thờ để được cứu trợ, từ khắp nơi trong thành phố, bởi vì ở đây họ có thể nhận được nhiều mặt hàng khác nhau ở cùng một nơi.

Tuy nhiên, việc phân phối viện trợ đã giảm từ ba ngày một tuần xuống còn một, một phần vì khan hiếm hàng hóa, nhưng cũng để dự trữ nguồn cung cấp cho mùa thu và mùa đông, cho những người tị nạn mới. Các ngôi làng địa phương đã bị tàn phá nặng nề bởi trận pháo kích của Nga, vì vậy người dân tìm kiếm nơi trú ẩn trong thành phố.

2. Lễ Halloween xói mòn những chân lý của đức tin Công Giáo

Trong thư gởi tất cả các tín hữu trong giáo phận Santa Rosa, Đức Cha Rinaldo Fidel Bredice nhận định rằng lễ ngoại giáo Halloween đang xói mòn những chân lý vĩnh cửu của đức tin Kitô Giáo và khích lệ các tín hữu hãy cử hành xứng đáng ngày lễ Các Thánh ngày 1/11 và Lễ Các Linh Hồn 2/11.

“Việc rao giảng chân lý là vũ khí của chúng ta: chúng ta hãy lợi dụng ngày Lễ Các Thánh và Lễ Nhớ Các Đẳng Linh Hồn để công bố 4 điều sau cùng này: sự chết, phán xét, hỏa ngục, và thiên đàng”

“Chúng ta hãy cảm thấy khích lệ để thi hành công việc bác ái là ‘cầu nguyện cho kẻ chết’ (qua lời cầu nguyện riêng, việc lần chuỗi Mân Côi, giờ đền tạ và quan trọng nhất là Thánh Lễ. Chúng ta hãy viếng thăm mộ phần của họ để vinh danh nguồn cội của chúng ta và ý thức hơn về sự tạm bợ của cõi đời này. Qua đó, chúng ta chiếu rõi ánh sáng đức tin trên anh chị em chúng ta và trên tất cả những người thiện chí”.

Cuối cùng, Đức Cha Bredice giải thích những lầm lạc trong lễ Halloween và thúc giục mọi người đừng dự phần trong lễ này.

3. Tại sao chúng ta sợ chết, phân tích của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16

Nhân tháng các linh hồn, chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em một phân tích rất sâu sắc của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nhân ngày lễ các đẳng linh hồn 2 tháng 11, 2011.

Trong bài huấn dụ tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục, ngài đã gợi lên vài tư tưởng liên quan tới cái chết và cuộc sống mai sau. Ngài phân tích những lý do chúng ta sợ chết và nhấn mạnh rằng đối với các tín hữu Kitô cái chết phải được soi sáng bởi sự phục sinh của Chúa Kitô, và ngày lễ kính các đẳng linh hồn phải là dịp để họ canh tân niềm tin nơi cuộc sống vĩnh cửu.

Đức Bênêđíctô thứ 16 nói:

Trong thế giới bị tục hóa của chúng ta, đức tin dường như khó lý giải được. Chúng ta đối diện với một chủ nghĩa vô thần “thực tiễn”. Đó là một xu hướng nghĩ và sống như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu. Tuy nhiên, một khi chúng ta loại bỏ Thiên Chúa khỏi cuộc sống của mình, chúng ta bị giản lược lại vì nhân phẩm cao nhất của chúng ta hệ tại nơi việc được tạo thành bởi Thiên Chúa và được mời gọi sống hiệp thông với Ngài.

Trong tư cách là các tín hữu, chúng ta cần trao ra các lý do thật thuyết phục cho đức tin và niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta có thể tìm thấy những lý do như thế trong chính trật tự và vẻ đẹp của tự nhiên, là điều nói lên Đấng Tạo Hóa của nó; và trong lòng khao khát sự hiện diện đời đời, là điều chỉ tìm được sự thỏa mãn trong Chúa mà thôi; cũng như trong đức tin là điều soi sáng và chuyển hóa cuộc sống chúng ta qua sự kết hiệp hàng ngày với Thiên Chúa.

Ngài nói tiếp rằng:

Cái chết thường là một đề tài cấm kỵ trong xã hội của chúng ta, và người ta thường liên tục cố ý lấy khỏi tâm trí chúng ta ý tưởng về cái chết. Nhưng, cái chết liên quan tới từng người trong chúng ta, liên quan tới con người thuộc mọi thời đại và mọi nơi chốn. Chính trước mầu nhiệm ấy chúng ta tất cả tìm kiếm một cái gì đó mời gọi chúng ta hy vọng, cả khi một cách vô thức, một dấu hiệu trao ban ủi an cho chúng ta, mở ra mở một chân trời nào đó, cống hiến một tương lai nào đó. Thật ra, con đường của cái chết là một con đường của niềm hy vọng, và bước đi trong các nghĩa trang cũng như đọc những gì viết trên các nấm mồ là bước đi trên một con đường được ghi dấu bởi niềm hy vọng của sự vĩnh cửu. Thế nhưng tại sao chúng ta lại cảm thấy sợ hãi trước cái chết?

Có nhiều câu trả lời: chúng ta sợ hãi trước cái chết, bởi vì chúng ta sợ hãi sự hư vô, sợ hãi cuộc ra đi về một cái gì mà chúng ta không hiểu và không quen hiết. Và khi đó trong chúng ta có ý thức khước từ, bởi vì chúng ta không thể chấp nhận rằng những gì là xinh đẹp và cao cả đã được thực hiện trong toàn cuộc sống bất thình lình bị xóa bỏ và rơi vào vực thẳm hư không. Nhất là chúng ta cảm thấy rằng tình yêu nhắc tới và đòi hỏi sự vĩnh cửu, và chúng ta không thể chấp nhận rằng nó bị hủy diệt bởi cái chết trong một chốc lát.

Ngày nay bề ngoài, xem ra thế giới đã trở thành lý sự hơn, hay đúng hơn có khuynh hướng phổ biến cho rằng mọi thực tại đều phải được soi sáng dưới các tiêu chuẩn của khoa học thực nghiệm; và kể cả cái chết cũng phải được soi sáng không phải bằng đức tin nhưng từ các hiểu biết thực nghiệm.

Anh chị thân mến, lễ Các Thánh và lễ Tưởng niệm mọi tín hữu đã qua đời nói với chúng ta rằng chỉ có những ai thừa nhận một niềm hy vọng lớn lao trong cái chết, mới có thể sống một cuộc sống bắt đầu bằng sự hy vọng. Nếu chúng ta chỉ giản lược con người vào chiều kích hàng ngang, vào điều chúng ta có thể trực giác được một cách cảm nghiệm, thì chính cuộc sống sẽ mất đi ý nghĩa sâu xa của nó. Con người cần sự vĩnh cửu, và mỗi một niềm hy vọng khác đối với nó đều qúa ngắn ngủi, đều qúa hạn hẹp... Chỉ có thể giải thích được con người, nếu có một Tình Yêu vượt ngoài mọi sự cô đơn, kể cả sự cô đơn của cái chết, trong một sự toàn vẹn vượt ngoài không gian và thời gian. Con người chỉ có thể giải thích được và tìm thấy ý nghĩa sâu thẳm của nó, nếu có Thiên Chúa. Và chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã ra khỏi sự xa cách của Người để đến gần chúng ta; Người đã bước vào cuộc sống chúng ta và nói với chúng ta rằng: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin nơi Ta cả khi chết cũng sẽ sống; ai sống và tin nơi Ta sẽ không phải chết đời đời” (Ga 11,25-26).

Chúng ta hãy nghĩ tới cảnh trên Núi Sọ và nghe lại các lời Chúa Giêsu, từ trên Thập Giá, nói với người tội phạm bị đóng đanh bên phải Người: “Tôi bảo thật anh: hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43). Chúng ta hãy nghĩ tới các môn đệ trên đường về làng Emmaus, sau khi đi một đoạn đường dài với Chúa Giêsu phục sinh, họ nhận ra Người và mau mắn trở về Giêrusalem để loan báo sự Phục Sinh của Chúa (x. Lc 24,13-35). Trong tâm trí họ vang vọng rõ ràng lời của Thầy: “Các con đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ; nếu không Thầy đã không bao giờ nói với các con: “Thầy đi dọn chỗ cho các con” (Ga 14,1-2).

Thiên Chúa đã thực sự tỏ hiện ra và có thể đạt tới được; Người đã yêu thương thế gian “đến độ ban Con Một mình, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Và trong cử chỉ tuyệt đỉnh của tình yêu của Thập Giá, bằng cách dìm mình trong vực thẳm của sự chết, Người đã thắng cái chết và sống lại Người cũng đã mở cho chúng ta cánh cửa của sự vĩnh cửu. Chúa Kitô nâng đỡ chúng ta vượt qua đêm đen của cái chết mà chính Người đã đi qua; Người là Mục Tử, và chúng ta có thể tin cậy nơi sự dẫn dắt của Người mà không sợ hãi, bởi vì Người biết rõ đường đi, cả khi có phải qua tăm tối.

Mỗi Chúa Nhật khi đọc kinh Tin Kính, chúng ta tái khẳng định chân lý này. Và khi đến thăm các nghĩa trang để cầu nguyện cho những người đã chết với lòng yêu thương trìu mến, một lần nữa chúng ta được mời gọi can đảm mạnh mẽ canh tân niềm tin của chúng ta nơi cuộc sống vĩnh cửu, còn hơn thế nữa chúng ta được mời gọi sống với niềm hy vọng cao cả và làm chứng cho niềm hy vọng đó trước thế giới: đàng sau hiện tại không có sự hư vô. Và chính niềm tin nơi cuộc sống vĩnh cửu trao ban cho kitô hữu sự can đảm yêu thương trái đất này một cách mạnh mẽ hơn nữa, và làm việc để xây dựng một tương lai, và trao ban cho trái đất một niềm hy vọng chắc chắn, đích thật.