1. Lo âu vì số sinh viên thần học tại Áo giảm sút

Số sinh viên của các khoa thần học tại các đại học Nhà nước ở Áo tiếp tục giảm sút.

Tại Áo cũng như tại Đức, ngoài các linh mục và tu sĩ, cũng có nhiều giáo dân học thần học để có thể hành nghề trong ngành giảng huấn hoặc trở thành các nhân viên của Giáo Hội Công Giáo hoặc Tin lành.

Trong bản tin truyền đi ngày 03 tháng Mười vừa qua, hãng tin Công Giáo Kathpress cho biết phân khoa thần học ở Đại học Innsbruck có 182 sinh viên ban thần học, nhưng năm ngoái chỉ còn 98. Tại đại học Salzburg, con số này giảm từ 177 xuống còn 87 sinh viên. Tại khoa thần học ở Đại học Vienne, sự giảm sút quá gấp đôi từ 601 xuống còn 286 sinh viên.

Theo giáo sư thần học mục vụ Johann Pock, Khoa trưởng Khoa thần học Công Giáo ở Đại học Vienne, có nhiều lý do giải thích hiện tượng trên đây: một đàng, có nhiều cấp độ khác biệt trong các môn học, và đàng khác, Giáo hội không còn là một “chủ nhân hấp dẫn trong công ăn việc làm đối với nhiều người”. Ngày nay, các sinh viên có thể chọn lựa nhiều môn học hơn, từ đạo đức học cho tới các môn học tôn giáo. Ngoài ra, những vụ xì-căng-đan giáo sĩ lạm dụng tính dục cũng góp phần làm cho Giáo hội trở nên bớt sức thu hút đối với các sinh viên. Thêm vào đó, trong thời gian gần đây, chính các đại học cũng thiếu các chuyên gia thần học.

Tuy nhiên, có một luật trừ: Đại học Thánh Giá của dòng Xitô, gần thủ đô Vienne, với khoa triết và thần học Biển Đức XVI, có số sinh viên gia tăng và hiện có 331 sinh viên, trong đó có 286 sinh viên học về thần học chuyên môn, trong số này có 177 chủng sinh và tu sinh, phần lớn họ đến từ Đức và Áo. Đây là một sự gia tăng đáng kể, vì 10 năm trước đây, trong Đại học Thánh Giá các khoa ứng dụng chỉ có 235 sinh viên.

Theo giáo sư Pock, sự gia tăng số sinh viên tại đại học này là vì phương thức thần học được giảng dạy tại đó: nghĩa là can dự nhiều vào đời sống tôn giáo, đặc biệt có sức thu hút trong viễn tượng linh mục”.

2. Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo rằng việc Nga tuyên bố sáp nhập lãnh thổ Ukraine có thể làm trầm trọng thêm tình trạng vi phạm nhân quyền trong khu vực

Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Ba rằng việc Nga tuyên bố sáp nhập lãnh thổ Ukraine sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng vi phạm nhân quyền. Cơ quan này cho biết như trên khi nêu ra “sự đau khổ và tàn phá không thể kể xiết” đối với người dân Ukraine.

Christian Salazar Volkmann, đã trình bày báo cáo về các quyền ở Ukraine cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva, cho biết các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã ghi nhận “một loạt các vi phạm quyền sống, quyền tự do và an ninh”.

“Cuộc tấn công vũ trang quy mô rộng của Liên bang Nga đã dẫn đến tình trạng nhân quyền nghiêm trọng trên khắp Ukraine”, người đứng đầu các hoạt động thực địa của văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết.

“Người dân ở Ukraine đã trải qua những đau khổ và tàn phá không thể kể xiết.”

Ông cho biết Phái bộ Giám sát Nhân quyền của văn phòng, đã có mặt tại Ukraine từ năm 2014, đã ghi nhận 6.114 dân thường thiệt mạng kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2, nhấn mạnh mặc dù “các số liệu thực tế có thể cao hơn đáng kể”.

3. Tòa Thánh kêu gọi chống sử dụng công nghệ thông tin cho các mục đích tội phạm

Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Đức Tổng Giám Mục Gabriele Caccia, cổ võ việc tiến tới một hiệp ước quốc tế toàn diện chống việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào các mục đích tội phạm.

Trong bài tham luận ngày 03 tháng Mười vừa qua, tại Ủy ban thứ ba thuộc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đang tiến hành tại New York, Đức Tổng Giám Mục Caccia, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh nhận định rằng sự phát triển công nghệ truyền thông và thông tin đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội nhưng trong tư cách là dụng cụ, các công nghệ này không luôn luôn trung lập. Các công nghệ ấy có thể bị sử dụng để tạo nên nhiều tội ác, ảnh hưởng tai hại đến hòa bình, các quyền con người và sự phát triển con người toàn diện.

Phái đoàn Tòa Thánh đặc biệt tố giác nạn lạm dụng các công nghệ đó vào việc sản xuất, phổ biến và tiêu thụ các tài liệu dâm ô trẻ em, và những hình thức khác trong việc bóc lột tính dục trẻ em, vi phạm phẩm giá nội tại của các em. Hơn nữa, các công nghệ đó còn làm cho nạn bóc lột và lạm dụng trẻ em vượt lên trên các biên giới, vượt xa những cố gắng và tài nguyên của các tổ chức và các cơ quan an ninh có nhiệm vụ bài trừ những lạm dụng ấy.

Thêm vào đó những tổ chức khủng bố có thể lạm dụng các công nghệ thông tin và truyền thông vào các mục tiêu tuyên truyền, tuyển mộ, quyên tiền, huấn luyện, chiến thuật, điều khiển và kiểm soát, cũng như các vụ tấn công mạng.

Vì thế, Đức Tổng Giám Mục Caccia nói: Điều thiết yếu là lật ngược những xu hướng vừa nói, đồng thời mọi luật lệ nhắm điều hành mục tiêu và sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông phải tôn trọng phẩm giá con người và các nhân quyền, kể cả quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo”.

Do đó, Phái đoàn Tòa Thánh ủng hộ việc soạn thảo một hiệp ước quốc tế toàn diện để chống lại nạn dùng các công nghệ thông tin và truyền thông vào các mục tiêu phạm pháp. Tuy đã có một số tổ chức quốc tế trong các lãnh vực này, nhưng cần có một Ủy ban đặc nhiệm, dựa trên sự dấn thân xây dựng và minh bạch của mọi phái đoàn nhắm chống lại các tội ác mạng. Giải quyết vấn đề này đòi phải có một sự đối thoại chân thành và trong sáng giữa các phái đoàn cổ võ sự đồng thuận.