Nguyễn Trung Tây
Kinh Mân Côi


Tuổi thơ và tuổi lên mười, Bố Mẹ dạy tôi lần hạt Kinh Mân Côi. Đến ngày hôm nay tôi vẫn đọc những lời kinh quen thuộc khi đêm đen ghé về thăm hỏi phố đêm, lúc sáng sớm khi nắng trời chạm nhẹ khung cửa, và đặc biệt, tôi nhớ lại, khi thuyền gỗ đang lênh đênh trên sóng đời tỵ nạn. Những giây phút căng thẳng đối diện ngõ cụt, tôi thấy mình sốt sắng đọc kinh Mân Côi, Năm Sự Vui, Năm Sự Thương, Năm Sự Mừng, và mới đây, Năm Sự Sáng.

Đến ngày hôm nay, tôi vẫn thích đọc kinh Mân Côi, bởi đã thành một phần đời sống, một thói quen tốt đẹp thấm sâu vào trong máu. Vào những lúc sáng sớm hay khi tối trời, tôi thấy tay tôi lần những hột gỗ, tâm hồn hướng về mầu nhiệm Mân Côi. Tôi suy niệm về tình trời cao vời vợi dành riêng cho đất thấp. Tôi suy tư thật nhiều về hành trình đức tin của riêng mình.

Năm Nhà Tập, tối tối tôi thấy tôi cầu nguyện với Chúa qua tràng chuỗi Mân Côi. Thời đó, tôi yêu Năm Sự Mừng, Ngắm Thứ 3, “Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu Nơi Hang Đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.”

Khó khăn! Tôi nghĩ chẳng ai thích sống khó khăn. Trần gian ai cũng thích ăn trắng mặc trơn! Nói cho chính xác, có ai mà không mê cơm ngon, áo đẹp, nhất là ông hoàng bà chúa. Thế nhưng Hoàng Tử Giêsu lại chọn lựa sinh ra ra trong hoàn cảnh đơn sơ. Con Trời cuối cùng chết đi, chôn (ké) trong ngôi mộ của thiên hạ. Ba năm rao giảng Tin Mừng, Ngài luôn luôn chọn đứng với người nghèo rớt mồng tơi; nghèo, vừa nghĩa đen lẫn nghĩa bóng! Ơi! Tôi yêu biết bao Hoàng Tử Giêsu, mẫu người tuyệt vời cho riêng tôi, tu sĩ truyền giáo, noi gương và học hỏi.

Tiếp nối dòng tư tưởng về hai chữ khó nghèo, tôi lan man liên tưởng tới Thánh Phanxicô Assisi, con nhà đại gia, hiệp sĩ trẻ tuổi, có danh có tài, có người yêu xinh đẹp. Nhưng bởi yêu Đức Giêsu, chàng thanh niên bỏ hết tất cả. Thế là người trẻ tuổi giàu có nhất phố Assisi biến thành người ăn mày nổi tiếng nhất trên thế giới.

Năm Nhà Tập 1999, tôi đêm đêm miên man suy niệm Năm Sự Vui, Ngắm Thứ Ba. Tôi suy nghĩ thật nhiều về đời sống tương lai. Nếu tiếp tục bước tới với ơn gọi Ngôi Lời, tôi cũng sẽ trở thành một người ăn mày (tôi hay gọi tôi: tu sĩ bình bát), không nhà cửa; nơi nào được gửi tới, nơi đó được gọi là nhà. Với lời khấn Khó Nghèo, tôi trở thành tu sĩ vô sản. Tôi thắc mắc tự hỏi nếu mình có khả năng sống trọn một đời lời khấn Khó Nghèo! Lời khấn Khó Nghèo dẫn tới lời khấn Khiết Tịnh. Ơi! Cứ thế! Cả một năm Nhà Tập, lời kinh tôi suy niệm theo từng bước chân Tập Sinh vẫn là lời kinh Mân Côi, Năm Sự Vui, “Thứ Ba thì ngắm Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu nơi hang đá…”

Từ lúc dọn nhà sang đất Philippines, tôi đổi vị; tự nhiên tôi đam mê lời kinh Mân Côi, Năm Sự Sáng. Tôi thấy mình hằng đêm suy niệm Năm Sự Sáng,

“Thứ Hai thì ngắm, Đức Giêsu biến nước thành rượu tại tiệc cưới Cana.”

Rượu có chất men, làm người ta say nồng nàn. Rượu thấm vào trong máu khiến khuôn mặt trần gian trở nên đỏ hồng đào. Rượu tu sĩ tôi uống khiến tôi yêu đời truyền giáo biết bao. Rượu tu sĩ khiến tôi yêu người anh chị em, những người tôi được gửi tới để phục vụ. Rượu tu sĩ khiến tôi mê những lời kinh Mân Côi khi đêm về, lúc trời bình minh mờ mờ xuất hiện nơi đường chân trời. Đêm đêm tôi thấy mình vẫn đi hành hương trên những lối nhỏ của khuôn viên tu viện hoặc trong căn phòng nho nhỏ của mình với kinh Mân Côi. Tay cầm tràng hạt, miệng đọc kinh Mân Côi, tôi suy niệm thật nhiều về rượu tu sĩ. Tôi biết có những lúc rượu tu sĩ bốc hơi biến cạn! Khi đó tôi thờ ơ với đời sống tận hiến, lạnh nhạt với tha nhân, và biếng lười với lời kinh Mân Côi. Khi rượu tu sĩ bốc hơi, tan loãng vào trong thinh không, tôi cầu nguyện với Nữ Vương Song Lộc Triều Nguyên, nhờ Mẹ chuyển lời tới Con Mẹ can thiệp, để rượu tu sĩ của tôi lại được đổ đầy tràn trong riêng một cõi hồn.

Ơi! Tôi biết tôi yêu Lời Kinh Mân Côi biết bao!
(Trích Suy Niệm Lời Kinh Thật Thà, Đồng Nai, 2022, 329-346)