LM Nguyễn Trung Tây
Chuyện Bác Chuyện Em: Phiên Bản Nhà Giàu - Luca 16:19-31


Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra khắp nơi: Úc, Mỹ, Do Thái, Việt Nam. Em là một nhân vật đã lập gia đình hoặc đang sống đời tận hiến.

Trưa hè, nóng bỏng cả chân! Gió Lào từ rặng núi chạy dài phía tây của làng liên tục thổi về, sáng, trưa, chiều, tối, ngày cũng như đêm. Nguyên một tháng rồi, làng như sống trong lò lửa, người làng râu quăn tin tít cong vòng, tóc đen lay láy bỗng dưng đổi sang hung hung râu ngô. Nóng, chó Mực nằm dài thềm gạch lè lưỡi thở. Mèo mun bỏ, không rình chuột nhắt, rúc trốn biệt dạng góc tủ. Gà mẹ dẫn con nấp kín trong đụm rơm. Chim khô cổ họng, mất tiếng hót. Nóng, cả làng dặn nhau, coi chừng lửa bếp! Nóng, khách qua đường nườm nượp ghé vào chum nước đặt ngay cửa nhà thờ vốc từng gáo dừa uống ừng ực như người chết khát. Nhìn xa xa, hàng người dài xếp hàng rồng rắn đợi chờ tới phiên như tuần đại phúc Cụ ngồi tòa trước giờ lễ cả. Ông Trùm cứ thế hai tay hai xô, bắp chân lực điền nườm nượp chạy tới chạy lui kín đầy chum nước. Nóng, trưa hè, cả làng ngủ yên. Đám trẻ mục đồng ngày thường thả trâu ăn cỏ buổi trưa tụ tập sân đình ồn ào đánh đinh đánh đáo, giờ cũng vắng bóng, chả biết trốn biệt đi đâu!

Trưa hè, em bước vô nhà thờ, tính chầu Thánh Thể. Nhưng thật là bất ngờ, mới bước được mấy bước chân lền bậc thềm cửa chính, em đã thấy bóng bác hớt hải bước ra tựa như trộm rình mò nhà chung, mặt bác rõ vẻ bối rối, tựa nhà có đại tang. Thấy bác, em nhanh nhẩu mở miệng,

— Em chào bác!

Đã tính nói thêm mấy câu, nhưng thấy bác mặt “tổ quốc vấn khăn tang trắng”, em ngập ngừng,

— Bác… Bác tính đi đâu thế?

Bác ăn nói thều thào như người bị hình vong nhập,

— Chú đấy hả? Chú nói cái chi mà tôi nghe chả rõ… Khổ, dạo này tự nhiên cứ như người điếc, mà lại điếc đặc! Không khéo mấy bữa lại mắt toét, rồi lại thối tai!…

Em trợn mắt, nghĩ thầm trong bụng, “Hỏng! Không khéo giời bắt vạ, nóng quá! Nói dại, dám bác giờ hóa ra…người dở hơi!”. Bụng nghĩ thế, nhưng miệng em vẫn cứ bình thường,

— Dạ, em tính bước vào nhà thờ, viếng Chúa. Nhưng khổ, nóng rẫy cả người, nóng bỏng cả chân. Thấy bác, em đổi ý, muốn mời bác ra quán nước bà Cả Nha uống cốc nước vối cho mát người.

Trời nóng, Bác ăn nói mát mẻ,

— Vâng, cám ơn chú… Vừa ở trong đó, mới đọc được vài câu kinh đã nghe tiếng chân khua khuắng ồn ào. Tưởng ai, hóa ra chú…

Bác bước tới chân tháp chuông, vừa đi vừa nói,

— Đứng ở đây, dưới bóng tháp chuông cũng mát mẻ rồi. Làm gì phải mò ra quán bà Cả cho nó nhọc người, lại tốn tiền…

Bác nhìn quanh, tay rút ra từ trong túi áo cái quạt mo phẩy phẩy mấy cái, mặt nhăn nhăn như khỉ bốc nhầm mắm tôm,

— Hãi quá! Nóng tợn! Cứ như lửa hoả ngục…

Em trợn mắt, nhìn bác,

— Ơ Bác, sao lại nói thế! Mình ở trần gian. Sao lại ví hỏa ngục...

Bị cự nự, bình thường bác sẽ không bỏ qua. Nhưng quái, hôm nay bác vẫn yên lặng, không nói chi… Em nhìn bác, rồi lại bâng quơ nhìn trời, trời xanh ngăn ngắt không gợn áng mây. Thấy bác yên ắng, ruồi nhằng to bằng hạt đỗ đen đậu trên lỗ mũi cũng không buồn đuổi, em giơ tay che miệng ngáp dài, bắt đầu nhặt que chọc tổ ong,

— Nóng thật bác ạ! Làng ta, bu em nói, cả trăm năm nay, chưa gặp trận nóng nào kinh hồn như trận này! Cứ làm như giời đổ từng chậu than hồng quẳng xuống trần gian. Hên nhà Dòng được giàn mướp xanh bao quanh bốn góc, gớm cái giàn mướp mà bác ghé qua chơi là…bác cứ tự nhiên đứng…cầm vòi…tưới tắm hẳn hoi! Hèn chi giàn mướp quả sai lúc lắc… Rồi lại thêm nhà Dòng sát mé sông Cái, hơi nước mát bốc lên. Chứ không, từ cha Bề trên xuống tới ông Bếp, dám chết khô tất tật vì cái nóng năm nay... Thiệt, cứ như bị giời bắt vạ!

Như không mặn mà chuyện giàn mướp, bác quay sang em, thì thào khe khẽ như người hấp hối sinh thì,

— Có chuyện này muốn hỏi ông? Mà tôi xin ông, nhớ giữ kin kín hộ tôi. Chuyện này chỉ có nhà tôi, giờ tới ông là người thứ ba. Được ông nhận lời kín miệng thì tôi mới dám cất nhời…

Em trợn mắt nhìn bác, môi mỏng (hay hớt) đã mấp máy như muốn cự nự. Nhưng thấy mặt bác sầu khổ như ông Trùm nhà xứ đứng ngắm nhân tài mùa Chay, em nhịn, nuốt nước miếng cái ực, miệng nói vuốt đuôi,

— Vâng, đến là khổ, bác thì cứ hay nói, “Bán anh em xa không bằng láng giềng gần.” Bác với em nào phải chỗ xa lạ, mà bác thì cứ phải vòng vo chạy ba quãng đồng cho nhọc cả người. Nhưng mà thôi, bác có chuyện gì muốn nói, bác cứ nói. Em mà biết, em xin bàn giúp mấy nhời.

Được em nói mấy câu, bác như tươi ra,

— Khổ! Chuyện là như thế này… Hôm nọ, nhà tôi bán được miếng đất ở mạn ngược. Ông chắc không biết chuyện này đâu. Ông ngoại hồi xưa sinh ra và lớn lên ở đó, rồi sau trận đói năm Ất Dậu, mới dọn về làng ta. Căn nhà hương hỏa thì cũng suy sụp theo thời gian rồi. Nhưng đất thì vẫn nằm nguyên ở đó. Đất mà, nó đâu có chân để mà chạy đi đâu. Trừ khi đào hũ vàng chôn, hũ vàng mọc chân chạy mất. Ông ngoại, năm ngoái nằm xuống. Bữa đám tang, chú nể lời tôi, cũng mặc áo lễ sinh giúp tang lễ cho Cụ, chú chắc không quên! Vợ tôi lại là con một, cho nên ông ngoại nằm xuống, miếng đất lọt vào tay cô ấy. Sổ đỏ từ tay ông ngoại đổi sang tên vợ tôi. Giờ, ngoại quốc đổ tiền bạc vào mở nhà máy, miếng đất nhỏ bằng cái mắt muỗi tự nhiên bốc giá. Hai vợ chồng tôi quyết định bán đi miếng đất…

Bác nhìn quanh như sợ trộm rình cửa ngõ,

— Thế là hai vợ chồng…tạ ơn Chúa, cũng tậu được món tiền kha khá…

Em nói ngay, giọng hề phường chèo,

— Em chúc mừng bác! Vậy là mừng rồi… Bác đỡ vất vả, ngày ngày cong cong chổng…mông cày bừa… Khổ! Bác nói em mới chợt nhớ, cái bữa trước, em đi trên con đê, thấy nắng nung lửa đỏ, nắng nhọc cả người, mà bác với bác gái cứ tham công tiếc việc, quần quật như con sen người ở. Em đã tính bước xuống ruộng kéo bác lên đê ngồi hút với em điếu thuốc lào… Nhưng thấy bác siêng quá, em ngại mở miệng mời, bác lại mắng cho mấy mắng…

Em ngừng lại, rồi nói ngay,

— Mà này, có tí vốn rồi, bữa em đỗ cụ, nhờ bác hộ em một phần lợn nhé… Bu em nói, bữa đỗ cụ, làm gì thì làm, cũng phải mở mấy mâm thượng đẳng... Phải gà trống thiến Làng Thôi, xôi gấc Làng Vo, giò lụa Làng Bá, ba chỉ Làng Mịch, vịt tiềm thuốc bắc Làng Xoài…

Em tươi mặt,

— Em đang lo nghĩ ngợi, bu em cứ làm như em người nhà giời hoặc sân sau nhà trồng được cây tiền… Hên quá, giờ có bác bán sổ đỏ, được tí vốn… Nhớ cho em vay đấy nhá. Mai mốt em đỗ Cụ, thong thả được mấy năm, có ti tí vốn, xin hoàn trả lại bác vừa vốn lẫn lời…

Nghe em tươm tướp nói cướp cả nhời, bác không nhịn nữa, mở miệng mắng,

— Ông, chỉ được cái tài tán hươu tán vượn! Tôi nói chửa xong thì ông đã mồm năm miệng mười…

Bị mắng sa sả ngay giữa trời, em quê lắm, chỉ còn biết hả họng nhìn bác… Chợt nhớ ra có lẽ tại trời nóng, bác cũng hâm hâm…nóng theo, em nhịn, chỉ dám nói thêm mấy nhời đưa đẩy,

— Ơ hay! Bác nói… Nhưng thôi, cho em xin. Em nhỡ miệng… Em chỉ nói giỡn mấy nhời cho bác vui…

Em vỗ vỗ vai bác, lãng lãng sang chuyện khác,

— Bác, bác đi với em… Mình ra quán nước bà Cả Nha. Em xin phép bác, bữa nay để em móc ruột tượng... Khiếp, em sao đến là nhạt miệng. Giờ mình ra quán bà Cả, rít mấy hơi thuốc Cái Sắn… Em còn nghe nói bà Cả dạo này bán cả thịt chó lá mơ tam thể đấy, đế thì bà ấy nhờ người trên mạn ngược mang xuống, rượu thơm nức cả mũi…

Thấy em đấu dịu, tự nhiên bác biết mình nóng, nói mấy nhời cũng hơi quá, lại nghe nhắc tới thịt chó lá mơ với rượu đế mạn ngược, mặt bác tươi ra,

— Ừ thì đi… Nhưng mà ông để tôi nói cho hết chuyện đã… Khổ, đã nói hết chuyện đâu…

Em biết lỗi, rót thêm vào mấy nhời,

— Vâng, vâng, mời bác, em mời bác... Bác đang nói tới cái đoạn hai bác bán được miếng đất, tậu được tí vốn…

Bác rạng rỡ nét mặt, mặn mà câu chuyện,

— Ừ phải! Đang nói dở dang tới cái đoạn tậu được chút vốn…

Bác nhìn quanh, thầm thì vào tai em,

— …Mà ông cũng biết rồi. Trộm bạc giờ cứ như rươi, nó cậy cửa vô nhà thì thiệt là mất trắng, cho nên hai vợ chồng to nhỏ bàn với nhau, thôi, hay nhất là gửi tất tật vào ngân hàng, vừa tiện lợi lại vừa được tí tiền lãi…

Bác thở dài như nhà mất trộm,

— Tưởng thế là xong! Cơm lành canh ngọt... Ai ngờ, từ cái bữa gió Lào thổi về thổi luôn về làng cái ông ăn mày… Ông ấy cả tháng rồi, chià tay ăn xin đầu làng cuối xóm. Mới tuần rồi, chả hiểu sao, ông ấy xăm xăm đi thẳng một mạch tới cửa nhà tôi, rồi cứ thế, lê la ngày đêm ở trước cửa... Nói dịu nói sẵng, ông ấy cứ nằm vật ra… ngay cửa ngõ…

Nói tới đây, mặt bác tối xầm lại,

— Con Mực mấy lần chực nhào ra, làm hỗn… Hên tôi xích nó thẳng vào cột nhà, nếu không giờ dám có người đổ ruột… Ông cũng biết con Mực rồi, nó to tựa bê con… Cái ông ăn mày, nói xin chú bỏ qua, ông ấy gầy nhom, nom cứ như người chết đói cái năm Ất Dậu…

Càng nghe bác nói, mặt em lại càng ngớ ngẩn tựa người cám lợn dở hơi. Bác vừa nói dứt lời, tới phiên em ngồi xuống mở rộng cửa quán bầy hàng bán…than,

— Khổ, nói xin phép bác bỏ qua. Bác nói suốt từ nãy giờ, bác càng nói, em càng lạc. Em chẳng hiểu bác nói gì sất…

Bác nhìn em,

— Ơ, chú… Đến là hay… Chuyện ba năm rõ mười như thế mà chú cũng chả hiểu gì sất? Chú nói chuyện bỡn hay nói thật đấy?

Em giọng điệu hờn dỗi,

— Bác, bác cứ làm như em phận thằng mõ, ăn nói chớt nhả… Em nói thật, bác nói gì, em mà hiểu, em chết liền! Này nhé, bác nói bác tậu được một tí tiền… Rồi có cái ông ăn mày kéo tới nhà… Rồi con Mực to bằng con bê…

Em dừng lại,

— Mà lúc nãy bác bảo bác muốn hỏi em một chuyện. Mà chuyện đó là chuyện gì?…

Bác cáu gắt mắm tôm,

— Ơ hay, chú… Đã là Thầy Sáu hẳn hoi. Chỉ còn dăm bữa nửa tháng là đỗ Cụ rồi…

Bác dừng ngang, nghĩ ngợi, rồi nói tiếp, giọng điệu gay gắt mắm tôm,

— Tôi đang nói chuyện cái ông nhà giàu và ông Lazarô đấy… Chú đã nhớ chửa?

Bị bác mắng, tưởng em sẽ giận nhưng không, em mặt tươi ra, thở phào nhẹ nhõm như bị cáo được quan tòa tha bổng. Em miệng cười toe toét,

— Gớm, bác đến là khéo! Em tưởng chuyện gì! Hóa ra chuyện ông nhà giàu và cái ông hàng xóm Lazarô. Chuyện đó, ai mà lại chẳng biết. Nhưng bác muốn hỏi em điều gì?

Bác nói ngay,

— Ơ! Ông học lý đoán bao nhiêu năm nay. Tôi muốn hỏi ông… Cái ông nhà giàu theo như nhời Chúa nói, cuối đời bị phạt rớt xuống hỏa ngục, bởi ông ấy giàu có…

Bác tâm sự,

— Tậu được một tí tiền, hai vợ chồng hí hửng mừng trong bụng. Nhưng tự nhiên cái ông ăn mày kéo về đậu ngay trước cửa; sáng cũng thế, chiều cũng thế, cứ ra rả một câu, “Con lạy ông lạy bà…” Hai vợ chồng chiều cũng như tối, vừa ăn cơm vừa nhìn ra hiên cửa, cả hai bấm bụng nói với nhau, “Thôi, hỏng rồi!”…

Nói tới đây, bác tự nhiên tiu nghỉu như mèo bị bấm tai, như cô hàng xén gặp phiên chợ ế… Em, giờ đã hiểu chuyện, thân thiện vỗ vai bác,

— Giời ạ! Có thế thôi mà bác cứ vòng vo đầu cua tai nheo, khiến em lo ngay ngáy. Không biết bác có chuyện gì muốn nói… Hóa ra chuyện này…

Em như cha cụ đứng trên tòa giảng,

— Em hỏi hơi vô phép, xin bác bỏ qua… Sao bác biết ông nhà giàu bị phạt rớt xuống hỏa ngục bởi ông ấy có tiền có của?

Nghe hỏi, bác bỗng dưng ú ớ,

— Ơ hay! Thì ai biết đâu! Thấy trong Phúc Âm nói vậy, thì tôi nhắc lại vậy thôi…

Em kiên nhẫn,

— Không, bác ơi, em lạy bác! Bác đọc lại Phúc Âm cho em nhờ một tí. Khổ! Chúa đâu có nói ông nhà giàu cuối đời bị phạt bởi ông ấy của chìm của nổi… Bác có tí tiền, cái đó là tại phần may rớt xuống vợ bác. Cái này gọi là hoạnh tài bất ngờ. Giời cho… Chớ nào có phải bác, em xin lỗi, bác đâu có đi ăn cướp ăn giật của ai đâu! Bác nghĩ em nói có phải hay không? Nói như bác, người nào giầu có, nhà có tí của, tới giờ nhắm mắt chết đi là sa thẳng địa ngục hay sao?

Bác bắt đầu nóng gáy,

— Khổ, vậy ông nói đi, tại sao ông nhà mày lại bị phạt rớt xuống hỏa ngục.

Bị cự nự, nhưng mặt em vẫn thản nhiên, nói ngay,

— Bác ơi, ông bà mình nói, “Thấy người hoạn nạn thì thương!” Tục ngữ mình cũng có câu, “Đong đấu nào, Trời đong lại cho đấu ấy”. Nhưng khổ, cái ông nhà giàu thấy người hoạn nạn, mà cứ làm mặt bơ bơ, ngày đêm yến tiệc linh đình, chẳng thèm ngó ngàng tới cái ông ăn mày Lazarô ngồi ngay cửa ngõ. Ông nhà giàu cả đời có đong được đấu nào cho ai đâu; cho nên chết đi, Chúa cũng chả buồn ngó nhìn, chẳng phải nhọc người, cúi xuống đong cho ông ấy dù chỉ là một hạt nước lã…

Em giọng điệu cha cụ dạy Giáo Lý Hôn Nhân, Rửa Tội Tân Tòng,

— Bác đã hiểu chửa?

Em nhìn lên bầu trời nắng gắt, buông nhời,

— Bác biết không? Ông nhà giàu bị phạt bởi ông ấy thiếu Tử Tế… Cho nên cuối đời… hóa ra hỏng, hỏng bét!

Em lại vỗ vai bác,

— Thôi, em với bác, mình kéo tới quán nước bà Cả Nha. Khổ, nói suốt từ nãy giờ, em khô ran cả miệng. Bác với em tới quán mua bà Cả mấy hạt nước vối làm nguội đầu lưỡi… Thôi, mình đi uống cốc nước vối…

Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin giúp chúng con mở rộng lòng để nhận ra thế giới đang đói khát và nghèo nàn... Còn nhiều người cần tới bàn tay của chúng con.
(Trích Quán Nước Đầu Làng: Niềm Tin Việt Nam, Tôn Giáo, 2021)