Đón Nhận Lòng Thương Xót – Trao Ban Lòng Xót Thương

(Giảng lễ Chúa nhật 24 thường niên C – Lc 15, 1-32)

Thiên Chúa là Đấng luôn thương xót:

Nơi bài đọc I, ngày hôm nay, đáng lý ra là Thiên Chúa đánh phạt Dân Is-ra-en vì tội bất phục tùng, vì tội cứng đầu cứng cổ, vì tội ‘ngoại tình’ bằng việc thờ ngẫu tượng, cụ thể là thờ bò vàng thay vì thờ phượng Thiên Chúa, Đấng giải thoát họ, thế nhưng, vì lời chuyển cầu đầy khiêm tốn của Mô-sê đã làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa. “Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập? Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng : Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.” Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.” (Xh 32, 11.13-14). Quả thật, lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của con người. Dẫu con người có bất trung, dẫu con người có phạm tội lần này lượt nọ, nhưng Lòng Thương xót của Thiên Chúa phủ lấp và tha thứ tất cả. Đúng như Thánh Vịnh đã cất lên: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103, 8).

Đức Giê-su, chứng nhân lòng thương xót của Thiên Chúa:

Nơi bài đọc II, Thánh Phaolô đã cảm nghiệm ra sự bất trung, sự láo xược và oai vệ của ngài khi đi bắt bớ đạo Chúa Giê-su, thánh nhân đã bị ngã ngựa trên đường Đa-mas. Cú ngã ngựa này đã đánh thức và biến đổi con người hung hăng và kiêu ngạo nơi Phaolô trở thành con người khiêm tốn và nhiệt thành loan báo Tin Mừng. Nói đúng hơn, Thánh Phaolô đã cảm nhận ra điều chắc chắn là nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su đã thu hút và chinh phục con người ‘đầy kênh kệ và kiêu căng’ của chính mình. Nhờ đó, chính Phao lô đã được thôi thúc trở nên chứng nhân cho lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người. Cũng từ biến cố đó, Thánh nhân đã phải thốt lên: Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin mừng, không loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa; nơi khác, Thánh nhân đã nói: Tình yêu Đức Ki-tô thúc bách tôi để lên đường loan báo tình thương của Chúa.

Nơi bài Tin Mừng, lòng thương xót của Thiên Chúa được cụ thể hoá nơi cung cách sống của Đức Giê-su Ki-tô. Sau khi lãnh nhận phép rửa của Ông Gioan Tẩy Giả tại sống Giodan, Đức Giê-su đã công khai ra đi loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Ngài hiện diện ở đâu là thi ân giáng phúc tới đó. Ngài giảng dạy Lời Chúa cho muôn dân. Không những thế, Ngài còn thi thố nhiều phép lạ để nói lên cho mọi người rằng Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ câm nói được, kẻ què được đi, kẻ mù được nhìn thấy, kẻ bệnh hoạn tật nguyền được chữa lành và ngay cả kẻ chết cũng được sống lại. Cụ thể hôm nay, ngang qua bài Tin mừng, Chúa Giê-su đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa bằng việc tiếp xúc, gặp gỡ và đón nhận những người thu thuế và tội lỗi. Một sự gặp gỡ mang lại bình an và cứu sống. Vì mục đích của Đức Giê-su, Con Thiên Chúa xuống thế làm người là để tìm kiếm những gì đã mất, những người tội lỗi hơn là người công chính. Đức Giê-su đến để tìm kiếm và quy tụ hơn là loại trừ và ghen ghét. Có thể, những người Pha-ri-sêu rất ghét thái độ và lối sống của Đức Giê-su. Nhưng họ không biết rằng Đức Giê-su hiện diện nơi trần gian này là để tìm kiếm và cứu vớt những người tội lỗi. Ngang qua 3 dụ ngôn: con chiên bị mất, đồng bạc bị đánh mất và người cha nhân hậu, Đức Giê-su muốn chứng minh cho những người Pha-ri-sêu nói riêng và mỗi chúng ta nói chung về lòng thương xót của Thiên Chúa luôn luôn đi bước trước ngang qua hình ảnh người cha nhân hậu chờ đón đứa con tội lỗi trở về; luôn luôn đi tìm những người tội lỗi ngang qua dụ ngôn con chiên bị mất và đồng tiền bị đánh mất. Thật vậy, vì yêu nên Đức Giê-su không tính toán thiệt thân. Vì yêu nên Ngài không ngần ngại nhưng sẵn sàng can đảm vượt qua những khó khăn và chông gai để tìm cho con chiên bị lạc, (con chiên bị lạc đó là những người tội lỗi.). Lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Đức Giê-su vượt mọi thời gian và mọi nơi chốn. Ngài không ngừng giảng dạy và đi đây đi đó để rao truyền lòng thương xót của Thiên Chúa cho nhân loại. Lòng thương xót tột đỉnh nơi Đức Giê-su là sẵn sàng chết cho người mình yêu.

Mỗi chúng ta được mời gọi trở nên chứng nhân của lòng thương xót:

Chúng ta không thể gặp gỡ và đón nhận lòng thương xót Chúa mà chúng ta không trao ban. Nói cách khác, chúng ta là những tội nhân được Thiên Chúa xót thương, được Thiên Chúa tha thứ và chúc phúc, đến lượt mình, chúng ta cũng cố gắng trở nên dễ thương với anh chị em đồng loại. Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu xin Chúa tha nợ cho chúng ta, đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải tha nợ cho những kẻ mắc nợ với chúng ta. Hơn nữa, không chỉ dừng lại ở việc tha nợ, chúng ta được mời gọi hãy ra đi để trao ban cho anh chị em, đặc biệt cho những người già cả neo đơn, bệnh hoạn tật nguyền, đói nghèo và khổ đau những nghĩa cử yêu thương, nụ cười, cái bắt tay, lời hỏi thăm và nếu được có những món quà vật chất dù nhỏ bé đơn sơ nhưng thấm đượm tình Chúa và tình người.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương