Ngày 23/06/2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đồng ý mở hồ sơ “người Do Thái – ebrei” trên mạng internet[1], nghĩa là giờ đây, những ai quan tâm đến một trong những “khoảng lặng” của Giáo Hội, đặc biệt là về triều đại của Đức Giáo Hoàng Pio XII trong suốt cuộc chiến tranh thế giới II, và mối liên hệ của ngài đối với nạn diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc xã, có thể truy cập tìm kiếm qua đường link của website của Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh – Archivio Storico della Segreteria di Stato.

Tuy nhiên, hồ sơ lưu trữ về triều đại của Pio XII đã được mở ra cho giới nghiên cứu trong và ngoài Giáo Hội Công Giáo từ ngày 02/03/2020 tại Kho Lưu Trữ Tông Tòa Vatican – Archivio Apostolico Vaticano. Vậy đâu là tầm quan trọng của việc mở hồ sơ của Kho Lưu Trữ Tông Tòa đối với giới nghiên cứu? Mời quý vị theo dõi phần giải thích của linh mục Phạm Hoàng Dũng từ Roma, Ý.


**********

Kho Lưu Trữ Tông Tòa Vatican – Archivio Apostolico Vaticano

Du khách và những người hành hương khi đến Roma chắc chắn phải viếng thăm quốc gia Vatican, mà nhất viếng thăm Đền Thờ Thánh Phê-rô, viếng mộ giáo hoàng đầu tiên, thánh Phê-rô, được chôn cất dưới chính ngôi Đền thánh này. Như chính Chúa Giê-su khẳng định là Giáo hội được xây dựng trên nền móng vững chắc là thánh Phê-rô và các vị kế nhiệm.

Còn đối với giới nghiên cứu, Vatican là điểm đến vì có Kho Lưu Trữ Tông Tòa và Thư Viện Vatican, nơi lưu giữ nhiều tài liệu quý giá. Nằm lọt trong một quốc gia rộng khoảng 40ha, Kho Lưu Trữ Tông Tòa Vatican – Archivio Apostolico Vaticano nằm bên cạnh Bảo Tàng Vatican và Thư viện Vatican nổi tiếng. Bên dưới Cortile delle Belvedere và Bảo tàng Vatican - Musei Vaticani, là những boong-ke của Kho Lưu Trữ Tông Tòa Vatican chứa đựng hệ thống kệ đỡ mà nếu xếp thẳng hàng có thể kéo dài tới 85 cây số. Giống như boong-ke, hầm chống xe tăng trong chiến tranh thế giới II, kho lưu trữ này cũng được xây dựng một cách chắc chắn như vậy để bảo đảm ổn định về nhiệt độ và độ ẩm, cũng như chống động đất và hỏa hoạn.

Kho Lưu Trữ Tông Tòa được thành lập theo sáng kiến của Đức Giáo Hoàng Phaolô V vào ngày 31/01/1612. Và đến giữa thế kỷ XVII, nó mang tên gọi Kho Lưu Trữ Bí mật Vatican – Archivio Segreto Vaticano (với danh xưng chính thức Kho Lưu Trữ Bí mật Tông Tòa Vatican - Archivio Segreto Apostolico Vaticano) nhấn mạnh tính chất đặc biệt của khu phức hợp tập trung lưu giữ tài liệu từ nhiều văn phòng khác nhau của Tòa Thánh. Thuật ngữ “Segreto - Bí Mật” trong tiếng La Tinh thế kỷ XVII, secretum có từ động từ secernere nghĩa là tách biệt, phân biệt, lưu giữ riêng.

Vì thế, kho lưu trữ do Đức Giáo Hoàng Phao-lô V thành lập được xem như tách biệt khỏi những vị tiền nhiệm và giành riêng cho triều đại giáo hoàng của ngài cũng như những phòng ban mà ngài thiết lập. Tên gọi Kho Lưu Trữ Bí mật Vatican - Archivio Segreto Vaticano được duy trì cho đến ngày 22/10/2019, khi giáo hoàng Phanxicô với tông thư dưới hình thức motu proprio “kinh nghiệm lịch sử”[2] khôi phục tên gọi ban đầu “Kho Lưu Trữ Tông Tòa Vatican – Archivio Apostolico Vaticano”.

Kho di sản tư liệu này lưu giữ hơn 600 bộ sưu tập (volumi) của 12 thế kỷ (từ thế kỷ thứ 8 tới thế kỷ 20). Kể từ năm 1881, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã mở cửa cho các nhà nghiên cứu và đã khiến kho lưu trữ của Tòa Thánh trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu lịch sử quan trọng trên thế giới.

Khác với thông lệ quốc tế là một tài liệu lưu trữ sẽ được mở cho tham khảo sau 30 hay 40 năm, một thông lệ có từ năm 1924, chính giáo hoàng đương nhiệm mới là người cho phép được tự do tham khảo những tài liệu “đến đời giáo hoàng nào”. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép tham khảo đến cuối triều đại của Đức Giáo Hoàng Pio XII (tức là đến tháng 10 năm 1958). Tuy nhiên, có một ngoại lệ là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã cho giới học giả nghiên cứu được tiếp cận Văn khố của Công Đồng Vatican II (1962-1965) ngay sau khi Công Đồng này kết thúc vào tháng 12 năm 1965.

Đức Giáo Hoàng Piô XII

Đức Giáo Hoàng Piô XII là vị giáo hoàng thứ 260 của Giáo Hội Công Giáo. Ngài là người Ý, sinh ra tại Roma, bắt đầu triều đại của mình từ ngày 2 tháng 3 năm 1939 và qua đời ngày 9 tháng 3 năm 1958. Tức là triều đại của ngài bao gồm toàn bộ cuộc thế chiến II.

Eugenio Maria Giuseppe Pacelli, tên khai sinh đầy đủ của Đức Pio XII, sinh ngày 2 tháng 3 năm 1876, trong một gia đình làm nghề luật. Cha của ngài, ông Filippo Pacelli, là chủ nhiệm luật sư đoàn và anh của ngài, Francesco, là thành viên ủy ban chuẩn bị soạn thảo Hiệp ước Laterano.

Sau khi tốt nghiệp xuất sắc Đại học Gregoriana và Giáo hoàng chủng viện Apollinare của Roma, được truyền chức linh mục ngày 02/04/1899, ngay lập tức ngài được đưa vào làm việc tại Văn phòng Bộ Ngoại giao (Congregazione degli Affari Ecclesiastici straordinari) của Phủ Quốc vụ Khanh Tòa Thánh, và trở thành bí thư năm 1914. Tại đây, ngài đã cộng tác với Đức Hồng Y Pietro Gasparri trong việc soạn thảo Bộ giáo luật, được Đức Giáo Hoàng Benedetto XV công bố năm 1917. Một trong những thời điểm quan trọng trong việc cải cách Bộ Giáo Luật của Giáo Hội Công Giáo.

Cùng năm này và trong thời gian Thế Chiến I, ngài được bổ nhiệm làm tổng giáo mục Tòa Sardi (Anatolia) và làm sứ thần Tòa thánh (Nunzio) tại Munich (Bavaria). Sau khi Thế Chiến I chấm dứt, ngài tiếp tục hoạt động ngoại giao với vai trò sứ thần Tòa Thánh trong vùng Bavaria và nước Phổ thời hậu chiến.

Năm 1929, ngài được phong làm Hồng Y và kế nhiệm Đức Hồng Y Pietro Gasparri trong vai trò Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Ngoài những hoạt động thay mặt giáo hoàng trong các sự kiện của Giáo Hội như Đại hội thánh thể ở Buenos Aires (1934) và Budapest (1938), các lễ cử hành ở Lộ Đức (1935) và Lisieux (1937), ngài còn có những sứ mạng đặc biệt tại Hoa Kỳ năm 1936, nơi ngài gặp gỡ với tổng thống Roosevelt. Với sự hiểu biết ngôn ngữ, xã hội và văn hóa Đức sâu sắc, ngài đã thực hiện thiết lập Thỏa Ước (Concordato) giữa Tòa Thánh với nước Đức của Hitler vào năm 1933.

Giáo hoàng Pio XII và những điểm gây tranh cãi

Ngài lên ngôi giáo hoàng vào ngày 10 tháng 2 năm 1939, vào một thời điểm đen tối trong lịch sử nhân loại với Thế chiến II bùng nổ. Dù với kinh nghiệm và với kênh ngoại giao bí mật, những tiếp xúc với các nguyên thủ của các bên tham chiến như Roosevelt, Mussolini cũng không giúp ngài ngăn chặn được cuộc thế chiến. Tuy Pio XII có những phát biểu bày tỏ quan điểm về cuộc chiến và các bên tham gia, nhưng giới sử gia vẫn chưa thể đánh giá hết và đúng đắn về vai trò của ngài và Giáo Hội Công Giáo trong thời thế chiến II, nhất là sự im lặng của ngài trước nạn diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc xã khi hàng triệu người Do Thái trên khắp châu Âu bị đẩy vào các lò thiêu.

Cuộc thế chiến II (1939-1945) kết thúc, nhưng nạn bạo lực bùng lên trên khắp châu Âu, và nhất là nguy cơ lan tràn của chủ nghĩa cộng sản trước thế giới tự do. Được đánh giá là người chống chủ nghĩa cộng sản với việc ra vạ tuyệt thông với những ai theo chủ thuyết vô thần này, ngài lại bị đánh giá là thiếu sức mạnh trong các biến cố dẫn đến sự bành trướng của Liên Xô tại các nước Đông và Trung Âu và thiết lập nên khối cộng sản. Như vụ Hồng Y Giuseppe Mindszenty bị nhà cầm quyền cộng sản bắt và trả tự do ở Budapest (Hungary) và tiếp sau đó là những vụ bắt bớ, đàn áp hàng giáo sỹ ở Hungary đến nỗi mà vào ngày 28 tháng 10 năm 1956, ngài gởi thông điệp cho các giám mục trên toàn thế giới kêu gọi cầu nguyện để “người dân Hungary và những dân tộc ở Đông Âu khác đang bị tước đoạt tự do có thể được trở về trong hòa bình với trật tự đúng đắn”.

Là người sống qua hai cuộc thế chiến và chứng kiến mọi nỗ lực và tiến bộ khoa học của con người được huy động vào việc giết chóc lẫn nhau, Đức Giáo Hoàng Pio XII lại được xem như một người thích ứng và ủng hộ những tiến bộ công nghệ mới vào cuộc sống và sự tiến bộ của con người. Ngài xem đó như “ân sủng từ Thiên Chúa”. Hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki vào cuối thế chiến hai cũng không ngăn ngài ca ngợi sự nỗ lực của khoa học và những nhà khoa học đã vượt qua biết bao khó khăn để hiểu biết sâu sắc hơn những quy luật hình thành và phân rã của nguyên tử, đem lại sức sống mới trong “kỷ nguyên nguyên tử”[3].

Ngài cũng dùng các phương tiện truyền thông mới vào lúc đó như sóng phát thanh và truyền hình để giao tiếp với các tín hữu trên khắp thế giới. Và nhất là ngài khuyến khích các giám mục Ý và toàn Giáo Hội sử dụng “phương tiện kỳ diệu do khoa học và công nghệ cung cấp cho nhân loại” và đồng thời mọi gọi họ cẩn thận trước những thiệt hại có thể gây ra trên phương diện đức tin và đạo đức.

Là mục tử của một giai đoạn lịch sử vô cùng hỗn loạn và khó khăn, đến nỗi được mệnh danh là “Giáo hoàng của nhân loại đau khổ”, Đức Pio XII đã quảng đại và hoàn toàn hiến thân cho các nhiệm vụ tông đồ với lòng tận tâm trước khi qua đời vào ngày 9/10/1958.

Việc tìm lại những chứng từ về cuộc đời của vị giáo hoàng này không chỉ soi sáng cho chúng ta về một giai đoạn lịch sử của nhân loại nói chung và Giáo Hội Công Giáo nói riêng, mà còn giúp chúng ta rút ra nhiều bài học cho hiện tại trong một thế giới đối diện với những thay đổi về kỹ thuật, công nghệ cũng như những xung độ về tư tưởng và bao lực. Đâu là chỗ của đức tin và cách hành xử theo lý trí?

Văn khố liên quan đến triều đại Giáo hoàng Pio XII

Ngày 20/2/2020, văn khố lưu trữ về triều đại giáo hoàng Pio XII (1939-1958) đã được mở cho giới nghiên cứu không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo, ý thức hệ và quốc tịch? Trong diễn văn nhân dịp này, Đức Hồng Y Josè Tolentino de Mendonça, quản thủ văn khố và thư viện Vatican, đã nói: “Giáo Hội không sợ lịch sử, nhưng sẵn sàng đối diện với sự đánh giá của những học giả bằng sự chắc chắn vốn là bản chất của công việc này”. Ngài nói tiếp: “Tòa Thánh mở ra cho sự chú ý của các nhà nghiên cứu Hồ sơ lưu trữ của một triều đại giáo hoàng vì lịch sử của Giáo Hội và của thế giới”. Vì thế, theo ngài, “việc mở hồ sơ là một tiến trình lâu dài và tế nhị, vì nó cần sắp xếp theo thứ tự các tài liệu theo từng hồ sơ và trong kho lưu trữ, mã hóa và lập thư mục để thuận tiện tìm kiếm. Đó là một công việc phức tạp kéo dài nhiều năm”.

Việc mở hồ sơ này vẫn tiếp tục kiểm tra và phân tích những hồ sơ tài liệu liên quan, vì chủ đề nghiên cứu sẽ rất đa dạng, từ lịch sử tôn giáo đến lịch sử chính trị, từ chính quyền của Giáo Hội đến các mối quan hệ của Tòa Thánh với các quốc gia và cộng đồng quốc tế, tùy thuộc vào sự cam kết dấn thân của Tòa Thánh trong công việc bác ái và hòa bình. Do đó, Kho lưu trữ về Đức Piô XII không chỉ liên quan đến Văn Khố Tông Tòa Vatican, mà còn liên quan đến các cơ quan khác như Phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh, đặc biệt bộ Ngoại Giao, Bộ giáo lý đức tin, Bộ truyền bá Phúc Âm hóa các Dân tộc, Bộ các Giáo hội Đông Phương, v.v…

Như vậy, việc cho truy cập online hồ sơ người Do Thái từ ngày 23/6/2022, là một bước tiến trong việc dễ dàng cho giới nghiên cứu lịch sử về “huyền thoại đen” của triều đại Giáo hoàng Pio XII.

Trong buổi giới thiệu hồ sơ Người Do Thái online, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, thư ký ban liên lạc với các quốc gia và các tổ chức quốc tế của Tòa Thánh, đã giới thiệu một bức thư của một nữ sinh viên người Đức gốc Do Thái, 23 tuổi, bị đưa vào trại tập trung Miranda de Ebro ở Tây Ban Nha, ngày 17/01/1942. Cô đã thành công đến được Hoa Kỳ đoàn tụ với mẹ sau một cuộc hành trình dài qua Bồ Đào Nha, với sự can thiệp của Sứ Thần Tòa Thánh ở Tây Ban Nha theo yêu cầu của Đức Pio XII. Hồ sơ của cô sinh viên này và nhiều người Do Thái sống sót khác được lưu giữ và có thể được truy cập trên internet thông qua hội United States Holocaust Memorial Museum.

Chứng từ của cô sinh viên này và những người khác được so sánh đối chiếu để tìm ra sự thật và soi sáng cho giai đoạn lịch sử này. Đó là công việc của những nhà nghiên cứu lịch sử mà việc mở hồ sơ và truy cập online tạo điều kiện dễ dàng cho việc nghiên cứu, tìm kiếm. Cho đến lúc này, mới chỉ có 40.000 tệp hồ sơ (170 volumi) tức khoảng 70% kho văn khố của Phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh được sắp xếp và số còn lại vẫn đang được xử lý để sớm được đưa lên mạng internet cho giới nghiên cứu. Nghĩa là công trường mới chỉ bổ nhát cuốc khởi công để cho mọi người quan tâm đào bới tìm kiếm những sự thật thú vị.

Sử gia Marc Bloch nói rằng “Ki-tô giáo là tôn giáo lịch sử”. Một Giáo Hội làm bạn với lịch sử sẽ biết cách trình bày tốt hơn về hy vọng và tương lai. Trên hết, Giáo Hội dạy đọc biết “dấu chỉ của thời đại” như Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh, thì việc mở kho văn khố là một phần của đời sống Giáo Hội. Sự kiện mở Văn khố và mở đường link online là một thực tế văn hóa quan trọng để mọi ki-tô hữu sống sự thật như chính Đức Giê-su đã nói trong Tin mừng theo thánh Gioan “Sự thật giải thoát anh em” (Gioan 8, 32).

**********

Ghi chú:

[1] https://www.vatican.va/roman_curia/secretariat_state/sezione-rapporti-stati/archivio-storico/serie-ebrei/serie-ebrei_it.html.