1. Sĩ quan tháo chạy, 20,000 quân Nga bị bỏ rơi có khả năng sớm hạ vũ khí đầu hàng tập thể

Tờ The Telegraph trong số ra ngày Chúa Nhật 14 tháng 8 có bài “Russia leaves 20,000 soldiers stranded in tactical withdrawal to the west” nghĩa là “Nga bỏ mặc 20.000 binh sĩ lang thang trong cuộc rút lui chiến thuật về phía Tây”.

Tờ báo cho biết Vladimir Putin đã khiến 20.000 quân Nga mắc kẹt trong cuộc rút lui chiến thuật sau khi Kyiv cho nổ tung các cây cầu quan trọng ở thành phố Kherson, miền nam đất nước.

Các binh sĩ được cho là đã bị cắt khỏi các tiểu đoàn của họ và các tuyến tiếp tế quan trọng sau một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine trong khu vực qua đêm.

Vitaly Kim, thống đốc Mykolaiv, tuyên bố toàn bộ chỉ huy quân đội của Putin đã được lệnh tùy nghi di tản, nói đơn giản là tự do bỏ chạy từ bờ tây sông Dnipro ở miền nam Ukraine để thoát khỏi cuộc phản công của quân Ukraine.

Ông cho biết, hơn 20.000 binh sĩ Nga đã bị chỉ huy của họ bỏ rơi và bị cô lập khỏi đường tiếp tế sau khi một cây cầu quan trọng bị hỏa tiễn Ukraine phá hủy ngày hôm qua.

20,000 binh sĩ này được giao nhiệm vụ bảo vệ các tiền đồn dẫn vào thành phố Kherson. Trong khi họ cố gắng ngăn chặn bước tiến của quân Ukraine, bọn chỉ huy phía sau lưng họ lặng lẽ chuồn thẳng.

“Tất cả các chỉ huy đã di chuyển sang phía bên kia sông Dnipro và tiếp tục chạy về hướng thành phố Melitopol.”

Tình hình của 20,000 binh sĩ Nga này là hết sức nguy hiểm. Họ không được tiếp tế và đạn dược cũng không còn. Quan chức khu vực Sergiy Khlan cho biết cách duy nhất để quân đội Nga có thể trốn thoát lúc này là sử dụng cầu phao để vượt sông nhưng nó “không thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của họ”.

Hai chiếc cầu phao ấy có thể bị HIMARS đánh chìm bất cứ khi nào. Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, tuyên bố rằng việc phá hủy các cây cầu có thể khiến binh lính Nga ở phía tây Dnipro rơi vào tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng và một cuộc đầu hàng tập thể là khó tránh khỏi.

ISW cho biết “Các lực lượng Nga ở bờ Tây sông Dnipro có thể sẽ mất khả năng tự vệ trước các cuộc phản công thậm chí rất hạn chế của Ukraine”.

“Mang theo đạn dược, nhiên liệu và thiết bị hạng nặng đủ cho các hoạt động tấn công hoặc thậm chí phòng thủ quy mô lớn qua phà phao hoặc bằng đường hàng không là không thực tế nếu không muốn nói là không thể.”

Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai 15 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine không đề cập đến các cuộc tấn công vào nhóm binh sĩ Nga đang lang thang này. Có lẽ người Ukraine muốn các binh sĩ này đầu hàng hơn là tiêu diệt họ.

2. Du kích làm hỏng cây cầu chiến lược, tàu hỏa từ Crimea không thể đến được Melitopol

Các sĩ quan Nga được tường trình là đã được lệnh tuỳ nghi di tản từ Kherson về Melitopol, một thị trấn gần bán đảo Crimea hơn. Tại Melitopol, họ có thể hy vọng sẽ nhận được tiếp tế từ Crimea. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hôm thứ Hai 15 tháng 8, Thị trưởng Melitopol, Ivan Fedorov, cho biết một cây cầu chiến lược trên đường từ Crimea đến Melitopol vừa bị quân du kích đánh sập.

“Một cây cầu đường sắt bị phá hủy ở phía tây nam Melitopol tương đương với sự vắng mặt hoàn toàn của các đoàn tàu Nga từ phía Crimea,” Ông Ivan Fedorov nói.

Theo ghi nhận, những kẻ xâm lược đã tiến hành các hoạt động thanh lọc hàng loạt ở Melitopol và các địa phương lân cận để tìm bắt các du kích nhưng không có du kích quân nào được tìm thấy.

“Vinh quang cho những người du kích Melitopol vì những chiến công anh dũng hàng ngày của họ trong hậu phương của kẻ thù!” Fedorov nhấn mạnh.

3. Tướng Stavridis: Putin biết mình đã phạm 'sai lầm' trong cuộc xâm lược Ukraine, nhưng sẽ không bao giờ thừa nhận

Tổng thống Nga Vladimir Putin “nhận ra mình đã sai lầm” với cuộc xâm lược Ukraine, cựu Tư lệnh Đồng minh Tối cao NATO James Stavridis cho biết như trên hôm Chúa Nhật.

Khi được hỏi “Putin có nhận ra mình đã mắc sai lầm hay vẫn nghĩ rằng mình đã làm đúng?” Tướng Stavridis cho biết như sau:

“Tôi nghĩ trong bóng tối, yên tĩnh vào lúc hai giờ sáng khi thức dậy, ông ta nhận ra mình đã mắc sai lầm. Công khai, ông ta sẽ không bao giờ thừa nhận điều đó. Không bao giờ. Ông ta sẽ tiếp tục duy trì câu chuyện viễn tưởng rằng Ukraine được điều hành bởi tân 'Đức quốc xã'. Rõ ràng là nực cười”

“Putin sẽ khẳng định rằng NATO bằng cách nào đó đã đẩy ông ấy vào góc tường, vào cuộc xung đột này. Tất cả những gì đã xảy ra là do Vladimir Putin mà ra, bao gồm cuộc xâm lược, và cả các lệnh trừng phạt sau đó, cũng như các thất bại quân sự. Tôi nghĩ rằng ông ta biết điều đó trong trái tim mình, dù ông ta sẽ không bao giờ thừa nhận điều đó một cách công khai.”

Tướng Stavridis cũng được yêu cầu dự đoán khi nào chiến tranh sẽ kết thúc. Ông cho biết cả hai bên còn ít nhất sáu tháng nữa mới đưa ra được giải pháp. Tuy nhiên, ông cho biết điều “thúc đẩy tiến tới một cuộc đàm phán” là “những khó khăn mà Putin đang phải đối mặt khi đốt cháy quân đội ông ta” và việc phá hủy các thiết bị quân sự của Nga.

“Ông ấy đang đốt cháy hết các khả năng. Tôi muốn nói, sáu tháng kể từ bây giờ, ông ấy sẽ gặp khó khăn rất nghiêm trọng. Ở bên kia chiến tuyến, Zelenskiy phải công nhận rằng sự kiên nhẫn của phương Tây và dòng tiền và vũ khí liên tục không phải là vô hạn. Tôi nghĩ rằng cả hai yếu tố đó cuối cùng sẽ thúc đẩy các bên đi đến một số loại đàm phán...”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước, Stavridis cho biết ông tin rằng cuộc chiến Nga-Ukraine có thể sẽ kết thúc trong 4 đến 6 tháng và có một kết luận tương tự như Chiến tranh Triều Tiên.

“Tôi thấy điều này hướng tới một cuộc kết thúc như Chiến tranh Triều Tiên, nghĩa là một hiệp định đình chiến, một khu vực phi quân sự giữa hai bên, sự thù địch vẫn đang diễn ra, một loại xung đột đóng băng. Hãy tìm kiếm điều đó trong khoảng thời gian từ bốn đến sáu tháng. Không bên nào có thể duy trì nó nhiều hơn thế,” ông nói vào thời điểm đó.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước, Kurt Volker, một thành viên xuất sắc tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu và là cựu đại diện đặc biệt của Mỹ về các cuộc đàm phán Ukraine, cho biết ông tin rằng Nga đang ở một vị trí “yếu” trong cuộc chiến, với lý do tổn thất quân sự, và sự cô lập về chính trị.

4. Putin bắt đầu chiến tranh ở Moldova ngay 'Khoảnh khắc họ tiếp cận được Transnistria'

Theo một chuyên gia, các lực lượng Nga có khả năng tấn công Moldova nếu họ thành công trong cuộc xâm lược Ukraine - thậm chí chưa thắng trong cuộc xâm lược Ukraine, họ vẫn có thể xâm lược Moldova.

Nga tiếp tục tập trung phần lớn sức mạnh quân sự vào việc giành quyền kiểm soát khu vực Donbas, miền đông Ukraine, nơi đã là trọng tâm của cuộc chiến ngay từ đầu. Sau thất bại trong việc chiếm thủ đô Kyiv, các lực lượng Nga ngày càng tập trung vào cuộc chiến ở phía đông.

Nhưng viễn cảnh Nga tiến hành một cuộc xâm lược tương tự vào Moldova, quốc gia nhỏ bé ở phía nam Ukraine, đã khiến nhiều người lo ngại trong nhiều tháng qua. Giống như Ukraine nước láng giềng gắn bó với mình, Moldova là một lãnh thổ của Liên Xô trước năm 1991. Quốc gia này cũng có một khu vực ly khai dọc theo biên giới với Ukraine, là Transnistria, chỉ được Mạc Tư Khoa công nhận. Không có bất kỳ thành viên nào khác của Liên Hiệp Quốc công nhận.

Nhiều người đã suy đoán rằng các lực lượng Nga sẽ tiến đánh Moldova sau một chiến thắng ở Ukraine. Nhưng Yuri Felshtinsky, một tác giả, nhà sử học và chuyên gia về lịch sử địa chính trị của Nga, nói với Express UK rằng một cuộc xâm lược Moldova có thể bắt đầu sớm hơn nhiều.

“Ngay cả trước khi họ chiếm được Ukraine, nếu họ đến được Transnistria trong quá trình này, họ sẽ bắt đầu có chiến tranh ở đó. Moldova sẽ gặp nguy hiểm khi Nga đến được miền Transnistria. Nếu người Ukraine không thể ngăn cản quân Nga, thì họ sẽ đến được Transnistria và họ sẽ bắt đầu cuộc chiến ở Moldova. Và Moldova, tất nhiên, không phải là thành viên của NATO”.

Felshtinsky tuyên bố rằng tham vọng của Putin sẽ không dừng lại với khu vực ly khai Donbas của Ukraine, vốn là lý do cho cuộc xâm lược hiện tại. Cho dù có được trong tay mọi khu vực khác mà quân đội của ông hiện đang kiểm soát, ông ta cũng sẽ không dừng lại ở đó. Ông giải thích rằng nền tảng ở Moldova đã được đặt xong. Khoảng 2.000 quân gìn giữ hòa bình Nga vẫn đóng quân tại Transnistria kể từ khi Liên Xô sụp đổ, và trong vòng một thập kỷ qua, họ đã bắt đầu cấp hộ chiếu Nga cho những người nói tiếng Nga.

“Ở Moldova, ở Transnistria, có khoảng 220.000 người nói tiếng Nga mà chính phủ Nga bắt đầu cấp hộ chiếu Nga cho họ,” Felshtinsky nói thêm. “Họ bắt đầu làm việc này lần đầu tiên vào năm 2014.”

Các quan chức Nga trước đây đã bác bỏ quan điểm xâm lược Moldova, với Thứ trưởng Ngoại giao Andrei Rudenko hồi tháng 4 nói rằng họ “muốn tránh một kịch bản như vậy”.

Thủ tướng Moldova, Natalia Gavrilita, cho biết vào cuối tháng 7 rằng bà “rất lo lắng” về viễn cảnh một cuộc xâm lược của Nga vào nước bà, nhưng cũng nói thêm rằng cho đến bây giờ điều đó vẫn chưa có gì là chắc chắn.

5. Rủi ro hạt nhân 'gia tăng mỗi ngày' theo nhịp điệu của các vụ pháo kích vào nhà máy hạt nhân

Thị trưởng Enerhodar nói rằng rủi ro đang “tăng lên mỗi ngày” tại nhà máy điện hạt nhân ở thành phố do Nga chiếm đóng, nơi đã bị pháo kích gần đó trong những ngày gần đây.

Vụ pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya ở Enerhodar, Ukraine, đã làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra tai nạn hạt nhân. Hôm thứ Bảy, người Ukraine một lần nữa cho biết người Nga đã pháo kích gần nhà máy, trong khi các quan chức Nga bác bỏ cáo buộc này. Mặc dù nhà máy nằm trên lãnh thổ đã bị chiếm đóng kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, nhưng nó vẫn được điều hành bởi người Ukraine.

Dmytro Orlov, thị trưởng của Energodar, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với AFP được công bố hôm Chúa Nhật: “Những gì đang xảy ra ở đó hoàn toàn là khủng bố hạt nhân. Nó có thể kết thúc không thể đoán trước bất cứ lúc nào.”

“Những kẻ xâm lược tiếp tục khủng bố dân thường và nhà máy điện hạt nhân,” Orlov nói thêm. “Các quy tắc an toàn phòng cháy chữa cháy liên tục bị vi phạm. Tình hình đang nóng lên, và sự leo thang vẫn tiếp tục”.

Đoạn phim cho thấy những người chạy trốn khỏi khu vực của nhà máy điện bắt đầu lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội vào thứ Bảy.

“Một đoàn xe khổng lồ đang cố gắng rời khỏi Enerhodar bị chiếm đóng. Mọi người đang rời bỏ nhà của họ bên cạnh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya, do những kẻ khủng bố Nga kiểm soát, tống tiền thế giới bằng một thảm họa hạt nhân. Hôm nay, người Nga lại bắn phá trạm hạt nhân”, Maria Avdeeva, giám đốc nghiên cứu tại Hiệp hội chuyên gia Âu Châu ở Ukraine, đã tweet, chia sẻ đoạn video quay cảnh những người đứng cạnh xe hơi dọc theo một con đường nông thôn.

Các quan chức Nga đã phủ nhận rằng họ đứng sau vụ pháo kích. Trong một bài đăng trên Telegram vào tuần trước, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói rằng ý tưởng rằng người Nga đứng sau vụ pháo kích là “vô nghĩa.” Tuy nhiên, ông cũng đưa ra cảnh báo về những tai nạn có thể xảy ra tại các nhà máy điện ở Âu Châu.

Newsweek đã liên hệ với các bộ ngoại giao Nga và Ukraine để đưa ra bình luận

Trong một bài phát biểu vào thứ Bảy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cáo buộc “quân xâm lược Nga cố gắng đe dọa mọi người theo một cách cực kỳ giễu cợt bằng cách sử dụng nhà máy điện hạt nhân.”

“Họ thực sự nấp sau nhà máy để bắn vào Nikopol và Marhanets. Họ khiêu khích liên tục bằng việc pháo kích vào các lãnh thổ gần nhà máy điện hạt nhân và cố gắng điều động lực lượng bổ sung của họ theo hướng này để tống tiền nhà nước của chúng ta và toàn bộ thế giới tự do hơn nữa.”

Zelenskiy nói thêm rằng mỗi ngày người Nga chiếm đóng lãnh thổ của NPP, điều đó “làm tăng mối đe dọa bức xạ đối với Âu Châu đến mức ngay cả vào những thời điểm cao điểm của cuộc đối đầu trong Chiến tranh Lạnh, điều này đã không xảy ra”.

6. Zelenskiy cho biết các lực lượng Ukraine sẽ săn lùng vào các binh sĩ Nga đóng tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết Ukraine sẽ săn lùng các binh sĩ Nga bắn vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu hoặc sử dụng nó làm căn cứ để bắn ra ngoài.

Tuyên bố này diễn ra khi các quốc gia G7, lo ngại về thảm họa hạt nhân, đã kêu gọi Mạc Tư Khoa rút lực lượng khỏi nhà máy.

Ukraine và Nga đã đưa ra những cáo buộc về nhiều vụ pháo kích gần đây vào cơ sở Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu. Quân đội Nga đã chiếm được nhà máy điện hạt nhân này rất sớm trong cuộc chiến.

Zelenskiy nói trong một bài phát biểu vào buổi tối: “Mọi binh sĩ Nga bắn vào nhà máy hoặc sử dụng nhà máy làm chỗ ẩn náu, phải hiểu rằng anh ta sẽ trở thành mục tiêu đặc biệt cho các nhân viên tình báo của chúng tôi, cho các dịch vụ đặc biệt của chúng tôi, cho quân đội của chúng tôi”.

Ông Zelenskiy đã đưa ra lập trường trên sau khi các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn có nguy cơ giải phóng chất phóng xạ trong bối cảnh Ukraine và Nga tiếp tục đổ máu để kiểm soát Donbas.

Zelenskiy đã phát biểu trước quốc dân đồng bào, và nhắc lại tuyên bố của ông rằng Nga đang sử dụng nhà máy này như một vụ tống tiền hạt nhân.

Nhà máy chiếm ưu thế ở bờ nam của một hồ chứa rộng lớn trên sông Dnipro. Các lực lượng Ukraine đang kiểm soát các thị trấn và thành phố ở bờ đối diện đã bị bắn phá dữ dội từ phía do Nga nắm giữ.

Cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine trước đó đã cảnh báo về những 'hành động khiêu khích' mới của Nga xung quanh nhà máy trong khi thị trưởng lưu vong của thị trấn nơi đặt nhà máy cho biết thành phố đã phải hứng chịu một đợt pháo kích mới của Nga.

Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cáo buộc Nga đã 'đánh sập một phần của nhà máy điện hạt nhân, nơi cung cấp năng lượng cho miền nam Ukraine.'

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, đang tìm cách kiểm tra nhà máy, đã cảnh báo về một thảm họa hạt nhân trừ khi chiến sự dừng lại.

Theo các chuyên gia hạt nhân, giao tranh ác liệt có thể làm hỏng các bể chứa nhiên liệu đã sử dụng của nhà máy hoặc các lò phản ứng.

Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi thành lập một khu phi quân sự xung quanh cơ sở Zaporizhzhia, nơi vẫn đang được điều hành bởi các kỹ thuật viên Ukraine.

Trong nhiều tuần, Kyiv cho biết họ đang lên kế hoạch phản công để chiếm lại Zaporizhzhia và các tỉnh Kherson lân cận, là phần lãnh thổ lớn nhất mà Nga chiếm giữ sau cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 và vẫn nằm trong tay Nga.

Các lực lượng của Nga và Ukraine trước đó đã chiến đấu để kiểm soát Chornobyl, địa điểm vẫn còn nhiễm phóng xạ của vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới.