1. Chế độ Ortega ở Nicaragua sử dụng bạo lực đóng cửa các đài phát thanh Công Giáo

Cảnh sát Nicaragua đã đột nhập vào giáo xứ Lòng Chúa Thương Xót vào đêm 1 tháng 8 ở thị trấn Sébaco thuộc Giáo phận Matagalpa để đóng cửa một đài phát thanh Công Giáo. Đó là một trong 5 đài phát thanh Công Giáo bị chính quyền Daniel Ortega đóng cửa hôm thứ Hai.

Trên Facebook, giáo xứ đã phát trực tiếp việc cảnh sát đến cửa giáo xứ cũng như việc họ xâm nhập bằng vũ lực.

Kênh Công Giáo ở Sébaco cũng phát sóng trực tiếp cuộc đột kích của cảnh sát vào nhà nguyện Chúa Hài Đồng Prague. Đài báo cáo rằng các viên chức cộng sản đã bắn chỉ thiên và bắn hơi cay để xua đuổi những người đến ủng hộ Cha Uriel Vallejos, giám đốc cơ quan truyền thông.

“Chúng tôi xin, các anh em, hãy cùng chúng tôi cầu nguyện. Tất cả những người đang ở nhà của họ, vào lúc này, xin vui lòng, chúng tôi yêu cầu các bạn quỳ xuống, thắp một ngọn nến trước ảnh của Đức Trinh Nữ Maria. Cầu mong Đức Mẹ bảo vệ chúng tôi với lớp áo thiên đàng của Mẹ,” phát thanh viên nói.

Giáo phận Matagalpa, nơi được cai quản bởi Đức Cha Rolando Álvarez, là một trong những người chỉ trích chính phủ, đã báo cáo rằng cơ quan quản lý của đất nước, Viện Dịch vụ Bưu chính và Viễn thông Nicaragua, đã thông báo cho ngài vào thứ Hai về việc đóng cửa Đài Hermanos.

“Vào thời điểm này, chúng tôi được thông báo rằng họ cũng đã đóng cửa Đài Đức Mẹ Lộ Đức ở La Dalia, Đài Đức Mẹ Fatima ở Rancho Grande, Đài Alliens ở San Dionisio, và Đài Mount Carmel ở Río Blanco,” Đức Cha thông báo trong tuyên bố của mình.

Giáo phận cho biết lập luận của bọn cầm quyền về việc đóng cửa Đài Hermanos là “kể từ ngày 30 tháng Giêng năm 2003, chúng tôi đã không có giấy phép hoạt động hợp lệ.”

Tuy nhiên, giáo phận cho biết vào ngày 7 tháng 6 năm 2016, “đích thân giám mục Rolando Álvarez của chúng tôi đã xuất trình tài liệu” trước cơ quan nói trên để yêu cầu các giấy phép hoạt động hiện tại cho Đài phát thanh Hermanos, Đài phát thanh Đức Mẹ Lộ Đức ở La Dalia, Đài phát thanh Đức Mẹ Fatima ở Rancho Grande, Đài phát thanh Mount Carmel ở Río Blanco, Đài phát thanh St. Lucy ở Ciudad Darío, Đài phát thanh Công Giáo ở Sebaco, và Đài phát thanh St. Joseph ở Matiguas.

Giáo phận lưu ý rằng yêu cầu của ngài “không bao giờ được trả lời.”

“Tất cả tài liệu này đều có sẵn cho nhà chức trách, cộng đồng quốc gia và quốc tế,” vị giám mục nói thêm.
Source:Catholic News Agency

2. Đức Tổng Giám Mục Guadalajara: Cần 'điều tra kỹ lưỡng' về phép lạ thánh thể đang được đồn đãi tại Mễ Tây Cơ

Đức Hồng Y José Francisco Robles Ortega của Guadalajara, Mễ Tây Cơ, gần đây đã lên tiếng về một phép lạ thánh thể được tường trình trên mạng xã hội, và được cho là xảy ra tại một giáo xứ trong tổng giáo phận của ngài.

Đức Hồng Y Robles cho biết vụ việc là “rất nghiêm trọng, bởi vì đó là vấn đề của bí tích lớn nhất trong đức tin của chúng ta, nơi chúng ta chắc chắn về sự hiện diện thực sự, sống động của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể.”

“Đó là một vấn đề rất nhạy cảm khi một số yếu tố phi thường được ghi lại hoặc công bố chính thức mà không có thẩm quyền của giáo hội. Đức Hồng Y cho biết Giáo Hội cần phải thấu hiểu xem điều gì đã xảy ra, xem xét các chi tiết để nói rằng đó là một hành động siêu nhiên, phi thường, một phép lạ”.

Đức Hồng Y lưu ý rằng “cho đến thời điểm này, tôi chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào từ linh mục quản xứ, cũng như từ linh mục hướng dẫn buổi cầu nguyện, cũng như từ chính các tín hữu đã trải nghiệm những gì họ thấy.”

“Hoàn toàn không có ai tiếp cận tôi để nói rằng 'đây là những gì đã xảy ra, bằng chứng chúng tôi có, Đức Hồng Y hãy quyết định.' Không ai tiếp cận tôi cả”

Đức Hồng Y đã phát biểu trước những đồn thổi liên quan đến một biến cố diễn ra ngày 22 tháng 7 tại giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi ở Zapotlanejo, cách Guadalajara khoảng 20 dặm về phía đông.

Các video, được đăng trên mạng xã hội, dường như cho thấy Mình Thánh Chúa, được trưng bày trong một buổi chầu Thánh Thể, đã có những chuyển động như thể đó là một trái tim.

Cha Carlos Spahn, người đã dâng thánh lễ trước đó và hướng dẫn các buổi cầu nguyện cho việc chầu thánh thể, trong đó phép lạ thánh thể được cho là diễn ra, vào ngày 26 tháng 7, nói với ACI Prensa rằng những gì được thấy trong video là “xác thực” và thực tế là không phải tất cả mọi người có mặt đều nhìn thấy điều đó cho thấy nguồn gốc thiêng liêng của biến cố này. “

Cha Spahn là một linh mục người Á Căn Đình, người sáng lập và là bề trên của Dòng Trái tim Vô nhiễm và Lòng Chúa Thương xót. Ngài đang thực hiện một sứ vụ tại giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi và chỉ ở đó một thời gian ngắn.

Phát biểu ngày 31 tháng 7, Đức Hồng Y Robles cảnh báo: “Hãy tưởng tượng rằng ai đó đặt ra một kịch bản phép lạ có thể xảy ra và sau đó đấng bản quyền chỉ đơn giản tuyên bố đó là phép lạ, và sau đó điều đó được chứng minh là một kịch bản thấp hèn.”

“Mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Sự hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu Kitô, và thẩm quyền của Giáo hội ở đâu?” ngài đặt câu hỏi, và cảnh báo rằng “đó là một vấn đề rất nhạy cảm và nghiêm trọng.”

Đức Tổng Giám Mục Guadalajara nhắc lại rằng “cho đến nay tôi không có cách nào để tuyên bố” về tính xác thực hay giả mạo của phép lạ thánh thể được tường trình”.

“Tôi sẽ phải thực hiện một cuộc điều tra nghiêm chỉnh và xác định ý nghĩa,” ngài nói.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng “có rất nhiều video và rất nhiều thứ có thể được tạo ra có vẻ như thực.”

“Vấn đề rất nhạy cảm, nhiều chuyện đùa giỡn với tình cảm, với niềm tin của người dân đang diễn ra, nó làm mất uy tín, và sự trang nghiêm của Giáo hội,” ngài than thở.

Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh rằng “đối với Giáo hội, trong mỗi Bí tích Thánh Thể được cử hành, Chúa Giêsu trở nên hiện diện thực sự trên bàn thờ và thực sự trong bánh thánh hiến và trong rượu thánh hiến, bất kể bánh thánh có chảy máu, có rung động hay không.”

“Điều kỳ diệu là sự hiện diện sống động của Chúa Giê Su Kitô được nhận ra và đức tin của chúng ta thông thường không cần những biểu hiện siêu nhiên này”

“Điều được trình bày như một phép lạ thánh thể phải được xác minh với tất cả sự nghiêm túc và phải xem xét mọi khía cạnh.”
Source:Catholic News Agency

3. Hội Hiệp sĩ Malta kêu gọi tăng cường chống buôn người

Hội Hiệp sĩ Malta kêu gọi cộng đồng quốc tế có những biện pháp hữu hiệu hơn chống nạn buôn người và chính Hội này tái quyết tâm chiến đấu chống nạn buôn người và bảo vệ các nạn nhân.

Hội Hiệp sĩ Malta đưa ra lời kêu gọi trên đây, nhân ngày Thế giới chống nạn buôn người, cử hành hôm 30 tháng Bảy vừa qua, với chủ đề “Việc sử dụng và lạm dụng các kỹ thuật mới”.

Hội Hiệp Sĩ Malta là một tổ chức có qui chế của một thực thể quốc tế, hiện hữu từ gần 1.000 năm nay, có chủ quyền như một quốc gia và có quan hệ ngoại giao trên cấp đại sứ với 106 nước trên thế giới. Về phương diện tinh thần và tu đức, Hội có qui chế như một dòng tu Công Giáo và dưới khía cạnh này Hội tùy thuộc Đức Giáo Hoàng.

Tuyên bố hôm 28 tháng Bảy vừa qua, ông Albert Boeselager, Chưởng Ấn của Hội Hiệp sĩ, khẳng định rằng: “Nạn buôn người là một vấn đề hoàn cầu và vì thế đòi phải có một câu trả lời hoàn vũ”.

Theo Liên Hiệp Quốc, mỗi năm có khoảng hai triệu người trở thành nạn nhân của nạn buôn người, phần lớn là những người trốn chạy chiến tranh, nghèo đói và thiên tai. Họ rơi vào tay những kẻ bất lương gian ác, kể cả những nhóm khủng bố, bắt cóc người với mục đích biến họ thành nô lệ tình dục, cưỡng bách lao động, hoặc bóc lột dưới những hình thức khác. Thường chúng chiêu dụ các nạn nhân với những lời hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong số các nạn nhân, phần lớn là phụ nữ và thiếu nữ dễ bị tổn thương nhất. Trong năm 2018, cứ 10 nạn nhân được phát hiện trên thế giới, thì có 5 phụ nữ và 2 thiếu nữ. Và theo tổ chức “Save the Children”, Hãy cứu các trẻ em, một phần tư các nạn nhân nạn buôn người ở Âu châu là những trẻ vị thành niên.

Ông Michel Veuthey, Đại sứ của Hội Hiệp sĩ Malta cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc tại Genève, đặc trách theo dõi và bài trừ nạn buôn người, mặc dù đã có một khuôn khổ pháp lý quốc tế chống nạn buôn người, nhưng con số các nạn nhân bị phát hiện và việc kết án những kẻ bị cáo về tội buôn người vẫn ở mức độ rất thấp: chỉ có một trên tổng số 2.154 vụ đi đến bản kết án. Ông nói: “Các biện pháp ngày nay để truy tố những kẻ buôn người, và bảo vệ, giúp đỡ các nạn nhân đều không đủ và thiếu hiệu năng. Các luật lệ và cơ cấu hiện nay trên bình diện địa phương, miền và hoàn vũ, tuy đã có nhưng chúng không thích hợp để đương đầu với những thách đố đang gia tăng do nạn buôn người”.

Từ năm 2017, Hội Hiệp sĩ Malta dấn thân tích cực trong việc gây ý thức trong dư luận quần chúng về tệ nạn kinh khủng này. Hội tham gia và lên tiếng trong các khóa họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về những hình thức khác nhau trong nạn buôn người hoặc nạn nô lệ tân thời như cưỡng bách lao động, cưỡng bách kết hôn, và mang thai, bán trẻ em, dâm ô và nạn buôn bán cơ phận.

Hội cũng gia tăng liên kết và cộng tác với các đại học ở Pháp, Ý, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ về vấn đề này.