Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được nhớ đến như một người thể hiện “sự tôn trọng lớn lao đối với Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là đối với Tòa thánh” sau vụ ám sát hôm thứ Sáu.

Abe đang vận động cho các ứng cử viên địa phương ở Nara thì một người bắn vào lưng ông từ cự ly gần bằng một khẩu súng tự chế. Vị cựu Thủ tướng 67 tuổi được đưa đến bệnh viện bằng máy bay nhưng các quan chức cho biết ông không thở được và tim đã ngừng đập. Sau đó ông được xác nhận là đã chết tại bệnh viện.

Cảnh sát đã bắt giữ kẻ tình nghi xả súng tại hiện trường, nhưng không có động cơ nào được đưa ra ngay lập tức.

“Mặc dù chúng tôi là các Giám mục Công Giáo Nhật Bản và cố Thủ tướng có sự khác biệt lớn về quan điểm đối với một số vấn đề bao gồm giải trừ hạt nhân, chính sách năng lượng hạt nhân và hiến pháp hòa bình, nhưng ông Abe đã thể hiện sự tôn trọng lớn đối với Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là đối với Tòa thánh, và chắc hẳn ông đã hiểu được ảnh hưởng của Đức Thánh Cha đối với xã hội, quốc tế về vấn đề hòa bình,” Đức Tổng Giám Mục Isao Kikuchi của Tokyo nói.

“Đó là lý do chính tại sao ông ấy bỏ ra rất nhiều nỗ lực để mời Đức Thánh Cha đến thăm Nhật Bản và thậm chí lần đầu tiên ông ấy đã bổ nhiệm một người Công Giáo làm Đại Sứ tại Tòa thánh. Trong khi cử một số đặc phái viên đến gặp Đức Thánh Cha để mời ngài thăm Nhật Bản, bản thân ông cũng đã đến thăm Đức Thánh Cha tại Vatican vào năm 2014,” Đức Tổng Giám Mục nói.

Giáo Hội Công Giáo, với không quá 500.000 tín hữu, chỉ chiếm chưa đến 0,5 phần trăm của quốc gia nổi tiếng về Thần đạo và Phật giáo.

Abe là thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, ông đã tại vị hai lần, lần đầu tiên từ năm 2006-2007 và sau đó là từ năm 2012-2020. Là thành viên của Đảng Dân chủ Tự do bảo thủ, ông đã gây tranh cãi vì quan điểm tái quân sự hóa Nhật Bản nhằm đương đầu với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của Đảng Cộng sản Trung Quốc; và quan điểm xét lại của ông về các hành động của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.

Ông đã tiếp đón Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến công du Nhật Bản từ ngày 24 đến 26 tháng 11 năm 2019, bao gồm các chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng đến Hiroshima và Nagasaki.

“Cả hai vị đều đồng ý tiếp tục vận động cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân, xóa đói nghèo, nhân quyền và bảo vệ môi trường,” Kikuchi nói.

“Mặc dù cả hai vị đều nhất trí sẽ nỗ lực hơn nữa để hướng tới cùng mục tiêu về những vấn đề quan trọng như vậy, nhưng cả hai cũng nhận thấy rằng đường lối của ông Abe và Đức Thánh Cha không giống nhau”

“Đức Thánh Cha đi xa hơn trong việc cam kết thực hiện một số mục tiêu trong số này nhưng ông Abe đã thận trọng hơn trong việc hiện thực hóa chương trình nghị sự chính trị của mình. Tôi đoán đó là một trong những lý do tại sao Đức Thánh Cha không đề cập đến án tử hình cũng như chính sách năng lượng hạt nhân cho đến khi ngài đáp chuyến bay trở về Rôma,” Đức Tổng Giám Mục nói.

Ngoài Hoa Kỳ, Nhật Bản là quốc gia G7 duy nhất giữ lại hình phạt tử hình.

Kikuchi cũng lưu ý rằng các giám mục Nhật Bản không đồng ý với nỗ lực của Abe trong việc thay đổi Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, vốn cấm chiến tranh như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế, mặc dù Đức Tổng Giám Mục nói rằng cả Giáo hội và cựu thủ tướng đều “có thể nhắm đến cùng một mục tiêu, đó là thiết lập hòa bình trong khu vực.”

“Mặc dù có sự khác biệt về quan điểm giữa chúng tôi là Giám mục và chính sách của ông Abe, chúng tôi vẫn được hưởng quyền tự do tín ngưỡng ở Nhật Bản dưới sự bảo vệ của hiến pháp mà ông Abe đã được chọn làm thủ tướng. Những đóng góp to lớn của ông cho đất nước cần được trân trọng và một người như vậy không nên bị sát hại bởi cuộc tấn công bạo lực này. Cầu mong ông ấy yên nghỉ,” vị tổng giám mục nói.
Source:CRUX