Tương lai sẽ ra sao?

Cũng trên tờ First Things, còn có bài thứ ba dưới tiêu đề “What comes after Roe” của Gerard V. Bradley, giáo sư luật ở Đại Học Notre Dame. Tác giả này cũng ca ngợi Phán quyết Dobbs nhằm đảo ngược phát quyết Roe. Ông viết:



Hôm nay, trong vụ Dobbs v. Jackson Women's Health Organization [Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson], Tối cao Pháp viện đã phán quyết rằng “Hiến pháp không ban quyền phá thai. RoeCasey phải bị hủy bỏ." Gần 50 năm sau khi đưa ra quyết định phá thai tai tiếng vào ngày 22 tháng 1 năm 1973, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cuối cùng đã sửa chữa sai lầm lớn nhất mà nó từng mắc phải.

Đó không chỉ là phán đoán của tôi. Đó cũng là phán đoán của các thẩm phán. Tòa không thường xuyên tự hủy bỏ các vấn đề hiến pháp; trong phán quyết Dobbs, một “danh sách không đầy đủ” chỉ bao gồm 26 trường hợp kể từ năm 1938. Hiếm khi trong những trường hợp hủy bỏ này, Tòa lại thú thực như trong phán quyết Dobbs, vì đã tuyên bố rằng “việc phân tích phán quyết Roe về phương diện hiến pháp vượt xa giới hạn của bất cứ giải thích hợp lý nào về các điều khoản hiến pháp mà nó đã chỉ ra một cách mơ hồ." Ý kiến đa số bậc thầy của thẩm phán Samuel Alito đã chôn phán quyết Roe thật sâu trong nghĩa địa luật học, nơi bia mộ ghi những cái tên khét tiếng như Dred Scott v. Sandford Plessy v. Ferguson.

Ý kiến trong phán quyết Dobbs cam kết sẽ kiểm tra các quy định về phá thai dựa trên “cơ sở hợp lý”. Điều đó có nghĩa là (và các đoạn khác trong Dobbs xác nhận) hầu hết bất cứ hạn chế nào đối với quyền truy cập phá thai cũng sẽ được giữ nguyên. Ngay cả lệnh cấm hình sự của tiểu bang đối với việc phá thai, nếu bao gồm các trường hợp ngoại lệ để cứu tính mạng của người mẹ và trong một số trường hợp, để ngăn ngừa thương tích cơ thể nghiêm trọng cho họ, nay cũng an toàn về mặt hiến pháp. Dobbs, vì lý do này, có tính cách tạo thời đại.

Trong một khía cạnh quan yếu, Dobbs nói ngắn gọn: Nó không nói những đứa trẻ chưa sinh là “những con người” được hưởng quyền sống hiến định theo Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng. (Một bản tóm tắt thân hữu với tòa án [friend-of-the-court brief - amicus curiae-] của John Finnis và Robert P. George, đã đưa ra một lập luận lịch sử đầy tính thuyết phục rằng Tu Chính án Thứ Mười bốn nguyên khởi được hiểu là làm chính điều đó. Ý kiến trong Dobbs không đề cập tới lập luận của họ.) Không có bảo đảm hiến định cho sự sống này, những đứa trẻ chưa sinh sẽ được an toàn khỏi bị phá ở Mississippi, nhưng sẽ gặp nguy hiểm chết người ở California, nơi đã tuyên bố ý định trở thành “thánh địa” của phá thai.

Dobbs quả quyết rằng “Hiến pháp không cấm công dân của mỗi Tiểu bang quy định hoặc cấm phá thai. RoeCasey đã lấy đi quyền lực này. Giờ đây, chúng tôi hủy bỏ những phán quyết đó và trả lại quyền đó cho người dân và những người đại diện được họ bầu ra”. Trong bức tranh tương lai này, Tòa án và Hiến pháp ít được hiển thị. Điều này cho thấy cuộc tranh cãi về việc phá thai trong thời gian tới sẽ có tính chính trị, không phải tư pháp. Có vẻ như các tòa án đang tự mình thoát thân ra khỏi hoạt động phá thai.

Tuy nhiên, việc đọc một cách mạch lạc toàn bộ ý kiến sẽ khiến ta tập chú vào một bức tranh khác hẳn. Tầm nhìn này báo hiệu việc bảo vệ tư pháp trong tương lai đối với thai nhi theo Hiến pháp. Dobbs có thể không minh nhiên xác nhận tính cách nhân vị của thai nhi, nhưng Dobbs quả có xây dựng các khối cho các vụ kiện tụng trong tương lai để cung cấp cho những người chưa sinh tất cả, hoặc gần như tất cả, sự bảo vệ mà họ xứng đáng được hưởng như những “ngôi vị” theo Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng. Điều này sẽ yêu cầu một khổ công khác qua các tòa án.

Nơi để bắt đầu việc mô tả các khối xây dựng này là theo khẳng định của ý kiến cho rằng tiếp cận phá thai hợp pháp là một vấn đề hiến pháp độc đáo chưa hề có tiền lệ thích đáng vì, và chỉ vì, nó giết chết một con người chưa sinh.

Điều khác biệt rõ ràng giữa quyền phá thai với các quyền được thừa nhận trong các trường hợp mà RoeCasey dựa vào đó là điều mà cả hai phán quyết đó đều thừa nhận: Phá thai phá hủy điều mà những phán quyết đó gọi là “sự sống tiềm tàng” và điều luật đang bàn trong trường hợp này coi là mạng sống của một "con người chưa được sinh ra."... Không có phán quyết nào khác được trích dẫn bởi [hai trường hợp này] liên quan đến câu hỏi đạo đức quan trọng do phá thai đặt ra. Do đó, chúng lạc lõng.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Dobbs khẳng định rằng “tôn trọng và bảo tồn sự sống trước khi sinh ở mọi giai đoạn phát triển” là lợi ích hợp pháp của nhà nước. Nếu phá thai không gây chết cho một hữu thể nhân bản, thì toàn bộ lý lẽ mà Dobbs đưa ra sẽ sụp đổ.

Do đó, đàng sau luật cho phép phá thai dễ dãi như ở California phải có câu trả lời thuyết phục cho những câu hỏi sau đây: Liệu có “hợp lý” hay không để phán đoán rằng có một sự thay đổi đáng kể về tư cách và sự đáng giá đạo đức của đứa trẻ chưa sinh ở đâu đó giữa sự hình thành của đứa trẻ khi thụ tinh và sự ra đời của đứa trẻ chín tháng sau? Theo trật tự hiến pháp của chúng ta, mọi trẻ sơ sinh lúc sinh ra và sau khi sinh ra đều được hưởng sự bảo vệ bình đẳng của luật pháp chống lại tội giết người, hay “tội sát nhi”. Nếu vậy, thì đâu là cơ sở không tùy tiện để nói rằng sự bảo vệ bình đẳng của pháp luật bắt đầu từ khi mới sinh ra, chứ không phải là một thời điểm trước đó? Hay ở "khả năng sống sót" [viability]? Ở "khả năng sống sót" chứ không phải ở mười lăm tuần? Hoặc ở mười lăm tuần nhưng không phải trước đó?

Ý kiến trong Dobbs đưa ra các điểm chính để lập luận rằng không có cơ sở bất tùy tiện nào như vậy - nghĩa là các điểm để lập luận trong các vụ kiện tương lai rằng California (chẳng hạn) không có câu trả lời cho câu hỏi về sự thay đổi đáng kể. Đầu tiên, Tòa công nhận rằng bất cứ điều gì mang lại quyền sống cho bất cứ ai, thì đó phải là điều gì đó thuộc về cá nhân đó, chứ không phải thuộc về một số hoàn cảnh bên ngoài, chẳng hạn như “khả năng sống sót”. Theo Dobbs,

"Vấn đề hiển nhiên nhất với bất cứ lập luận [ngược lại] nào là khả năng sống sót phụ thuộc nặng nề vào các yếu tố không liên quan gì đến các đặc điểm của thai nhi. Một là tình trạng chăm sóc trẻ sơ sinh tại một thời điểm cụ thể... Và nếu khả năng sống sót được dùng để đánh dấu một đường ranh có ý nghĩa đạo đức phổ quát, thì có thể nào một bào thai sống sót ở một thành phố lớn ở Hoa Kỳ có một tư thế đạo đức đặc quyền mà một bào thai giống hệt như thế ở một vùng sâu vùng xa của một nước nghèo không có được?"

Sau đó, ý kiến trong Dobbs đã khai triển điều có thể coi là một lập luận cho rằng không có sự thay đổi đáng kể giữa thời điểm thụ tinh và sinh ra, một lý lẽ chống lại bất cứ sự phân biệt tiền sinh nào giữa những đứa trẻ chưa sinh. “Nếu ‘khả năng sống sót’có nghĩa là khả năng sống sót bên ngoài tử cung, thì tại sao đây lại là thời điểm mà lợi ích của Nhà nước trở nên có tính bó buộc? Nếu, như Roe chủ trương, lợi ích nhà nước trong việc bảo vệ sự sống tiền sinh có tính bó buộc "sau khả năng sống sót", thì tại sao lợi ích đó lại ‘không có tính bó buộc như nhau trước khả năng sống sót’"? Dobbs tường trình rằng "Roe đã không nói gì, và không có lời giải thích nào rõ ràng cả." Tòa kết luận " khả năng sốg sót" là một "đường ranh tùy tiện."

Ý kiến xây dựng trên lập luận này khi hướng tới tính hợp lý của các phân biệt giữa con người trước và sau khi sinh. Tòa viết, “Đường ranh tùy tiện này không tìm được nhiều ủng hộ nơi các triết gia và nhà đạo đức học, những người đã cố gắng biện minh cho quyền phá thai. Một số người lập luận rằng thai nhi không nên được hưởng sự bảo vệ của pháp luật cho đến khi nó có được những đặc điểm mà họ coi là xác định được điều có nghĩa là một 'con người.' Trong số các đặc điểm được đưa ra làm thuộc tính chủ yếu của “nhân vị” là khả năng cảm giác, tự ý thức về bản thân, khả năng suy luận, hoặc một số kết hợp của những khả năng này." Nhưng ý kiến tiếp tục “do luận lý học này, sẽ là một câu hỏi bỏ ngỏ liệu ngay những cá nhân đã sinh ra, bao gồm cả trẻ nhỏ hoặc những người mắc các tình trạng kém phát triển hoặc y tế nào đó, có được bảo vệ xứng đáng với tư cách là 'con người’ hay không.'” Như thế, phán quyết Dobss chứa đựng các điểm và lập luận cho các vụ kiện tụng phò sinh trong tương lai để bảo đảm rằng thai nhi nhận được sự bảo vệ đầy đủ với tư cách là “con người” theo Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng.

Do đó, phán quyết Dobbs là một bước ngoặt quyết định trên con đường bảo đảm quyền sống bình đẳng cho mỗi con người, từ khi còn trong bụng mẹ và ở cả bên ngoài bụng mẹ. Đó là sự kết thúc của sự khởi đầu trong cuộc đấu tranh dân quyền vĩ đại nhất trong thời đại của chúng ta.