Bài Tin Mừng Luca 8:40-48: Đức Giêsu chữa người đàn bà bị rong huyết và cho con gái ông Giaia sống lại

40Khi Đức Giêsu trở về thì đám đông tiếp đón, vì ai ai cũng đợi chờ Người. 41Bỗng có một người tên là Giaia đi tới; ông là trưởng hội đường. Ông sụp xuống dưới chân Đức Giêsu, nài xin Người vào nhà ông, 42vì ông có một đứa con gái duy nhất độ mười hai tuổi, mà nó lại sắp chết. Trong khi Người đi, đám đông dân chúng chen lấn làm Người nghẹt thở.

43Có một bà kia bị rong huyết đã mười hai năm, không ai có thể chữa được. 44Bà tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người. Tức khắc, máu ngừng chảy. 45Đức Giêsu hỏi: “Ai là người đã sờ vào tôi?” Mọi người đều chối, nên ông Phêrô nói: “Thưa Thầy, đám đông xô đẩy, chen lấn Thầy đấy!” 46Nhưng Đức Giêsu nói: “Có người đã đụng vào Thầy, vì Thầy biết có một năng lực tự nơi Thầy phát ra.” 47Người đàn bà thấy mình không giữ kín được nữa, thì run rẩy đến phủ phục trước mặt Người, và loan báo trước mặt toàn dân lý do tại sao bà đã đụng vào Đức Giêsu, và bà đã được khỏi bệnh tức khắc như thế nào. 48Đức Giêsu nói với bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy đi bình an.”


Trích trực tuyến từ Tin Mừng Luca của Nhóm Phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ



Chú thích

Khi Đức Giêsu trở về. Người dùng thuyền trở lại bờ phía tây của Hồ Galilê nơi Người đã rời bỏ.

Đám đông tiếp đón. Nhắc đến đám đông ở 8:4, 19.

Trưởng hội đường. Có lẽ vì là trưởng hội đường nên viên chức này đến với Chúa Giêsu có vẻ dạn dĩ không như viên bách quản ở 7:6. Tuy nhiên, sự dạn dĩ này cũng sẽ tìm thấy nơi người đàn bà băng huyết của câu truyện tiếp theo.

Đứa con gái duy nhất độ mười hai tuổi. Lo âu của Giaia rõ ràng là vì ông chỉ có một đứa con duy nhất, giống bà góa Naim cũng chỉ có một đứa con duy nhất. Tuổi 12 của con gái được nhắc, cho thấy em sắp đến tuổi kết hôn, càng làm nặng thêm nỗi lo lắng của người Cha. Trong đồng văn Luca, 12 năm còn được dùng để nối kết hai câu truyện, vì người đàn bà bị băng huyết “12 năm”.

Bị rong huyết. Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là “rong huyết” thay vì băng huyết có lẽ vì trong nguyên bản nói là “bị chẩy máu” (flow of blood). Dù sao, theo Lv 15:25-31, bệnh này làm người đàn bà ra “ô uế” và phải cách ly khỏi Israel. Việc bà chạy đến với Chúa Giêsu chứng tỏ bà đã đến đường cùng. Vì đã “12 năm” và “không ai có thể chữa được”. Ở đây ta thấy Luca lược bớt nhiều chi tiết của Máccô. Mc 5:26 viết: “bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác”. Việc lược bỏ này, kể cả việc phê phán các thầy thuốc là một nét đặc trưng của Luca, vốn là một thầy thuốc, không muốn “nói xấu” các đồng nghiệp của mình.

Sờ vào tua áo của Người. Người đàn bà đến gần Chúa Giêsu và rờ vào tua áo ngoài của Người, tin rằng chỉ cần làm thế bà cũng được cứu giúp. Luca lược bỏ ý nghĩ thầm kín của bà như trong Mc 5:28: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.”

Ai là người đã sờ vào tôi? Làm gì Chúa Giêsu lại không biết ai sờ vào áo của Người. Nên Cha Fitzmyer cho rằng câu hỏi này phát sinh từ các quan niệm Kitô học sau này về Người.

Ông Phêrô. Nhiều bản chép tay thêm “Ông Phêrô và các người khác với ông” với mục đích làm các môn đệ khác chia sẻ câu nói. Tuy nhiên, theo Cha Fitzmyer, bản văn tốt nhất cho thấy Phêrô là phát ngôn viên cho mọi người ở đây. Luca giản lược câu nói vì Mc 5:31 viết “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi : ‘Ai đã sờ vào tôi?’”. Thành thử có bản chép tay thêm câu “thế mà Thầy còn hỏi : ‘Ai đã sờ vào tôi?’”.

Một năng lực tự nơi Thầy phát ra. Điều là nhận định của Tin mừng gia trong Mc 5:30 đã trở thành nhận định của Chúa Giêsu ở đây để trả lời câu nói của Phêrô.

Loan báo trước mặt toàn dân. Luca thay đổi hình thức của Máccô về việc thừa nhận của người đàn bà (và nói hết sự thật với Người [Mc 5:33]). Luca biến nó thành lời tuyên xưng trước mặt mọi người. Chờ bị Chúa Giêsu quở mắng, bà chỉ nghe lời tha tội.

Này con. Một chữ đầy âu yếm để bảo đảm với bà rằng nay bà được nhìn nhận là thành phần của Israel.

Lòng tin của con đã cứu chữa con. Luca lại nối kết “lòng tin” và “cứu chữa” (xem 8:12 và 8:50). Chúa Giêsu gán việc bà khỏi bệnh cho đức tin và do đó, mọi hơi hướm ma thuật được lấy khỏi nội dung câu truyện.

Con hãy đi bình an. Chúa Giêsu ở đây sử dụng công thức sai đi của Cựu Ước, nó hơi khác với song hành Máccô (5:34: Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh).

Nhận định

Việc từ từ bày tỏ quyền năng của Chúa Giêsu tiếp tục với một phép lạ khác, chữa người đàn bà băng huyết (8:40-48). Thực ra, với hai phép lạ liên hệ với nhau một cách chặt chẽ, vì phép lạ chữa con gái ông Giaia tiếp theo (8:49-56) đã bắt đầu trong diễn tiến của câu truyện này rồi.

Theo cha Fitzmyer, có tác giả cho rằng hai câu truyện được hòa lẫn với nhau vì thực sự chúng diễn ra như thế. Tuy nhiên phần lớn các nhà bình luận không cho là như thế mà là hai câu truyện độc lập với nhau, và được các nguồn của cả Máccô lẫn Luca kết hợp làm một vì vấn đề chủ đề (topical arrangement). Vả lại, việc liên kết này có hiệu quả văn chương về khoảng thời gian trong đó, đứa bé gái hấp hối thực sự qua đời và phép lạ chuyển từ chữa lành qua việc làm sống lại.

Cả hai câu truyện cho ta hình ảnh Chúa Giêsu như chúa tể đối với bệnh tật và sự chết. Đến sau hai câu truyện phép lạ trước, trong đó, lời đầy quyền năng của Người được sử dụng đối với các biến động của thiên nhiên và hiện tượng qủy ám, quyền chúa tể toàn diện của Người, với hai phép lạ này, được từ từ biểu lộ. Câu truyện chữa người đàn bà băng huyết được thuật lại như việc Chúa Giêsu thực thi dynamis, quyền lực (câu 46), được hiểu như “quyến lực Chúa Thánh Thần” đã nói ở 4:14 hay “quyền lực của Chúa... để chữa lành” (5:17). Trong câu truyện chữa con gái Giaia, tuy không minh nhiên nói đến quyền lực, nhưng một cử chỉ Cựu Ước (cầm lấy tay) và lời ra lệnh của Người nói lên quyền năng của Người với những ai hiện diện. Người là Chúa không những đối với bệnh tật mà còn đối với sự sống và sự chết. Hai câu truyện phép lạ được “sandwiched” [ghép chung] với nhau giúp độc giả hiểu rằng quyền năng nói ở 8:46 cũng sẽ hành động trong việc làm cho con gái Giaia sống lại.

Tưởng cũng nên lưu ý tới việc Người cho con trai bà Góa thành Naim sống lại ở 7:11-17. Ở đấy là con trai và mẹ cậu. Ở đây là con gái và cha cô. Tính cách song hành vốn được Luca năng sử dụng, tuy tương phản ở đây. Ngoài ra, Cha Fitzmyer cũng lưu ý một điểm ở cả hai trường hợp, Luca đều muốn nhắc độc giả nhớ đến chính sự phục sinh của Chúa Giêsu khi dùng động từ egerthē (24:6), trỗi dậy, trong cả ba trường hợp.

Cuối cùng, cả hai câu truyện ở đây đều nhắc đến mối liên hệ của đức tin với ơn cứu rỗi (8:48, 50). Đức tin ở đây dĩ nhiên là lòng tin của các cá nhân vào quyền năng của Chúa Giêsu. Cả hai phép lạ sẽ không diễn ra nếu không có niềm tin này.

Trong bài nhận định thứ 45 của ngài về tình tiết này, Thánh Cyril thành Alexandra lưu ý tới thái độ của Ông Giaia: “một người cai trị và thầy dậy của hội đường Do Thái...đã qùy dưới chân Chúa Kitô Chúa Cứu thế chung của chúng ta, cầu xin cho việc thoát chết và tiễu trừ hư nát”. Ngài muốn hỏi Ông Giaia làm thế dưới ánh sáng nào? Vì nếu chỉ coi Chúa Giêsu như một con người, thì ông vô lý quá vì đã cầu xin nơi con người quyền năng chỉ có Thiên Chúa mới có. Còn nếu chạy đến với Người như Thiên Chúa Quyền năng, thì phải nói sao khi ông ném đá Đấng Kitô Cứu Thế, bách hại Người?

Thành thử, theo thánh Cyril, Giaia đến với Chúa Giêsu không hẳn do ý chí tự do, mà là vì việc sợ chết đã khiến ông hành động như thế chống lại ý chí tự do, vì thần chết đã tấn công con gái ông, đứa con duy nhất. Nên “ông đã hoàn toàn đặt danh tiếng nhất quán trong lời nói và việc làm xấu xa của ông ở số không. Vì ông, kẻ nhiều lần mưu toan ám hại Đấng Kitô vì đã làm người chết (Ladarô) sống lại, đã yêu cầu Người giải thoát khỏi sự chết. Do đó, để nhân cách ông bị coi là thô bỉ và đáng nguyền rủa... Chúa Kitô đã cùng đi với ông, và chiều theo lời yêu cầu của Ông”.

Quả là một nhận định mà thời nay, ít ai chấp thuận. Bởi trong số các biệt phái, vẫn đã có những người trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Ít nhất ta cũng có Nicôđêmô và Giuse Arimathê.

Nhưng Thánh Cyril hết lời ca ngợi người đàn bà băng huyết, người “sau khi từ bỏ mọi hy vọng nơi con người... đã thai nghén một kế hoạch khôn ngoan” là “chạy đến với Thầy Thuốc, Đấng vốn từ trên cao, từ trời, như Đấng có khả năng sẵn sàng và không cần cố gắng thực hiện những điều vượt quá quyền lực của chúng ta, Đấng mà các sắc lệnh ban ra, không ai có thể kháng cự, bất chấp điều Người muốn thực hiện là điều gì”.

Theo thánh nhân, đức tin của bà được củng cố khi thấy Giaia dẫn Chúa Giêsu đến nhà ông ta để Người tự chứng tỏ có quyền năng hơn sự chết. Vì bà thầm nghĩ rằng nếu Người mạnh hơn sự chết, thì bệnh của bà ăn nhằm gì với Người.

Thánh Cyril cũng lưu ý đến câu Chúa Giêsu hỏi “Ai là người đã sờ vào tôi?”. Như phần chú thích đã nói, làm gì Chúa Giêsu không biết ai đã chạm vào áo của Người. Nhưng hỏi như thế, Người muốn mọi người biết việc gì đã xẩy ra. Và việc biết này “sinh ích rất nhiều cho họ, nhất là ông chủ hội đường”.

Cũng chính vì thế mà chuyện làm con gái Giaia sống lại và việc chữa người đàn bà băng huyết được nối kết với nhau. Thánh Cyril cũng ca ngợi việc tuyên xưng của người đàn bà khỏi bệnh trước mặt mọi người hiện diện. Việc này “cũng sinh ích cho Giaia, dù là một bài học khó nhá. Vì ông học được là cả việc thờ phượng theo luật, lẫn việc đổ máu, giết dê giết bò, cũng như cắt bì, và mọi chuyện khác thuộc ngày sabát... cũng không thể cứu rỗi cư dân trần gian; chỉ có đức tin vào Chúa Kitô làm được điều đó”.