1. Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn

Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt đề cao vai trò của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn trong việc thăng tiến đối thoại và vui tươi giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong buổi tiếp kiến sáng mùng 06 tháng Sáu năm 2022, dành cho Hội đồng đối thoại liên tôn này, đang nhóm đại hội toàn thể tại Vatican, từ ngày 06 đến ngày 08 tháng Sáu này, về chủ đề: “Đối thoại liên tôn và vui sống” và dưới quyền chủ tọa của Đức Hồng Y Chủ tịch Miguel Ángel Ayuso Guixot, thuộc dòng thánh Comboni người Tây Ban Nha.

Đức Thánh Cha nói: “Sứ mạng của anh chị em là: Thăng tiến với các tín hữu khác, một cách huynh đệ và vui tươi, hành trình tìm kiếm Thiên Chúa; coi những người thuộc các tôn giáo khác không phải một cách trừu tượng, nhưng cụ thể, với lịch sử, ước muốn, những vết thương và mơ ước. Chỉ như thế chúng ta mới có thể cùng nhau xây dựng một thế giới có thể là nơi cư ngụ trong an bình cho tất cả mọi người. Đứng trước những loạt khủng hoảng và xung đột, “một số người tìm cách trốn chạy thực tại trong thế giới riêng tư, nhưng giữa sự dửng dưng ích kỷ và sự phản đối bạo lực, luôn luôn có một con đường có thể, đó là đối thoại”. (Fratelli tutti, 199)

Hội đồng đối thoại liên tôn hiện có khoảng mười Hồng Y và gần hai mươi giám mục thành viên, trong đó có Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, nguyên Giám mục giáo phận Xuân Lộc. Ngoài các vị thành viên, tham gia khóa họp hiện nay cũng có các chuyên gia cố vấn của Hội đồng, cùng với Tiến sĩ Abraham Silo Wilar, đại diện Hội đồng đại kết các Giáo hội Kitô ở Genève.

Chủ đề của khóa họp được trình bày dưới một quan điểm rộng rãi, nhờ một số tường trình liên quan đến các vùng địa lý khác nhau và qua những lúc suy tư, trao đổi giữa các tham dự viên.

Đức ông Indunil Kodithuwakku, người Sri Lanka, Tổng thư ký của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, trình bày cho các tham dự viên hoạt động của Hội đồng trong những năm qua, từ khóa họp lần chót. Khóa họp toàn thể vẫn là cơ hội thích hợp để suy tư về hiện trạng đối thoại liên tôn tại các nơi trên thế giới và đào sâu vai trò của Cộng đoàn Kitô để thăng tiến sự sống chung và tình huynh đệ giữa các tín đồ thuộc các truyền thống tôn giáo hầu họ có thể góp phần vào thiện ích của toàn thể nhân loại.

2. Một phái đoàn linh mục Ấn Độ đến Vatican gặp Đức Hồng Y Sandri

Hôm Thứ Tư, 08 tháng Sáu, một phái đoàn cấp cao các linh mục thuộc Tổng giáo phận Ernakulam của Giáo Hội Công Giáo Syro-Malabar lên đường sang Vatican để gặp Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, để bàn về việc cử hành thánh lễ thống nhất trong Giáo hội này.

Phái đoàn đến Roma theo lời mời của Đức Hồng Y Sandri và dưới sự hướng dẫn của Đức Tổng Giám Mục Antony Karyil, Đại diện Đức Tổng Giám Mục Trưởng và ba vị Tổng đại diện của giáo phận, cùng với cha sở nhà thờ chính tòa Ernakulam, cũng là chuyên gia về phụng vụ. Sau cùng là cha Chưởng ấn của giáo phận.

Cuối tháng Ba vừa qua, tại thành phố Ernakulam, thuộc bang Kerala, một nhóm giáo dân Syro-Malabar đã đốt công khai ở hai hình nộm có hình Đức Hồng Y George Alencherry, tổng giám mục Giáo chủ của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Syro-Malabar, và Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ Giáo hội Đông phương. Cử chỉ này đang gây ra sự mất tinh thần trong cộng đồng Công Giáo Ấn Độ có nguồn gốc rất cổ kính này, lại là một trang đen tối khác trong cuộc xung đột đã diễn ra trong nhiều năm về vấn đề phụng vụ “thống nhất”, gây ra chia rẽ giữa các giám mục, giáo sĩ và tín hữu.

Tháng 8 năm ngoái, Thượng hội đồng Syro-Malabar đã ấn định Lễ Phục sinh 2022 là thời hạn để bắt đầu cử hành một cách thống nhất Phụng Vụ Qurbana, là phụng vụ Thánh Thể theo nghi thức Đông phương này, trong tất cả 35 giáo phận.

Cho đến nay, nhiều giáo phận trong Giáo Hội Syro-Malabar đã tuân theo các phương thức cử hành Thánh lễ khác nhau. Một điểm khác biệt rõ ràng là các linh mục khi cử hành thánh lễ đối diện với cộng đoàn ở một số giáo phận, trong khi ở một số giáo phận khác, các linh mục đối diện với bàn thờ.

Cách thức hợp nhất là sự kết hợp của cả hai và nó được ấn định có hiệu lực từ Lễ Phục sinh 2022 trên toàn Giáo hội. Trong phần Phụng Vụ Lời Chúa, các linh mục sẽ quay xuống cộng đoàn. Trong phần Phụng Vụ Thánh Thể, các linh mục sẽ quay lên bàn thờ. Từ Kinh Lạy Cha sẽ lại quay xuống cộng đoàn.

Thượng Hội Đồng Giáo Hội Syro-Malabar đã biểu quyết một cách áp đảo cách thức hợp nhất này. Nhưng chống đối đã lập tức nổi lên. Trong một diễn biến phức tạp khác vị Giám Quản Tông Tòa của tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly đã chính thức tuyên bố rằng ngài đã ban hành một ngoại lệ đối với phong cách thống nhất của thánh lễ cho tổng giáo phận của ngài, và đã nhận được sự cho phép từ Rôma. Các linh mục trong tổng giáo phận của ngài sẽ tiếp tục quay xuống như từ trước đến nay, nghĩa là giống như trong các thánh lễ của Công Giáo nghi lễ Latinh. Ngoại lệ tương tự sau đó cũng được cấp cho giáo phận Irinjalakuda.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Alencherry vào ngày 10 tháng 12 đã ban hành một chỉ thị bác bỏ các các miễn trừ. Ngài nói rằng đã nhận được một lá thư từ Rôma, trong đó tuyên bố rằng toàn bộ Giáo Hội Syro-Malabar áp dụng chung cách thức hợp nhất, một có miễn trừ gì cho bất cứ ai. Tất cả đều phải áp dụng các quy tắc phụng vụ đã được Thượng hội đồng phê chuẩn.

Giáo Hội Công Giáo Syro Malabar có hơn ba triệu tín hữu ở Ấn Độ và một số nơi khác trên thế giới.


Source:Asia News

3. Thế giới, đặc biệt Phi châu đang bị đói

Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Phi châu và Madagascar, gọi tắt là SECAM, Đức Hồng Y Philippe Ouédraogo, Tổng giám mục Giáo phận Ouagadougou, thủ đô Burkina Faso, tố giác tình trạng nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Phi châu, đang bị nạn đói đe dọa, và kêu gọi vượt thắng sự ích kỷ.

Trong sứ điệp nhân lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, ngày 05 tháng Sáu vừa qua, Đức Hồng Y Ouédraogo viết: “Năm nay, chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống giữa nhiều thách đố. Năm 2022 này có sự leo thang chưa từng có của nạn đói trên thế giới, vì những hậu quả của đại dịch Covid-19, những thay đổi khí hậu, vì những chiến tranh kéo dài, đặc biệt tại Ukraine...

Theo những kết luận của Phúc trình hoàn cầu về cuộc khủng hoảng lương thực (GRFC) năm nay, 2022, thì hồi năm ngoái đã có 193 triệu người lâm vào tình trạng thiếu thốn trầm trọng về lương thực, và cần được trợ giúp khẩn cấp tại năm mươi ba nước, và người ta dự báo rằng viễn tượng bất an lương thực hoàn cầu trong năm 2022 này càng tệ hơn năm ngoái. Phần lớn các nước bị hạn hán là ở Phi châu. Thực vậy, theo tổ chức Lương nông quốc tế, FAO, mức độ cực kỳ bất an về lương thực ở Phi châu hầu như tăng gấp bốn lần, từ trong ba năm qua, từ năm 2019 đến năm 2022, với hơn 281 triệu người đói trong năm ngoái (2021)”.

Đức Hồng Y Chủ tịch tổ chức SECAM nhắc nhở các tín hữu rằng: trong tư cách là những môn đệ của Chúa Kitô ngày nay, chúng ta được mời gọi phá vỡ cái lôgíc vơ vét ích kỷ những của cải và học cách chia sẻ với những người khác. Thực vậy, những của cải là một món quà của Thiên Chúa cho tất cả mọi người và thuộc về tất cả mọi người, như Công đồng chung Vatican II đã dạy, Thiên Chúa dành trái đất và tất cả những gì trong đó cho mọi người và mọi dân tộc sử dụng. Vì vậy, những tài nguyên được dựng nên phải được chia sẻ công bằng cho tất cả mọi người, theo qui luật công lý, gắn liền với bác ái” (GS 69).

Đức Hồng Y Ouédraogo cũng kêu gọi “các chính phủ và các tổ chức nhân đạo hãy làm tất cả những gì có thể để không ai chết vì đói. Ngoài ra, chúng tôi khuyến khích phát triển những chính sách và chương trình hữu hiệu đề cao giá trị sự sản xuất lương thực ở địa phương và bài trừ nạn phung phí thực phẩm; bảo vệ đất đai canh tác và bảo đảm cho các nông dân được đất đai để trồng cấy. Vì giải pháp cho nạn đói không phải chỉ đạt được bằng sự trợ giúp lương thực. Việc trợ giúp này phải được coi như một giải pháp tạm thời và với mục đích để phần nào trong dân chúng có thể sống còn trong một tình trạng bị khủng hoảng”.

Trong bối cảnh thế giới đang lao đao về tình trạng lương thực, Nga đã phong tỏa các hải cảng của Ukraine, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ thứ hai trên thế giới. Cuối tuần qua, Nga cũng bắn những hỏa tiễn họ gọi là các hỏa tiễn chính xác nhất thế giới vào một kho chứa ngũ cốc lớn thứ hai của Ukraine.

Đại diện cấp cao của Liên minh Âu Châu, Josep Borrell, đã lên án một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào cuối tuần qua đã phá hủy một kho chứa ngũ cốc lớn ở thành phố cảng Mykolaiv, miền nam nước này.

“Một cuộc tấn công hỏa tiễn khác của Nga góp phần vào cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Lực lượng Nga đã phá hủy kho chứa ngũ cốc lớn thứ hai ở Ukraine, tại Mykolaiv,” Ông Borrell nói.

Hình ảnh trên mạng xã hội hôm Chúa Nhật cho thấy kho chứa ngũ cốc đã chìm trong biển lửa. Mykolaiv gần với một số khu vực sản xuất ngũ cốc màu mỡ nhất của Ukraine.

Borrell cho biết cuộc tấn công trái ngược với cam kết gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc cung cấp đường đi an toàn cho các tàu buôn qua Hắc Hải từ các cảng của Ukraine.

“Thông tin sai lệch được lan truyền bởi Putin làm chệch hướng thông tin, những lời ông ta nói trở nên đáng hoài nghi hơn bao giờ hết” ông nói.