1. Nga bắn hỏa tiễn vào một chủng viện Công Giáo

Các quan chức cho biết một hỏa tiễn của Nga đã bắn trúng vào một chủng viện Công Giáo tại Lviv, phá hủy một số phòng ốc. Tuy nhiên, may mắn là không có ai bị thương.

Quân Nga dường như không cố ý bắn vào chủng viện này. Một hỏa tiễn khác đã trúng vào các tuyến đường sắt ở khu vực phía tây Lviv, là một tuyến đường quan trọng để cung cấp vũ khí và các nguồn cung cấp khác của phương Tây cho Ukraine.

Thống đốc vùng Lviv Maksym Kozytskyy cho biết 5 người bị thương trong cuộc tấn công.

Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ nước này, cho biết người Nga đã đánh vào đường hầm đường sắt Beskidy ở dãy núi Carpathian trong một nỗ lực rõ ràng nhằm cắt đứt một liên kết đường sắt quan trọng và làm gián đoạn các chuyến vận chuyển vũ khí và nhiên liệu.

Tuy nhiên, người đứng đầu đường sắt Ukraine cho biết thiệt hại đối với đường sắt vẫn đang được đánh giá nhưng đường hầm đã không hề hấn gì.

Cuộc tấn công được cho là đã làm trì hoãn ba chuyến tàu chở khách, nhưng tất cả sau đó đã tiếp tục hành trình của họ.


Source:AP

2. Thủ tướng Luxembourg, Xavier Bettel, bày tỏ sự bất mãn vì Thượng Phụ Kirill được đưa ra khỏi danh sách trừng phạt

Thủ tướng Luxembourg, Xavier Bettel, cho biết ông “thực sự khó chịu” về việc loại bỏ người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga, là Thượng phụ Kirill, ra khỏi vòng trừng phạt mới nhất của Liên Hiệp Âu Châu.

Liên Hiệp Âu Châu đã công bố một gói trừng phạt mới chống lại Nga, bao gồm lệnh cấm vận theo từng giai đoạn đối với việc nhập khẩu dầu của Nga cũng như các lệnh trừng phạt đối với các chỉ huy quân đội Nga, là những người mà Liên Hiệp Âu Châu cho rằng đã đưa quân đội Nga tham gia vào các hành động tàn bạo ở Ukraine. Vợ bé của Vladimir Putin, Alina Kabaeva, người có 3 đứa con với Putin cũng bị trừng phạt cùng với bà ngoại của cô ta, là những người được cho là đang cất giữ khối tài sản khổng lồ của Putin.

Tuy nhiên, một cái tên không xuất hiện trong danh sách đen là Thượng phụ Kirill, sau khi Hung Gia Lợi, do Thủ tướng Viktor Orbán đứng đầu, nhất quyết đưa ông ta ra khỏi danh sách.

Phát biểu tại một hội nghị vào hôm thứ Sáu, Thủ tướng Bettel cho biết việc đưa Thượng Phụ Kirill ra khỏi danh sách là “không thể chấp nhận được”.

Ông nói:

“Tôi phải nói với các bạn rằng tôi thực sự khó chịu. Tôi rất tiếc phải nói với các bạn rằng ngày hôm qua chúng tôi đã tìm thấy một thỏa thuận về các biện pháp trừng phạt vì chúng tôi đành phải nhượng bộ Viktor Orban, 'Được rồi, chúng tôi đưa Thượng Phụ Kirill ra khỏi danh sách'. Đó là điều không thể chấp nhận được.”

Theo Thủ tướng Bettel, Hung Gia Lợi đe dọa sẽ từ chối mọi thứ nếu không loại bỏ Kirill ra khỏi danh sách.

Theo một báo cáo năm 2006 được Forbes công bố vào năm 2020, Thượng Phụ Kirill, người ủng hộ nồng nhiệt cuộc chiến ở Ukraine, có tài sản lên đến 4 tỷ đô la. Ở Nga có một tạp chí nổi tiếng chuyên theo đuổi các phóng sự điều tra về các nhà tài phiệt Nga làm ăn phi pháp. Đó là tờ Novaya Gazeta. Tạp chí này do Dmitri Muratov, người đoạt giải Nobel làm chủ biên, trong đó các ký giả bị ám sát chết gần hết, mới nhất là cô Anna Politkovskaja qua đời vào ngày 5 tháng 4 vừa qua. Novaya Gazeta ước tính vào năm 2019 rằng Thượng Phụ Kirill có một khối tài sản từ 4 đến 8 tỷ đô la. Các số liệu không được xác minh và trong mọi trường hợp không thể xác minh được. Tài sản cá nhân đáng kể này là kết quả của việc nhà nước Nga miễn thuế đối với một phần đáng kể thuốc lá và bia được Chính Thống Giáo Nga nhập khẩu từ nước ngoài về bán tại Nga.

Thượng Phụ Kirill quyết liệt phủ nhận mình không dính bén đến của cải, nhưng nhà lãnh đạo tôn giáo bị nghi ngờ sở hữu một khối lượng tài sản cá nhân kếch xù, một số lớn đang ở nước ngoài, bao gồm cả ở Thụy Sĩ và các địa điểm an toàn khác ở hải ngoại. Một số người thậm chí còn nghi ngờ rằng ngài Thượng Phụ Kirill còn là người đứng tên cho những tài sản của Putin, Lavrov và những người khác. Theo một số nguồn tin công khai (tuy nhiên khó xác minh, do tính chất bảo mật cao dành cho khách hàng của các ngân hàng) Kirill cũng có tài khoản ngân hàng ở Ý, Áo và Tây Ban Nha. Chuyên gia nhân quyền Hanna Hopko cho rằng Thượng phụ Kirill “trên thực tế là một trong những chính trị gia cấp cao nhất ở nước Nga của Putin”. Do đó, Hanna Hopko đang yêu cầu các biện pháp trừng phạt chống lại ngài Thượng Phụ trên tờ Repubblica.

Các cuộc điều tra đang được tiến hành trên khắp Âu Châu. Thêm vào đó là các tài sản ở Nga: một biệt thự gần nhà của Putin ở Gelendzhik trên Biển Đen và một siêu đồng hồ mà ông đeo trên tay, chụp trong bộ đồ tắm. Niềm đam mê đồng hồ xa xỉ của Kirill trong quá khứ đã làm nảy sinh những hình ảnh photoshop gây tò mò về Giáo chủ, điều này đã loại bỏ chiếc đồng hồ trên cổ tay ông ta, nhưng điều đó không phản ảnh hoán cải của ông. Hệ thống tài chính của Giáo Hội Chính thống Nga có rất nhiều lợi nhuận, nhờ được miễn thuế đối với các sản phẩm thuốc lá và bia, là cơ sở mang lại rất nhiều của cải. Hoạt động nhập khẩu thuốc lá đã mang lại cho Kirill những danh xưng như “Giáo hoàng của Putin”, hay “Đức Thượng Phụ thuốc lá”, dù Kirill tuyên bố đã tách mình khỏi công việc kinh doanh này.

3. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Đức cho biết Vladimir Putin và “cuộc chiến tranh xâm lược” của ông ta là nguyên nhân gây ra nguy cơ đói kém ở Phi Châu chứ không phải phương Tây.

Tại một cuộc họp báo thường kỳ của chính phủ, Đức đã lên án mạnh mẽ nỗ lực của Tổng thống Nga nhằm tạo ra một câu chuyện hoang tưởng rằng phương Tây phải chịu trách nhiệm về việc gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao cho biết:

Chúng ta phải nhấn mạnh rằng thực tế là có nguy cơ xảy ra nạn đói ở nhiều nơi trên thế giới, và lý do là vì Ukraine không thể xuất khẩu ngũ cốc, do hậu quả của cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chứ không phải do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sắp xảy ra. Những cố gắng giải tỏa các hải cảng ở Ukraine đã không thành công. Các nhà lãnh đạo phương Tây đang đổ lỗi cho Nga phong tỏa các cảng ở Ukraine.

Giá ngũ cốc, dầu ăn, phân bón và năng lượng đã tăng vọt khi chiến tranh bắt đầu và tiếp tục tăng lên không ngừng, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga để đáp trả lại cuộc xâm lược Ukraine.

Để giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực này, Ukraine đang cố gắng phân tán kho ngũ cốc khổng lồ của mình bằng đường bộ, đường biển và đường sắt, nhưng các quan chức cho hay họ không thực hiện được bao nhiêu và có nguy cơ số lương thực khổng lồ này có khả năng bị hư hại, nếu Nga không sớm dỡ bỏ lệnh phong tỏa các bến cảng ở Hắc Hải ở Ukraine.

4. Đức Thánh Cha nói đừng biến kho lương thực ngũ cốc tại Ukraine thành vũ khí chiến tranh!

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ quan ngại trước những cảnh báo về tình trạng thiếu thực phẩm trầm trọng trên toàn thế giới do cuộc chiến ở Ukraine gây ra, và kêu gọi “mọi nỗ lực phải được thực hiện” để “bảo đảm quyền được tiếp cận lương thực.”

Khi kết thúc buổi Tiếp kiến chung hôm nay thứ Tư 1/6, Đức Thánh Cha đã đề cập đến cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

“Điều lo ngại lớn nhất hiện nay là việc phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, trong khi đó cuộc sống của hàng triệu người đang thiếu thực phẩm, đặc biệt ở các nước nghèo.”

“Tôi tha thiết kêu gọi mọi nỗ lực được thực hiện để giải quyết vấn đề này và bảo đảm quyền mọi người được cung cấp các thức ăn đồ uống đầy đủ.”

Đức Thánh Cha tiếp: “Xin đừng sử dụng số lượng ngũ cốc ở các kho Ukraine thành một loại vũ khí!”

Liên Hiệp Quốc cảnh báo một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sắp xảy ra. Những cố gắng giải tỏa các hải cảng ở Ukraine đã không thành công. Các nhà lãnh đạo phương Tây đang đổ lỗi cho Nga phong tỏa các cảng ở Ukraine.

Giá ngũ cốc, dầu ăn, phân bón và năng lượng đã tăng vọt khi chiến tranh bắt đầu và tiếp tục tăng lên không ngừng, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga để đáp trả lại cuộc xâm lược Ukraine.

Để giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực này, Ukraine đang cố gắng phân tán kho ngũ cốc khổng lồ của mình bằng đường bộ, đường biển và đường sắt, nhưng các quan chức cho hay họ không thực hiện được bao nhiêu và có nguy cơ số lương thực khổng lồ này có khả năng bị hư hại, nếu Nga không sớm dỡ bỏ lệnh phong tỏa các bến cảng ở Hắc Hải ở Ukraine.

Ukraine và Nga chiếm gần 30% lượng lúa mì xuất khẩu cho thế giới vào năm 2021 và giá lúa mì đã tăng hơn 50% kể từ đầu năm nay.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra nhiều lời kêu gọi hòa bình cho đất nước Ukriane bị chiến tranh tàn phá, cũng như chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và các cuộc chiến trên khắp thế giới.

Vào tối thứ Ba, khi bế mạc Tháng Năm kính Đức Mẹ, Đức Thánh Cha đã lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện cho hòa bình tại Vương cung thánh đường Đức Bà cả ở Rôma.

Vào ngày 25 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thánh hiến toàn thể nhân loại, đặc biệt nước Nga và Ukraine, cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Mẹ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, tin tưởng hoàn toàn vào Đức Trinh nữ Maria cho “cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa” ở Ukraine được mau chấm dứt.

5. Người đứng đầu Liên minh Phi Châu khẩn thiết xin Putin vì an ninh lương thực

Tổng thống Senegal Macky Sall, cũng là người đứng đầu Liên minh Phi Châu, đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố nghỉ mát Sochi ở Hắc Hải vào hôm thứ Sáu để thảo luận về việc “giải phóng kho ngũ cốc và phân bón” của Ukraine để cứu Phi Châu khỏi cuộc khủng hoảng lương hực, văn phòng của Sall cho biết hôm thứ Năm.

Tổng thống Sall đã đến Nga vì “sự tắc nghẽn xuất khẩu ngũ cốc và phân bón đặc biệt ảnh hưởng đến các nước Phi Châu,” văn phòng của ông cho biết thêm. Các cuộc đàm phán cũng tập trung vào những nỗ lực của Liên minh Phi Châu “góp phần vào việc tạm lắng cuộc chiến ở Ukraine.”

Điện Cẩm Linh nói rằng Sall và Putin đã thảo luận về tương tác của Nga với Liên minh Phi Châu, “bao gồm cả việc mở rộng đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế và nhân đạo.”

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng 22 triệu tấn ngũ cốc, chiếm gần một nửa nguồn cung xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, đang bị ảnh hưởng bởi việc Nga phong tỏa các tuyến đường xuất khẩu chính qua Hắc Hải và Biển Azov.

Điện Cẩm Linh đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc chặn nguồn cung cấp ngũ cốc từ Ukraine và cáo buộc phương Tây có những hành động dẫn đến cuộc khủng hoảng này.