1. Reuters đưa tin về những bình luận mới nhất từ Điện Cẩm Linh

Điện Cẩm Linh cho biết những người Nga nói rằng họ cảm thấy xấu hổ về “hoạt động quân sự đặc biệt” của đất nước ở Ukraine không phải là người Nga thực sự.

Người phát ngôn Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên khi được hỏi về khẩu hiệu “xấu hổ khi là người Nga” mà một số người đã lặp lại cả trong và ngoài nước Nga.

Peskov nói: “Nếu ai đó nói những điều như vậy thì họ không phải là người Nga.”

Peskov nói rằng tình cảm chống Nga đang dâng cao một cách nguy hiểm ở phương Tây và nói rằng ông hy vọng các nhà lãnh đạo phương Tây sẽ ngừng khơi dậy tâm lý sợ hãi người Nga như vậy.

Reuters cũng đưa tin rằng một cơ sở dữ liệu của cảnh sát Nga hôm nay cho thấy Kira Yarmysh đang nằm trong danh sách truy nã và họ đang tìm cách tống cổ cô vào tù.

Yarmysh rời Nga vào năm ngoái sau khi cô bị tòa án đưa ra 18 tháng hạn chế di chuyển vì bị cáo buộc vi phạm các quy tắc an toàn của Covid.

Navalny đã kêu gọi các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở các thành phố bao gồm cả Mạc Tư Khoa vào hôm Chúa Nhật.


Source:The Guardian

2. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk than thở: Quân Nga đã biến 'Thành phố của Đức Maria' ở Ukraine thành nghĩa trang

Một nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine than thở rằng thành phố Mariupol bị bao vây đã bị biến thành nghĩa trang do bị Nga bắn phá. Mariupol có nghĩa là “Thành phố của Đức Mẹ”.

Trong một thông điệp video được đưa ra vào ngày 10 tháng 3, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã than thở về điều mà ngài mô tả là “vụ tàn sát hàng loạt” người Ukraine trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

“Hôm nay lương tâm của tôi và lương tâm của mọi Kitô hữu đòi hỏi chúng ta phải lên tiếng khắp thế giới và lớn tiếng nói 'Không', để phản đối mạnh mẽ vụ giết người hàng loạt ở Ukraine”.

“Đặc biệt là trong những giây phút cuối cùng này, chúng ta chứng kiến vụ giết người hàng loạt ở thành phố Mariupol bị bao vây. Thành phố này, được cộng đồng người Hy Lạp đặt tên là 'Thành phố của Đức Maria', đã được biến thành nghĩa trang cho hàng chục nghìn người. “

Ngài nói tiếp: “Hôm qua chúng tôi đã thấy những cảnh tượng khủng khiếp về vụ bắn phá một bệnh viện hộ sinh cũng như cảnh những ngôi mộ tập thể, những khu chôn cất chung, nơi hàng trăm thi thể an nghỉ mà không hề được vinh danh, không hề có các nghi lễ Kitô Giáo”.

“Ngày nay trên toàn thế giới chúng ta phải nói rằng: Không! Không được giết người hàng loạt ở Ukraine! Kể từ sau thời kỳ chủ nghĩa Quốc xã và sự đàn áp của Stalin, Ukraine chưa từng chứng kiến những cuộc chôn cất tập thể như vậy trong những ngôi mộ chung, không danh dự, không lời cầu nguyện của người tín hữu Kitô”.

Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 9 tháng 3 cho biết họ đã ghi nhận 1,424 thương vong dân thường ở Ukraine, với 516 người thiệt mạng và 908 người bị thương. Họ nói rằng các số liệu thực tế có thể “cao hơn rất nhiều.”

Một linh mục đang chạy trốn khỏi Mariupol, một thành phố cảng trên Biển Azov ở đông nam Ukraine, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ hôm Chúa Nhật rằng thành phố này là “địa ngục”.

Vị linh mục, chỉ được xác định là Cha Pavlo, nói: “Mariupol giống như Armageddon. Đó là địa ngục. Xin hãy nói với thế giới rằng: đó là một thảm kịch. Người ta tác xạ một cách ngẫu nhiên. Toàn bộ thị trấn như một chiến trường lớn. Bom rơi ở khắp mọi nơi. Ở khắp mọi nơi bạn chỉ nghe thấy tiếng súng. Mariupol là một thành phố bị bao vây bởi quân đội Nga. Mọi người chỉ đang ngồi trong tầng hầm của họ.”

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói rằng Mariupol có dân số gần 400.000 người.

“Trong gần hai tuần thành phố bị bao vây hoàn toàn. Mọi người đang chết vì đói. Mọi người đang chết vì lạnh. Trên đầu họ có hỏa tiễn, đạn pháo, bom rơi xuống”, vị Tổng Giám Mục 51 tuổi nhận xét.

“Hôm nay chúng ta phải tưởng nhớ họ và nhân danh họ, nói với lương tâm của toàn thế giới. Chúng tôi cầu xin bạn: Hãy mở những hành lang nhân đạo! Cho phụ nữ, trẻ em và người già cơ hội rời khỏi thành phố lạnh lẽo bị bao vây này. Hãy cho chúng tôi cơ hội để gửi thức ăn và thuốc men đến đó. Hãy cho chúng tôi một cơ hội để giải cứu mọi người”.

“Nhân danh thành phố Mariupol, chúng ta hãy kêu gọi toàn thế giới: Hãy cứu lấy bầu trời Ukraine! Làm mọi thứ có thể để đóng cửa bầu trời Ukraine, đóng cửa vũ khí Nga và máy bay Nga đang thả bom xuống những cư dân hòa bình”.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã bày tỏ sự thất vọng trước vụ đánh bom các cơ sở bệnh viện ở Mariupol.

Ngài nói với một phóng viên tại một sự kiện ở Rôma vào ngày 9 tháng 3 rằng “không thể chấp nhận được việc đánh bom một bệnh viện.”

Nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican cho biết: “Không có lý do hay động cơ nào để làm như vậy.

Trong khi đó, Đức Tổng Giám Mục của thủ đô Belarus đã yêu cầu người Công Giáo cầu nguyện trong tuần cửu nhật cho hòa bình.

Đức Tổng Giám Mục Iosif Staneuski đã kêu gọi giáo dân và giáo sĩ trong tổng giáo phận Minsk-Mohilev cầu nguyện một tuần cửu nhật xin cùng Thánh Giuse, đấng bảo trợ của Nhà thờ Hoàn vũ.

Chính phủ Belarus, do Tổng thống Alexander Lukashenko đứng đầu, liên minh chặt chẽ với Nga.

Trong thông điệp video của mình, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk kêu gọi các linh mục và giám mục của cộng đồng Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương trên toàn thế giới chia sẻ “sự thật về tội ác diệt chủng của người Nga đối với dân Ukraine”.

Ngài nói: “Trong tất cả các nhà thờ của chúng ta, tôi yêu cầu các bạn cử hành các buổi lễ tưởng niệm cho những người đã được chôn cất trong những ngôi mộ chung mà không có lời cầu nguyện của Kitô giáo và một đám tang”.


Source:Catholic News Agency

3. Linh mục Chính thống giáo Nga bị bắt vì lập trường phản đối cuộc xâm lược của Nga

Một linh mục Chính thống giáo Nga, người đã ký đơn kêu gọi chấm dứt ngay lập tức chiến tranh ở Ukraine đã bị chính quyền Nga bắt giữ trong bối cảnh nước này đang tiếp tục đàn áp những người biểu tình chống chiến tranh.

Cha Ioann Burdin của Nhà thờ Phục sinh ở vùng Kostroma phía tây của Nga đã bị giam giữ vì bị cáo buộc làm mất uy tín của lực lượng quân đội Nga trong bài giảng ngày 6 tháng 3 về “Chúa Nhật của sự tha thứ”, là ngày Chúa Nhật cuối cùng trước khi bắt đầu Mùa chay Chính thống giáo Nga.

Trong bài giảng của mình, Cha Burdin nói với các giáo dân của mình về “Quân đội Nga ở Ukraine đã pháo kích vào các thành phố của Ukraine như Kiev, Odesa, Kharkiv và giết chết công dân Ukraine - những người anh chị em trong Chúa”, theo Media Zona, một hãng truyền thông độc lập của Nga.

Cha Burdin sẽ bị xét xử vì có tình cảm chống chiến tranh và vì đã công bố trên trang web giáo xứ của mình một đường liên kết tới một bản kiến nghị chống chiến tranh mà ngài đã ký.

Giáo xứ của ngài được cho là đã đăng một liên kết đến bản kiến nghị vào tuần trước cùng với một tuyên bố chỉ trích quyết định xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 24 tháng 2.

Trong tuyên bố, Cha Burdin nói rằng “Chúng tôi, những Kitô Hữu, không thể đứng yên khi một người anh giết một người em, một Kitô Hữu giết một Kitô Hữu. Chúng ta đừng lặp lại tội ác của những kẻ đã ca ngợi những việc làm của Hitler vào ngày 1 tháng 9 năm 1939”.

Theo báo cáo của cảnh sát được Media Zone trích dẫn, Cha Burdin bị bắt vì đã “phạm tội công khai làm mất uy tín của các lực lượng vũ trang Nga đang tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Đó là cách Putin mô tả về cuộc chiến.

Cha Burdin dự kiến sẽ ra hầu tòa vào tuần này tại Tòa án Quận Krasnoselsky của vùng Kostroma để trả lời về những cáo buộc chống lại ngài.

Ngài là người thứ 77 trong số 286 linh mục Chính thống giáo Nga đã ký vào bản kiến nghị, được đưa ra vào ngày 27 tháng 2 và kêu gọi “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.”

Trong đơn thỉnh cầu, các linh mục cho biết những người chịu trách nhiệm về cuộc chiến sẽ phải trả lời về hành động của họ trước mặt Chúa tại Tòa Phán Xét sau cùng và nói rằng Ukraine nên được tự do lựa chọn tương lai của mình, không phải trước mũi súng.”

Các linh mục cũng chỉ trích việc bắt giữ và đàn áp những người phản đối chiến tranh một cách ôn hòa, và nói rằng “không một lời kêu gọi bất bạo động nào cho hòa bình và chấm dứt chiến tranh nên bị đàn áp cưỡng bức và bị coi là vi phạm pháp luật, vì đó là điều răn thiêng liêng: 'Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình. '“

Đáng chú ý, người đầu tiên ký đơn là Cha Igumen Arseny, của Tòa Thượng phụ đại diện cho Tòa Thượng phụ Antiôkia của Mạc Tư Khoa, người vừa tháp tùng Tổng Giám Mục Hilarion, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thánh Công Đồng Mạc Tư Khoa, trong chuyến công du ngày 5 tháng 3 tới Syria.

Người thứ hai ký đơn là Cha Hegumen Nektary, người được biết đến rộng rãi và được đánh giá cao trong Chính thống giáo Nga về các bài viết của ngài.

Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây, có rất ít chữ ký bổ sung được thêm vào bản kiến nghị, đó có thể là kết quả của một cuộc đàn áp những người chỉ trích chiến tranh.

Cho đến nay, hơn 13,000 người được cho là đã bị bắt ở Nga kể từ khi quân đội nước này xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, với khoảng 5,000 người bị giam giữ trong các cuộc biểu tình cuối tuần trước ở Mạc Tư Khoa.

Nhà phê bình Điện Cẩm Linh Alexei Navalny Sunday đã lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình.

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, ít nhất 15 giáo phận của Ukraine đã công khai yêu cầu các linh mục ngừng cầu nguyện cho Thượng phụ Kirill của Chính thống giáo Nga, là người đã đưa ra một số tuyên bố ủng hộ chiến tranh.


Source:Crux