Inés San Martín là người Á Căn Đình, đồng hương của Đức Thánh Cha Phanxicô, và là trưởng ban thông tín viên của tờ Crux tại Rôma. Cô vừa có bài viết nhan đề “Argentine Jesuit provincial says Francis has been ‘coopted’ by politics of hate”, nghĩa là “Cha Giám Tỉnh Dòng Tên Á Căn Đình cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô bị ‘mắc kẹt’ trong chính trị thù hận”. Đức Phanxicô bị hiểu lầm và bị chỉ trích dữ dội ở quê hương của ngài.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Cha Rafael Velasco, người hiện là Giám Tỉnh Dòng Tên tại Á Căn Đình, cho biết, quê hương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang trở nên “bệnh hoạn vì hận thù” và hậu quả là hình bóng và thông điệp của Đức Thánh Cha đã bị cô lập.

“Cuộc khủng hoảng của chúng ta không chỉ về chính trị, xã hội và kinh tế; nhưng bao gồm cả tâm linh”, Cha Velasco nói. “Linh hồn của dân tộc đang trở nên ốm yếu, có thể nói như thế. Để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này, chúng ta cũng phải tính đến yếu tố tâm hồn - tinh thần: đó là sự thù hận mà chúng ta đang tự gieo rắc vào mình”.

Nói chuyện với Crux ngay sau khi 24 thanh niên Á Căn Đình chết sau khi dùng cocaine bị nhiễm độc, Cha Giám Tỉnh Dòng Tên nói rằng ngừng căm ghét là một quyết định trước tiên phải được thực hiện ở cấp độ cá nhân, sau đó được chuyển thành một quyết định chính trị.

Ngài nói: “Khi tin tức về những người này, những nghiện ma túy bất hợp pháp, chết vì độc dược, nhiều người đã phản ứng rằng ‘hãy để họ tự giết chính mình, đáng đời mấy cái thằng faloperos’”. Faloperos là một loại rượu nhẹ được sử dụng ở Á Căn Đình dành cho những người nghiện ma túy.

Cha Velasco tin rằng có một “vi khí hậu” trong giới lãnh đạo của Á Căn Đình. Vi khí hậu - “microclimate” là thuật ngữ chỉ tình trạng một thiểu số sống trong hoàn cảnh tách biệt với khí hậu chung của đất nước. Cha Velasco nhận xét rằng hàng lãnh đạo Á Căn Đình ngày nay sống trong một bầu không khí thoải mái sang giàu tách biệt với bầu khí chung của dân chúng, điều đó đơn giản không đại diện cho phần lớn dân số của đất nước, những người hiện đang sống dưới mức nghèo khổ.

“Có một câu nói sáo rỗng ở khu vực trung lưu và thượng lưu rằng người nghèo dường như chỉ muốn sống mà không cần làm việc, rằng họ là những người nghiện ma túy và sống nhờ vào phúc lợi, và điều này không phải như vậy,” ngài nói và nhanh chóng nói thêm rằng ngài không phải là một pobrista, tức là một người muốn cho người nghèo vẫn nghèo, trong khi gần như thần tượng hóa hoàn cảnh khốn cùng của họ.

Pobrista là một thuật ngữ hiện đang được sử dụng ở Á Căn Đình để tấn công Đức Thánh Cha Phanxicô.

Một số người trong phe đối lập cáo buộc Giáo Hoàng muốn đất nước “vẫn còn nghèo” và đây là lý do tại sao ngài là “Kirchnerista”, ám chỉ đảng cánh tả đã thống trị trong hầu hết 20 năm qua.

“Và nếu bạn cố gắng lên tiếng cho người nghèo, nếu bạn nói về những người đang phải vất vả thoát ra khỏi ma túy như những người có phẩm giá bình đẳng với tất cả mọi người bởi vì họ được tạo ra giống Chúa, thì bạn bị dán nhãn là Kirchnerista hoặc pobrista”, Cha Velasco nói.

Vấn đề không chỉ nằm ở cách giải thích “sai lầm” mà phe đối lập đưa ra về thông điệp của Đức Phanxicô, mà còn ở sự mô tả sai lầm của những người trong chính phủ. Các thành viên chính phủ “đánh trống, giới thiệu Đức Phanxicô như một người khác không phải là ngài, và thông điệp của ngài như một cái gì đó khác không phải ý Đức Phanxicô muốn nói.”

Cha Giám Tỉnh Dòng Tên thừa nhận rằng nhiều người ở Á Căn Đình chưa bao giờ nghe Đức Giáo Hoàng nói về tầm quan trọng của việc nộp thuế - và việc nhà nước phải sử dụng tiền thuế dân một cách minh bạch - cũng như về phẩm giá của công ăn việc làm. Họ càng ít được nghe nói đến những lời hô hào “chống tham nhũng trong chính trị” của Đức Phanxicô bởi vì, cả hai bên của “ranh giới thù hận” không cố gắng thực hiện một nền chính trị trung thực.

Cha Velasco nói: “Trong những thời điểm này, người ta cáo buộc đang có trò lợi dụng chính trị trên lưng người nghèo. Bây giờ, chúng ta hãy giả sử rằng trên thực tế, có những tổ chức lợi dụng chính trị người nghèo. Tuy nhiên, điều này không làm cho vấn đề cơ bản biến mất: Quá nhiều người thiếu cơ hội và không được tiếp cận với các quyền cơ bản, chẳng hạn như giáo dục, y tế, nước sinh hoạt và điện”.

Cha Giám Tỉnh Dòng Tên nói rằng Đức Giáo Hoàng cũng bị chính trị hóa theo cách này.

“Khi Đức Phanxicô nói về quyền phổ quát đối với đất đai, mái nhà và công ăn việc làm, đối với nhiều người, Đức Thánh Cha Phanxicô không khác gì một tên cướp nông thôn. Nhưng thực ra, Đức Thánh Cha đang chỉ ra ba quyền cơ bản mà nhiều người dân ngày nay không được tiếp cận.”

Cha Velasco là Giám Tỉnh Dòng Tên của cả Á Căn Đình và Uruguay. Được tái cấu trúc cách đây 12 năm, tỉnh dòng có khoảng 150 thành viên, hàng chục trường học, trung tâm tĩnh tâm, trường đại học và một số Hogares de Cristo, tức là một mạng lưới gồm hơn 200 trung tâm do Giáo Hội điều hành để giúp mọi người chống lại chứng nghiện ma túy. Hầu hết các trung tâm này đều nằm trong các khu ổ chuột hoặc ở những vùng nghèo khó của đất nước. Chúng được tạo ra bởi Đức Hồng Y Bergoglio, trước khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng.

Khi nói đến “hình bóng” của Đức Phanxicô, người từng là giám tỉnh của Dòng Tên ở Á Căn Đình từ năm 1973 đến năm 1979, Cha Velasco tin rằng hình ảnh của Đức Phanxicô ngày nay “bị cô lập trong hận thù”. Những người ban đầu ca ngợi ngài đã làm như vậy vì họ tin rằng ngài ghét gia đình Kirchner, nhưng khi họ thấy Giáo Hoàng chào đón tổng thống lúc bấy giờ là bà Cristina Fernández de Kirchner, “họ bắt đầu ghét ngài,” vị tu sĩ Dòng Tên nói. Và ngược lại: Những người ban đầu ghét ngài đã hiểu sai những cử chỉ của ngài rồi sau đó tin rằng Đức Phanxicô là một người cộng sản - “và xem điều này là tốt”.

Cha Velasco nói rằng cả hai phe của sự phân cực chính trị ở Á Căn Đình đều tin rằng Đức Phanxicô là một người cộng sản. Và các phương tiện truyền thông đã đóng vai trò của mình, trong việc thuyết phục những người này và những người khác, rằng họ rất đúng khi tin như thế.

Việc Đức Giáo Hoàng vẫn chưa về thăm quê hương cũng không giúp ích được gì: “Những người ủng hộ ngài, đã hết cách để giải thích, và họ cũng vỡ mộng.”

Về lý do tại sao ngài không về quê hương, Cha Velasco nói rằng đây là điều mà ngài chưa bao giờ hỏi Đức Phanxicô - và hai vị đã gặp nhau vào đầu năm nay, trong một hội nghị thượng đỉnh của các tỉnh Dòng Tên ở Rôma - nhưng ngài nghĩ đó là vì “Đức Phanxicô không tin rằng chuyến thăm của ngài sẽ giúp được Á Căn Đình cách nào đó”.

“Bất cứ khi nào ngài đi tông du, đó là vì ngài nghĩ rằng ngài có thể giúp đỡ theo một cách nào đó, nhưng ở đây không ai sẽ lắng nghe bất cứ điều gì ngài nói, nhưng chỉ tập trung vào vấn đề là ngài chụp ảnh với ai hay đã trao chuỗi tràng hạt cho ai”
Source:Crux