Theo Đức Tổng Giám Mục Svatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine, sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Nga xung quanh Ukraine chủ yếu là do sự leo thang xung đột “giữa Nga và thế giới phương Tây, đặc biệt là Mỹ”

Theo Đức Tổng Giám Mục, “Chúng tôi đã đạt đến đỉnh điểm của một cuộc leo thang quân sự nguy hiểm và gây hấn chống lại Ukraine”. Ngài nhấn mạnh rằng quê hương của ngài thực sự đã bị Nga tấn công trong 8 năm qua.

Ngài nói: “Sự leo thang mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay không chỉ đơn giản là sự tiếp diễn của cuộc chiến ở Donbass, hay hậu quả của việc sáp nhập Crimea. Chúng ta đang chứng kiến sự leo thang xung đột giữa Nga và thế giới phương Tây, đặc biệt là Mỹ”

Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nhận xét cay đắng rằng quốc gia ngài chỉ là con cờ trong toàn bộ bối cảnh toàn cầu của cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, ngài nói rằng lịch sử và vị trí địa lý của Ukraine khiến nó trở thành quốc gia bị “dễ thương tổn nhất. Chúng tôi đang ở tiền tuyến”.

“Cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ là một vấn đề đối với người Ukraine. Nó có hậu quả đối với toàn thế giới, đối với Liên minh Âu Châu, Hoa Kỳ và các nước thành viên NATO.”

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến do tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ của Đức Giáo Hoàng tổ chức.

Ngài nói: “Chiến tranh là câu trả lời tồi tệ nhất cho các vấn đề, và chỉ ra rằng hy vọng của người Ukraine ngày nay nằm ở sự cầu nguyện và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, để tránh leo thang chiến tranh”.

Đức Cha nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đang tận mắt chứng kiến một sự sùng bái thần tượng thực sự về bạo lực đang gia tăng trên thế giới. Chúng ta, với tư cách là những Kitô hữu, phải nói 'không' thật to với hành động quân sự như một giải pháp cho các vấn đề. Chỉ có đối thoại, hợp tác và đoàn kết mới có thể giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn và khủng hoảng”.

Năm 2011, sau khi người tiền nhiệm về hưu, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk trở thành giám mục trẻ nhất lãnh đạo Giáo Hội lớn nhất trong số 23 Giáo Hội Đông phương hiệp thông với Rôma. Ngài từng học tại Trung tâm Nghiên cứu Triết học và Thần học Don Bosco ở Buenos Aires, nơi ngài trở nên thân thiết với Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, ngày nay là Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Hai vị đã gặp nhau nhiều lần ở Rôma, và người Ukraine cảm thấy đủ tự tin để sửa sai vị Giáo Hoàng Á Căn Đình khi ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã nói cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là một “cuộc chiến huynh đệ tương tàn”. Người Ukraine coi đây không phải là một cuộc xung đột dân sự mà là một cuộc xâm lược của nước ngoài.

Nga đã xâm lược đất nước này sau khi những người biểu tình ủng hộ dân chủ và ủng hộ Liên minh Âu Châu lật đổ chính phủ của Tổng thống Ukraine Victor Yanukovych do Mạc Tư Khoa hậu thuẫn vào năm 2014. Cuộc “Cách mạng Phẩm giá” đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Đức Tổng Giám Mục Shevchuk và Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine.

Cuộc lật đổ đã dẫn đến sự leo thang nhanh chóng của cuộc khủng hoảng, với việc Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3 năm 2014 và tuyên bố độc lập khỏi Ukraine của những người ly khai thân Nga ở các khu vực Donetsk và Luhansk của nước này.

Bạo lực tiếp theo trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine giữa lực lượng ly khai và quân đội Ukraine kể từ đó đã giết chết hơn 14,000 người và buộc khoảng 1.5 triệu người phải di tản trong nước.

Vào Giáng Sinh vừa qua, Nga đã bố trí hơn 100,000 quân và thiết bị quân sự dọc theo ba khu vực trọng yếu ở biên giới với Ukraine, làm dấy lên lo ngại. Các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng có thể xảy ra, mặc dù nhiều nước, bao gồm Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu, đã cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Visvaldos Kulbokas, đại diện của Đức Giáo Hoàng tại Ukraine, nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang theo dõi tình hình với “mối quan tâm”, mặc dù nói rằng ngài không thể cung cấp thêm chi tiết về các bước ngoại giao mà Tòa thánh đang thực hiện.

Tuy nhiên, Sứ thần Tòa Thánh đã nhấn mạnh đến giá trị của lời cầu nguyện “đối với việc hoán cải trái tim, đặc biệt là trái tim của các chính trị gia và phe dân quân”.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói thêm, “Mặc dù đa số người Ukraine theo Chính thống giáo, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô là người có thẩm quyền đạo đức quan trọng nhất trên thế giới. Mỗi lời nói của ngài đối với tình hình Ukraine, được nói trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hoặc trong những dịp khác, đều rất quan trọng đối với chúng ta”.

Ngài nói thêm: “Người dân của chúng tôi rất chú ý đến từng lời mà Đức Thánh Cha ngỏ với 'Ukraine thân yêu' và những đau khổ của người dân Ukraine. Nhưng điều mà người dân Ukraine chờ đợi nhất từ Đức Giáo Hoàng là chuyến thăm của ngài tới Ukraine. Khả năng chuyến thăm của ngài là kỳ vọng cao nhất của chúng tôi, và chúng tôi cầu nguyện rằng một ngày nào đó chuyến đi này sẽ được hiện thực hóa”.

Nhấn mạnh rằng con đường chiến tranh không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện tại, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đề xuất ba câu trả lời cho tình hình, từ quan điểm “tôn giáo” chứ không phải quan điểm chính trị, hai câu trả lời đầu tiên là cầu nguyện và “đoàn kết với những người khó khăn”, “Đặc biệt là với những người già và dân số nghèo ở biên giới phía đông Donbass.

Ngài nói: “Câu trả lời thứ ba yêu cầu chúng ta trở thành những Kitô Hữu, là những người rao giảng về niềm hy vọng. Chúng ta tin rằng Chúa ở cùng chúng ta. Chúng ta phải có ánh sáng này và báo trước tin vui cho những người đang sợ hãi, họ mất phương hướng, họ đói, họ lạnh”
Source:Crux