Ngày Sa-bát, Chúa Giê-su vào hội đường Na-da-rét, đọc sách ngôn sứ I-sai-a và giải thích vắn tắt cho những người hiện diện. Ban đầu, mọi người cảm phục những lời Ngài nói. Sau đó, khi Chúa Giê-su chuyển sang đề tài khác, họ thay đổi thái độ, xôn xao phản đối, rồi đồng loạt đứng dậy, xông vào túm lấy Chúa Giê-su, lôi ra khỏi hội đường, lại còn xô đẩy Ngài ra khỏi thành…
Thế mà vẫn chưa hả giận, họ còn lôi kéo Ngài lên tận đỉnh núi, để xô Ngài xuống vực, cho Ngài nát thịt tan xương, để vĩnh viễn loại trừ Ngài khỏi cuộc sống! Đúng là một cơn giận điên cuồng!
Vì đâu mà dân thành Na-da-rét lại đối xử với Chúa Giê-su hung hăng và thô bạo như thế?
Vì Chúa Giê-su đề cập đến hai sự kiện sau đây:
Thứ nhất: Vào thời ngôn sứ Ê-li-a, Ít-ra-en bị hạn hán suốt ba năm sáu tháng, toàn dân lâm cảnh đói kém trầm trọng. Thế mà ngôn sứ Ê-li-a không được Thiên Chúa sai đến cứu giúp các bà góa Ít-ra-en mà lại giúp cho một bà góa ở Xa-rép-ta miền Xi-đôn là vùng ngoại bang.
Thứ hai: Vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được chữa lành, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri là vùng dân ngoại được vị ngôn sứ chữa lành (Lc 25-27).
Chúa Giê-su nêu lên hai sự thật đáng buồn nầy nhằm răn đe họ đừng xử tệ với các ngôn sứ như cha ông họ đã làm xưa kia. Thế nhưng, vừa nghe xong, cơn giận của những người trong hội đường bốc lên ngùn ngụt và họ đã xử sự với Chúa Giê-su cách hung bạo như thế.

Thuốc đắng dã tật
Người xưa thường nói: “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” để giúp ta hiểu rằng những lời góp ý sửa lỗi chân thật của người khác dành cho ta cũng giống như liều thuốc đắng, tuy khó uống nhưng rất cần thiết vì mang lại sự chữa lành.

Chúa Giê-su nêu lên hai sự thật trên đây như một liều thuốc đắng cần thiết để chữa trị dân Ngài, nhưng họ thà mang bệnh mãn đời chứ không chấp nhận thuốc đắng. Vì thế, họ quay lại tấn công Chúa Giê-su là Người chữa trị cho mình.

Trong thực tế đời thường, chúng ta có sẵn sàng “uống thuốc đắng” do người khác kê toa, tức là đón nhận những lời góp ý sửa sai của người khác dành cho mình, để cải thiện cuộc sống, hay không?
Nếu không đủ khiêm tốn, người ta sẽ căm hờn, giận dỗi… người nào góp ý sửa sai cho mình.
Tại sao?
Tính kiêu căng, tự cao tự đại là nguyên nhân chính khiến người ta nổi giận với những ai chỉ lỗi cho mình. Thế là không ai dám góp ý sửa sai cho những người như thế và như vậy, họ sẽ đeo bám lầm lỗi cho đến lúc xuống mồ.

Nếu ngôi nhà chúng ta đang bị bén lửa từ phía sau, bỗng có người phát hiện và báo cho ta biết để kịp thời chữa cháy, hẳn chúng ta sẽ biết ơn người ấy và cấp tốc chữa cháy cho ngôi nhà.
Còn nếu trong hoàn cảnh đó, thay vì cám ơn và lo chữa cháy, chúng ta quay ra căm giận, hành hung người báo cháy thì thật là điên rồ, dại dột.
Thói hư tật xấu và những đam mê tội lỗi cũng là những ngọn lửa âm thầm đốt cháy đời ta. Vậy nếu có ai đó báo cho chúng ta biết lỗi của mình, tức là báo cho biết có “lửa” đang bén vào “căn-nhà-cuộc-đời”, thì đừng phẫn nộ với người đó nhưng phải biết ơn và cấp tốc cứu đời mình khỏi “cháy”.

Lạy Chúa Giê-su,
Trên đời nầy chẳng có ai vô tội và thấy được tội mình là điều rất khó. Vì thế, xin cho chúng con khiêm tốn lắng nghe người khác chỉ lỗi cho mình và thực tâm hoán cải để cải thiện cuộc đời nên tốt đẹp hơn. Amen.