Lúc 5g30 chiều thứ Ba 25 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Kinh Chiều tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành để bế mạc Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo.

Chủ đề được chọn cho Tuần cầu nguyện năm 2021 được trích từ Tin Mừng Thánh Gioan: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” (x. Ga 15,1-17). Cộng đoàn tu viện Grandchamp Thuỵ Sĩ được giao phó soạn các lời nguyện trong Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu năm nay. Cộng đoàn này được thành lập vào nửa đầu thế kỷ 20, gồm một số phụ nữ theo truyền thống Tin Lành cải cách của Thuỵ Sĩ nói tiếng Pháp, đã tái khám phá tầm quan trọng của sự thinh lặng trong việc lắng nghe Lời Chúa, đồng thời tiếp tục thực hành các cuộc tĩnh tâm để nuôi dưỡng đời sống đức tin, theo gương Chúa Kitô, lui về nơi thanh vắng để cầu nguyện. Theo trang web của Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo, Cộng đoàn Grandchamp bao gồm 50 nữ tu, những người đã cống hiến “cho công việc hòa giải giữa các Kitô hữu, trong gia đình nhân loại và đối với mọi tạo vật”.

Tham dự buổi lễ có khoảng 20 vị Hồng Y, và các Giám Mục trong giáo triều Rôma, cùng đông đảo giáo sĩ, tu sĩ và anh chị em giáo dân. Bên cạnh đó, còn có đại diện của các Giáo hội Kitô và các Cộng đồng Giáo hội khác hiện diện tại Rôma

Nhân đây, tưởng cũng nên nhắc lại vài nét lịch sử tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo.

Năm 1908, Mục Sư Paul Wattson đang coi sóc một nhà thờ Anh giáo ở Graymoor, New York, đưa ra sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo với sự hỗ trợ của các giám mục Anh giáo và Công Giáo, trong đó có Đức Hồng Y William O'Connell của Boston. Tuần Tám Ngày này bắt đầu vào ngày 18 tháng Giêng, lúc bấy giờ là Lễ Ngai Tòa Thánh Phêrô ở Rôma, và kết thúc vào ngày 25 tháng Giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.

Năm sau, mục sư Wattson và toàn thể cộng đoàn Anh Giáo của ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo, và vào năm tiếp theo, tức là năm 1910, cựu mục sư Wattson đã được thụ phong linh mục.

Sáng kiến cử hành một tuần Tám Ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô Giáo lan tràn nhanh chóng, và vào năm 1916, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15, cổ vũ sáng kiến này trong toàn thể Giáo Hội và Tuần Tám ngày này chính thức mang tên Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Năm 1964, Công Đồng Vatican II ban hành Sắc Lệnh Đại Kết (Unitatis Redintegratio), và ngày 30/5/1995, Chân Phước Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Ut Unum Sint, gồm có ba chương với những tựa đề: Sự dấn thân của Giáo Hội Công Giáo vào công cuộc đại kết; các kết quả của tiến trình đối thoại; và đường còn xa lắm không? Thông điệp đã kiểm điểm những thành quả của tiến trình đối thoại; và phác họa những bước còn phải tiếp tục.

Đây là hai văn kiện làm nền tảng cho Tuần Cầu Nguyện cho Hiệp Nhất Kitô Giáo.

Vào đầu buổi lễ, Đức Hồng Y đã cùng cầu nguyện với các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác tại trước mộ Thánh Phaolô Tông Đồ.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Trước khi chia sẻ một vài suy tư, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi tới Đức Tổng Giám Mục Polykarpos, đại diện của Tòa Thượng phụ Đại kết, tới Đức Cha Ian Ernest, đặc sứ tại Rôma của Đức Tổng Giám Mục Canterbury, và đại diện của những cộng đồng Kitô khác hiện diện. Tôi cũng cảm ơn tất cả anh chị em, những anh chị em thân mến đã đến đây cầu nguyện. Đặc biệt, tôi gửi lời chào đến các sinh viên đến từ Học viện Đại kết Bossey, những người đang đào sâu kiến thức của họ về Giáo Hội Công Giáo, các sinh viên Anh giáo từ Cao đẳng Nashotah ở Hoa Kỳ, và các sinh viên Chính Thống Giáo và Chính Thống Đông phương những người được nhận học bổng từ Ủy ban Hợp Tác Văn hóa với các Giáo Hội Chính thống. Chúng ta hãy biến ước muốn sâu xa của Chúa Giêsu là chúng ta có thể nên “một” (Ga 17:21) thành ước muốn của chính mình và nhờ ân sủng của Người, tiến bước trên con đường dẫn đến sự hiệp nhất trọn vẹn!

Trên con đường này, các Đạo Sĩ có thể giúp chúng ta. Chúng ta hãy xem xét cuộc hành trình của họ vào buổi tối hôm nay, có ba bước: bắt đầu từ phía Đông, đi qua Giêrusalem, và cuối cùng là đến Bethlehem.

1. Đầu tiên các Đạo Sĩ lên đường “từ phương Đông” (Mt 2: 1), vì đó là nơi họ nhìn thấy ngôi sao đầu tiên. Họ khởi hành từ phía Đông, từ nơi mặt trời mọc, nhưng họ đang tìm kiếm một thứ ánh sáng lớn hơn. Những nhà thông thái này không bằng lòng với kiến thức và truyền thống của riêng họ; họ mong muốn một cái gì đó hơn thế nữa. Do đó, họ bắt đầu một chuyến đi đầy rủi ro, được thúc đẩy bởi một cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ đối với Chúa. Anh chị em thân mến, xin cho chúng ta cũng noi theo ngôi sao của Chúa Giêsu! Cầu mong chúng ta đừng để mình bị phân tâm bởi những ánh sáng lấp lánh của thế giới này, những ngôi sao rực rỡ nhưng đang rơi rụng. Mong sao chúng ta đừng chạy theo những mốt nhất thời, là những ngôi sao băng vụt tắt. Xin cho chúng ta đừng chiều theo cám dỗ muốn được tỏa sáng bằng ánh sáng của chính mình, và chỉ quan tâm đến nhóm của chúng ta cũng như sự bảo vệ chính chúng ta. Chúng ta hãy chăm chú nhìn vào Chúa Kitô, trên trời, vào ngôi sao của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy đi theo Người, Tin Mừng của Người, lời mời gọi hiệp nhất của Người, mà không cần lo lắng về con đường dẫn đến thành tựu trọn vẹn có thể là bao lâu và mệt mỏi thế nào. Chúng ta đừng quên rằng bằng cách nhìn vào ánh sáng, vào Giáo hội - Giáo hội của chúng ta - trên con đường hiệp nhất, tiếp tục là “mysterium lunae” – “mầu nhiệm của mặt trăng”. Chúng ta hãy mong muốn được hành trình cùng nhau, hỗ trợ lẫn nhau, cũng như các Đạo Sĩ. Theo truyền thống, các Đạo Sĩ được miêu tả với những chiếc áo choàng đầy màu sắc đại diện cho các dân tộc khác nhau. Nơi họ, chúng ta có thể thấy phản ánh sự khác biệt của chính chúng ta, những truyền thống và kinh nghiệm Kitô giáo khác nhau của chúng ta, nhưng cũng là sự hiệp nhất của chúng ta, được phát sinh từ cùng một ước muốn: nhìn lên trời và cùng nhau hành trình trên đất.

Phương Đông cũng khiến chúng ta liên tưởng đến những Kitô hữu sống ở nhiều vùng khác nhau bị tàn phá bởi chiến tranh và bạo lực. Chính Hội đồng Giáo hội Trung Đông đã chuẩn bị các tài nguyên cho Tuần Cầu nguyện này. Những anh chị em này của chúng ta phải đương đầu với cơ man những thử thách khó khăn, nhưng qua chứng tá của họ, họ mang đến cho chúng ta hy vọng. Họ nhắc nhở chúng ta rằng ngôi sao của Chúa Kitô chiếu sáng trong bóng tối và không bao giờ lặn. Từ trên cao, Chúa đồng hành và khích lệ những bước đi của chúng ta. Chung quanh Ngài, trên trời có một đoàn tử đạo vĩ đại, cùng nhau tỏa sáng, không phân biệt các hệ phái; các ngài chỉ ra cho chúng ta ở đây dưới thế này con đường của sự hợp nhất thật rõ ràng!

2. Từ phương Đông, các Đạo Sĩ đến Giêrusalem, tâm hồn cháy bỏng khát vọng Thiên Chúa. Họ nói với Hêrôđê: “Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người” (câu 2). Tuy nhiên, từ ước muốn về thiên đàng, họ bị đưa trở lại trái đất với thực tế khắc nghiệt của nó: Tin Mừng cho chúng ta biết “Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua” (câu 3). Nơi thành thánh, các Đạo Sĩ không nhìn thấy phản chiếu ánh sáng của ngôi sao, nhưng đã trải qua sự kháng cự của các thế lực đen tối của thế gian này. Không chỉ riêng Hêrôđê cảm thấy bị đe dọa bởi vương quyền mới và sự khác biệt này, một vương quyền không bị băng hoại bởi quyền lực thế gian: toàn bộ Giêrusalem đang nhốn nháo bởi thông điệp của các Đạo Sĩ.

Trên hành trình hướng tới sự thống nhất, chúng ta cũng có thể bị ách lại vì cùng một lý do đã làm tê liệt những người đó: sự bối rối và sợ hãi. Nỗi sợ hãi về sự mới mẻ làm đảo lộn thói quen thông thường và cảm giác an toàn của chúng ta; nỗi sợ rằng những người khác có thể làm mất ổn định truyền thống và khuôn mẫu lâu đời của tôi. Tuy nhiên, trong sâu thẳm đó là nỗi sợ hãi đang rình rập trong lòng mỗi con người, nỗi sợ hãi mà từ đó Chúa Phục sinh mong muốn giải thoát chúng ta. Trên hành trình hiệp nhất, ước gì chúng ta đừng bao giờ rơi vào tình cảnh không nghe được những lời khích lệ của Người: “Đừng sợ” (Mt 28: 5,10). Chúng ta đừng sợ đặt anh chị em của mình lên cao hơn nỗi sợ hãi của chính mình! Chúa muốn chúng ta tin cậy lẫn nhau và cùng nhau hành trình, bất chấp những thất bại và tội lỗi của chúng ta, bất chấp lỗi lầm của quá khứ cũng như những vết thương lòng của nhau.

Ở đây cũng vậy, trình thuật về các Đạo Sĩ khuyến khích chúng ta. Chính tại Giêrusalem, nơi thất vọng và chống đối, nơi con đường được chỉ ra bởi thiên đàng dường như chạm phải những bức tường do con người dựng lên, họ đã khám phá ra con đường dẫn đến Bethlehem. Họ học được điều đó từ các thượng tế và kinh sư, những người đã nghiền ngẫm Sách Thánh (x. Mt 2, 4). Các Đạo Sĩ đã tìm thấy Chúa Giêsu không chỉ từ ngôi sao, mà đã biến mất trong thời gian chờ đợi; họ cũng cần lời Chúa. Người Kitô hữu chúng ta cũng không thể đến với Chúa nếu không có lời sống động và hữu hiệu của Người (xem Dt 4:12). Lời ấy đã được ban cho toàn thể dân Chúa để được đón nhận và cầu nguyện, để toàn thể dân Chúa cùng nhau suy niệm. Sau đó, chúng ta hãy đến gần Chúa Giêsu qua lời của Người, nhưng chúng ta cũng hãy đến gần anh chị em của mình qua lời của Chúa Giêsu. Ngôi sao của Người sẽ mọc lên một lần nữa trên hành trình của chúng ta, và Ngài sẽ mang đến cho chúng ta niềm vui.

3. Đó là những gì đã xảy ra với các Đạo Sĩ, khi họ đến điểm đến cuối cùng: Bethlehem. Tại đó, họ vào nhà, quỳ xuống và thờ lạy hài nhi (x. Mt 2,11). Vậy là cuộc hành trình của họ đã kết thúc: bên nhau, ở chung một nhà, trong thờ lạy. Bằng cách này, các Đạo Sĩ đã tiên báo về các môn đệ của Chúa Giêsu, tuy nhiều nhưng chỉ là một, ở phần kết của Tin Mừng, đã sấp mình thờ lạy trước mặt Chúa Phục sinh trên núi Galilê (x. Mt 28:17). Bằng cách này, họ cũng trở thành một dấu chỉ tiên tri cho chúng ta, những người khao khát Chúa, và cho những người bạn đồng hành của chúng ta trên khắp các nẻo đường của thế giới, những người tìm kiếm qua Kinh thánh về các dấu chỉ của Chúa trong lịch sử. Anh chị em cũng vậy, đối với chúng ta, sự hiệp nhất trọn vẹn, trong cùng một nhà, sẽ chỉ đạt được khi thờ phượng Chúa. Anh chị em thân mến, giai đoạn quyết định của hành trình tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn đòi hỏi sự cầu nguyện mãnh liệt hơn bao giờ hết, nó đòi hỏi sự thờ phượng, thờ phượng Thiên Chúa.

Tuy nhiên, các Đạo Sĩ nhắc nhở chúng ta rằng sự thờ phượng đòi hỏi một điều gì đó khác nơi chúng ta: trước tiên, chúng ta phải quỳ gối. Đó là cách: cúi thấp xuống, bỏ qua những lý do riêng của chúng ta để biến chỉ một mình Chúa trở thành trung tâm của mọi sự. Đã bao nhiêu lần lòng kiêu hãnh chứng tỏ là trở ngại thực sự của sự hiệp thông! Các Đạo Sĩ đã can đảm bỏ lại uy tín và danh tiếng để hạ mình trong ngôi nhà hèn mọn ở Bethlehem; và kết quả là họ thấy mình “tràn ngập niềm vui” (Mt 2,10). Hạ mình, bỏ lại những điều nhất định, đơn giản hóa cuộc sống của mình: tối nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta có lòng can đảm đó, lòng can đảm biết khiêm nhường, biết đến thờ phượng Chúa trong cùng một nhà, chung một bàn thờ.

Tại Bethlehem, sau khi họ đã quỳ xuống tôn thờ, các Đạo Sĩ mở rương kho báu của họ và dâng lên vàng, nhũ hương và mộc dược (xem câu 11). Những món quà này nhắc nhở chúng ta rằng, chỉ sau khi cùng nhau cầu nguyện, chỉ trước sự hiện diện của Thiên Chúa và trong ánh sáng của Ngài, chúng ta mới thực sự nhận thức được những kho tàng mà mỗi người chúng ta đang sở hữu. Tuy nhiên, chúng là kho báu thuộc về tất cả, và có nghĩa là được chia sẻ. Vì chúng là ân sủng của Thánh Linh, được tiền định cho công ích, cho việc xây dựng và hiệp nhất dân tộc của Ngài. Chúng ta đến để thấy điều này bằng lời cầu nguyện, nhưng cũng bằng sự phục vụ: khi chúng ta trao cho những người khó khăn, chúng ta dâng mình cho Chúa Giêsu, Đấng đồng hóa với những người nghèo khó và bên lề xã hội (x. Mt 25:34-40); và Người biến chúng ta nên một.

Những món quà của các Đạo Sĩ tượng trưng cho những món quà mà Chúa mong muốn nhận được từ chúng ta. Chúng ta phải trao cho Chúa vàng, là thứ quý giá nhất, vì vị trí thứ nhất luôn phải thuộc về Chúa. Ngài là Đấng chúng ta phải dán mắt vào, chứ không phải chính mình; dõi theo thánh ý của Ngài, chứ không phải ý riêng của chúng ta; và làm theo cách của Ngài, chứ không phải cách của riêng chúng ta. Nếu Chúa thực sự được đặt lên hàng đầu, thì những lựa chọn của chúng ta, kể cả những lựa chọn của Giáo hội, không còn có thể dựa trên chính trị của thế giới này nữa, mà dựa trên thánh ý của Chúa. Sau đó là nhũ hương, gợi lại tầm quan trọng của lời cầu nguyện, là hương thơm dâng lên Thiên Chúa như một mùi hương dễ chịu (xem Tv 141: 2). Xin cho chúng ta không bao giờ mệt mỏi khi cầu nguyện cho nhau và với nhau. Cuối cùng, mộc dược được dùng để tôn vinh thân xác Chúa Giêsu được hạ xuống khỏi cây thập giá (x. Ga 19:39), nói với chúng ta về sự quan tâm đến xác thịt đau khổ của Chúa, được phản ánh qua các vết thương của người nghèo. Chúng ta hãy phục vụ những người có nhu cầu. Cùng nhau, chúng ta hãy phục vụ Chúa Giêsu đau khổ!

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy theo chỉ dẫn của các Đạo Sĩ cho cuộc hành trình của chính mình, và làm như họ đã làm, trở về nhà “bằng một con đường khác” (Mt 2:12). Giống như Saolô trước cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, chúng ta cần phải thay đổi hướng đi, đảo ngược lộ trình của thói quen và đường lối của chúng ta, để tìm ra con đường mà Chúa đã vạch ra cho chúng ta: đó là con đường khiêm nhường, huynh đệ và tôn thờ. Lạy Chúa, xin ban cho chúng con lòng can đảm để thay đổi hướng đi, để hoán cải, để làm theo thánh ý của Ngài chứ không phải ý muốn của chúng con; để cùng nhau tiến về phía trước, về phía Chúa, Đấng mà Thánh Linh của Chúa muốn biến chúng con nên một. Amen.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana