1. Nữ tổng thống Slovakia tưng bừng đón Giáng Sinh

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh bà Zuzana Čaputová, nữ tổng thống Slovakia khánh thành cây thông Giáng Sinh và tham dự buổi hòa nhạc mừng Giáng Sinh hôm Chúa Nhật 12 tháng 12 vừa qua. Cách bà ấy đón Giáng Sinh tại phủ tổng thống có những nét rất giống với Đệ Nhất Phu Nhân Melania Trump đón Giáng Sinh tại Tòa Bạch Ốc trong những năm Tổng thống Trump còn tại vị.

Diễn biến này là một dấu chỉ khích lệ sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha từ 12 đến 15 tháng 9 tại quốc gia này.

Zuzana Čaputová sinh ngày 21 tháng 6 năm 1973, trong một gia đình lao động nghèo tại Bratislava và lớn lên tại Pezinok. Trong hai thập kỷ đầu tiên của cuộc đời bà Pezinok là một thành phố của Tiệp Khắc.

Bà là một chính trị gia, luật sư và nhà hoạt động môi trường người Slovakia. Bà là Tổng thống Slovakia từ ngày 15 tháng 6 năm 2019. Čaputová là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ tổng thống, và cũng là tổng thống trẻ nhất trong lịch sử của Slovakia, được bầu ở tuổi 45. Bà Zuzana Čaputová đã ly dị và có 2 đứa con.

Báo chí tại Bratislava cho biết gia đình bà Zuzana nguyên là người Công Giáo. Trong thời kỳ cộng sản, hoàn cảnh khó khăn quá nên có lẽ đã không thể giữ đạo. Tuy nhiên, bà Zuzana chưa bao giờ cho rằng mình là người vô thần. Hy vọng, có thể qua chuyến tông du này và những liên hệ tiếp theo đây, nữ tổng thống có thể trở lại đạo.

Trong một diễn biến chưa từng có trong các chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, Nữ Tổng thống đã khóc khi Đức Thánh Cha lên máy bay. Các hình ảnh thu được cho thấy bà đứng chết trân tại chỗ nhìn theo Đức Thánh Cha khi ngài lên máy bay và trong lúc máy bay chạy ra đường băng để cất cánh.

Trong cuộc họp báo sau đó tại dinh tổng thống, đích thân bà Zuzana Čaputová xác nhận là bà đã rất xúc động và đã khóc.

Zuzana cho biết bà đặc biệt xúc động trước sự đơn sơ chân thành của Đức Thánh Cha cũng như thông điệp mà Đức Thánh Cha gởi đến cho đất nước Slovakia.

Trong cuộc gặp gỡ tại phủ tổng thống, Đức Thánh Cha đã nói: “Lịch sử lâu đời của quốc gia này thách thức Slovakia trở thành một thông điệp hòa bình giữa lòng Âu Châu. Lời kêu gọi đó được gợi lên bởi sọc xanh lớn trên lá cờ của các bạn, biểu tượng cho tình anh em với các dân tộc Slav. Tình huynh đệ như vậy là cần thiết cho tiến trình hội nhập ngày càng bức thiết. Hơn nữa, trong những ngày này, sau những tháng dài và vất vả của đại dịch, hoàn toàn nhận thức được những khó khăn phải đối mặt, chúng ta mong đợi với hy vọng về một sự trỗi dậy kinh tế được ủng hộ bởi các kế hoạch phục hồi của Liên minh Âu Châu. Tuy nhiên, luôn có nguy cơ khuất phục trước sự thiếu kiên nhẫn và sự lôi cuốn của lợi nhuận, dẫn đến cảm giác hưng phấn thoáng qua, thay vì gắn kết mọi người lại với nhau, lại chỉ chứng tỏ sự chia rẽ. Sự phục hồi kinh tế mà thôi cũng chưa đủ trong một thế giới tự nó đã trở thành ngã ba đường, trong đó tất cả đều được kết nối với nhau. Ngay cả khi các cuộc chiến giành ưu thế được tiến hành trên nhiều mặt trận khác nhau, cầu mong quốc gia này vẫn có thể khẳng định lại thông điệp về hội nhập và hòa bình. Và cầu mong Âu Châu được phân biệt bởi một tình đoàn kết, khi vượt lên trên các biên giới, có thể đưa nó trở lại trung tâm của lịch sử”.

2. Đức Tổng Giám Mục Gomez: Chúng ta phải xây dựng đền thờ Đức Mẹ Guadalupe bằng cuộc sống của mình

Khi Đức Mẹ Guadalupe nói với Thánh Juan Diego rằng Mẹ muốn xây dựng một nhà thờ ở Mỹ Châu, ngài đã khởi động việc xây dựng nơi hiện nay là đền thánh Đức Mẹ Guadalupe ở Thành phố Mexico. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles đã viết trong một thông điệp nhân ngày lễ kính Đức Mẹ.

“Ngôi đền mà Đức Mẹ muốn là một ngôi đền tâm linh được xây dựng từ những 'viên đá sống' là cuộc đời chúng ta. Cuộc sống của anh chị em và cuộc sống của tôi. Mỗi người chúng ta đang sống với niềm vui của Chúa Giêsu Kitô trong tâm hồn mình, dõi theo con đường của Ngài cho cuộc sống của chúng ta, sống cho sự vinh hiển của Thiên Chúa và cho tình yêu thương anh chị em của chúng ta.”

“Thưa anh chị em, chúng ta là đền thờ mà Đức Mẹ muốn xây dựng ở Châu Mỹ!”

Đức Mẹ Guadalupe hiện ra vào năm 1531 với Thánh Juan Diego trên một ngọn đồi phía tây bắc Thành phố Mexico. Theo truyền thống, Giáo hội tổ chức ngày lễ Đức Mẹ Guadalupe vào ngày 12 tháng 12, mặc dù một số nơi đã chuyển sang ngày 13 tháng 12 vì trùng với Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng.

Đức Tổng Giám Mục Gomez nói rằng mọi người Công Giáo đều được kêu gọi bắt chước tiếng 'fiat', hay xin vâng, với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho cuộc đời mình.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Vai trò của chúng ta trong lịch sử cứu độ cũng giống như của Đức Maria. Anh chị em và tôi - mỗi người trong chúng ta - được kêu gọi để mang Chúa Giêsu Kitô vào thế giới, vào mọi lĩnh vực của cuộc sống của chúng ta, qua cách chúng ta sống và qua cách chúng ta yêu mến.”

Đức Tổng Giám Mục khuyến khích người Công Giáo tập trung vào việc mang tình yêu của Chúa Kitô vào trong gia đình và tình bạn của họ.

Ngài nói: “Qua những nỗ lực nhỏ nhoi của chúng ta, ngày qua ngày, yêu thương người khác và cố gắng sống như Chúa Giêsu đã dạy và như chính Chúa Giêsu đã sống - đây là cách chúng ta xây dựng ngôi đền mà Đức Mẹ Guadalupe muốn chúng ta xây dựng”.

Đức Tổng Giám Mục Gomez đã thách thức người Công Giáo hãy đưa càng nhiều người vào Giáo Hội càng tốt từ đây cho đến năm 2031, là năm đánh dấu kỷ niệm 500 năm Đức Mẹ Guadalupe hiện ra.

“Thế giới của chúng ta cần Chúa Giêsu! Hoa Kỳ, mọi quốc gia ở Mỹ Châu, đều cần Chúa Giêsu”.

“Chúng ta cần nói với những người hàng xóm của chúng ta - và quan trọng hơn, chúng ta cần cho những người hàng xóm của chúng ta thấy - rằng họ được yêu thương! Chúng ta cần cho họ thấy rằng Chúa Giêsu Kitô yêu thương chúng ta và đã hiến mạng sống của mình để cứu chúng ta. Chúng ta cần mời những người hàng xóm của chúng ta đặt bàn tay của họ vào bàn tay của Người, để họ có thể bước đi bên ánh sáng của Người và theo Người trên con đường đi đến cõi vĩnh hằng, đến với tình yêu không bao giờ kết thúc!”

“Chúa đã làm những điều tuyệt vời cho chúng ta! Vì vậy, chúng ta hãy ra ngoài và làm những điều tuyệt vời cho Người! Chúng ta hãy tiếp tục xây dựng đền thờ Đức Mẹ ở Mỹ Châu, và biến nơi đây thành một thế giới đức tin mới!”
Source:Catholic News Agency

3. Linh mục bị tấn công bằng dao rựa khi luật chống cải đạo đang được thảo luận

Tại Karnataka, trong khi các cuộc thảo luận đang được tiến hành về một luật chống cải đạo đang gây tranh cãi, một linh mục Công Giáo đã bị tấn công bằng dao rựa ở quận Belagavi. Bên cạnh đó, ba nhà thuyết giáo của Tin Lành Ngũ tuần đã bị tịch thu sách tôn giáo và đem ra đốt công khai ở Kolar.

Biến cố đầu tiên diễn ra vào chiều thứ Bảy 11 tháng 12 khi một người đàn ông không rõ danh tính cầm một con dao rựa bước vào Nhà thờ Giáo xứ Thánh Giuse Thợ, nơi Cha Francis D'Souza làm quản xứ, và chém ngài tới tấp.

Vị linh mục đã có thể tránh được cuộc tấn công và trốn thoát, trong khi kẻ tấn công cuối cùng đã rời khỏi hiện trường. Camera an ninh của nhà thờ đã ghi lại sự việc. Cha D'Souza sau đó đã đệ trình lên cảnh sát.

Hai ngày sau đó, hôm thứ Hai 13 tháng 12, tại quận Kolar, một số nhà hoạt động theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Giáo đã chặn đứng ba nhà thuyết giáo theo phái Ngũ tuần, cáo buộc họ xúc tiến việc cải đạo. Họ đã lấy đi những cuốn sách tôn giáo của họ và đem ra đốt.

Cảnh sát không có hành động gì, nói rằng cộng đồng Kitô Giáo đã được cảnh báo. Về phần mình, những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Giáo tuyên bố rằng họ “không thực hiện bất kỳ hành vi bạo lực nào”, mà chỉ phản ứng lại “những người phân phát sách Kitô Giáo trong khu phố của chúng tôi”.

Sajan K George, chủ tịch Hội đồng Kitô Hữu Ấn Độ, nói với AsiaNews. “Trong 12 tháng qua, chúng tôi đã ghi nhận 38 vụ tấn công nhằm vào các Kitô Hữu ở Karnataka”

Ông giải thích: “Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu tạo ra những tình huống này, từ chối tự do tôn giáo đối với cộng đồng Kitô Giáo bé nhỏ của Ấn Độ”.

Dưới sự hướng dẫn của Đức Tổng Giám Mục Peter Machado của tổng giáo phận Công Giáo Bangalore, các tín hữu Kitô đã xuống đường biểu tình yêu cầu bãi bỏ đạo luật chống cải đạo mà chính quyền bang muốn thông qua.

Những vụ việc chống lại Kitô Giáo khác đã được báo cáo gần đây ở các vùng khác của Ấn Độ, đáng chú ý nhất là ở Madhya Pradesh. Tại bang Barwani, cảnh sát quận Barwani đã bắt giữ một cặp vợ chồng với tội danh “dụ dỗ” phụ nữ bộ lạc với mục đích cải đạo họ sang Kitô Giáo.

Anar Singh Jamre, 35 tuổi và vợ Laxmi Jamre, 32 tuổi, sống ở làng Nawalpura. Họ bị bắt trên cơ sở luật chống cải đạo của Madhya Pradesh, được thắt chặt chỉ vài tháng trước.

Hành động này được thực hiện dựa trên một đơn khiếu nại của một người dân trong làng. Cả hai sau đó được tại ngoại.
Source:Asia News