1. Slovakia lên tiếng về vụ mưu toan ám sát Đức Giáo Hoàng hôm 15 tháng 9

Như chúng tôi đã đưa tin, sau một thời gian cấm tiết lộ để tiện việc điều tra, hôm 13 tháng 12, báo chí đã được phép loan tin về âm mưu ám sát Đức Giáo Hoàng hôm 15 tháng 9.

Tờ Jerusalem Post số ra ngày 13 tháng 12 có bài nhan đề “Israeli tech removes drone threat from Pope mass – exclusive”, nghĩa là “Công nghệ Do Thái đã loại bỏ mối đe dọa từ máy bay không người lái trong thánh lễ của Đức Giáo Hoàng – báo cáo độc quyền”.

The Jerusalem Post đưa tin một cách độc quyền rằng công nghệ của một công ty chống máy bay không người lái của Do Thái đã loại bỏ một máy bay không người lái quỷ quyệt mưu toan làm gián đoạn một thánh lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô tổ chức với 60,000 tín hữu ở Slovakia. Trong thánh lễ còn có 90 giám mục và 500 linh mục có mặt trong biến cố tại sự kiện khổng lồ này.

Tại Slovakia, tờ HN Slovenko cho biết sáu tên đã bị bắt trong biến cố này và sẽ phải ra trước tòa vào đầu năm 2022. Trong một cuộc phỏng vấn sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, khi được hỏi về lý do tại sao nữ tổng thống nước này đã khóc khi tiễn Đức Thánh Cha Phanxicô ở phi trường quốc tế Bratislava, bà Zuzana Čaputová nói bà cảm động trước các thông điệp của Đức Thánh Cha, và mến mộ ngài đã 84 tuổi vẫn lặn lội đến viếng thăm Slovakia bất chấp các nguy hiểm. Người ta không hiểu rõ lắm cụm từ “bất chấp các nguy hiểm”. Ngày nay, có lẽ mọi người hiểu rõ hơn ý của nữ tổng thống.

Tờ HN Slovenko viết như sau:

Đã gần ba tháng trôi qua kể từ chuyến thăm của người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo tới Slovakia. Các báo cáo gần đây chỉ ra rằng ngoài ấn tượng mà Đức Thánh Cha Phanxicô để lại trong lòng các tín hữu có mặt tại các sự kiện nghi lễ, việc ngài đến với chúng ta cũng thu hút sự chú ý đến những rủi ro an ninh có thể có của các công nghệ mới.

Hàng trăm thành viên của lực lượng vũ trang đã được tung ra để bảo vệ an ninh cho Đức Thánh Cha Phanxicô kể từ khi ngài đến Sân bay Bratislava, trước sự chứng kiến của Tổng thống Zuzana Čaputová hoặc Chủ tịch Quốc hội Boris Kollár.

Trong thời gian ở Slovakia, từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 9, các hạn chế nghiêm ngặt về giao thông và an toàn được áp dụng trên tuyến đường mà Đức Giáo Hoàng di chuyển tại Bratislava, Košice và cuối cùng là ở Šaštín.

Những tay súng bắn tỉa, một đơn vị chống khủng bố và cả một tiểu đoàn quân đã sẵn sàng cho một hành động nhanh chóng có thể xảy ra. Bên cạnh đó còn có những chiếc máy bay trực thăng sẵn sàng ứng chiến. Trước chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng, các cuộc huấn luyện diễn tập về an ninh quốc gia đã diễn ra với sự hợp tác của các đơn vị đặc biệt.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã cảnh báo trước khi ngài đến rằng hai tháng chuẩn bị an ninh là không đủ. Trong tháng 8, nhà phân tích an ninh Juraj Zábojník nói rằng tình hình xã hội căng thẳng đang diễn ra Slovakia sẽ khiến việc chuẩn bị càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, còn có sự xuất hiện của các loại công nghệ mới. Máy bay không người lái, hay drone, là một ví dụ tiêu biểu.

Zábojník, người cách đây một phần tư thế kỷ đã lãnh đạo một biệt đội Slovakia bảo vệ an ninh cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lúc bấy giờ nhấn mạnh rằng vào năm 1995, việc chuẩn bị và đánh giá rủi ro mất khoảng một năm. “Tại thời điểm chuyến thăm, hơn 20,000 người đã tham gia vào lực lượng an ninh và hỗ trợ,” chuyên gia này nói.

Máy bay không người lái là một vấn đề nghiêm trọng. Trong các sự kiện công cộng ngày nay, người ta dùng máy bay không người lái để thu hình các biến cố thay vì các tháp truyền hình hết sức tốn kém. Việc cấm triệt để máy bay không người lái trong một vùng trời nhất định có thể là không khả thi.

Ngày 16 tháng 10, 2016, quân Iraq và quân Đồng Minh mở chiến dịch giải phóng Mosul. Với quân số đông hơn đến 20 lần bọn khủng bố Hồi Giáo IS, họ vẫn phải mất 9 tháng và 4 ngày mới hoàn toàn giải phóng được thành phố. Một trong những cản trở chính trong cuộc hành quân là các máy bay không người lái của bọn khủng bố dùng để thả bom và lựu đạn lên đối phương. Vì kích thước nhỏ gọn của nó, việc bắn hạ các máy bay không người lái không phải là điều dễ dàng.

Trong các cử hành đông người như trong các thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành. Một chiếc máy bay không người lái lơ lửng trên đầu đám đông có thể là một thảm họa kinh hoàng. Người ta có lẽ phải chờ cho đến khi phiên tòa diễn ra mới hiểu hết được động cơ và thủ đoạn của những tên đang bị câu lưu.
Source:HN Slovensko

2. Đức Giáo Hoàng nói ngài sẽ gặp ủy ban điều tra lạm dụng tình dục của Pháp, bày tỏ nỗi buồn về quyết định liên quan đến Tổng Giám Mục Paris.

Hôm thứ Hai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đồng ý họp với ủy ban đã công bố một báo cáo gây chấn động về tình trạng lạm dụng tình dục giáo sĩ trong Giáo Hội Công Giáo Pháp. Theo các giám mục Pháp đã gặp ngài, Đức Thánh Cha cũng bày tỏ “nỗi buồn” liên quan đến sự ra đi đột ngột của Tổng giám mục Paris,

Đức Tổng Giám Mục Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, nói với các phóng viên rằng Đức Phanxicô đã đồng ý “về nguyên tắc” để gặp các thành viên của ủy ban độc lập nhưng phải tìm ngày mới.

Người đứng đầu ủy ban, Jean-Marc Sauvé, đã nói rằng các thành viên sẽ được gặp Đức Giáo Hoàng. Ông ta công bố cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha sẽ diễn ra vào ngày 9 tháng 12. Tuy nhiên, Tòa Thánh nói không hay biết gì về cuộc gặp gỡ này.

Báo cáo của Pháp ước tính rằng khoảng 330,000 trẻ em là nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi các giáo sĩ Công Giáo, các nhà lãnh đạo hướng đạo hoặc các nhân viên giáo dân trong thời gian từ năm 1950 đến năm 2020.

Ước tính dựa trên nghiên cứu rộng hơn của Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia của Pháp về lạm dụng tình dục trẻ em ở nước này. Tuy nhiên, phương pháp luận của báo cáo đã bị chỉ trích vì các ước tính quá cao so với các báo cáo tương tự ở các quốc gia khác. Tính trung bình một người lạm dụng đã lạm dụng trên 100 trẻ em!

Vấn đề là các giám mục Pháp đã chấp nhận báo cáo và thề sẽ cố gắng sửa chữa thiệt hại, đồng thời thông báo rằng các ngài sẽ bồi thường cho các nạn nhân ngay cả khi phải bán bớt tài sản của Giáo Hội vì “trách nhiệm thể chế”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài chưa đọc bản báo cáo dài 500 trang, cho đến nay chỉ có bằng tiếng Pháp. Nhưng Đức Tổng Giám Mục Moulins-Beaufort nói rằng Đức Phanxicô đánh giá cao “phẩm giá của thái độ của chúng ta” bằng cách biến các nạn nhân trở thành “tâm điểm” trong các phản ứng của Giáo Hội.

Đức Tổng Giám Mục nói “Đức Thánh Cha đã khích lệ chúng tôi và cảm ơn chúng tôi”.

Ngài cho biết chính ngài và các giám mục khác cũng hỏi Đức Phanxicô xem có điều gì bổ sung về việc Tổng giám mục Paris Michel Aupetit bị bãi chức đột ngột hay không.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cách chức Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit hôm 2 tháng 12 sau khi vị Tổng Giám Mục Paris nói ngài yêu cầu Đức Thánh Cha định đoạt tương lai của mình trước các báo cáo của một phương tiện truyền thông cho rằng ngài có quan hệ tình cảm với một phụ nữ vào năm 2012. Đức Tổng Giám Mục Aupetit nhìn nhận rằng rằng ngài có một mối quan hệ “không rõ ràng” nhưng bác bỏ cáo buộc cho rằng quan hệ ấy có liên quan đến là tình dục. Truyền thông Pháp cũng cho rằng cách quản trị tổng giáo phận của ngài là chuyên quyền. Đức Tổng Giám Mục Aupetit nói rõ rằng ngài yêu cầu Đức Thánh Cha định đoạt tương lai của mình chứ không phải nộp đơn từ chức.

Hôm 6 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài đã chấp nhận đơn từ chức vì “tin đồn” về Đức Cha Aupetit đã khiến vị Tổng Giám Mục không thể điều hành tổng giáo phận.

Lời nhận xét này của Đức Thánh Cha gây hoang mang cho nhiều người vì nó ngụ ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẵn sàng hành động chỉ vì những lời đàm tiếu. Dư luận tại Pháp cho rằng lẽ ra nên có một cuộc thanh tra tông tòa trước khi Đức Thánh Cha đưa ra quyết định. Một quyết định hấp tấp như thế không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân Đức Tổng Giám Mục Aupetit mà còn gây ra một tác động sâu xa đến các Giám Mục Pháp khác và Giáo Hội tại Pháp nói chung.

Moulins-Beaufort nói rằng Đức Phanxicô đã bày tỏ lòng biết ơn đối với những nỗ lực mục vụ của Aupetit và “nói về nỗi buồn của mình vì hoàn cảnh và quyết định mà ngài đã đưa ra.”


Source:AP

3. Chuyến viếng thăm của Khâm Sứ Tòa Thánh tại Tòa Thượng phụ Giêrusalem

Sáng thứ Bảy, 11 tháng 12 năm 2021, Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana, là Khâm sứ Tòa thánh tại Giêrusalem và Palestine, và thư ký của ngài là Cha Natali đã đến thăm Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem.

Chức danh của các vị đại diện Đức Thánh Cha tại Thánh Địa khá phức tạp. Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana, trước đây là Sứ thần Tòa Thánh tại Úc Đại Lợi. Hiện nay, ngài là Sứ thần Tòa Thánh tại Israel và đảo Síp, và là Khâm sứ Tòa thánh tại Giêrusalem và Palestine.

Sứ thần Tòa Thánh - Apostolic Nuncio – là vị đại diện của Đức Thánh Cha liên lạc với Giáo Hội địa phương và nước sở tại có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Khâm sứ Tòa thánh - Apostolic Delegate – là vị đại diện của Đức Thánh Cha liên lạc với Giáo Hội địa phương, và không là nhiệm vụ ngoại giao vì quốc gia sở tại chưa có quan hệ ngoại giao chính thức với Tòa Thánh.

Chuyến viếng thăm này của Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana nằm trong khuôn khổ của Thỏa ước Nguyên Trạng vì những nhiệm vụ gần đây của ngài.

Ngài đã được Đức Thượng Phụ Theophilos của Chính Thống Giáo Giêrusalem tiếp, với tư cách Giám mục Chính Thống Giáo của Giáo hội địa phương. Có mặt trong buổi tiếp kiến còn có các linh mục trong linh mục đoàn Chính Thống Giáo, gọi là Hagiotaphite.

Trong chuyến thăm này, có một cuộc trò chuyện về các tín hữu của hai Giáo Hội tại Síp, nơi trực thuộc Tòa Thượng Phụ. Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã đến thăm Síp và Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana đã tham gia chuyến thăm này. Giáo Hội Chính Thống Giáo Síp đã tổ chức nhiều cuộc họp của Hội đồng các Giáo hội Trung Đông và hòn đảo này tiếp nhận những người tị nạn xin tị nạn. Bản thân những người Síp đến từ Bắc Síp cũng đang tị nạn ở miền Nam sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chiếm phía Bắc Síp.

Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana đã tặng cho Đức Thượng Phụ Theophilos một món quà lưu niệm do Đức Giáo Hoàng nhờ Đức Tổng Giám Mục trao lại cho Đức Thượng Phụ
Source:Orthodox Times