Tòa án tối cao Iran vừa đưa ra phán quyết lịch sử, theo đó việc trở thành thành viên của một nhà thờ tư gia và tụ tập để cầu nguyện, đặc biệt là giữa những người theo đạo Tin lành, không khiến các tín hữu Kitô trở thành “kẻ thù của nhà nước”.

Phán quyết này được đưa ra sau khi chín người cải đạo sang Kitô Giáo đã bị kết án năm năm tù vì tham gia vào các buổi cầu nguyện tại gia.

Hiện tại, khoảng 20 Kitô Hữu đang bị giam giữ vì lý do an ninh quốc gia. Kể từ năm 2012, hơn một trăm người đã bị bỏ tù vì tội danh tương tự.

Các Kitô Hữu vừa được đề cập thuộc về một nhà thờ Tin lành ở Rasht, phía đông bắc của Tehran, trên biển Caspi. Họ đã bị bắt hai năm trước vì tội cải đạo và “hành động chống lại an ninh quốc gia”.

Cảnh sát ập vào nhà của họ và ngôi nhà được sử dụng làm nơi thờ tự, tịch thu nhiều đồ vật và tư trang.

Phán quyết của Tòa án Tối cao được đưa ra vào ngày 3 tháng 11 nhưng chỉ mới được đưa tin rộng rãi trong vài ngày qua.

“Việc chỉ đơn thuần là rao giảng Kitô Giáo thông qua các buổi họp mặt tại gia không phải là biểu hiện của sự tụ tập và cấu kết để phá vỡ an ninh của đất nước, dù bên trong hay bên ngoài”, Tòa án Tối cao cho biết như trên.

Phán quyết tiếp tục tuyên bố rằng việc hình thành các nhà thờ tư gia không vi phạm Điều 498 và 499 của Bộ luật Hình sự Hồi giáo, liên quan đến cái gọi là các nhóm chống nhà nước.

Đối với Open Doors, quyết định của tòa án là “quan trọng” vì hai điều luật trên thường được sử dụng để kết tội các tín hữu Kitô và nhốt họ trong các nhà tù chỉ vì họ chỉ tuyên xưng đức tin và tụ tập để cầu nguyện.

Quyết định này có thể trở thành một bước ngoặt và ảnh hưởng tích cực đến các trường hợp bắt bớ trong tương lai chống lại các tín hữu Kitô.

Phán quyết có thể mở đường cho việc trả tự do cho chín Kitô Hữu bị kết án trước đó, sau khi phiên tòa xét xử họ được xem xét lại dưới ánh sáng của phán quyết mới này.

Nó cũng có thể mang lại cho hàng nghìn người khác trên khắp Iran hy vọng thực hành tôn giáo của họ “mà không sợ bị bỏ tù.”

Bước cuối cùng để đảm bảo tự do tôn giáo là cung cấp “một nơi thờ tự cụ thể” phù hợp với hiến pháp của Iran.

Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu lạc quan này, nhiều người kêu gọi thận trọng, cảnh báo không nên quá tin vào một phán quyết duy nhất, dù cho là nó đến từ Tòa án Tối cao.

Các vụ án trong quá khứ có thể được đưa trở lại phòng xử án, nơi các thẩm phán sẽ phải xem xét lại các quyết định. Tuy nhiên, không phải tất cả họ sẽ tuân theo phán quyết của Tòa án Tối cao.

Hormoz Shariat, một mục sư Iran cho biết: “Chính phủ Iran có lịch sử không tuân theo các quy tắc của riêng mình.
Source:Asia News