1. Biến thể Omicron khiến Đức Thánh Cha Phanxicô phải hủy chuyến viếng thăm quảng trường Tây Ban Nha vào ngày 8 tháng 12

Chính quyền Ý cho biết chủng Covid mới đã tràn vào Ý. Trong bối cảnh này, để tránh các cuộc tụ tập và nguy cơ lây lan, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không thực hiện nghi lễ truyền thống trước công chúng tại các quảng trường các bậc thềm Tây Ban Nha vào ngày 8 tháng 12, tới đây, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.

Thay vào đó, ngài sẽ thực hiện một “hành động sùng kính riêng tư”, thông báo của văn phòng báo chí Vatican cho biết như trên vào ngày 27 tháng 11.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về diễn biến phức tạp của đại dịch. Sáng 27 tháng 11, bệnh nhân đầu tiên có biến thể Omicron đã được xác nhận ở Ý.

Do đó, Đức Giáo Hoàng sẽ cầu nguyện một mình với Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và sẽ kêu cầu Mẹ “bảo vệ những người Rôma, thành phố mà họ đang sống và những người bệnh tật cần sự bảo vệ của Đức Mẹ trên khắp thế giới.”

Tuy nhiên, thông cáo báo chí không nêu rõ nơi diễn ra hành động sùng kính này là ở đâu.

Vào ngày 8 tháng 12 năm 2020, trước tình hình đại dịch coronavirus nguy ngập, Đức Thánh Cha cũng đã hủy bỏ việc tham dự sự kiện công cộng.

Nhưng cuối cùng, dưới cơn mưa tầm tã vào sáng sớm hôm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến trung tâm thành phố Rôma để lặng lẽ kính viếng Mẹ Maria Vô nhiễm. Ở đó, Đức Thánh Cha đã giao phó thành phố và thế giới cho sự chăm sóc và bảo vệ của Đức Maria.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết như sau:

Vào lúc 7 giờ sáng nay, Lễ trọng thể Đức Trinh Nữ Maria Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Thánh Cha đã đến quảng trường Tây Ban Nha, để thực hiện một hành động kính viếng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội trong lặng lẽ.

Vào lúc có chút ánh sáng đầu tiên của bình minh, dưới cơn mưa, ngài đã đặt một bó hoa hồng trắng ở chân cột đài Đức Mẹ.

Đức Thánh Cha, sau đó, cầu nguyện với Đức Mẹ, xin Mẹ chăm sóc Rôma và các cư dân của thành này, giao phó cho Mẹ tất cả những người trong thành phố và trên thế giới đang đau khổ vì bệnh tật và chán nản.

Rời quảng trường Tây Ban Nha vài phút trước 7:15 sáng, Đức Thánh Cha đã đến Đền Thờ Đức Bà Cả, nơi ngài cầu nguyện trước bức ảnh của Đức Mẹ Là Phần Rỗi Của Dân Rôma và cử hành thánh lễ trong Nhà nguyện Chúa Giáng Sinh bên trong Đền Thờ Đức Bà Cả nơi gìn giữ di tích thiêng liêng từ máng cỏ nơi Chúa Giêsu sinh ra.

Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở về Vatican.

Việc tôn kính trong lặng lẽ này tại cột đài Đức Mẹ ở quảng trường Tây Ban Nha đã diễn ra thay cho buổi lễ của Đức Thánh Cha với các tín hữu của Rôma tại tượng Đức Mẹ Vô nhiễm ở quảng trường các bậc thềm Tây Ban Nha, để tránh việc tụ tập đông đảo khi thế giới vật lộn với đại dịch COVID19.

Truyền thống các chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tới quảng trường Tây Ban Nha, diễn ra vào ngày 8 tháng 12 hàng năm nhân lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, chưa bao giờ bị gián đoạn kể từ khi được Đức Giáo Hoàng Gioan 23 khởi xướng. Thông thường, hành động sùng kính này diễn ra vào cuối ngày, trước sự chứng kiến của đông đảo người dân Rôma.

Đức Giáo Hoàng thường đi trước các vị đại diện của các thành phần khác nhau của xã hội Rôma. Theo phong tục, những người lính cứu hỏa sử dụng thang của họ để đặt một vòng hoa lên cánh tay của bức tượng Đức Mẹ Maria.

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là một ngày lễ quốc gia và một ngày lễ ở Ý kể từ năm 1854. Nó được thiết lập theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Piô thứ 9.


Source:Aleteia

2. Thông điệp của Đức Thánh Cha cho người dân Síp và Hy Lạp

Giữa các lo âu về một biến thể nguy hiểm của coronavirus là biến thể Omicron, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một video cho người dân Síp và Hy Lạp, thể hiện quyết tâm thực hiện chuyến hành hương theo chân các Thánh Tông Đồ Phaolô và Banaba.

Đức Thánh Cha nói:

Kính gửi các anh chị em Síp và Hy Lạp, kaliméra sas! Chào buổi sáng tốt lành!

Chỉ còn vài ngày nữa là đến cuộc gặp gỡ của chúng ta và tôi đang chuẩn bị hành hương đến những vùng đất của các bạn tráng lệ, được chúc phúc bởi lịch sử, văn hóa và Phúc âm! Tôi đến với niềm vui, đúng hơn nhân danh Phúc Âm, theo bước chân của những nhà truyền giáo vĩ đại đầu tiên, đặc biệt là các Thánh Tông đồ Phaolô và Banaba. Thật là tốt khi trở về nguồn cội và điều quan trọng là Giáo hội phải khám phá lại niềm vui của Tin Mừng. Chính với tinh thần đó tôi đang chuẩn bị cho cuộc hành hương đến các suối nguồn này, và tôi xin mọi người giúp tôi chuẩn bị với những lời cầu nguyện của họ.

Nhờ gặp gỡ các bạn, tôi sẽ có thể làm dịu cơn khát của mình tại những suối nguồn của tình huynh đệ, là điều rất quý giá vào thời điểm chúng ta vừa mới bắt đầu một hành trình đồng nghị toàn cầu. Có một “ân sủng đồng nghị”, một tình huynh đệ tông đồ mà tôi rất ao ước, và vô cùng kính trọng: đó là hy vọng được viếng thăm các vị Tổng Giám Mục kính mến Chrysostomos và Hieronymos, những người đứng đầu các Giáo hội Chính thống địa phương. Là anh em trong đức tin, tôi sẽ có ân sủng được anh chị em đón nhận và gặp gỡ anh chị em nhân danh Chúa Bình an. Hỡi anh chị em Công Giáo thân mến, tôi đến với anh chị em, những người tụ họp trong xứ ấy thành từng đàn chiên nhỏ mà Chúa Cha hết sức yêu thương dịu dàng và Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành đã lặp lại: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ hãi” (Lc 12,32). Tôi đến với tình cảm là mang đến cho anh chị em sự cổ vũ của toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Đến thăm các bạn cũng sẽ cho tôi cơ hội để uống từ những suối nguồn cổ kính của Âu Châu: Síp, là tiền đồn trên lục địa của Thánh Địa Giêrusalem; Hy Lạp, quê hương của nền văn hóa cổ điển. Nhưng ngay cả ngày nay, Âu Châu cũng không thể bỏ qua Địa Trung Hải, vùng biển đã chứng kiến sự truyền bá Tin Mừng và sự phát triển các nền văn minh vĩ đại. Địa Trung Hải [chữ Đức Thánh Cha dùng là Mare Nostrum là tiếng Latinh, nghĩa là là Biển của chúng ta, đó là tên người La mã gọi Địa Trung Hải] nối liền rất nhiều vùng đất, mời gọi chúng ta cùng nhau chèo thuyền, không bị chia rẽ khi theo đuổi những con đường riêng biệt của chúng ta, đặc biệt là vào thời điểm mà cuộc chiến chống đại dịch vẫn còn đòi hỏi những nỗ lực và cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra trên diện rộng.

Biển, nơi đón nhận nhiều dân tộc, với những bến cảng rộng mở nhắc nhở chúng ta rằng nguồn sống chung nằm ở sự chấp nhận lẫn nhau. Ngay bây giờ tôi đã cảm thấy được chào đón bởi tình cảm của các bạn và tôi cảm ơn những người đã chuẩn bị cho chuyến thăm của tôi trong một thời gian. Nhưng tôi cũng nghĩ đến những người, trong những năm gần đây và cho đến tận ngày nay, đã phải chạy trốn khỏi chiến tranh và đói nghèo, đổ bộ lên bờ lục địa và những nơi khác, và không gặp được lòng hiếu khách nhưng là sự thù địch và thậm chí là sự bóc lột. Họ là anh chị em của chúng ta. Bao nhiêu người đã mất mạng trên biển! Ngày nay biển của chúng ta, Địa Trung Hải, là một nghĩa trang lớn. Là một người hành hương đến những nguồn suối của nhân loại, tôi sẽ đến Lesvos một lần nữa, tin chắc rằng những nguồn mạch của sự sống chung sẽ nảy nở trở lại trong tình huynh đệ và sự hòa nhập cùng nhau. Không có cách nào khác và với tầm nhìn này, tôi đến với các bạn.

Anh chị em thân mến, với những tình cảm này, tôi rất mong được gặp tất cả các bạn, tất cả các bạn! Không chỉ tất cả những người Công Giáo! Tôi cầu xin Đấng Tối Cao chúc phúc cho tất cả các bạn, khi tôi mang đến trước mặt Người ngay cả bây giờ khuôn mặt và những kỳ vọng của các bạn, những lo lắng và hy vọng của các bạn. Na íste pánda kalá! Cầu mong bạn luôn khỏe mạnh!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana

3. Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 28 tháng 11


Chúa Nhật 28 tháng 11, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng cũng là Chúa Nhật đầu tiên của Năm Phụng Vụ mới. Bài Tin Mừng theo Thánh Luca có chủ đề là “Giờ cứu rỗi các con đã gần đến”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến. Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng, tức là Chúa nhật đầu tiên chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh, nói cho chúng ta biết Chúa sẽ đến vào thời cánh chung. Chúa Giêsu loan báo những biến cố và hoạn nạn hoang tàn, nhưng chính ở điểm này, Ngài mời gọi chúng ta đừng sợ hãi. Tại sao? Vì mọi thứ sẽ ổn thỏa chăng? Không, nhưng chính là vì Ngài sẽ đến. Chúa Giêsu sẽ trở lại, Chúa Giêsu sẽ đến, Ngài đã hứa như thế. Người nói như thế này: “Hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21:28). Thật là vui khi lắng nghe lời khích lệ này: hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, bởi vì chính trong những lúc mọi sự dường như kết thúc, Chúa đến để cứu chúng ta; hãy chờ đợi Người với niềm vui ngay cả trong gian truân, khủng hoảng của cuộc sống và trong những thảm kịch của lịch sử. Hãy chờ đợi Chúa. Nhưng làm sao chúng ta có thể ngẩng cao đầu, không bị đắm chìm trước những khó khăn, đau khổ, thất bại? Thưa: Chúa Giêsu chỉ đường cho chúng ta bằng một lời nhắc nhở mạnh mẽ: “Hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề. Hãy luôn tỉnh thức và cầu nguyện “(câu 34.36).

“Tỉnh thức”, cảnh giác. Chúng ta hãy dừng lại ở khía cạnh quan trọng này của đời sống Kitô Hữu. Từ những lời này của Chúa Kitô, chúng ta thấy rằng sự cảnh giác được liên kết với sự chú ý: hãy chú ý, hãy cảnh giác, đừng để bị phân tâm, tức là hãy luôn tỉnh thức! Cảnh giác có nghĩa là: không để lòng lười biếng, không để đời sống thiêng liêng trở nên tầm thường. Hãy cẩn thận vì anh chị em có thể là một “Kitô Hữu đang ngủ” - và chúng ta biết: có nhiều Kitô Hữu đang ngủ, những Kitô Hữu bị mê hoặc bởi tinh thần thế gian - Kitô Hữu không có lòng nhiệt thành thiêng liêng, không hăng hái cầu nguyện - họ cầu nguyện như vẹt - không nhiệt tình với sứ mệnh, không say mê Tin Mừng. Đó là những tín hữu Kitô luôn hướng nội, không thể nhìn ra chân trời. Và điều này dẫn đến “ngủ gật”: kéo mọi thứ về phía trước theo quán tính, rơi vào trạng thái thờ ơ, thờ ơ với mọi thứ ngoại trừ những gì phù hợp với chúng ta. Và đây là một cuộc sống đáng buồn, cứ tiếp tục như thế này thì không có hạnh phúc ở đó.

Chúa Giêsu nói rằng chúng ta cần phải cảnh giác để không kéo lê ngày tháng trong những thói quen, đừng để lòng ra nặng nề bởi những rắc rối của cuộc sống (xem câu 34); đừng để những muộn phiền của cuộc sống đè nặng chúng ta. Vì vậy, hôm nay là một dịp tốt để tự hỏi: điều gì đè nặng lên trái tim tôi? Điều gì gây gánh nặng cho tinh thần của tôi? Điều gì khiến tôi phải ngồi vào ghế của sự lười biếng? Thật đáng buồn khi thấy các Kitô Hữu “ngồi trên ghế bành”! Đâu là những thứ tầm thường làm tôi tê liệt, những tệ nạn, những thói hư tật xấu nào đè bẹp tôi xuống đất và ngăn cản tôi ngẩng đầu lên? Và đối với gánh nặng trên vai của những người anh em, tôi đang chú ý hay đang thờ ơ? Những câu hỏi này tốt cho chúng ta, bởi vì chúng giúp giữ cho trái tim chúng ta không chây lười. Nhưng, thưa cha, hãy nói cho chúng con biết: chây lười là gì? Thưa: Nó là kẻ thù lớn của đời sống thiêng liêng, thậm chí của đời sống Kitô Hữu. Chây lười là sự lười biếng thâm căn, kết tủa thành nỗi buồn, làm mất đi niềm vui sống và khát vọng hoạt động. Đó là một trạng thái tinh thần tiêu cực, nó là một tinh thần xấu xa đóng đinh linh hồn trong sự bất động, và đánh cắp niềm vui của nó. Nó bắt đầu với nỗi buồn đó, và cứ thế trượt dài đến mức mất đi niềm vui. Sách Châm ngôn nói: “Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh” (Châm ngôn 4:23). Hãy bảo vệ trái tim: điều này có nghĩa là phải cảnh giác, cảnh giác! Hãy tỉnh táo, hãy giữ lấy trái tim của mình.

Và hãy thêm một thành phần thiết yếu: bí quyết để luôn cảnh giác là cầu nguyện. Thật vậy, Chúa Giêsu nói: “Hãy luôn tỉnh thức và cầu nguyện” (Lc 21:36). Lời cầu nguyện giữ cho ngọn đèn của trái tim luôn cháy sáng. Đặc biệt là khi chúng ta cảm thấy lòng nhiệt thành nguội lạnh, thì lời cầu nguyện sẽ khơi dậy nó, bởi vì nó đưa chúng ta trở lại với Chúa, trở lại với trung tâm của mọi sự. Cầu nguyện đánh thức linh hồn khỏi giấc ngủ và tập trung nó vào những gì là quan trọng, vào mục đích chúng ta tồn tại. Ngay cả trong những ngày bận rộn nhất, chúng ta cũng không sao nhãng việc cầu nguyện. Tôi đã thấy trong chương trình “A sua immagine”, nghĩa là “Trong hình bóng Ngài”, một sự phản ánh tuyệt đẹp về lời cầu nguyện: nó sẽ giúp ích cho chúng ta. Lời cầu nguyện của trái tim có thể giúp ích cho chúng ta, ngay cả với những lời khẩn cầu ngắn lặp đi lặp lại. Trong Mùa Vọng, hãy quen với những lời khẩn cầu ngắn, chẳng hạn như: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Chỉ cần thành tâm cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Thời điểm chuẩn bị cho Giáng Sinh này thật đẹp: chúng ta hãy nghĩ về máng cỏ, hãy nghĩ về Giáng Sinh, và hãy nói từ trái tim: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Chúng ta hãy lặp lại lời cầu nguyện này suốt cả ngày, và tâm hồn sẽ luôn tỉnh táo! “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”: đó là lời cầu nguyện mà cùng nhau chúng ta hãy nói ba lần, tất cả cùng nhau. “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”, “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”, “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”.

Và bây giờ chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ: xin Mẹ, Đấng luôn trông đợi Chúa với tâm hồn cảnh giác, đồng hành với chúng ta trên hành trình Mùa Vọng.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Hôm qua tôi đã gặp các thành viên của các hiệp hội và nhóm người di cư và những người, với tinh thần huynh đệ, chia sẻ cuộc hành trình của họ. Họ đang ở đây ở quảng trường này, với lá cờ lớn đó! Chào mừng! Nhưng chúng ta hãy nghĩ đến điều này: có bao nhiêu người di cư phải đối mặt với những nguy hiểm rất nghiêm trọng, ngay cả trong những ngày này, và bao nhiêu người đang mất mạng tại biên giới của chúng ta! Tôi cảm thấy đau lòng vì tin tức về tình hình trong đó rất nhiều người đã chết ở eo biển Anh, những người bị kẹt ở biên giới Belarus, có cả nhiều trẻ em trong số đó; và bao nhiêu những người chết đuối ở Địa Trung Hải. Quá nhiều đau đớn khi nghĩ đến họ. Trong số những người bị buộc hồi hương về lại Bắc Phi, nhiều người đã từng là nạn nhân của những kẻ buôn người, những kẻ biến họ thành nô lệ: họ bán phụ nữ, tra tấn đàn ông... Có những người di cư, mới tuần này thôi, đã cố gắng vượt Địa Trung Hải để tìm kiếm một nguồn nước sống nhưng lại tìm thấy ở đó một ngôi mộ; và bao nhiêu những đau khổ của nhiều người khác. Đối với những người di cư đang ở trong những tình huống khủng hoảng này, tôi xin cam đoan với anh chị em những lời cầu nguyện của tôi, từ thẳm sâu trái tim mình: anh chị em hãy biết rằng tôi luôn gần gũi với anh chị em. Chúng ta hãy cầu nguyện và hành động. Tôi cảm ơn tất cả các tổ chức của Giáo Hội Công Giáo và các nơi khác, đặc biệt là Caritas quốc gia và tất cả những người dấn thân giảm bớt đau khổ của họ. Tôi xin lặp lại lời kêu gọi chân thành đối với những người có thể đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề này, đặc biệt là đối với các Chính quyền dân sự và quân sự, cầu xin cho sự thấu hiểu và đối thoại thắng thế hơn bất kỳ hình thức lợi dụng nào; và cầu xin cho họ biết định hướng ý chí cùng các nỗ lực hướng tới các giải pháp tôn trọng phẩm giá của những người này. Chúng ta hãy nghĩ về những người di cư, về sự đau khổ của họ, và cầu nguyện trong im lặng

Tôi chào tất cả anh chị em, những người hành hương đến từ Ý và từ các quốc gia khác nhau: có rất nhiều lá cờ từ các quốc gia khác nhau. Tôi chào các gia đình, các nhóm trong giáo xứ, các hội đoàn. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu đến từ Đông Timor - tôi thấy những lá cờ ở đó - từ Ba Lan và Lisbon; cũng như của Tivoli.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành và một hành trình Mùa Vọng sốt sắng, một hành trình hướng về Chúa Giáng Sinh, hướng về Chúa. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana