Trong bài “Biden yết kiến Đức Phanxicô: trong thin thít ngoài huênh hoang” (VietCatholic 29/10), chúng tôi gọi ông Biden là người bất trung thực khi thao túng cuộc nói chuyện riêng với Đức Phanxicô cho chủ trương ủng hộ phá thai quá tích cực của ông ta. Nay thì, theo ACI Prensa, một vị giám mục Tây Ban Nha, Đức Cha José Ignacio Munilla của Giáo phận San Sebastián, Tây Ban Nha, cũng đồng ý như thế khi cực lực phản đối sự huyênh hoang của Biden. Trong một tweeter ngày 30 tháng 10, vị giám mục này viết: “những câu tuyên bố không đáng tin ấy cho thấy tư cách luân lý của những người dám lạm dụng và thao túng Đức Giáo Hoàng với ý định rửa lương tâm họ từng vấy máu không biết bao sự sống vô tội bị trừ khử một cách bất công”.

Cả tòa thánh lẫn các giám mục và Hồng Y Hoa Kỳ vốn ủng hộ Biden cũng đã không bình luận gì về lời tuyên bố huênh hoang của Biden, rõ ràng cho thấy tính chất lươn lẹo của Biden.

Không nhắm Hoa Kỳ

John Allen Jr. của tạp chí Crux, tuy không bình luận trực tiếp về lời huyên hoang của Biden, nhưng giải thích một cách “trung dung” về việc Đức Phanxicô không nói đến phá thai trong cuộc gặp gỡ Biden vừa qua. Ngày 31 tháng 10 vừa qua, trong bài “Context is king in understanding Pope’s approach to Biden on abortion” (Bối cảnh là điều chủ chốt để hiểu phương thức của Đức Giáo Hoàng đối với Biden về phá thai), Allen viết rằng, các vị giáo hoàng trước đây khi gặp Bill Clinton và Barack Obama cũng đâu có nói tới phá thai. Lần này tuy có khác vì Joe Biden không những là một người Công Giáo mà còn tự huyên hoang cho mình là một người Công Giáo tốt nữa, dù ủng hộ phá thai một cách mạnh mẽ, nồng nhiệt hơn bất cứ ai khác, nhưng ông ta vẫn là một Tổng Thống của đại cường duy nhất của thế giới.

Tuy nhiên, bối cảnh của Vatican trong những ngày vừa qua có khác. Không những tiếp Joe Biden mà còn tiếp hai nhà lãnh đạo quốc gia khác cũng đang đóng một vai trò chẳng kém quan trọng trên trường quốc tế. Đó là tổng thống Nam Hàn và Thủ Tướng Ấn Độ nhân dịp họ cùng Joe Biden tham dự hội nghị G20 tại Rôma.

Thực vậy hôm thứ sáu, 29 tháng 10, Đức Phanxicô cũng đã tiếp kiến ông Moon Jae-in, Tổng thống Nam Hàn. Và hôm sau, 30 tháng 10, ngài tiếp kiến ông Narenda Modi, Thủ tướng Ấn Độ.

Cả ông Moon, một người Công Giáo được nhiều người coi là tốt, lẫn ông Modi, một tín đồ nhiệt thành của Ấn Giáo cực hữu, đều có thành tích khá đáng nghi ngờ về phá thai, giống như Biden. Thực thế, tại Nam Hàn, năm 2019, Tối Cao Pháp Viện, khi phán quyết rằng đạo luật năm 1953 kết án phá thai là bất hợp hiến, đã cho các nhà lập pháp kỳ hạn chót là cuối năm 2020 để bãi bỏ nó. Tháng Giêng năm 2021, Quốc hội Nam Hàn đã thông qua các biện pháp cho phép phá thai tới tuần thứ 14 của thai kỳ, nới rộng cho tới tuần thứ 24 của thai kỳ trong trường hợp hiếp dâm.

Dù ông Moon cẩn trọng tránh đưa ra chủ trương công khai đối với phán quyết, chính ông đã đề cử 6 trong 9 chánh án lật ngược đạo luật cấm phá thai năm 1953. Những chánh án này nổi tiếng là phò “bình đẳng phái tính” (gender equality) và quyền phụ nữ. Điều rõ ràng là ông đã không làm gì để ngăn chặn việc chuyển tiếp qua phá thai hợp pháp ở trong nước dù là một người Công Giáo tốt và dù phán quyết bị Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn cực lực phản đối.

Trong khi đó, ông Modi mới đây đã chủ tọa việc tiếp nhận một đạo luật có tên là “Đạo luật Kết liễu Thai kỳ về Phương diện Y khoa” nới rộng việc tiếp cận phá thai hợp pháp cho các phụ nữ không chồng, cho phép mọi phụ nữ kết liễu thai kỳ tới tuần lễ thứ 20, thêm 4 tuần cho các nạn nhân bị hiếp hay loạn luân, và cho phép phá thai bất cứ ở thai kỳ nào trong trường hợp thai nhi dị hình được 1 hội đồng y khoa chuẩn nhận.

Đầu tháng 10, Modi cổ vũ các biện pháp giải phóng phá thai trong một bài diễn văn bảo vệ thành tích nhân quyền của ông ta nhân dịp cả nước kỷ niệm việc bảo vệ nhân quyền do Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Gia bảo trợ.

Thành thử, từ chối nói chuyện với bất cứ nhà lãnh đạo quốc gia nào bị coi là “phò phá thai” chỉ có nghĩa là từ chối nói chuyện với nhà lãnh đạo đại cường quan trọng nhất của thế giới (Hoa Kỳ), với quốc gia lớn thứ nhì thế giới về dân số và là 1 cường quốc nguyên tử (Ấn Độ), và với một quốc gia chủ chốt của Á Châu và là lân bang quan trọng nhất của một trong các quốc gia cùng đinh nhất còn lại của thế giới ở Bắc Hàn (Nam Hàn) trong một tuần lễ!

Nói cách khác, làm thế là tự cô lập mình. Thực vậy, nó có nghĩa Vatican không còn là một quốc gia có chủ quyền cố gắng hành động như tiếng nói lương tâm trong các vụ việc thế giới.

Allen cho rằng Vatican cần duy trì mối liên hệ với các quốc gia trên vì các mục tiêu quan trọng trên thế giới hiện nay: hòa giải Bắc Hàn, vận động Ấn Độ tôn trọng các nhóm tôn giáo thiểu số nhiều hơn, trong đó có Kitô giáo, vận động Hoa Kỳ lưu ý tới trách nhiệm đối với Iraq và di dân tị nạn.

Allen đi xa hơn cho rằng nếu cấm một chính trị gia Công Giáo có thành tích đáng ngờ về ủng hộ phá thai rước lễ thì không những cấm Biden, mà còn nhiều nhà lãnh đạo có ảnh hưởng của một số quốc gia Châu Mỹ Latinh, một số quốc gia Châu Á, một số quốc gia Châu Âu, và cả một số quốc gia Châu Phi. Đủ để tạo thành một Khối Thịnh Vượng Chung Gồm Những Người Bị Vạ Tuyệt Thông (Commonwealth of Excomm.

Nói tóm lại, theo Allen, tránh đụng độ về phá thai không phải là “chính sách Hoa Kỳ” của Vatican và nó không nhằm người Công Giáo Hoa Kỳ. Nó là thủ bản ngoại giao áp dụng vào Hoa Kỳ dưới thời Dân Chủ, bất luận là Công Giáo hay không. Thủ bản này không khởi sự với Đức Phanxicô và chắc chắn không chấm dứt với ngài.

Dự thảo tài liệu "Nhất quán Thánh Thể" của các Giám mục Hoa kỳ

Lập trường ấy dĩ nhiên hữu hiệu đối với vai trò “đứng đầu nhà nước Vatican” của Đức Phanxicô. Nhưng ngài không phải chỉ là người đứng đầu một nhà nước, mà trước nhất ngài là vị đại diện của Chúa Kitô, người mà tước hiệu quan trọg nhất là củng cố đức tin của anh em mình. Chính sự lờ mờ của hai chức phận này làm nhiều người ngỡ ngàng và ngỡ ngàng hơn cả phải kể là Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, những vị chỉ có một chức phận là củng cố đức tin của anh em mình. Nhưng vì lòng tôn trọng đối với vị đại diện của Chúa Kitô, cũng đành phải sao cho trong ấm ngoài êm. Kết quả là theo The Pillar, trong bản tin ngày 2 tháng 11, 2021, “Bản thảo tài liệu về Thánh Thể của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ tập chú vào sự hiện diện đích thực, chứ không phải vào việc từ chối rước lễ” đối với các chịnh trị gia công khai và trì chí ủng hộ phá thai, tuy đây vẫn là một tài liệu quan trọng và giá trị.

Dự thảo văn kiện kêu gọi người Công Giáo thờ phượng, biến đổi trong sự thánh thiện, và loan báo Tin Mừng một cách tiên tri, với đặc điểm cam kết yêu thương người lân cận, liên đới với người nghèo, và cam kết với công lý và công ích.

Bản thảo viết, “Chúa ở với chúng ta trong Mầu nhiệm Thánh Thể được cử hành trong các giáo xứ và nhiệm sở của chúng ta, trong những nhà thờ chính tòa đẹp đẽ và trong những nhà nguyện nghèo nàn nhất của chúng ta”.

“Người hiện diện và đến gần chúng ta, để chúng ta có thể đến gần Người hơn. Chúa sẽ rộng lượng với chúng ta bằng ân sủng của Người nếu chúng ta, nhờ ân sủng của Người, khiêm tốn xin Người ban cho chúng ta những gì chúng ta cần”.

Văn kiện kết thúc bằng lời kêu gọi trở thành môn đệ: “anh chị em thân mến, chúng ta hãy khát khao Chúa là Đấng đã chịu cơn khát đầu tiên vì chúng ta. Chúng ta hãy thờ lạy Chúa Giêsu, Đấng luôn ở lại với chúng ta, trên tất cả các bàn thờ thế giới, và dẫn dắt những người khác đến chia sẻ niềm vui của chúng ta”.

Những suy tư về sự xứng đáng rước Thánh Thể nằm trong phần nói về việc hoán cải.

“Tất cả chúng ta đều là tội nhân và đôi khi không sống đúng với ơn gọi của mình là môn đệ của Chúa Giêsu, cũng như với những lời hứa lúc chịu phép rửa của chúng ta. Chúng ta cần liên tục chú ý đến lời kêu gọi hoán cải của Chúa Kitô. Chúng ta tín thác vào lòng thương xót của Người, lòng thương xót mà chúng ta thấy trong thân thể của Người đã bị bẻ ra cho chúng ta và máu của Người đã đổ ra cho chúng ta để tha thứ tội lỗi của chúng ta”.

“Trong khi tất cả những thất bại của chúng ta trong việc làm điều đúng đều làm tổn hại đến sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa và với nhau, chúng thuộc các loại khác nhau, phản ảnh mức độ nghiêm trọng khác nhau”, dự thảo tài liệu cho biết như thế, trước khi trích dẫn Đức Giáo Hoàng Phanxicô về bản chất chữa bệnh của Bí tích Thánh Thể, "Xóa sạch các tội nhẹ, đồng thời giúp chúng ta tránh những tội nặng hơn".

Tài liệu viết thêm, “Tuy nhiên, có một số tội lỗi phá vỡ sự hiệp thông mà chúng ta vốn chia sẻ với Thiên Chúa và Giáo hội”.

“Như Giáo Hội vốn dạy một cách nhất quán, một người rước lễ trong tình trạng tội trọng không những không nhận được ân sủng của bí tích, mà còn phạm tội phạm thánh do không tỏ bầy sự tôn kính phải có đối với Mình và Máu Chúa Kitô”.

Vốn có những đồ đoán liên tục trên phương tiện truyền thông về việc liệu bản văn có trực tiếp đề cập đến việc rước lễ của các chính trị gia Công Giáo ủng hộ chính sách phá thai tự do, bao gồm Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hay không - đặc biệt vì động lực để có tài liệu này phần lớn được hiểu là lễ nhậm chức của Biden như tổng thống Công Giáo thứ hai của đất nước.

Nên nhớ, trong cuộc tranh luận hồi tháng 6 về việc có nên soạn thảo tài liệu này hay không, một số giám mục nhấn mạnh rằng bất cứ bản văn nào của hội đồng giám mục đều phải tập trung vào việc dạy giáo lý, hoặc việc giảng dạy, về niềm tin căn bản của Giáo hội liên quan đến Bí tích Thánh Thể.

Các thành viên của ủy ban soạn thảo tài liệu nói rằng mặc dù cuộc bầu cử của Biden đã thúc đẩy một số cuộc thảo luận, nhưng lý do thực sự của tài liệu này là một tập hợp các dữ liệu thăm dò gần đây cho thấy rằng một số lượng đáng kể người Công Giáo thực hành đã hiểu lầm hoặc không tin vào những giáo lý chính của Giáo hội liên quan đến bí tích, bao gồm bản chất của sự hiện diện thực sự trong các hình Thánh Thể.

Ban lãnh đạo của ủy ban nhấn mạnh rằng mặc dù bản văn đề cập đến chủ đề chuyên loại về “sự nhất quán Thánh Thể”, nhưng nó sẽ không đề cập đến các tình huống đặ thù- và nhấn mạnh rằng Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ không có thẩm quyền ngăn cấm bất cứ ai nhận lãnh Thánh Thể.

Nhưng một số giám mục, ở cả hai bên của cuộc tranh luận, gợi ý rằng bản văn cuối cùng nên khuyến cáo các chính trị gia ủng hộ phá thai không được rước Thánh Thể, hoặc thậm chí phác thảo các chính sách ngăn cấm họ, với một số vị bày tỏ mối quan tâm hoặc hy vọng, tùy theo quan điểm của họ, rằng bản văn cuối cùng sẽ nêu đích danh một số người.

Nhân dịp này, tờ The Pillar nhắc lại diễn trình các cuộc thảo luận dẫn đến dự thảo này.

Trước khi bản văn dự thảo được phân phối, một số giám mục Hoa Kỳ đã thúc giục rằng nó nên dựa vào một tài liệu năm 2006 được công bố bởi liên hiệp các hội đồng giám mục Nam và Trung Mỹ; người ta vẫn hiểu việc soạn thảo bản văn này đã được giám sát bởi Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, người đã trở thành Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Tài liệu đó, được biết dưới tên “Tài liệu Aparecida” nói thẳng rằng “các nhà lập pháp, người đứng đầu chính phủ và các chuyên gia y tế” không nên lãnh nhận Thánh Thể nếu họ dính líu đến “những tội ác ghê tởm là phá thai và an tử”.

Tài liệu Aparecida giải thích, “Chúng ta phải tuân thủ 'sự nhất quán Thánh thể', nghĩa là, ý thức rằng họ không thể rước lễ khi đồng thời hành động bằng việc làm hoặc lời nói chống lại các điều răn, đặc biệt là khi phá thai, an tử và các tội trọng khác đối với sự sống và gia đình được khuyến khích. Trách nhiệm này đặc biệt đè nặng lên các nhà lập pháp, người đứng đầu chính phủ và các chuyên gia y tế”.

Bản văn của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ không nói chuyên biệt như tài liệu Aparecida. Thay vào đó, bản dự thảo hiện tại trích dẫn từ một tài liệu năm 2006 của các giám mục Hoa Kỳ về Bí tích Thánh Thể, trong đó nói rằng nếu một người Công Giáo “cố ý và cố chấp bác bỏ giáo huấn dứt khoát của mình về các vấn đề luân lý” trong đời sống cá nhân hoặc nghề nghiệp, thì sẽ “giảm sút nghiêm trọng” việc hiệp thông với Giáo hội.

Một trích dẫn từ tài liệu năm 2006 kết luận: Một người Công Giáo như thế “nên tự chế " không lãnh nhận bí tích.

Tài liệu cho biết thêm rằng những người Công Giáo rước lễ trong tình trạng tội trọng thể hiện “một sự mâu thuẫn”.

“Người… đã phá vỡ sự hiệp thông với Chúa Kitô và Giáo hội của Người nhưng lại rước Mình Thánh Chúa, hành động không nhất quán, vừa đòi được vừa bác bỏ sự hiệp thông cùng một lúc. Đó là một dấu hiệu nói ngược lại - nói lên một sự hiệp thông mà trên trên thực tế đã bị phá vỡ".

Bản dự thảo lưu ý rằng “việc rước lễ trong hoàn cảnh như vậy cũng có khả năng gây ra tai tiếng nghiêm trọng cho người khác”.

Trích lời Thánh Gioan Phaolô II, bản văn giải thích rằng mặc dù cá nhân người Công Giáo thông thường phải phân định xem có nên lãnh nhận Bí tích Thánh Thể hay không, “trong những trường hợp hành vi bề ngoài trái với quy tắc luân lý của Giáo hội một cách nghiêm túc, rõ ràng và kiên định” thì Giáo hội phải áp đặt kỷ luật bí tích vì “quan tâm đến trật tự tốt đẹp của cộng đồng và vì tôn trọng bí tích”.

Phần dự thảo nói việc hoán cải cũng khuyến khích người Công Giáo chạy đến với bí tích thống hối.

Bản văn giải thích, “Chúng ta có cơ hội đẹp đẽ này để được phục hồi ân sủng. Tất cả những gì nó yêu cầu là chúng ta thực sự hối lỗi, quyết tâm không tái phạm, thú nhận tội lỗi của mình và thực hiện việc đền tội được chỉ thị. Chúng tôi khuyến khích tất cả những người Công Giáo đánh giá cao bí tích tuyệt vời này một cách mới mẻ, trong đó chúng ta nhận được sự tha thứ và bình an của Chúa”.

Kể từ khi các giám mục lần đầu tiên thảo luận về việc soạn thảo một bản văn về Bí tích Thánh Thể, quá trình này đã trở nên phức tạp, phần lớn do lo ngại rằng một thư luân lưu về “sự xứng đáng rước Thánh Thể” được công bố trong nhiệm kỳ của Biden ở Nhà Trắng sẽ có vẻ tập trung quá mức vào tổng thống, hoặc có thể “chính trị hóa” Bí tích Thánh Thể.

Vào tháng 5, tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin đã viết thư cho Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, với việc can thiệp hiếm hoi vào các công việc của hội đồng, thúc giục các giám mục Hoa Kỳ tham gia vào “cuộc đối thoại rộng rãi và thanh thản” với nhau trước khi thông qua một bản văn, và khuyên Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ thực hiện “mọi nỗ lực” để tham gia với các hội đồng giám mục khác “để cả hai học hỏi lẫn nhau và duy trì sự hợp nhất trong giáo hội hoàn vũ”.

Trong cùng tháng, một nhóm giám mục đã viết thư cho Đức Tổng Giám Mục Gomez, yêu cầu rằng nên loại bỏ khả thể soạn thảo một tuyên bố khỏi chương trình nghị sự của cuộc họp ảo vào tháng 6 của hội đồng giám mục. Bức thư của họ đã trở nên gây tranh cãi khi một vị giám mục cho biết ngài không ký tên vào bức thư.

Trong cuộc họp tháng 6, các giám mục đã tranh luận về triển vọng soạn thảo một tuyên bố về Bí tích Thánh Thể trong nhiều giờ, trước khi bỏ phiếu 168/55 ủng hộ việc ủy quyền cho ủy ban giáo lý của hội nghị tiến hành việc soạn thảo.

Hội đồng dự kiến sẽ tranh luận về dự thảo bản văn trong phiên họp toàn thể từ ngày 15 đến 18 tháng 11. Lịch trình cho cuộc họp đó - cuộc họp trực tiếp đầu tiên cho hội đồng giám mục kể từ tháng 11 năm 2019 - vẫn chưa được công bố.