Lễ nhớ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được cử hành rất long trọng vào ngày 22 tháng 10 vừa qua tại Ba Lan. Nhân dịp này, Hội Đồng Giám Mục đã nhắc lại một lời kêu gọi được đưa ra vào năm 2019 mong muốn vị Giáo Hoàng Ba Lan được phong Tiến sĩ Hội Thánh. Cho đến nay, Giáo Hội chỉ mới có 36 vị được phong Tiến sĩ Hội Thánh.

Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, đã chính thức đưa ra đề nghị này vào ngày 22 tháng 10, 2019.

Những người ủng hộ đề nghị này bao gồm Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, thư ký riêng lâu năm của Đức Gioan Phaolô II, tại vị từ năm 1978 cho đến khi ngài qua đời vào năm 2005.

“Tiến sĩ Hội Thánh” là danh hiệu do các Giáo Hoàng ban tặng cho các vị thánh đã có đóng góp quan trọng trên toàn cầu cho thần học.

17 trong số 36 vị được tuyên bố là Tiến sĩ Hội Thánh sống trước thời Đại Ly Giáo năm 1054 và cũng được các tín hữu Chính thống giáo tôn kính.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một Tiến sĩ mới của Giáo Hội, đó là một tu sĩ người Armenia sống ở thế kỷ thứ 10, Thánh Grêgôriô thành Narek.

Đầu tháng này, Đức Giáo Hoàng đã thông báo rằng ngài sẽ bổ sung một vị khác: đó là một Giám mục sống ở thế kỷ thứ hai, Thánh Irenaeus của thành Lyon, là vị mà ngài dự định tuyên bố là “Doctor unitatis”, nghĩa là “Tiến sĩ của sự hiệp nhất”.

Đức Gioan-Phaolô II đã tuyên bố một Tiến sĩ Hội thánh: đó là Thánh Têrêsa thành Lisieux.

Trong một tông thư năm 1997 giải thích quyết định này, ngài lưu ý rằng nữ tu Dòng Cát Minh người Pháp sống ở thế kỷ 19 “không chỉ là Tiến sĩ trẻ nhất của Giáo Hội, mà còn là người gần gũi nhất với chúng ta theo thời gian”.

Ngài cũng phác thảo một số đặc điểm liên quan đến các Tiến sĩ Hội Thánh. Những điều này bao gồm “học thuyết lỗi lạc”, được ngài mô tả như một yêu cầu cơ bản. Bên cạnh đó còn có các yêu cầu khác như trở thành “người thầy đích thực về đức tin và đời sống Kitô,” giúp “mở rộng Nước Trời” và “học thuyết có tính phổ quát”.

Đức Gioan Phaolô II, tên khai sinh là Karol Wojtyła, sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920, sống sót sau thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Ba Lan và giúp lãnh đạo cuộc kháng chiến của Giáo Hội chống lại chế độ cộng sản áp bức sau đó.

Là vị giáo hoàng không phải người Ý đầu tiên sau 455 năm, ngài đã thực hiện nhiều chuyến tông du hơn tất cả các vị giáo hoàng trước đó cộng lại và đóng một vai trò quyết định trong sự sụp đổ của Khối Cộng sản.

Trong suốt gần 27 năm triều giáo hoàng của ngài, Đức Gioan Phaolô II đã viết 14 thông điệp, 15 tông huấn và 45 tông thư, cũng như đưa ra hàng trăm bài phát biểu giáo lý tại các buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài.

Các giám mục Ba Lan đã không coi Đức Gioan Phaolô II là Tiến sĩ Hội Thánh chỉ dựa trên các bài viết của ngài. Các ngài cũng nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của Đức Gioan Phaolô II; và vì lẽ này, các ngài cũng đang yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố người tiền nhiệm của ngài là vị Thánh bảo trợ của Âu Châu.

Trong một lá thư gửi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Gądecki viết: “Sự phong phú của triều đại Giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II - được nhiều nhà sử học và thần học gọi là Gioan Phaolô II Vĩ đại - đến từ sự phong phú trong nhân cách của ngài - một nhà thơ, nhà triết học, nhà thần học, và thần bí, nhận ra bản thân trong nhiều chiều kích, từ mục vụ và huấn giáo, đến sự lãnh đạo của ngài đối với Giáo Hội hoàn vũ, cho đến chứng từ cá nhân của ngài về sự thánh thiêng của cuộc sống”.

Vào tháng 2 năm 2020, Đức Tổng Giám Mục cũng đã viết thư cho các chủ tịch của các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới, yêu cầu các ngài ủng hộ yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan.
Source:Catholic News Agency