1. Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ cầu cho các linh hồn tại Nghĩa Trang Quân Đội Pháp

Năm ngoái, do các ảnh hưởng của đại dịch coronavirus, lễ các thánh và lễ các đẳng linh hồn đã trôi qua trong lặng lẽ. Năm nay, tình hình khá hơn nên vào ngày 2 tháng 11 tại nghĩa trang quân đội Pháp ở Rome, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ tưởng niệm tất cả các tín hữu đã qua đời. “Nghĩa trang Quân đội Pháp” nằm bên trong Công viên Monte Mario và hầu hết các binh lính Pháp được chôn cất ở đây đã chết trong vùng từ Siena đến Rôma từ năm 1943 đến 1944.

Nghĩa trang Chiến tranh Pháp gần Via della Camilluccia ít được biết đến ở Rôma, nó là một ốc đảo yên bình chỉ cách vài bước chân từ thành phố đến nghĩa trang, rất gần với một con đường sầm uất. Nó được xây dựng bởi chính phủ Ý để bày tỏ lòng kính trọng đối với những người lính Pháp đã chiến đấu chống lại quân đội Đức Quốc xã - Phát xít trong những năm 1943 và 1944.

Hàng năm, vào ngày 11 tháng 11, một buổi lễ được tổ chức ở đây để tưởng nhớ. Tờ La Croix cho biết “nghĩa trang chứa 1,709 ngôi mộ của Quân đoàn viễn chinh, trong số 7,000 người bị giết trong chiến dịch này, với sự tham gia của 125,000 quân Pháp.

Trong số 1,709 ngôi mộ, có 1,142 ngôi mộ là của binh sĩ Hồi giáo phần lớn mang quốc tịch Maroc. 4,345 binh sĩ khác an nghỉ tại thành phố Venalfro, cách Rôma 150 km về phía đông nam. Nghĩa trang của Pháp ở Rome cũng là nơi lưu giữ một đài tưởng niệm “Lực lượng viễn chinh Pháp” đã ngã xuống. Nghĩa trang này đã được nhượng lại cho Pháp vào năm 1945 theo sắc lệnh của Vua Ý, theo sáng kiến của Alcide De Gasperi, Thủ tướng Ý đầu tiên sau Thế chiến II.

Các cử hành của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng 11 còn bao gồm:

Thánh lễ dành cho các Hồng Y và Giám mục đã qua đời trong một năm qua sẽ được cử hành tại bàn thờ Ngai Tòa bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 11g sáng ngày thứ Năm 4 tháng 11.

Một ngày sau đó, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ lúc 10g30 sáng thứ Sáu 5 tháng 11,tại Đại học Công Giáo Thánh Tâm ở Rôma.

Chúa Nhật 14 tháng 11, lúc 10g ngài sẽ cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật 33 Mùa Quanh Năm tại Đền Thờ Thánh Phêrô nhân ngày thế giới người nghèo
Source:Sismografo

2. Đức Thượng Phụ Sako chúc mừng những sinh viên đầu tiên tốt nghiệp tại Đại học Công Giáo Erbil

“Trường đại học này là một diễn đàn tuyệt vời cho văn hóa, giáo dục và đối thoại và vì lý do này mà nó phải được hỗ trợ,” Đức Hồng Y Louis Raphael Sako, Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Chanđê, đưa ra lập trường trên trong buổi lễ tốt nghiệp long trọng của nhóm thanh niên đầu tiên đã hoàn thành chương trình học tại Đại học Công Giáo Erbil, ở Kurdistan thuộc Iraq.

Trường đại học lần đầu tiên mở cửa vào cuối năm 2015, khi phần lớn lãnh thổ Iraq đang bị Nhà nước Hồi giáo đe dọa. Những kẻ cực đoan đã chọn Mosul làm thành trì của chúng cách biên giới với khu tự trị chỉ vài chục km.

“Thay mặt cho Giáo Hội Chanđê, tôi muốn gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới tổng giáo phận Erbil, Đức Tổng Giám Mục, thành phố Ankawa, các giảng viên đại học và nhóm sinh viên tốt nghiệp đầu tiên”.

Buổi lễ long trọng, được phong phú với âm nhạc tưng bừng, đã được tổ chức hôm thứ Năm 21 tháng 10, trong khu vườn của trường đại học, ở Ankawa. Sự kiện này có sự tham dự của đông đảo các nhân vật tôn giáo và dân sự, trí thức, chính trị gia, Giáo chủ Giáo hội Đông Awa III của Assyriô, Sứ thần Tòa thánh tại Iraq, các giám mục, nữ tu, linh mục và thân nhân của các sinh viên. Con trai của chủ tịch khu tự trị người Kurd Idris Barzani, một số bộ trưởng và các viện sĩ, cũng như người sáng lập trường đại học, là Đức Tổng Giám Mục Bashar Warda cũng đã phát biểu trong buổi lễ.

Qua hai bộ phim được thực hiện trước đó và phát sóng trong buổi lễ, những người có mặt đã có thể nghe thấy lời kể của một số sinh viên đại học, ước mơ và khát vọng của họ trong một thực tế mà không phải lúc nào cũng thuận lợi trong quá trình học tập của họ.

Đức Hồng Y nhận định rằng: “Giáo Hội Công Giáo đã nổi bật ngay từ những thế kỷ đầu tiên thành lập nhờ các tổ chức văn hóa và xã hội: trường học, trường đại học, tổ chức từ thiện cho người nghèo, bệnh viện và phòng khám bác ái”.

Trường đại học Công Giáo cũng như Bệnh viện Maryamana, cũng ở Erbil, là những “dự án quan trọng” nhằm củng cố vai trò và sự hiện diện của chính Giáo hội trong xã hội. Trong những ngày gần đây, một trung tâm dành cho bệnh tự kỷ ở Kirkuk đã được khai trương. Giáo Hội cũng đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trung tâm Thalassima. Một cơ sở dành cho bệnh nhân Alzheimer gần như đã hoàn thành ở Sulaymaniyah. Đức Hồng Y lưu ý rằng các sáng kiến xã hội, văn hóa, giáo dục và y tế này “chuẩn bị cho một tương lai chung sống” trong nước và mang lại cơ hội cho kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, cho phép chuẩn bị cho những thách thức trong tương lai.

Nói về trường học, Đức Thượng Phụ Chanđê hy vọng rằng “giáo dục tôn giáo” được cung cấp cho tất cả học sinh, sinh viên và nó không chỉ là về Kitô Giáo hay Hồi giáo, mà bao gồm các tín ngưỡng khác nhau để người trẻ “có thể biết những điểm chung và tránh chủ nghĩa cực đoan.”

Ngài nhận định rằng ngày nay có hai “khuynh hướng” trong số các tín hữu của các tôn giáo: thứ nhất là một tầm nhìn khăng khăng và cực đoan, không chấp nhận những sửa đổi, nhưng ca tụng quá khứ bất biến. Thứ hai là quan điểm đọc các tôn giáo một cách “chuyên sâu” và tìm kiếm “bản chất” hay thông điệp của các tôn giáo mà không làm mất đi “sức sống và động lực” của các tôn giáo ấy, đặc biệt là trong thời đại “kỹ thuật số” này.

Đức Hồng Y kết luận rằng tôn giáo “có một vai trò quan trọng” trong các vấn đề công cộng và “không thể giới hạn trong các nghi lễ và sự thờ phượng”, cho nên nhiệm vụ của các tôn giáo “là phục vụ con người” trong khi vẫn giữ gìn tự do và phẩm giá của họ, và như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, “tình huynh đệ của con người và đức tin vào Thiên Chúa, là trung tâm của tất cả các tôn giáo, phải đoàn kết chúng ta lại” đồng thời tôn trọng “sự đa dạng và đa nguyên”.
Source:Asia News

3. Con chiên ngoan đạo Biden kiện luật phò sinh của Texas tới Tối Cao Pháp Viện

Hôm thứ Sáu, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã đồng ý xem xét hai thách thức pháp lý đối với đạo luật nhịp tim ủng hộ sự sống của Texas, chỉ vài tuần trước khi xét xử các tranh luận bằng miệng trong một vụ phá thai lớn khác.

Cả chính quyền Biden và các nhà cung cấp dịch vụ phá thai đã thách thức Đạo luật Nhịp tim của Texas, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 9 và hạn chế hầu hết các ca phá thai sau khi phát hiện thấy tim thai. Luật được thực thi thông qua các vụ kiện dân sự tư nhân.

Vào thứ Sáu, ngày 22 tháng 10, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã đồng ý xem xét cả những thách thức đối với luật pháp và đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ việc, với các tranh luận bằng miệng dự kiến vào ngày 1 tháng 11. Tòa án sẽ xem xét liệu chính phủ liên bang có thể kiện nhằm ngăn chặn việc thực thi luật của tiểu bang, tòa án tiểu bang và các công dân tư nhân hay không. Tối Cao Pháp Viện cũng sẽ xem xét liệu các vụ kiện theo luật của tiểu bang Texas có thể được tiến hành hay không.

Trong khi đó, tòa án vẫn giữ nguyên tình trạng của luật này trong khi họ xem xét cả hai trường hợp.

Thẩm Phán Sonia Sotomayor đã chỉ trích việc Tối Cao Pháp Viện từ chối tạm thời ngăn chặn luật của Texas trong khi xem xét những thách thức đối với luật này.

Đạo luật Nhịp tim Texas, còn được gọi là Dự luật số 8 của Thượng viện, cấm phá thai sau khi phát hiện thấy nhịp tim của thai nhi— khoảng sáu tuần tuổi thai — trừ trường hợp cấp cứu y tế.

Những người nghĩ ra Đạo luật Nhịp tim Texas rất thông minh. Thông thường luật pháp là do các cơ quan thực thi pháp luật thực hiện. Đạo luật Nhịp tim Texas giao việc thực hiện cho các công dân. Cụ thể, nếu ai biết một trường hợp vi phạm, họ có thể tố cáo. Người vi phạm phải trả tiền cho người tố cáo. Như thế, các công dân bình thường trở thành thợ săn tiền thưởng.

Luật cho phép trao giải thưởng ít nhất 10,000 đô la cho các vụ kiện thành công, có thể được nộp bởi những người trong hoặc ngoài Texas, chống lại những người thực hiện hoặc hỗ trợ phá thai bất hợp pháp. Những thai phụ phá thai không thể bị kiện theo luật có hiệu lực lần đầu tiên vào ngày 1 tháng 9.

“Cho đến nay, SB 8 đã hoạt động chính xác như dự định: Ngoại trừ một vài ngày có lệnh ban đầu, SB 8 có hiệu lực khủng bố đã khiến việc phá thai không có hiệu lực ở Texas sau khoảng sáu tuần của thai kỳ. Nói tóm lại, Texas đã vô hiệu hóa thành công các quyết định của Tòa án này trong phạm vi biên giới của nó,” quyền Tổng luật sư Brian Fletcher thay mặt Bộ Tư pháp viết trong đơn gởi Tối Cao Pháp Viện.

Một phán quyết ngày 6 tháng 10 từ một thẩm phán quận liên bang đã cấm Texas thực hiện các hành động như bồi thường thiệt hại cho các vụ kiện thành công hoặc thi hành các bản án trong những trường hợp như vậy. Chỉ hai ngày sau, Hội đồng gồm ba thẩm phán của Tòa phúc thẩm vòng 5 Hoa Kỳ sau đó đã tạm thời hủy bỏ quyết định đó vào ngày 8 tháng 10.

Tổng thống Joe Biden, một người Công Giáo, đã gọi đạo luật này là “một cuộc tấn công chưa từng có đối với quyền hiến định của phụ nữ” và hứa sẽ nỗ lực “toàn bộ chính phủ” để duy trì quyền tiếp cận phá thai ở Texas.

Ông chỉ đạo các cơ quan liên bang, bao gồm Bộ Tư pháp, xem xét những hành động nào có thể được thực hiện “để đảm bảo rằng phụ nữ ở Texas được tiếp cận với các phương pháp phá thai an toàn và hợp pháp khi được Roe bảo vệ”.
Source:Catholic News Agency