1. Thị nhân trong biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima dự đoán 'trận chiến cuối cùng' sẽ là hôn nhân, gia đình

Nữ tu Lucia dos Santos, một trong ba trẻ em chứng kiến các cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima, đã qua đời vào năm 2005. Nhưng trước khi chết, chị đã tiên đoán rằng trận chiến cuối cùng giữa Chúa Kitô và Satan sẽ là cuộc chiến về hôn nhân và gia đình.

Đức Hồng Y Carlo Caffarra cho biết như trên, và cho biết Nữ tu Lucia dos Santos đã gửi cho ngài một lá thư với lời tiên đoán này khi ngài còn là Tổng Giám mục Bologna, Italia.

Tuyên bố này của Nữ tu Lucia cũng được trình bày với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và đã được tuần báo Desde la Fe, nghĩa là “Từ đức tin”, của Tổng giáo phận Mexico City công bố vào năm 2016, giữa cuộc tranh luận do tổng thống Enrique Pena Nieto đưa ra. Lúc đó, tổng thống Mễ Tây Cơ công bố ý định thúc đẩy hôn nhân đồng giới tại quốc gia này.

Tuần báo Desde la Fe đã nhắc lại những tuyên bố mà Đức Hồng Y Caffarra đã đưa ra với báo chí Ý vào năm 2008, ba năm sau cái chết của Sơ Lucia.

Vào ngày 16 tháng 2 năm 2008, vị Hồng Y người Ý đã cử hành thánh lễ tại mộ của Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh, sau đó ngài đã trả lời phỏng vấn của tờ Tele Radio về Cha Thánh Piô. Ngài cũng được hỏi về lời tiên tri của Sơ Lucia dos Santos nói về “trận chiến cuối cùng giữa Chúa và vương quốc Satan.”

Đức Hồng Y Caffarra giải thích rằng Đức Thánh Gioan Phaolô II đã ủy quyền cho ngài lập kế hoạch và thành lập Viện Giáo hoàng về Nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình. Khi bắt đầu công việc này, Đức Hồng Y đã viết một lá thư cho nữ tu Lucia của Fatima thông qua vị giám mục của sơ ấy, vì ngài không có địa chỉ liên lạc trực tiếp.

Vị Hồng Y người Ý nói: “Thật lạ lùng, tôi không mong đợi một hồi âm, vì tôi chỉ cầu xin cho sơ ấy những lời cầu nguyện, nhưng tôi đã nhận được một bức thư dài có chữ ký của sơ ấy, hiện đang nằm trong kho lưu trữ của Viện,”

“Trong lá thư đó, chúng tôi thấy có viết: 'Trận chiến cuối cùng giữa Chúa và vương quốc Satan sẽ là về Hôn nhân và Gia đình.' Sơ nói thêm bất cứ ai hoạt động vì sự tôn nghiêm của Hôn nhân và Gia đình sẽ luôn bị chống lại và chống đối bằng mọi cách, vì đây là vấn đề có tính chất quyết định. Sau đó, sơ ấy kết luận: ‘Tuy nhiên, Đức Mẹ đã nghiền nát đầu Satan rồi’”.

Đức Hồng Y Caffarra nói thêm rằng “trở lại với Đức Gioan Phaolô II, bạn có thể cảm thấy rằng gia đình là cốt lõi, vì nó liên quan đến trụ cột hỗ trợ cho sự sáng tạo, chân lý của mối quan hệ giữa người nam và người nữ, giữa các thế hệ. Nếu trụ móng bị hư hại, toàn bộ tòa nhà sẽ sụp đổ và chúng ta đang thấy điều này ngay bây giờ, chúng ta đang sống đúng vào thời điểm này và chúng ta thấy điều đó một cách nhãn tiền”.

“Và tôi rất xúc động khi đọc những dòng tiểu sử hay nhất về Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh khi ngài rất chú ý đến sự thánh thiện của hôn nhân và sự thánh thiện của vợ chồng, thậm chí đôi khi có sự khắt khe chính đáng.”
Source:Catholic News Agency

2. Từ bác sĩ phá thai trở thành nhà lãnh đạo ủng hộ sự sống: Điều gì đã thay đổi trái tim của bác sĩ này?

Sau khi sinh nở được sáu tuần, Kathi Aultman trở lại làm việc tại một phòng khám phá thai ở Gainesville, Florida. Cô thực hiện phá thai vào cuối tuần để kiếm tiền khi đang theo học trường y.

Aultman nói với CNA trong một cuộc phỏng vấn ngày 17 tháng 9: “Lúc đó, tôi cảm thấy thực sự mạnh mẽ rằng phá thai là quyền của phụ nữ”.

“Tôi thậm chí đã phá thai khi tôi đang mang thai – chính vào lúc tôi đang mang thai. Nhưng tôi không thấy có gì mâu thuẫn. Đứa con của tôi thì được chào đón, còn những đứa con của họ thì không. Nếu họ muốn phá thai, đó là quyền của họ”.

Nhưng Aultman không bao giờ quên được sự khác biệt về ca phá thai đầu tiên mà cô thực hiện sau khi sinh và chăm sóc đứa con của mình. Lần đầu tiên trong đời, Aultman kết luận rằng đứa trẻ chưa sinh mà cô đang phá thai thực chất là một đứa trẻ. Không khác với đứa con của mình. “Tôi đã nhầm lẫn khi không coi các đứa bé vô tội này là con người.”

Aultman đã hoàn thành ca phá thai, và cô tiếp tục thực hiện phá thai trong những tuần sau đó. Nhưng cô ấy nói rằng trải nghiệm của cô ấy vào ngày đầu tiên sau thời gian nghỉ sinh đánh dấu sự khởi đầu của hành trình trở thành một người ủng hộ cuộc sống.

Ngày nay, Aultman đã làm chứng về các vấn đề liên quan đến mạng sống trước các cơ quan quốc hội và tiểu bang cũng như tòa án tiểu bang, đồng thời hỗ trợ các luật sư khác nhau của tiểu bang và Bộ Tư pháp xem xét các trường hợp liên quan đến phá thai. Cô ấy là diễn giả tại March for Life năm 2019 ở Washington.

Gần đây nhất, Aultman là một trong 240 phụ nữ ủng hộ sự sống ký tên vào bản tóm tắt ủng hộ Tổ chức Y tế Phụ nữ Dobbs kiện Jackson, một trường hợp ở Mississippi có khả năng làm đảo lộn sự bảo vệ của liên bang đối với việc phá thai ở Hoa Kỳ.
Source:Catholic News Agency

3. Tòa Bạch Ốc xác nhận cuộc gặp gỡ ngày 29 tháng 10 giữa Đức Thánh Cha Phanxicô, Joe Biden

Tòa Bạch Ốc đã xác nhận rằng Tổng thống Joe Biden và phu nhân Jill sẽ triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 29 tháng 10 tại Vatican.

Theo một tuyên bố hôm thứ Năm của thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, Biden sẽ thảo luận một số vấn đề với Đức Giáo Hoàng, bao gồm “chấm dứt đại dịch COVID-19, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và quan tâm đến người nghèo.”

Sự kiện ngày 29 tháng 10 sẽ đánh dấu cuộc gặp đầu tiên giữa Đức Giáo Hoàng và Biden trong cương vị tổng thống. Biden, một người Công Giáo, trước đây đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào năm 2016 với tư cách là phó tổng thống.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp trực tiếp các quan chức hàng đầu khác của Hoa Kỳ trong năm nay. Ngài đã gặp Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, cũng là một người Công Giáo, vào ngày 9 tháng 10 tại Vatican trong chuyến công du quốc tế của Pelosi. Theo văn phòng của Chủ tịch Hạ viện, cuộc thảo luận đó chủ yếu tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu.

Vào tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ Ngoại trưởng Antony Blinken trong một buổi tiếp kiến riêng kéo dài 40 phút tại Vatican. Theo Bộ Ngoại giao, hai vị đã thảo luận về Trung Quốc, cũng như “các cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Li Băng, Syria, vùng Tigray của Ethiopia và Venezuela.” Blinken cũng cảm ơn Đức Giáo Hoàng về “sự lãnh đạo” của ngài về vấn đề môi trường.

Sau khi Biden được bầu vào chức vụ tổng thống, chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, lưu ý một số lĩnh vực đồng thuận và bất đồng giữa Biden và Hội Đồng Giám Mục về các vấn đề chính sách.

“Đây là lần thứ hai, chúng ta đang trông đợi sự chuyển tiếp sang một vị tổng thống có đức tin Công Giáo. Điều này đưa ra những cơ hội nhất định nhưng cũng có những thách thức nhất định”, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói tại cuộc họp mùa thu của các giám mục vào tháng 11 năm 2020.

“Tổng thống đắc cử đã cho chúng ta lý do để tin rằng những cam kết về đức tin của ông ấy sẽ khiến ông ấy ủng hộ một số chính sách tốt. Điều này bao gồm các chính sách cải cách nhập cư, người tị nạn và người nghèo, và chống lại phân biệt chủng tộc, án tử hình và biến đổi khí hậu

Đồng thời, ông ta cũng cho chúng ta lý do để tin rằng ông ta sẽ ủng hộ các chính sách chống lại một số giá trị cơ bản mà chúng ta yêu quý trong tư cách là người Công Giáo. Các chính sách này bao gồm: việc bãi bỏ Tu chính án Hyde và quyết liệt giữ nguyên phán quyết cho phép phá thai Roe chống Wade”.

Biden đã đệ trình một dự chi ngân sách vào đầu năm nay trong đó loại bỏ Tu chính án Hyde, để cho phép liên bang tài trợ cho các hoạt động phá thai qua Medicaid. Chính quyền của ông cũng đã tìm cách nới lỏng các hạn chế về tài trợ cho các nhà cung cấp dịch vụ phá thai trong chương trình Title X và đã cho phép liên bang tài trợ cho các nhóm ủng hộ phá thai quốc tế trong hỗ trợ y tế toàn cầu của Hoa Kỳ.

Chính quyền của ông ta cũng đã đấu tranh tại tòa án để khôi phục lại việc bắt buộc các bác sĩ phải thực hiện các phẫu thuật “chuyển đổi giới tính”, loại bỏ quyền phản đối theo lương tâm.

Ông cũng ký một lệnh hành pháp giải thích luật dân quyền liên bang chống lại sự phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng tình dục và bản sắc giới tính. Các chuyên gia pháp lý đã cảnh báo rằng mệnh lệnh của ông sẽ yêu cầu các không gian dành riêng cho giới tính - chẳng hạn như phòng thay quần áo dành riêng cho nữ giới, phòng tắm và thể thao - phải mở cửa cho những người nam về sinh học tự nhận mình là nữ giới.


Source:Catholic News Agency

4. Các giám mục Công Giáo của Pháp sẽ duy trì ấn tín Bí tích Hòa Giải

Người phát ngôn của Hội đồng Giám mục Pháp nói rõ rằng các nhà lãnh đạo Công Giáo của Pháp không có ý định thỏa hiệp với các yêu cầu của chính quyền thế tục trong việc hạ giảm giáo huấn của Giáo hội theo đó ấn tín tòa giải tội là bất khả xâm phạm.

“Người ta không thể thay đổi giáo luật tại Pháp vì giáo luật mang tính quốc tế. Một linh mục ngày nay vi phạm bí mật tòa giải tội sẽ bị vạ tuyệt thông”, Karine Dalle, giám đốc truyền thông của Hội đồng giám mục Pháp, gọi tắt là CEF, nói với Solène Tadié của National Catholic Register vào ngày 13 tháng 10.

“Đây là điều mà Đức Tổng Giám Mục Moulins-Beaufort muốn nói vào tuần trước sau khi báo cáo Sauvé được công bố, khi ngài nói rằng ấn tín tòa giải tội nằm trên luật pháp của nước Cộng hòa,” Dalle giải thích.

“Đức Tổng Giám Mục đã nói sự thật, nhưng sự thật này không thể lọt lỗ tai nhiều người ở Pháp, đặc biệt đối với những người không theo Công Giáo, giữa các cuộc tranh luận về cái gọi là ‘sự tách biệt tôn giáo’”

Đức Cha Moulins-Beaufort, chủ tịch hội đồng giám mục, được mời tham dự cuộc họp với Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin sau những bình luận của ngài về ấn tín tòa giải tội trong một cuộc phỏng vấn với France Info. Những lời của ngài trong cuộc phỏng vấn này đã gây ra một sự phản đối kịch liệt.

Sau cuộc họp vào ngày 12 tháng 10, các báo cáo truyền thông cho rằng Đức Tổng Giám Mục đã thừa nhận rằng các linh mục nên thông báo cho cảnh sát về những gì nghe thấy trong tòa giải tội.

Các báo cáo đã kích động sự kinh hãi trong người Công Giáo.

Trong khi luật pháp của Pháp từ lâu đã công nhận các quy tắc nghiêm ngặt của Giáo hội về tính bảo mật của bí tích, chính phủ hiện đang dự tính sửa đổi luật dành cho những cha giải tội, như đã làm với các luật sư và các chuyên gia thế tục khác.

Cô Dalle cho biết ở Pháp, “Chính phủ đã đưa ra các điều kiện liên quan đến bí mật nghề nghiệp, bắt buộc một số chuyên gia biết được các hành vi lạm dụng xảy ra đối với trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi, phải báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền”.

“Nếu luật sư hoặc bác sĩ biết về việc lạm dụng trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi, họ có nghĩa vụ không tôn trọng bí mật nghề nghiệp. Điều này là để ngăn chặn tội ác tiếp tục xảy ra, đặc biệt đối với tội ấu dâm”.

“Những gì Bộ trưởng Nội vụ Darmanin nói là trong tương lai, ấn tín tòa giải tội có thể phải phù hợp với khuôn khổ này. Tất nhiên, nó sẽ không liên quan đến tất cả ấn tín Bí tích Hòa Giải, nhưng tôi không biết điều đó sẽ dẫn đến đâu”.

“Nhưng nếu nhà nước nói với chúng tôi rằng các linh mục phải báo cáo tội ác chống lại trẻ vị thành niên được tiết lộ khi xưng tội thì điều đó vi phạm nghĩa vụ phải giữ bí mật tòa giải tội. Điều này có nghĩa là các linh mục có liên quan sẽ bị vạ tuyệt thông”

“Chắc chắn sẽ có một số điều chỉnh được đề xuất, mà Rôma sẽ chấp nhận hoặc không. Nhưng không, không có trường hợp nào Đức Tổng Giám Mục de Moulins-Beaufort nói rằng ấn tín giải tội sẽ bị gạt sang một bên. Ngài chưa bao giờ nói điều đó”.

Vatican đã mạnh mẽ bảo vệ ấn tín tòa giải tội để đáp lại các luật bắt buộc phải báo cáo được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới.

Tháng 6 năm 2019, Tòa Ân Giải Tối Cao đã ban hành một tuyên bố tái khẳng định tính bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích hòa giải.

Dalle nói: “Chúng tôi biết rằng nếu những quy tắc này được thông qua, sẽ không có kẻ bạo hành nào đi xưng tội nếu họ biết rằng họ sẽ bị báo cáo khi thú nhận lạm dụng trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi.”


Source:Catholic News Agency