Peter Kurti là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Độc lập ở Sydney và là phó giáo sư luật tại Đại học Notre Dame, Australia. Trong bài “THE IMPOSSIBLE GOAL OF ‘COVID ZERO’”, nghĩa là “MỤC TIÊU HẾT SẠCH COVID LÀ BẤT KHẢ THI”, đăng trên tờ First Things, ông đã phân tích hoàn cảnh của liên bang Úc Đại Lợi khi các tiểu bang cố gắng áp dụng các chính sách đóng cửa biên giới.



Năm 1901, sáu tiểu bang của Úc hợp nhất thành một Khối thịnh vượng chung duy nhất, đánh dấu sự xuất hiện của một quốc gia mới với một bản sắc riêng biệt. Trong gần 120 năm, sự gắn bó giữa những tiểu bang và vùng lãnh thổ của đất nước ngày nay đã mang lại cho Úc đặc tính quốc gia độc nhất. Nhưng đối mặt với COVID, các mối quan hệ từng gắn bó các tiểu bang với nhau đã bắt đầu rạn nứt.

Úc đã sớm áp đặt các hạn chế về đại dịch, đóng cửa các biên giới quốc tế, hạn chế việc đi lại giữa các tiểu bang và đặt ra các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt đối với những du khách quay trở lại. Vào cuối tháng 8 năm 2021, Thủ tướng Scott Morrison đã thừa nhận rằng việc khóa cửa không thể tiếp tục. Các chuyên gia y tế công cộng của Úc đang tranh cãi về việc liệu có nên tiếp tục ngừng hoạt động trong nước cho đến khi ít nhất 70% người trưởng thành của đất nước được tiêm chủng hay không và liệu các hạn chế đi lại quốc tế có nên tiếp tục cho đến khi 80% được tiêm chủng hay không. Đó là một mức rất cao. Morrison muốn có một kế hoạch phục hồi quốc gia trong đó chấp nhận việc “sống chung với Covid” sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 11 - dựa trên tỷ lệ tiêm chủng đầy mong muốn đó. Nhưng quyền lực của Morrison là có hạn. Hiến pháp của Úc quy định trách nhiệm về chính sách y tế công cộng là dành cho các tiểu bang, có nghĩa là các thống đốc của Úc có rất nhiều quyền tự do trong việc đưa ra quyết định của riêng họ về việc đóng cửa, hạn chế và kiểm soát biên giới bất kể chính phủ Khối thịnh vượng chung muốn gì. Và có thể dự đoán là các thống đốc rất miễn cưỡng từ bỏ quyền lực đó.

Những nỗ lực trước đó của Morrison nhằm xây dựng một “Nội các quốc gia” trong đó các thống đốc sẽ chia sẻ việc ra quyết định đã sớm trở thành một cố gắng vô vọng. Các thống đốc không mấy quan tâm đến các phản ứng quốc gia từ trên xuống và tìm cách bảo vệ thẩm quyền của họ và thực thi việc tuân thủ các chỉ thị y tế ở tiểu bang của họ. Những nỗ lực để ngăn chặn COVID ở các tiểu bang của họ sớm trở thành những nỗ lực để triệt tiêu nó hoàn toàn, nói cách khác, là một quyết tâm loại bỏ sạch vi-rút.

“Kế hoạch quốc gia” về “sống chung với COVID” có thể là chiến lược mà Morrison muốn áp dụng, nhưng hầu hết các thống đốc và cố vấn sức khỏe của họ từ chối chấp nhận sự gia tăng các trường hợp lây nhiễm gắn liền với việc nới lỏng các hạn chế. Họ lo ngại nới lỏng có thể kéo theo số người nhập viện tăng đột biến, các trường hợp chăm sóc đặc biệt, và tử vong. Thay vì “sống chung với COVID”, “Sạch hết COVID” có vẻ là chính sách mà một số người đứng đầu các tiểu bang thích thú hơn. Đặc biệt, những người đứng đầu phe Lao động cánh tả ở Tây Úc và Queensland, cùng với các quan chức y tế công cộng của họ, đã đe dọa đóng cửa các tiểu bang của họ đối với phần còn lại của đất nước để giữ cho công dân của họ “an toàn”. Việc họ từ chối tham gia vào Chương trình Quốc gia của Morrison - cùng với tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn ở các tiểu bang của họ - khiến họ nghi ngờ về kế hoạch giảm bớt các hạn chế vào tháng 11; khả năng đóng cửa các biên giới tiểu bang cũng đặt ra các câu hỏi hiến pháp phức tạp về sự can thiệp vào giao thông và thương mại giữa các tiểu bang.

Trong khi đó, hàng triệu người Úc đang phải trả giá đắt cho các chính sách khóa cửa. Bệnh viện đóng cửa không cho khách viếng thăm, nhà thờ đóng cửa, số lượng người đưa tang được phép tham dự đám tang bị giới hạn nghiêm ngặt, và đám cưới đã bị cấm. Gia đình và bạn bè đang bị từ chối cơ hội để đến với nhau trong những dịp đau buồn hoặc hỗ trợ nhau trong cơn đau ốm.

Ngớ ngẩn thay, trong khi các đội thể thao và các ngôi sao điện ảnh được miễn trừ cho phép họ nhập cảnh vào đất nước và cách ly trong các khu nghỉ dưỡng sang trọng, phần còn lại của chúng ta phải làm việc với Zoom. Ngay cả bản thân Morrison cũng không thể tự do di chuyển khắp đất nước mà ông ta làm thủ tướng.

Trước viễn cảnh về các đợt cô lập kéo dài hiện ra, một số nhà lãnh đạo đã nhận ra rằng COVID Zero là một mục tiêu bất khả thi. Cái giá của việc tiếp tục theo đuổi nó đã quá rõ ràng khi hàng tỷ đô la bị xóa sổ khỏi GDP quốc gia của Úc — chưa nói gì đến nỗi thống khổ về xã hội và tinh thần của hàng triệu người hiện đang phải chịu đựng, mặc dù các quan chức y tế công cộng đã nói rằng không thể có sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và việc tiêu diệt vi rút.

Các thống đốc đã tự thu mình vào một góc. Ngày càng có nhiều người Úc chia sẻ quan điểm rằng việc loại bỏ COVID là không thể, và đặt câu hỏi liệu nỗi đau của việc cố gắng làm như vậy có xứng đáng hay không. Nhưng cảnh sát thường xuyên được trao quyền hạn mở rộng để thực thi các lệnh y tế công cộng — điều này bị nghi ngờ là vì sự thuận tiện của chính họ, hơn là vì lợi ích của công chúng — và những quyền hạn này được hỗ trợ bởi những hình phạt cứng rắn.

Những người biểu tình “Tự do” đã xuống đường ở nhiều bang khác nhau vào cuối tháng Bảy và một lần nữa vào cuối tháng Tám để phản đối các lệnh y tế công cộng. Họ phản đối mức độ nghiêm trọng của các hạn chế và yêu cầu các chính phủ phải hành động kịp thời để giảm bớt căng thẳng do sự cô lập, khó khăn tài chính và cuộc sống cộng đồng bị hủy hoại. Bất chấp những bạo lực nhỏ, các cuộc biểu tình phần lớn diễn ra có trật tự. Nhưng cả các nhà lãnh đạo chính trị và cảnh sát của chúng ta đều không hành xử tốt đối với những người dám nghi ngờ quyền lực của họ. Tại thủ phủ của Victoria, Melbourne, cảnh sát đã bắn đạn hơi cay vào một số người biểu tình “đáng hổ thẹn” vào tháng 8 và đưa ra khoản tiền phạt trị giá một triệu đô la. Tại New South Wales, quân đội đã được điều đến để giúp cảnh sát thực thi các lệnh y tế công cộng.

Nếu nó tiếp tục, sự cuồng tín mà nhiều nhà lãnh đạo chính trị nhà nước của Úc đang theo đuổi COVID Zero có nguy cơ biến đất nước thành một “vương quốc ẩn sĩ” hiện đại. Bất kể ý hướng tốt, các lệnh y tế công cộng hiện hành chà đạp các quyền tự do; trong khi các cuộc lockdown kéo dài và được kiểm soát chặt chẽ làm căng thẳng các mối ràng buộc của gia đình và xã hội dân sự, làm suy yếu các nghĩa vụ chung mà các công dân nợ nhau với tư cách là hàng xóm của nhau.

Sự xói mòn của tình cảm xã hội đe dọa cuộc sống chung của chúng ta với tư cách là một xã hội. Việc sốt sắng tiến hành một cuộc chiến không hồi kết chống lại COVID có thể là thảm họa không chỉ đối với sinh kế của người dân Australia, mà còn đối với cảm giác tự hào từng có của đất nước về một quốc gia thống nhất.
Source:First Things