1. Hồng Y đầu tiên, Giám Mục đầu tiên, và là linh mục đầu tiên sinh tại Mozambique đã qua đời ở tuổi 97

Đức Hồng Y Alexandre José Maria dos Santos, vị Hồng Y đầu tiên sinh ra ở Mozambique, đã qua đời ở tuổi 97.

Nhà lãnh đạo Công Giáo được nhớ đến vì thúc đẩy hòa bình giữa cuộc nội chiến đẫm máu ở Mozambique từ năm 1977 đến năm 1992, trong đó ngài đã hỗ trợ những người tị nạn và nạn nhân của bạo lực với tư cách là chủ tịch sáng lập Caritas Mozambique.

Đức Hồng Y Dos Santos sinh ngày 18 tháng 3 năm 1924 tại Zavala, đông nam Mozambique, vào thời điểm quốc gia Phi Châu này vẫn còn là thuộc địa của Bồ Đào Nha.

Ngài theo học tại một tiểu chủng viện do dòng Phanxicô điều hành ở khu trung tâm của Mozambique trước khi được gửi đến Malawi để học triết học vì không có đại chủng viện địa phương vào thời điểm đó.

Ở tuổi 23, ngài theo học với các tu sĩ dòng Phanxicô ở Bồ Đào Nha và được thụ phong linh mục vào ngày 25 tháng 6 năm 1953, trở thành linh mục bản xứ đầu tiên của Mozambique.

Sau khi trở về quê hương, Cha Dos Santos làm việc mục vụ tại các Hội Truyền giáo Dòng Phanxicô và năm 1972 trở thành bề trên tỉnh dòng Phanxicô Mozambique.

Đức Thánh Cha Thánh Phaolô đã bổ nhiệm Cha Dos Santos làm tổng giám mục Maputo vào năm 1975, vài tháng trước khi quốc gia Đông Nam Phi giành được độc lập chính thức từ Bồ Đào Nha. Lần này, ngài trở thành vị Giám Mục người Mozambique đầu tiên

Với tư cách là tổng giám mục, Đức Cha Dos Santos đã thúc đẩy các chương trình giúp đỡ người nghèo, người tị nạn và nạn nhân của hạn hán. Ngài đã thành lập một tu viện cho các nữ tu Mozambique, và chào đón Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến thăm mục vụ đầu tiên của ngài tới Mozambique vào năm 1988.

Đức Cha Dos Santos đã đóng một vai trò quan trọng trong hiệp định hòa bình do cộng đoàn Sant'Egidio làm trung gian vào năm 1992 chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài của Mozambique.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y cho Đức Tổng Giám Mục Dos Santos vào năm 1988. Ngài là giám mục bản xứ đầu tiên được nhận chiếc mũ đỏ.

Hồng Y Dos Santos tiếp tục giữ chức tổng giám mục của Maputo cho đến khi ngài nghỉ hưu vào năm 2003 ở tuổi 79.

Sau khi ngài qua đời, Hồng Y Đoàn có 216 thành viên, bao gồm 121 Hồng Y cử tri và 95 Hồng Y trên 80 tuổi quá tuổi bỏ phiếu trong cơ mật viện.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ lòng kính trọng đối với vị Hồng Y trong một bức điện chia buồn gửi tới Đức Tổng Giám Mục Francisco Chimoio, tổng giám mục của Maputo từ năm 2003.

Ngài nói: “Sau khi nhận được tin đau buồn về cái chết của Đức Hồng Y Alexandre José Maria dos Santos, tôi muốn bày tỏ tình đoàn kết của tôi với tang quyến và tất cả những người, đặc biệt là anh chị em trong Tổng giáo phận Maputo, những người đã được hưởng lợi từ sự phục vụ của vị mục tử này”.

“Tôi giao phó cho Chúa, Đấng đã hướng dẫn ngài trong suốt cuộc đời, vị tôi tớ không mệt mỏi này của Phúc âm và Giáo hội, xin ngài được chào đón trên Giêrusalem thiên quốc, nơi mà tôi mời tất cả những ai tham gia trong tang lễ cho Hồng Y Alexandre hướng tâm hồn lên”.

Đức Hồng Y Dos Santos qua đời vào tối ngày 29 tháng 9 tại Maputo, thành phố thủ đô nơi ngài làm tổng giám mục trong gần ba thập kỷ.

Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi cũng nói với truyền thông địa phương rằng đất nước đã mất “một trong những người con ưu tú nhất của mình, người nổi bật trên thế giới vì những dấn thân cho lợi ích nhân loại, bất kể địa vị xã hội, chủng tộc hay bất kỳ hình thức phân biệt nào khác”.
Source:Catholic News Agency

2. Cảnh giác 6 thông điệp của Satan thường vang lên trong đầu ta

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #156: Satan's Six Messages”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 156. Sáu thông điệp của Satan”. Ngài cảnh báo chúng ta rằng những vết nhơ tội lỗi trong quá khứ có thể khiến chúng ta mất lòng trông cậy nơi Lòng Chúa Thương Xót. Trong trường hợp đó, có 6 thông điệp của Satan thường vang lên trong đầu ta.

Khi xác định xem ai đó có gặp vấn đề với ma quỷ hay không, tôi thường hỏi họ đang nghe thấy những “thông điệp” nào trong đầu. Trong nhiều năm, tôi đã nghe những người bị quỷ nhập và bị quỷ ám liên tục kể lại sáu thông điệp cơ bản. Satan thì thầm - hoặc thậm chí hét lên! – không ngơi nghỉ những điều này trong đầu mọi người:

Bạn là một người tồi tệ.

Không có hy vọng cho bạn.

Chúa không quan tâm gì đến bạn.

Bạn là của tôi. Tôi sẽ không bao giờ rời đi.

Bạn đang đi đến địa ngục.

Bạn nên tự sát.

Não trạng tiêu cực về mặt tinh thần này hiện diện đôi chút trong tất cả chúng ta, những người bị nhiễm độc bởi tội Nguyên Tổ. Nhưng khi Sa-tan trực tiếp làm điều đó, thì thông điệp sẽ được khuếch đại, nhất quán và không ngừng nghỉ. Cá nhân tôi tin rằng một vài người đã tự kết liễu cuộc sống của mình sau khi sống mòn mỏi với những năm tháng trong trận chiến tinh thần này.

Phải làm gì khi anh chị em nghe thấy những thông điệp này vang lên trong đầu? Tôi khuyên mọi người nên đối đầu với điều này trên cả bình diện tự nhiên và siêu nhiên.

Ở cấp độ tự nhiên, Sa-tan có được chỗ đứng trong tâm hồn con người thông qua những điểm yếu và tội lỗi của con người. Trong trường hợp này, tâm lý của chúng ta càng bị tổn hại, thì các ý tưởng tiêu cực về bản thân trong đầu chúng ta càng mạnh mẽ hơn. Satan sẽ khai thác điểm yếu này.

Vì vậy, chúng ta nên tham gia vào các biện pháp khắc phục bình thường của con người đối với những tiêu cực về tinh thần như vậy. Ví dụ, một loạt các can thiệp nhận thức-hành vi có thể là một trợ giúp. Có rất nhiều trong số này trực tuyến. Tư vấn bởi chuyên gia được cấp phép, những người đề cao đức tin, có thể mang lại một số sự chữa lành tận gốc rễ. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, thuốc điều trị chứng ám ảnh cưỡng chế có thể được chỉ định.

Cuối cùng, liều thuốc giải độc mạnh nhất cho thông điệp của Sa-tan là Tin mừng của Chúa Giêsu. Trận chiến siêu nhiên này cuối cùng chỉ có thể được giải quyết trên bình diện siêu nhiên. Một khi chúng ta biết sâu sắc trong lòng rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, và chúng ta được cứu bởi bửu huyết của Chiên Con, thì tâm trí của chúng ta có thể hoàn toàn được bình an.

Không có phương thuốc chung cuộc nào khác đối với tin xấu của Sa-tan mà có hiệu quả hơn Tin mừng của Chúa Giêsu.


Source:Catholic Exorcism

3. Mục tiêu diệt sạch hoàn toàn coronavirus là không khả thi

Peter Kurti là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Độc lập ở Sydney và là phó giáo sư luật tại Đại học Notre Dame, Australia. Trong bài “THE IMPOSSIBLE GOAL OF ‘COVID ZERO’”, nghĩa là “MỤC TIÊU HẾT SẠCH COVID LÀ BẤT KHẢ THI”, đăng trên tờ First Things, ông đã phân tích hoàn cảnh của liên bang Úc Đại Lợi khi các tiểu bang cố gắng áp dụng các chính sách đóng cửa biên giới.



Năm 1901, sáu tiểu bang của Úc hợp nhất thành một Khối thịnh vượng chung duy nhất, đánh dấu sự xuất hiện của một quốc gia mới với một bản sắc riêng biệt. Trong gần 120 năm, sự gắn bó giữa những tiểu bang và vùng lãnh thổ của đất nước ngày nay đã mang lại cho Úc đặc tính quốc gia độc nhất. Nhưng đối mặt với COVID, các mối quan hệ từng gắn bó các tiểu bang với nhau đã bắt đầu rạn nứt.

Úc đã sớm áp đặt các hạn chế về đại dịch, đóng cửa các biên giới quốc tế, hạn chế việc đi lại giữa các tiểu bang và đặt ra các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt đối với những du khách quay trở lại. Vào cuối tháng 8 năm 2021, Thủ tướng Scott Morrison đã thừa nhận rằng việc khóa cửa không thể tiếp tục. Các chuyên gia y tế công cộng của Úc đang tranh cãi về việc liệu có nên tiếp tục ngừng hoạt động trong nước cho đến khi ít nhất 70% người trưởng thành của đất nước được tiêm chủng hay không và liệu các hạn chế đi lại quốc tế có nên tiếp tục cho đến khi 80% được tiêm chủng hay không. Đó là một mức rất cao. Morrison muốn có một kế hoạch phục hồi quốc gia trong đó chấp nhận việc “sống chung với Covid” sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 11 - dựa trên tỷ lệ tiêm chủng đầy mong muốn đó. Nhưng quyền lực của Morrison là có hạn. Hiến pháp của Úc quy định trách nhiệm về chính sách y tế công cộng là dành cho các tiểu bang, có nghĩa là các thống đốc của Úc có rất nhiều quyền tự do trong việc đưa ra quyết định của riêng họ về việc đóng cửa, hạn chế và kiểm soát biên giới bất kể chính phủ Khối thịnh vượng chung muốn gì. Và có thể dự đoán là các thống đốc rất miễn cưỡng từ bỏ quyền lực đó.

Những nỗ lực trước đó của Morrison nhằm xây dựng một “Nội các quốc gia” trong đó các thống đốc sẽ chia sẻ việc ra quyết định đã sớm trở thành một cố gắng vô vọng. Các thống đốc không mấy quan tâm đến các phản ứng quốc gia từ trên xuống và tìm cách bảo vệ thẩm quyền của họ và thực thi việc tuân thủ các chỉ thị y tế ở tiểu bang của họ. Những nỗ lực để ngăn chặn COVID ở các tiểu bang của họ sớm trở thành những nỗ lực để triệt tiêu nó hoàn toàn, nói cách khác, là một quyết tâm loại bỏ sạch vi-rút.

“Kế hoạch quốc gia” về “sống chung với COVID” có thể là chiến lược mà Morrison muốn áp dụng, nhưng hầu hết các thống đốc và cố vấn sức khỏe của họ từ chối chấp nhận sự gia tăng các trường hợp lây nhiễm gắn liền với việc nới lỏng các hạn chế. Họ lo ngại nới lỏng có thể kéo theo số người nhập viện tăng đột biến, các trường hợp chăm sóc đặc biệt, và tử vong. Thay vì “sống chung với COVID”, “Sạch hết COVID” có vẻ là chính sách mà một số người đứng đầu các tiểu bang thích thú hơn. Đặc biệt, những người đứng đầu phe Lao động cánh tả ở Tây Úc và Queensland, cùng với các quan chức y tế công cộng của họ, đã đe dọa đóng cửa các tiểu bang của họ đối với phần còn lại của đất nước để giữ cho công dân của họ “an toàn”. Việc họ từ chối tham gia vào Chương trình Quốc gia của Morrison - cùng với tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn ở các tiểu bang của họ - khiến họ nghi ngờ về kế hoạch giảm bớt các hạn chế vào tháng 11; khả năng đóng cửa các biên giới tiểu bang cũng đặt ra các câu hỏi hiến pháp phức tạp về sự can thiệp vào giao thông và thương mại giữa các tiểu bang.

Trong khi đó, hàng triệu người Úc đang phải trả giá đắt cho các chính sách khóa cửa. Bệnh viện đóng cửa không cho khách viếng thăm, nhà thờ đóng cửa, số lượng người đưa tang được phép tham dự đám tang bị giới hạn nghiêm ngặt, và đám cưới đã bị cấm. Gia đình và bạn bè đang bị từ chối cơ hội để đến với nhau trong những dịp đau buồn hoặc hỗ trợ nhau trong cơn đau ốm.

Ngớ ngẩn thay, trong khi các đội thể thao và các ngôi sao điện ảnh được miễn trừ cho phép họ nhập cảnh vào đất nước và cách ly trong các khu nghỉ dưỡng sang trọng, phần còn lại của chúng ta phải làm việc với Zoom. Ngay cả bản thân Morrison cũng không thể tự do di chuyển khắp đất nước mà ông ta làm thủ tướng.

Trước viễn cảnh về các đợt cô lập kéo dài hiện ra, một số nhà lãnh đạo đã nhận ra rằng COVID Zero là một mục tiêu bất khả thi. Cái giá của việc tiếp tục theo đuổi nó đã quá rõ ràng khi hàng tỷ đô la bị xóa sổ khỏi GDP quốc gia của Úc — chưa nói gì đến nỗi thống khổ về xã hội và tinh thần của hàng triệu người hiện đang phải chịu đựng, mặc dù các quan chức y tế công cộng đã nói rằng không thể có sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và việc tiêu diệt vi rút.

Các thống đốc đã tự thu mình vào một góc. Ngày càng có nhiều người Úc chia sẻ quan điểm rằng việc loại bỏ COVID là không thể, và đặt câu hỏi liệu nỗi đau của việc cố gắng làm như vậy có xứng đáng hay không. Nhưng cảnh sát thường xuyên được trao quyền hạn mở rộng để thực thi các lệnh y tế công cộng — điều này bị nghi ngờ là vì sự thuận tiện của chính họ, hơn là vì lợi ích của công chúng — và những quyền hạn này được hỗ trợ bởi những hình phạt cứng rắn.

Những người biểu tình “Tự do” đã xuống đường ở nhiều bang khác nhau vào cuối tháng Bảy và một lần nữa vào cuối tháng Tám để phản đối các lệnh y tế công cộng. Họ phản đối mức độ nghiêm trọng của các hạn chế và yêu cầu các chính phủ phải hành động kịp thời để giảm bớt căng thẳng do sự cô lập, khó khăn tài chính và cuộc sống cộng đồng bị hủy hoại. Bất chấp những bạo lực nhỏ, các cuộc biểu tình phần lớn diễn ra có trật tự. Nhưng cả các nhà lãnh đạo chính trị và cảnh sát của chúng ta đều không hành xử tốt đối với những người dám nghi ngờ quyền lực của họ. Tại thủ phủ của Victoria, Melbourne, cảnh sát đã bắn đạn hơi cay vào một số người biểu tình “đáng hổ thẹn” vào tháng 8 và đưa ra khoản tiền phạt trị giá một triệu đô la. Tại New South Wales, quân đội đã được điều đến để giúp cảnh sát thực thi các lệnh y tế công cộng.

Nếu nó tiếp tục, sự cuồng tín mà nhiều nhà lãnh đạo chính trị nhà nước của Úc đang theo đuổi COVID Zero có nguy cơ biến đất nước thành một “vương quốc ẩn sĩ” hiện đại. Bất kể ý hướng tốt, các lệnh y tế công cộng hiện hành chà đạp các quyền tự do; trong khi các cuộc lockdown kéo dài và được kiểm soát chặt chẽ làm căng thẳng các mối ràng buộc của gia đình và xã hội dân sự, làm suy yếu các nghĩa vụ chung mà các công dân nợ nhau với tư cách là hàng xóm của nhau.

Sự xói mòn của tình cảm xã hội đe dọa cuộc sống chung của chúng ta với tư cách là một xã hội. Việc sốt sắng tiến hành một cuộc chiến không hồi kết chống lại COVID có thể là thảm họa không chỉ đối với sinh kế của người dân Australia, mà còn đối với cảm giác tự hào từng có của đất nước về một quốc gia thống nhất.
Source:First Things