Theo Inés San Martín của tạp chí Crux, rất lâu trước khi “tính đồng nghị” trở thành hạn từ thông dụng của triều đại giáo hoàng này, và rất lâu trước khi một hội nghị thượng đỉnh toàn thế giới về chủ đề này được Đức Giáo Hoàng Phanxicô triệu tập, được coi là di sản của ngài, Giáo Hội Công Giáo ở Úc đã sẵn sàng phát động khoảnh khắc đồng nghị chính của họ.

Được gọi là "Công đồng toàn thể", đây là cuộc họp đầu tiên như vậy ở Úc kể từ năm 1937, và nó sẽ diễn ra trong chín tháng, phiên đầu bắt đầu từ 3 tới 10 tháng 10 năm 2021 và phiên cuối trong tháng 7 năm 2022. Phiên đầu tiên được chính thức khai mạc bởi chủ tịch của Công đồng Toàn thể, Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe, người đã cử hành Thánh lễ khai mạc tại Nhà thờ St Mary của Perth vào sáng Chủ nhật 3 tháng 10.



Các phiên họp kéo dài chín tháng trên diễn ra sau ba năm rưỡi chuẩn bị, bao gồm một thời gian tham khảo toàn quốc, với hơn 220,000 người tham gia.

Công đồng có ý định gặp trực tiếp, nhưng các hạn chế do COVID-19 đã khiến điều đó trở nên bất khả. Do đó, 270 đại biểu, bao gồm giám mục, linh mục và giáo dân, tất cả đều có quyền và trách nhiệm ngang nhau, sẽ nhóm họp dưới hình thức zoom để làm việc theo cả phương thức họp toàn thể và trong các nhóm nhỏ hơn.

Thánh lễ và các buổi họp được phát hình trực tuyến và các phát hình này vẫn còn đó cho những ai muốn xem chúng sau này.

Danielle Fairthorne, một bà mẹ và là giáo viên giáo dục tôn giáo sẽ tham gia với tư cách là đại biểu của Melbourne, cho biết: “Có quá nhiều điều mà Giáo hội cung cấp cho đất nước chúng ta, từ phúc lợi xã hội đến giáo dục và hệ thống bệnh viện. Tôi thực sự hy vọng chúng ta có thể xây dựng một tương lai mới cho Giáo hội, một tương lai tập trung vào việc xây dựng lòng tin với dân chúng và một tương lai thực sự quay trở về với sứ điệp yêu thương, gặp gỡ và hành trình của Chúa Giêsu với mọi người”.

Fairthorne nói với Crux rằng “nhu cầu lớn để khôi phục niềm tin là điều rất cần thiết, việc cởi mở và minh bạch của toàn bộ diễn trình là một 'khởi điểm' tốt".

Bà nói, các giám mục đã cởi mở trong việc thừa nhận rằng Giáo hội không thể chỉ đặt một tấm biển nói rằng “mọi việc vẫn như bình thường,” và điều này đã kích thích bà trở thành một phần của cuộc hành trình.

Bà nói: “Chúng ta phải rất trung thực với vị thế của Giáo hội ở Úc. Nó đã làm tổn thương rất nhiều người; nó đã mất rất nhiều niềm tin. Điều tra dân số của cho chúng ta biết rằng có nhiều người được mô tả là không theo tôn giáo nhưng trước đây họ có thể là người Công Giáo đã chịu phép rửa nhưng đã quyết định rời bỏ đức tin và tôn giáo".

Nỗi đau và sự tổn thương chủ yếu bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục giáo sĩ, tuy không chỉ bắt nguồn từ đó. Ủy ban Hoàng gia về các đáp ứng định chế đối với việc lạm dụng tình dục trẻ em được chính phủ Úc thành lập vào năm 2013 và công việc của nó đã kết thúc vào năm 2017, với một báo cáo được công bố vào tháng 12, cho rằng Giáo Hội Công Giáo ở Úc đã mắc phải những thất bại lớn trong trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ trẻ em.

Hy vọng và các nỗi sợ hãi

Khi một biến cố lớn lao như thế này được tổ chức, nhiều điều có thể đi sai. Từ những lỗi kỹ thuật nhỏ nhặt, chẳng hạn như WiFi không hoạt động hoặc máy pha cà phê bị hỏng. Nhưng may rủi ở Úc cao hơn nhiều so với việc chỉ đơn giản làm cho các chuyến tàu chạy đúng giờ.

Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane nói, “Hy vọng đầu tiên của tôi [đối với Công đồng] là Chúa Thánh Thần sẽ bảo đảm để chúng ta đối đầu với các sự kiện như việc hiện chúng ta, như Giáo hội ở Úc, đang ở đâu, dù các sự kiện này có thể khó chịu ra sao”. Hy vọng thứ hai của tôi là sau đó chúng ta sẽ có thể tuân theo Chúa Thánh Thần trong việc suy nghĩ ta sẽ đi về đâu và làm cách nào có thể đến đó”.

Đức Tổng Giám Mục Coleridge nói rằng điều đó không chỉ đơn thuần là nêu ra những lý tưởng cao cả.

“Điều này có nghĩa phải suy nghĩ táo bạo và thực tế về những gì chúng ta cần buông bỏ và những gì chúng ta cần mang theo để lên tầu. Nó có nghĩa phải suy nghĩ theo chiều ngang để đừng chỉ tái chế các đề xuất và chiến lược cũ kỹ mà phải đưa ra những điều chúng ta chưa từng thấy hoặc chưa từng nghĩ tới trước đây”.

Bà Fairthorne đồng ý, và bà cũng có hy vọng cao.

“Tôi khá hy vọng có cơ hội trở thành một phần của biến cố lịch sử và trọng đại này. Tôi có rất nhiều hy vọng vào sự kiện là người ta đã quyết định có một cách tiếp cận minh bạch và điều đó phản ảnh tối đa thực hành đồng nghị được Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra. Thực hành này liên hệ tới càng nhiều người Công Giáo càng tốt, trong tinh thần đối thoại chân chính”.

Bà tin rằng diễn trình này đã có kết quả, "ngay cả khi chúng ta chưa bắt đầu Công đồng!" Tuy nhiên, những gì đã được thực hiện cho đến nay, bao gồm việc cầu nguyện và trao đổi ý kiến tự do, với các tài liệu chuẩn bị và các tài liệu nhằm dẫn dắt các cuộc thảo luận luôn sẵn sàng có đó cho mọi người, đã mang lại cho người phụ nữ trẻ này “rất hy vọng sẽ có rất nhiều sự biến đổi tốt đẹp và tái định hình Giáo hội ở Úc".

Đức Giám Mục Richard Umbers nêu bật sự kiện này: khi Công đồng Toàn thể được loan báo, chưa có điều gọi là COVID-19.

Ngài nói với Crux: “Đã có quá nhiều thay đổi trong hai năm qua và Công đồng toàn thể sẽ cần phải nói cho phù hợp với điều gọi là ‘bình thường mới’ này. Một trong những thay đổi quan trọng nhất là khả năng tham dự Thánh lễ đã bị gián đoạn bởi một loạt các vụ cấm cửa và đóng cửa nhà thờ và nhiều tín hữu của chúng ta đã quen với các buổi phụng vụ được truyền hình. Một trong những hy vọng lớn nhất của tôi là Công Đồng sẽ xem thực tại này như một cơ hội để đào tạo và đưa ra những cách thức thiết thực để nhóm lửa lại vị trí trung tâm của Bí tích Thánh Thể cho các tín hữu”.

Đối với hàng chục phương tiện truyền thông xã hội, "Bishop Down Umber" (Ông Giám Mục Umber Miệt Dưới), như ngài vốn được gọi như thế trên Twitter, được biết đến nhiều nhất nhờ sự hiện diện trực tuyến sống động và hấp dẫn của ngài. Vị giám mục “trẻ tuổi” này - ngài vừa bước sang tuổi 50 vào đầu năm nay - muốn một Giáo hội bắt nguồn từ Bí tích Thánh Thể, và ngài tin rằng sẽ là “tuyệt vời” nếu Công đồng quyết tâm tìm kiếm khả năng tổ chức Đại hội Thánh Thể Quốc tế vào năm 2028 kỷ niệm năm thứ 100 lần cuối cùng, và duy nhất, nó được tổ chức tại Úc.

Khi nói đến "nỗi sợ hãi" hoặc sự e ngại có thể xảy ra, cả ba vị đều không có nhiều điều để nói. Trong trường hợp của bà Fairthorne, mối quan tâm của bà xoay quanh việc sống đúng kỳ vọng trở thành một trong những tiếng nói trẻ và nữ trong diễn trình này. Và kinh nghiệm cho đến nay cho bà thấy bà sẽ có cơ hội thêm được tiếng nói của mình vào cuộc tranh luận sôi nổi.

Bà nói, “Tôi không cảm thấy các giám mục hoặc bất cứ ai từng đặt ra bất cứ giới hạn nào đối với những gì chúng tôi có thể đóng góp hoặc nói. Tôi mong muốn được tham gia vào một cuộc đối thoại phong phú và tôn trọng những người khác. Hy vọng của tôi là chúng ta có thể dành thời gian cần thiết trong tuần tới để ngồi, suy tư và cầu nguyện cho các quyết định của chúng ta, để chúng ta có thể cùng nhau đưa ra một số suy tư cụ thể, tiếp thêm sinh lực làm mới lại Tin Mừng Tình Yêu ở Úc, nhờ thế những người ở ngoại vi có thể cảm nhận điều đó một cách hữu hình”.

Đức Cha Coleridge, một trong những người chủ đạo đằng sau sáng kiến này, nói với Crux, “Tôi không có quá nhiều lo sợ về Công đồng. Tôi đã tham dự sớm vào diễn trình này, nhưng tôi đã tiến tới chỗ tin rằng đây là công việc của Chúa Thánh Thần, tôi đã tiến tới chỗ thấy điều đó và xin nói rằng nó không thể thất bại được. Nó có thể không tạo ra những gì tôi hoặc những người khác muốn, nhưng bất cứ điều gì cuối cùng xuất hiện sẽ là công việc và hồng ân của Chúa Thánh Thần. Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy khá yên tâm vào đêm trước Công đồng".

Đức Cha Coleridge nói thêm, điều đó không có nghĩa là không có các thách thức.

Ngài nói, “Tinh thần của kẻ ác luôn hết sức cố gắng trong suốt diễn trình chuẩn bị, và nó sẽ tiếp tục cố gắng trong suốt phiên họp đầu tiên và quá phiên họp này nữa. Thần dữ sẽ luôn khuấy động nỗi sợ hãi và lo lắng, thiếu tin tưởng vào tiến trình và vào Thần Trí điều khiển nó. Nhưng Thần Trí Thiên Chúa sẽ hoạt động và vượt qua tất cả những điều đó. Sẽ có những khoảnh khắc chia rẽ, một cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát nơi mà chính trị và ý thức hệ dường như đang chiếm ưu thế, như đã từng xảy ra cho đến thời điểm này. Nhưng đối với Công đồng có nhiều thứ hơn là chính trị và ý thức hệ; có điều gì đó vĩ đại hơn những vua Salômôn. Và điều gì đó vĩ đại hơn cuối cùng sẽ chiếm ưu thế: điều đó tôi âm thầm biết chắc".

Đức Cha Coleridge cho rằng, trong những năm kể từ khi có Ủy ban Hoàng gia, Giáo hội Úc đã trở thành “một Giáo hội khiêm tốn hơn, một Giáo hội nghèo hơn, một Giáo hội hòa nhập và chào đón hơn, một Giáo hội vui vẻ hơn, một Giáo hội đoàn kết hơn, một Giáo hội truyền giáo hơn”. Tất cả những điều này có “những hệ luận to lớn đối với cách chúng ta chọn cơ cấu và tự quản trị, cách chúng ta phân bổ nguồn lực, cách chúng ta lựa chọn và đào tạo các nhà lãnh đạo của mình. Đây là lý do tại sao chúng ta phải đưa ra các quyết định táo bạo".

Tuy nhiên, ngài nói, cội nguồn của Công đồng toàn thể có từ rất xa trước Ủy ban Hoàng gia; ngài thừa nhận rằng Ủy ban là một chất xúc tác mạnh mẽ trong diễn trình dẫn đến quyết định của các giám mục tiến tới một Công đồng. Và, ngài nói, việc bầu chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng là một chất xúc tác khác.

Đức Cha Coleridge nói, “Theo một nghĩa nào đó, Công đồng được nâng đỡ bởi sự hội tụ giữa Báo cáo cuối cùng của Ủy ban Hoàng gia và tông huấn Evangelium Gaudium. Cả hai đều kêu gọi Giáo hội đối diện với những thất bại trong quá khứ và trở thành Giáo hội mà chúng ta được kêu gọi trở thành – nghĩa là phải hoán cải”.

Đức Cha Umbers thì cho hay “Giáo hội cần khẩn cấp tìm lại sự tương cảm [empathy]. Việc thiếu tương cảm đã tạo nên những nỗi kinh hoàng trong quá khứ và trừ khi chúng ta tìm lại được sự tương cảm, chúng ta có nguy cơ tạo điều kiện cho những nỗi kinh hoàng khác trong tương lai”.

Một trong những khó khăn chính mà Giáo hội phải đối diện lúc này là cơn cám dỗ muốn coi bộ máy quan liêu là giải pháp cho các thất bại trong giới lãnh đạo từng tạo điều kiện cho cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục và những thất bại khác của Giáo hội.

Tuy nhiên, ngài cho biết “các nguyên tắc quản trị tốt tìm thấy trong thế giới doanh nghiệp tất nhiên có thể hỗ trợ, nhưng trong căn bản, chúng ta vẫn cần quan tâm đến mọi người. Đó là sự khác biệt giữa người chăn chiên tốt lành mà Chúa Giêsu từng nói đến trong Tin Mừng và người chăn thuê chỉ sống nhờ mỡ của con chiên. Chúng ta không thể cho phép mình trở thành một loại 'bộ máy quan liêu chệch hướng', nơi thành công được đánh đồng với quản trị tốt rủi ro; nơi chúng ta nghĩ loại bệnh viện dã chiến tốt nhất là loại bệnh viện không có bệnh nhân!”

Một Công đồng cho mọi người, hoặc một điểm tranh luận

Thực tại của Giáo Hội mà Đức Cha Columba Macbeth-Green của Giáo Phận Wilcannia-Forbes trải nghiệm thì hơi khác một chút so với bà Fairthorne, Đức Cha Coleridge và Đức Cha Umbers. Nói về mặt địa lý, giáo phận của ngài là giáo phận lớn nhất của cả nước, và nó không có đường bờ biển cũng như không có thành phố với hơn 20,000 dân. Chỉ để có một ý niệm, đó là diện tích của nước Pháp, nhưng với dân số của một thị trấn trung bình ở Hoa Kỳ: Có 105,000 người, chỉ 30,000 trong số đó là người Công Giáo. Đó là toàn diện khu vực của vị giáo phẩm chơi đàn ống bao [bag-pipe] này, người đã dành phần lớn thời gian của mình để lái chiếc xe cắm trại của mình dọc theo những con đường vắng vẻ của vùng xa xôi phía Tây của Tiểu bang New South Wales cùng với chú chó lông trắng mịn màng của mình.

Hy vọng của ngài đối với Công đồng sắp tới là Giáo hội ở Úc sẽ nhận được “một liều lượng sốt sắng cần thiết cho việc truyền bá Tin Mừng”.

Tuy nhiên, để điều này khả hữu, trước hết Công đồng cần giải quyết những bất bình đẳng tồn tại giữa các giáo phận đô thị có nguồn lực tốt và các giáo phận nông thôn và vùng sâu vùng xa có nguồn lực ít hơn và đôi khi đang gặp khó khăn.

Ngài tin rằng “nếu vấn đề này không được giải quyết, thì bất cứ quyết định nào khác của Công đồng chỉ có thể được thực hiện bởi các giáo phận có đủ nguồn lực để thực hiện, điều này có thể phân chia Giáo hội tại Úc theo đường ranh phân cách các giáo phận giàu hơn với các giáo phận nghèo hơn”.

Đức Cha Macbeth-Green cũng hy vọng rằng Công đồng có thể giúp Giáo hội nối kết với nhiều người hơn trong việc rao giảng Chúa Kitô. Ngài tin rằng Giáo hội ở Úc đã tự ra xa lạ với những người Công Giáo “bình thường, vốn là muối của những người Công Giáo trần gian”, những người từng là thành viên tích cực của mình.

Ngài nói: “Trong khi các cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục đã gây ra nhiều thiệt hại trong lĩnh vực này, thì cũng có vấn đề mà tôi gọi là ‘Đạo Công Giáo chuyên nghiệp’” tức “những người Công Giáo với nghề nghiệp lương cao, thường được sử dụng trong Giáo Hội, đảm nhận các vai trò lãnh đạo. Những người này mang đến cho Giáo Hội những năng khiếu trí tuệ và chuyên nghiệp bằng nhiều cách, [nhưng] họ có thể cổ vũ một Giáo hội thuộc ‘Tầng lớp trung lưu’, thường tập chú vào học thuật, khóa học, chương trình và những điều tương tự”.

Tất cả những điều đó tốt thôi, nhưng sẽ không tốt nếu các linh mục giản lược việc giảng dạy của họ vào điều được Đức Phanxicô mô tả trong Evangelii Gaudium là “trình bầy các giảng khóa”, sử dụng những từ ngữ đao to búa lớn và những khái niệm thần học khiến đa số mọi người xa lánh.

Đức Cha Macbeth-Green nói: “Tôi hy vọng Công đồng toàn thể có thể giúp khắc phục tình trạng mất nối kết này và đừng đóng góp vào nó”.

Vị giám mục bình dị này cũng lo sợ tính cố hữu mà các chủ trương ý thức hệ vốn có thể có trong Công đồng - cả từ những người trong cuộc lẫn những người ngoài cuộc, những người sẵn sàng đi gặp các phương tiện truyền thông để nói lên quan điểm của họ về những gì cần được tranh luận, bất kể những lĩnh vực này nằm ngoài thẩm quyền của Công đồng hoặc trái với giáo huấn của Giáo hội.

Ngài nói: “Công đồng Toàn thể là nơi diễn ra cuộc đối thoại trung thực, đặc biệt là lắng nghe, luôn tập chú vào Chúa Giêsu Kitô và cởi mở đối với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Mục đích của Công đồng là củng cố đời sống của Giáo hội. Rõ ràng, để trở thành thành viên hữu hiệu của Công đồng, một người phải yêu mến Giáo hội của Chúa Kitô và lưu tâm đến sứ mệnh của Giáo Hội là thánh hóa thế giới”.

“Nếu các thành viên coi Công đồng là một loại 'quốc hội' nơi ý chí của một nhóm người nào đó, nhờ vận động hành lang và vận động chính trị, có thể được áp đặt lên Giáo hội để cải tổ Giáo hội theo chương trình nghị sự của riêng họ như một định chế chính trị không hơn không kém, thì, Đức Cha Macbeth-Green nói, các mục tiêu tối thượng của Giáo hội, như phấn đấu cho sự thánh thiện của các thành viên và sự biến đổi thế giới nhờ Đức tin và hoán cải, sẽ không còn”.

Một yếu tố quan trọng khác cho sự thành công của Công đồng, là cân nhắc để những người tham gia vào diễn trình lắng nghe là những người “có điều gì đó để nói” và cần cung cấp cả thời gian lẫn phương tiện để họ làm điều đó. Ngài lưu ý rằng Úc có dân số Công Giáo là sáu triệu người, nhưng chỉ có 220,000 người đã được tham dự vào diễn trình này bất chấp các nguồn lực được phân bổ để lôi kéo họ vào.

Đức Cha Macbeth-Green nói, “Một trong những lý do tại sao người ta không tham gia các buổi này có thể là sự thờ ơ - không phải một điều đáng lo ngại, hoặc họ hài lòng với Giáo hội ở Úc, hoặc họ không nghĩ rằng sẽ có điều gì thay đổi hoặc họ sẽ được lắng nghe”.

“Các đệ trình nhận được phản ảnh các ý niệm và đề xuất của phần lớn Giáo hội ở Úc, nhưng không phải của tất cả Giáo hội ở Úc. Vì vậy, các thành viên của Công đồng toàn thể cũng cần phải xem xét những tiếng nói thầm lặng này nữa”.