1. Cảnh Giáng sinh ở Vatican 2021 sẽ đến từ Peru

Cảnh Giáng sinh ở Vatican 2021 năm nay sẽ đến từ Peru và chắc chắn sẽ không làm Đức Thánh Cha thất vọng như Cảnh Giáng Sinh hết sức kỳ cục hồi năm ngoái.

Năm ngoái, lễ Giáng Sinh ở Vatican, đối với một số người, đến từ ngoài không gian; vào năm 2021, nó đến từ Andes.

Máng cỏ năm 2021 sẽ được đặt tại quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican để chào mừng Giáng sinh sẽ đến từ thị trấn Chopcca, Peru, một thị trấn nhỏ nép mình trên dãy Andes cao hơn 12,000 feet, tức là 3657m.

“ Kể từ ngày 15 tháng 12 và trong 45 ngày, hơn 100 triệu khách du lịch và những người theo dõi các phương tiện truyền thông sẽ chú ý đến cảnh Giáng sinh ở Tòa Thánh xoay quanh máng cỏ vùng núi Andes”, một thông báo từ hãng thông tấn Andina cho biết. Andina là phương tiện truyền thông chính thức của Peru.

Cảnh Chúa Giáng Sinh năm ngoái, một tập hợp 54 nhân vật có niên đại từ những năm 1960 và 1970, đã gây ra các tranh cãi trên mạng xã hội. Một số người mô tả nó là “một số bộ phận xe hơi, đồ chơi trẻ em và một phi hành gia”. Phản ứng đối với cảnh Giáng Sinh năm ngoái tại quảng trường Thánh Phêrô là rất tiêu cực. Thông thường, sau buổi hát Kinh Chiều Tạ Ơn Tedeum vào chiều cuối năm, Đức Giáo Hoàng sẽ ra viếng hang đá. Năm ngoái, ngài đã không làm như thế. Trước đó, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20 tháng 12, Đức Giáo Hoàng đã hai lần kêu gọi du khách đến xem một cuộc triển lãm 100 cảnh Chúa Giáng Sinh truyền thống ở các hàng cột của quảng trường, mà không nhắc một lời nào đến Cảnh Giáng Sinh được trưng bày tại giữa quảng trường Thánh Phêrô.

Vatican vẫn chưa công bố thông tin chi tiết, nhưng hãng thông tấn địa phương đã công bố một đoạn video với hình ảnh 3 chiều dựng lại cảnh Chúa giáng sinh.

Cảnh giáng sinh của Chopcca sẽ có hơn 30 tác phẩm và sẽ được thực hiện bởi 5 nghệ sĩ nổi tiếng của Huancavelica. Huancavelica là một thị trấn nằm giữa Lima và Cusco.
Source:Catholic News Agency

2. Đức Thánh Cha tỏ ra không hài lòng với cảnh Giáng Sinh tại quảng trường Thánh Phêrô năm 2020

Phân tích những phát biểu của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20 tháng 12, năm ngoái 2020, thông tấn xã Reuters cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô xem ra chán ngán cảnh Chúa Giáng Sinh theo phong cách thời đại không gian ở quảng trường Thánh Phêrô trong đó có một phi hành gia và một nhân vật gợi nhớ đến nhân vật phản diện Darth Vader của Stars Wars.

Trong ngày Chúa Nhật 20 tháng 12, năm ngoái 2020, Đức Giáo Hoàng đã hai lần kêu gọi du khách đến xem một cuộc triển lãm 100 cảnh Chúa Giáng Sinh truyền thống ở các hàng cột của quảng trường, nhưng ngài không hề đề cập một lời nào đến cảnh Giáng Sinh bằng đồ gốm với phong cách thời đại không gian, hoàn toàn đoạn tuyệt với cảnh Chúa Giáng Sinh truyền thống mà Đức Thánh Cha rất trân trọng đến mức ngài đã dành hẳn một tông thư để nhấn mạnh. Đó là Tông thư Admirabile Signum - Dấu Chỉ Tuyệt Vời về ý nghĩa và tầm quan trọng của Cảnh Giáng Sinh,

Ngài nói hôm Chúa Nhật 20 tháng 12, 2020: “Chủ nghĩa tiêu dùng đã bắt cóc lễ Giáng Sinh, và nói thêm rằng không có chủ nghĩa tiêu dùng trong máng cỏ ở Bethlehem”.

“Những gì ở đó,” ngài nói, “là thực tế, nghèo đói và tình yêu”.

Vatican sử dụng một cảnh Chúa Giáng Sinh khác nhau mỗi năm, do một chính quyền thành phố nào đó của Ý tặng. Trên thực tế, chính quyền thành phố đó lựa chọn, và việc lựa chọn đó thường do các nghệ sĩ có ảnh hưởng trong thành phố quyết định.

Cảnh Chúa Giáng Sinh năm 2020 tại quảng trường Thánh Phêrô, đến từ thành phố Castelli, thuộc giáo phận Teramo của tỉnh Abruzzo ở miền trung nước Ý, đã nhận được những lời phê bình gay gắt trên các phương tiện truyền thông và từ những du khách đến thăm quảng trường.

Phản ứng thông thường trước cảnh Chúa Giáng Sinh là một thái độ chiêm ngắm, tôn thờ. Người ta không thấy những thái độ như thế đối với cảnh Chúa Giáng Sinh năm 2020 tại Vatican. Reuters ghi nhận rằng nhẹ nhàng nhất là người ta bày tỏ sự ngỡ ngàng bối rối trước cảnh này. Nặng hơn thì bày tỏ sự khinh miệt.
Source:Reuters

3. Sau Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest, Giáo Hội tại Hung Gia Lợi cầu nguyện cho Chân Phước Zoltán Meszlényi sớm được tuyên thánh

Cháu gái của chân phước Zoltán Meszlényi cho biết một chút thông tin chi tiết về vị giám mục sùng đạo và can đảm này, là người đã qua đời vào những năm 1950.

Chân phước Zoltán Lajos Meszlényi là một giám mục người Hung Gia Lợi, là người đã đảm nhận vai trò nguy hiểm là Giám Quản Tông Tòa Esztergom vào năm 1950, bất chấp chế độ Cộng sản và sự lựa chọn ứng viên của nó. Theo Catholic Saints Guy, vì thế, ngài đã đặt tính mạng của mình vào tình thế nguy hiểm.

Tuy nhiên, ngài đã sẵn lòng nhận công việc, và tuyên bố trong bài phát biểu nhậm chức của mình rằng “ Chúa Kitô, Đấng là mục tử trung tín của Đức tin và Giáo hội chúng ta - vì lòng trung thành, chúng ta sẽ không chối bỏ Ngài bao giờ! Vì thế, Lạy Chúa, xin hãy giúp con”.

Vị giám mục mới được bổ nhiệm không được để yên. Thật vậy, chỉ 12 ngày sau khi nhậm chức, ngài đã bị Cộng sản bắt và đưa đến trại giam Kistarcsa. Ở đó, vị Tân Giám Mục 58 tuổi đã phải chịu những đòn tra tấn, thiếu thốn thức ăn và máy sưởi, và bị buộc phải lao động khắc nghiệt.

Vì không chịu từ bỏ đức tin của mình, nên ngài phải gánh chịu sự tra tấn ác nghiệt. Cộng sản đã bắt ngài phải chịu đựng điều kiện thời tiết băng giá vào mùa đông, buộc ngài phải ngủ với cửa sổ mở toang.

Tuy nhiên, như cháu gái của ngài, là cô Nora Meszlényi, chia sẻ với chúng tôi rằng: “Người cuối cùng nhìn thấy ngài còn sống trong nhà tù nói rằng vị Giám Mục đã đưa cho người ấy chiếc áo khoác mùa đông của mình mà không cần suy nghĩ kỹ khi thấy ông ta rùng mình vì trời lạnh giá vào mùa đông.” Đó là một hành động quên mình điển hình của người tử vì đạo quảng đại.

Vị Giám Mục Hung Gia Lợi đã không chịu nổi sự đối xử khắc nghiệt và qua đời vào khoảng thời gian từ năm 1953 đến năm 1954. Bọn cầm quyền Cộng sản đã giam giữ ngài mà không cần xét xử, và giấu kín số phận của ngài với người dân.

Giống như nhiều vị tử đạo khác, Đức Cha Meszlényi đặt đức tin lên trước cuộc sống của chính mình. Nhưng, nhờ có cháu gái của ngài, chúng ta có thể thu thập thêm một chút về vị Giám Mục hiện đang trên đường được tuyên thánh.
Source:Aleteia

4. Đức Hồng Y Chí Lợi phản đối sự đối xử bất công đối với Giáo Hội Công Giáo

Đức Hồng Y Celestino Aós của Chí Lợi, người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lại Giáo Hội Công Giáo địa phương sau một loạt các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ làm giảm ảnh hưởng xã hội đã từng có trước đây của Giáo Hội, đã kêu gọi đất nước tôn trọng điều mà ngài gọi là “những giá trị không thể thương lượng”.

Hôm thứ Bảy, ngài đã chủ sự buổi hát Kinh Chiều Te Deum đại kết của Chí Lợi tại nhà thờ chính tòa Santiago de Chile.

Trước sự chứng kiến của các chính trị gia hàng đầu của đất nước, bao gồm cả Tổng thống Sebastián Piñera, Đức Hồng Y Aós đã hô hào bảo vệ cuộc sống và hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Thông điệp được đưa ra khi Quốc hội Chí Lợi tranh luận về dự luật hôn nhân đồng giới do chính phủ thúc đẩy.

Đức Hồng Y Aós đã nhân cơ hội này để ủng hộ một Hiến pháp Chí Lợi mới trong đó tôn vinh các giá trị không thể thương lượng. Văn kiện thành lập của đất nước hiện đang được quốc hội lập hiến viết lại, sau một cuộc trưng cầu dân ý thuận lợi.

Đức Hồng Y Aós, được bổ nhiệm làm tổng giám mục Santiago và sau đó được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y, đã cảm ơn những người nam nữ viết bản Hiến pháp mới.

“Chúng tôi cảm ơn tất cả những ai luôn tìm cách tôn trọng và bảo vệ những giá trị không thể thương lượng: Sự tôn trọng và bảo vệ sự sống của con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, gia đình được xây dựng trên cơ sở hôn nhân giữa nam và nữ, quyền tự do lựa chọn của cha mẹ trong việc giáo dục con cái họ, thúc đẩy công ích dưới mọi hình thức và sự trợ cấp của nhà nước trong khi tôn trọng quyền tự chủ của các tổ chức và cộng tác với họ”, vị Hồng Y nói.

Trong bài giảng của mình, Đức Hồng Y Aós cũng nói rằng Chile cầu nguyện “với nỗi đau và sự xấu hổ” cho những người đồng hương và những người nhập cư sống đang phải sống “trong các trại, trong các công viên và đường phố”.

Trong hai năm qua, Chí Lợi đã bị nhấn chìm bởi bạo lực do bất bình đẳng xã hội sâu sắc gây ra trước đại dịch COVID-19, nguyên nhân là do mọi người dân không được tiếp cận bình đẳng với giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Trong các cuộc biểu tình vào cuối năm ngoái, một số nhà thờ Công Giáo đã bị phá hoại ở Santiago, với ít nhất hai nhà thờ trong số đó đã bị thiêu rụi.
Source:Crux