Các nhà hoạt động và nhà phân tích tình hình tự do tôn giáo bày tỏ quan ngại rằng việc Taliban chiếm được Afghanistan đã khiến người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo gốc Thổ khác ở khu vực Tân Cương lo sợ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng tình hình hỗn loạn ở Kabul để nhân đôi các chính sách đàn áp đã khiến quốc tế lên án và cáo buộc diệt chủng.

Sau sự rút lui của lực lượng Hoa Kỳ, các tay súng Taliban đã càn qua Afghanistan, giành quyền kiểm soát chính phủ khi Tổng thống Ashraf Ghani và hàng nghìn dân thường chạy trốn vì sự an toàn, và lo sợ sự quay trở lại các quy tắc Hồi giáo khắc nghiệt mà nhóm này áp đặt khi họ cai trị Afghanistan trong những năm 1990.

Một mặt Trung Quốc cho biết sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới ở Kabul và không dấu được sự hả hê trước thất bại của Hoa Kỳ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc đàm phán với người đồng sáng lập Taliban là Mullah Abdul Ghani Baradar, tại Thiên Tân vào cuối tháng Bảy vừa qua.

Tuy nhiên, Trung Quốc xem ra cũng lo ngại quân Taliban và tác động của nó đối với Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nơi các nhà chức trách trong thập kỷ qua đã áp đặt hết đợt này đến đợt khác các biện pháp đàn áp nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và chủ nghĩa khủng bố trong khu vực.

Một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh lo ngại: Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chống khủng bố bắt đầu từ hôm thứ Tư với Tajikistan, quốc gia có đường biên giới dài với Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và với Afghanistan.

Cần nhấn mạnh rằng Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương có đường biên giới dài 57 dặm, tức là 90 km, với Afghanistan.

Các nhóm vận động cho biết họ đang lo sợ điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra đối với người Duy Ngô Nhĩ, những người kể từ năm 2017 đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch đồng hóa có hệ thống bao gồm kiểm soát sinh sản cưỡng bức và triệt sản, cưỡng bức lao động tại các nhà máy và trang trại, và việc tống giam hàng loạt ít nhất 1.8 triệu người Duy Ngô Nhĩ bằng một mạng lưới các trại lao động.
Source:RFA