1. Thông báo của Hội Đồng Giám Mục Brazil về trường hợp một Giám Mục đang gây nhục nhã cho Giáo Hội

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Giám mục giáo phận São José do Rio Preto năm ngày sau khi một video đồi bại của vị giám mục này được chia sẻ trên internet.

Giám mục Tomé Ferreira da Silva, 60 tuổi, lãnh đạo Giáo phận São José do Rio Preto từ ngày 16 tháng 11 năm 2012, cho đến ngày 18 tháng 8.

Thông cáo của Hội đồng Giám mục Brazil, gọi tắt là CNBB, cho biết như sau.

“Sứ thần Tòa thánh thông báo rằng ngày hôm nay Đức Thánh Cha đã chấp nhận yêu cầu từ chức khỏi các trách nhiệm mục vụ trong Giáo phận São José do Rio Preto của Giám Mục Tomé Ferreira da Silva.”

Tuyên bố được ký bởi Đức Cha Joel Portella Amado, Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Thánh Sebastiô trong bang Rio de Janeiro và là tổng thư ký của CNBB.

Đức Tổng Giám Mục Moacir Silva của Ribeirão Preto được bổ nhiệm làm giám quản tông tòa của Giáo phận São José do Rio Preto.

Theo Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, vào ngày 13 tháng 8, một đoạn video dài một phút về Giám mục Ferreira da Silva trong cuộc gọi điện video với một người đàn ông khác đã bắt đầu được đăng tải trên mạng xã hội. Trong video, giám mục mặc một chiếc áo sơ mi sọc polo, đang thủ dâm.

Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng thủ dâm “là một hành động rối loạn tự bản chất và nghiêm trọng” và “việc cố ý sử dụng khả năng tình dục, vì bất cứ lý do gì, ngoài hôn nhân về cơ bản là trái với mục đích của nó”.

Giám mục Ferreira da Silva được cho là đã nói với mạng Globo của Brazil rằng ông ta là người trong video và ông ta tin rằng việc phát tán video là một hành động trả thù của một người mà ông ta quan hệ. Ông ta nói với truyền thông Brazil rằng ông ta sẽ nói chuyện với luật sư của mình cũng như lực lượng cảnh sát bang của Brazil để xác định cách thức video được phát hành.

Đây không phải là lần đầu tiên Giám mục Ferreira da Silva dính líu vào những vấn đề gây tranh cãi, và ông đã bị Vatican điều tra nhiều lần vì cáo buộc có hành vi sai trái tình dục hoặc che đậy hành vi sai trái tình dục.

Năm 2015, ông ta bị tố có quan hệ tình cảm với tài xế của mình. Ba năm sau, giáo phận bị điều tra trong bối cảnh có các báo cáo rằng giám mục đã thất bại trong việc điều tra các khiếu nại về lạm dụng. Ông ta còn bị cáo buộc gửi tin nhắn khiêu dâm cho một trẻ vị thành niên.

Giám mục Ferreira da Silva đã phủ nhận mọi cáo buộc.

Vị giám mục bị thất sủng đã được thụ phong linh mục tại Giáo phận Campanha vào năm 1987, và vào năm 2005, ông được phong làm giám mục. Ông từng là Giám Mục Phụ Tá của São Paulo cho đến khi được bổ nhiệm đến São José do Rio Preto vào năm 2012.
Source:Catholic News Agency

2. Chiến dịch hợp pháp hóa trợ tử, và an tử được tiến hành ở Ý

Các nhà vận động ở Ý đã vượt qua rào cản đầu tiên trong nỗ lực hợp pháp hóa an tử và trợ tử.

Cả hai hành vi an tử và trợ tử đều là bất hợp pháp ở Ý, nơi luật hình sự quy định “bất kỳ ai gây ra cái chết của một người dù với sự đồng ý của người ấy, sẽ bị phạt tù từ sáu đến mười lăm năm.”

Kể từ tháng Tư, các nhà hoạt động ủng hộ trợ tử, và an tử đã đưa ra một bản kiến nghị với hy vọng sẽ đưa ra bỏ phiếu một cuộc trưng cầu dân ý để loại bỏ một phần của luật cấm các hành vi trợ tử, và an tử.

Hội đồng giám mục Ý đã bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về đơn thỉnh cầu, và tuyên bố rằng “không có biểu hiện của lòng trắc ẩn trong việc giúp đỡ người khác chết”.

Các nhà vận động cho trợ tử, và an tử tại Ý cho biết trong tuần này họ đã đạt được 500,000 chữ ký tối thiểu cần thiết để quốc hội quyết định có nên tiến hành trưng cầu dân ý hay không.

Các nhà hoạt động cho biết, một cuộc trưng cầu dân ý về hỗ trợ tự tử thành công sẽ dọn đường cho một dự luật hợp pháp hóa phá thai.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến vào tuần này, các giám mục của Ý cho biết, “bất kỳ ai đang ở trong tình trạng cực kỳ đau khổ phải được giúp đỡ để kiềm chế nỗi đau, vượt qua nỗi thống khổ và tuyệt vọng, chứ không phải loại bỏ cuộc sống của chính họ”.

Trích dẫn Samaritanus Bonus, lá thư năm 2020 của Bộ Giáo lý Đức tin về việc chăm sóc con người trong những giai đoạn quan trọng và cuối cùng của cuộc đời, các ngài nói: “Huấn quyền của Giáo hội nhắc lại rằng, khi một người sắp kết thúc cuộc sống trần thế, phẩm giá của con người đòi hỏi quyền được chết với sự thanh thản cao nhất có thể và với phẩm giá con người và Kitô xứng hợp.”

Tài liệu tái khẳng định rằng hành vi trợ tử là một “hành động xấu xa về bản chất”.

Trong tuyên bố của mình, các giám mục nói rằng “lựa chọn cái chết là sự thất bại của con người, đó là chiến thắng của một quan niệm nhân học đậm nét chủ nghĩa cá nhân và hư vô, trong đó không có chỗ cho cả hy vọng lẫn các mối quan hệ giữa các cá nhân”.


Source:Catholic News Agency

3. Bắt giữ liên quan đến hỏa hoạn tại giáo xứ Glasgow

Một người đàn ông đã bị bắt và bị buộc tội cố ý phóng hỏa một nhà thờ Công Giáo ở Glasgow vào tháng trước.

Vụ bắt giữ được công bố vào ngày 17 tháng 8. Người đàn ông bị bắt vẫn chưa được công khai danh tính, nhưng được mô tả là 24 tuổi.

Ở Tô Cách Lan, tội danh “ cố ý gây hỏa hoạn “ dùng để chỉ khi một người cố tình đốt cháy nhằm mục đích làm hư hỏng tài sản.

Nhà thờ St. Simon, ở Partick, là một nhà thờ 163 năm tuổi ở Glasgow, được tường thuật là đã bốc cháy vào sáng sớm ngày 28 tháng 7. Ngọn lửa đã được dập tắt sau những nỗ lực rất lớn của lính cứu hỏa nhưng ngôi thánh đường đã hoàn toàn bị phá hủy. Một người đã được cứu sống và không có ai bị thương trong vụ cháy. Nhà thờ St. Simon là ngôi Nhà thờ lâu đời thứ ba ở Glasgow, và ban đầu được gọi là Thánh Phêrô. Ngôi thánh đường đã được trùng tu hoàn toàn vào năm 2008.

Carol Monaghan, một giáo dân tại St. Simon và là thành viên Quốc hội ở Westminster, đã tweet rằng cô ấy “bị tàn phá” bởi sự mất mát của ngôi nhà thờ và cộng đồng giáo xứ của cô ấy đã hy vọng rằng vụ cháy này không phải là một vụ cố ý phóng hỏa.

“Đây là tin tức mà giáo dân chúng tôi không muốn nghe. Chúng tôi đã hy vọng ngọn lửa chỉ là tai nạn tình cờ”, Monaghan cho biết hôm 17 Tháng Tám. “Nghe rằng ai đó đã cố tình nhắm mục tiêu vào nơi thờ phượng của chúng tôi thực sự là đau lòng”.

Theo Tổng giáo phận Glasgow, nhà thờ là “ngôi nhà tinh thần của cộng đồng người Ba Lan ở Glasgow”.

Tổng giáo phận gọi vụ hỏa hoạn là “một cú đánh khủng khiếp đối với người dân trên khắp Glasgow”, và nói rằng vụ bắt giữ “sẽ chỉ làm tăng thêm nỗi đau cho tất cả những người bị ảnh hưởng”.

Cảnh sát thông báo họ không nghĩ có ai khác liên quan đến vụ cháy.

“Chúng tôi biết ngọn lửa này đã tàn phá và gây ra nhiều đau khổ cho cộng đồng địa phương và rộng lớn hơn”, thông báo từ Thanh tra Thám tử Kenny McDonald của Drumchapel CID cho biết. “Cùng với các đối tác của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng của mình”.

McDonald nói rằng bộ phận an ninh “muốn trấn an công chúng rằng chúng tôi không tìm kiếm bất kỳ ai khác liên quan đến vụ việc”, và khu vực xung quanh nhà thờ sẽ tiếp tục được tuần tra.

Nhà thờ St. Simon, ở Partick, đã bị phá hoại vào tháng 4 năm 2019, với các bức tượng bị đập phá, các tranh ảnh tôn giáo và hoa bị ném xuống, và cung thánh bị phá hoại.

Cuộc Cải cách Tô Cách Lan vào thế kỷ 16 đã dẫn đến sự hình thành của Giáo Hội Tô Cách Lan, một cộng đồng giáo hội theo truyền thống Tin lành Calvin, là cộng đồng tôn giáo lớn nhất của đất nước hiện nay.

Các tội ác chống Công Giáo đang gia tăng ở Tô Cách Lan trong những năm gần đây.
Source:Catholic News Agency