ĐIỀU PHI THƯỜNG GIỮA NHỮNG GÌ BÌNH THƯỜNG
“Chúng sẽ biết, giữa chúng có một tiên tri!”.

Trong cuốn “Les Misérables”, “Những Người Khốn Khổ” của Victor Hugo, Jean Valjean ngồi tù 19 năm vì ăn cắp một ổ bánh mì. Được tự do, người tù cay đắng đến nhà một Giám mục tốt bụng, Valjean được một bữa ăn ngon với bộ muỗng nĩa rất quý và một chiếc giường để ngủ qua đêm. Tối đó, Valjean lấy cắp bộ đồ ăn bằng bạc và bị bắt. Cảnh sát giao anh cho vị Giám mục, anh đợi điều tồi tệ nhất; thế nhưng, chỉ để nghe nói, “Tôi đã tặng chúng cho anh ta. Và Jean, bạn quên lấy cái chân đèn!”. Valjean đã sốc, và sau đó, thực sự ăn năn vì lòng tốt phi thường của vị Giám mục.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay cũng nói đến một điều phi thường; đồng thời, mời gọi chúng ta nhận ra ‘điều phi thường giữa những gì bình thường’. Suốt dòng lịch sử nhân loại, điều phi thường lớn lao nhất vẫn là “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta!”.
Bài đọc thứ nhất nói đến việc Thiên Chúa sai Êzêkiel đến với dân, một dân mà Ngài gọi là phản loạn, “Hỡi con người, Ta sai ngươi đến với con cái Israel”. Và Thiên Chúa bất chấp, “Họ nghe, hoặc không nghe”, điều quan trọng với Ngài vẫn là, “Chúng sẽ biết, giữa chúng có một tiên tri!”.

Ngạc nhiên thay, vị tiên tri Êzêkiel tiên báo đó, chính là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Ngôi Lời làm người, hôm nay đang hồi hương, có mặt trong hội đường như Tin Mừng cho biết. Buồn thay, cuộc gặp gỡ của Ngài với những đồng hương thật đáng thất vọng! Thoạt tiên, dân chúng ngạc nhiên về sự khôn ngoan và những việc phi thường Ngài làm; thế nhưng, không lâu sau đó, bất chấp sự ngạc nhiên này về Ngài, họ “vấp phạm vì Ngài”; đúng hơn, ‘xúc phạm’ Ngài. Xúc phạm, bởi họ không hiểu làm thế nào, một người họ biết rõ đến thế, một người thân thích của họ, lại có thể trở thành một người phi thường đến vậy! Họ để cho sự gần gũi và thân quen che phủ khả năng của một niềm tin lẽ ra phải có đối với Ngài, cùng với sự vui mừng trong sự vĩ đại của Con Thiên Chúa.

Con người và cuộc đời của Chúa Giêsu cho thấy một sự thật rằng, những người thân quen có thể bị buộc tội bởi sự kỳ diệu của một Thiên Chúa hiện diện bị từ chối; dẫu đó là sự thật phi thường nhất, “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”; như thánh Gioan nói, “Ngài đã đến nhà của Ngài, nhưng người nhà của Ngài không tiếp nhận Ngài”. Gerard Manley Hopkins, một thi sĩ linh mục Dòng Tên, diễn tả chân lý này một cách tuyệt vời qua những vần thơ, “Thế giới bị buộc tội bởi sự vĩ đại của Thiên Chúa”; nhà thơ kết luận, “Trên một thế giới bị bẻ cong, Đức Thánh Linh vẫn ấp ủ nó với bầu ngực ấm áp và ôi, với đôi cánh sáng ngời!”; đó là một thế giới không nhận ra ‘điều phi thường giữa những gì bình thường’.

Như vậy, Tin Mừng hôm nay muốn nói rằng, Thiên Chúa có thể đến với chúng ta qua những con người thân quen, qua bất cứ ai hay bất cứ biến cố nào. Đôi khi, chúng ta coi những gì quen thuộc là hiển nhiên; vậy mà chúng vẫn tiết lộ những bí ẩn về sự vĩ đại và phi thường của Thiên Chúa. Ngài vẫn có thể tạo nên những điều kỳ diệu ngay trong những gì chúng ta ước nó đừng bao giờ xảy ra. Và thú vị thay! Ngay ở những con người vốn có thể gây ra đau đớn cho chúng ta, những con người mà chúng ta không mong chờ, thì phép lạ của Thiên Chúa vẫn thể hiện.

Đây là điều mà thánh Phaolô khám phá ra qua bài đọc thứ hai hôm nay. Phaolô nói về một “cái gai đâm vào thịt”, được đánh đồng với những lăng mạ, gian khổ, bắt bớ và những gì được gọi là “yếu đuối”. Phaolô ám chỉ những người chống lại ngài. Tuy nhiên, trong cầu nguyện, Phaolô nhận ra ‘điều phi thường giữa những gì bình thường’, điều mà ngài coi là một trải nghiệm hoàn toàn tiêu cực, nay thực sự lại là một cơ hội để qua đó, ân sủng của Thiên Chúa hoạt động mạnh mẽ hơn; Phaolô nghe được rằng, “Ơn Ta đủ cho con, vì sức mạnh của Ta tỏ bày trong sự yếu đuối”. Như thế, Phaolô muốn nói rằng, hãy cậy trông vào Chúa, ngước mắt lên Ngài, như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay nhắc nhở, “Mắt chúng ta hướng nhìn lên Chúa, tới khi Ngài xót thương chút phận!”.

Anh Chị em,

Chúng ta không có một cuộc đấu tranh nội tâm tương tự cuộc đấu tranh của những người cùng quan hệ huyết thống với Chúa Giêsu; thế nhưng, chúng ta vẫn có thể rơi vào cạm bẫy khiến Chúa Giêsu quay đi. Chúng ta không nhìn những con người gần gũi nhất bằng con mắt đức tin; vì thế, bao lần chúng ta đưa ra những phán đoán sai lầm về họ, và bao lần chúng ta để mất ơn Chúa. Chúng ta quên rằng, chính những con người và biến cố đó là hồng ân Chúa đang gửi đến cho chúng ta. Các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, là những phép lạ hiển nhiên mỗi ngày Chúa dành chúng ta. Đó là ‘điều phi thường giữa những gì bình thường’ mà Thiên Chúa đang ban.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giúp con nhìn thấy Chúa qua những con người và các biến cố. Xin giúp con vui mừng trước sự hiện diện của Chúa và lớn lên trong tình yêu thương của tha nhân khi con nhận ra rằng, Chúa đang làm phép lạ cho con qua cuộc sống của họ, và qua cả các biến cố”, Amen.

(Tgp. Huế)