Theo William Doino Jr của tờ The Catholic Herald trong bản tin ngày 7 tháng 6 năm 2021, khi Nữ tu Margherita Marchione qua đời gần đây, ở tuổi 99, tờ New York Times đã có thiện ý cho công bố một cáo phó dài và đầy thiện cảm. Tuy nhiên, trong cáo phó này vẫn có điều sai trong việc chống Công Giáo một cách vụng về. Ngạc nhiên là ngay sau đó, tờ báo đã sửa chữa sai sót này.



Được biết đến nhiều nhất với các tác phẩm bênh vực Đức Giáo Hoàng Piô XII, Nữ tu Margherita cũng là một cô giáo tài năng, một giảng viên, một học giả văn chương và là một thành viên tận tụy của dòng tu của bà, Dòng Giáo viên Tôn giáo Filippini, mà bà đã gia nhập năm 1935. Cuốn tự truyện của bà, The Fighting Nun [Người Nữ Tu Đấu Tranh], là một cuốn sách đọc rất tuyệt vời. Nữ tu người Mỹ này đã viết tám cuốn sách để bênh vực Đức Piô XII, sau khi nghỉ hưu với tư cách là giáo sư ngôn ngữ và văn học Ý tại Đại học Fairleigh Dickinson. Khi bà qua đời, cuộc đời và những thành tựu của bà không chỉ được Vatican và các phương tiện truyền thông Công Giáo, mà cả các cơ quan truyền thông lớn của thế giới, tôn vinh.

Những sai lầm vụng về chống Công Giáo

Sau khi ghi nhận sự nghiệp học thuật vốn được ca ngợi và công trình nghiên cứu phi thường của Nữ tu Marchione về Đức Piô XII, tờ New York Times lưu ý rằng “Yad Vashem, đài tưởng niệm các nạn nhân Diệt Chủng ở Israel, nơi cũng thừa nhận những người đã cứu người Do Thái khỏi nạn diệt chủng, đã chỉ trích Đức Piô XII rất nhiều”.

Người viết tường trình rằng "Trong bảo tàng của nó, bên dưới một bức ảnh của ngài, có ghi các lời sau đây: 'Mặc dù các báo cáo về vụ sát hại người Do Thái đã tới Vatican, nhưng Đức Giáo Hoàng đã không phản đối bằng cách lên tiếng hoặc bằng văn bản. Vào tháng 12 năm 1942, ngài đã không tham gia cùng các thành viên của Đồng minh lên án việc sát hại người Do Thái. Ngay cả khi những người Do Thái đang bị trục xuất từ Rome đến Auschwitz, Đức Giáo Hoàng cũng không can thiệp".

Trên thực tế, các lời lẽ trên đã được Yad Vashem thay thế vào năm 2012, dựa vào một nghiên cứu tốt hơn, và theo một cách nào đó thuận lợi hơn nhiều đối với Đức Piô XII. Tuyên bố sửa đổi nêu bật bài diễn văn Giáng sinh năm 1942 của Đức Piô XII, trong đó, ngài lên án tội giết người hàng loạt dựa trên quốc tịch hoặc chủng tộc của người ta. Tuyên bố cũng ghi nhận việc Đức Giáo Hoàng kêu gọi các quốc gia bị Đức Quốc xã chiếm đóng giúp đỡ các người Do Thái bị đàn áp ra sao; và thừa nhận nghiên cứu cho rằng chiến lược thời chiến của Đức Piô XII “đã cho phép một số lượng đáng kể các hoạt động giải cứu bí mật diễn ra”.

Theo Doino, Bách khoa mở Wikipedia vẫn còn giữ tuyên bố cũ và chính tờ New York Times cũng đã viết về những thay đổi đáng hoan nghênh này trong câu chuyện của mình, “Bảo tàng Diệt chủng của Israel có làm dịu sự chỉ trích của họ đối với Đức Giáo Hoàng Piô XII”, được công bố ngày 1 tháng 7 năm 2012. Thành thử, các phóng viên của tờ báo này tham khảo các văn khố riêng của họ hay của Wikipedia nổi tiếng không đáng tin cậy?

Tờ New York Times tự sửa sai

Doino cho hay, ngay lập tức ông viết một lá thư cho New York Times, khen ngợi họ đã dành sự quan tâm rộng lượng đến các thành tựi của Nữ tu Marchione, nhưng chỉ ra lỗi nghiêm trọng trên và yêu cầu sửa chữa. Một ngày sau, vào ngày 2 tháng 6, tờ New York Times đã đăng bài đính chính.

Các biên tập viên thừa nhận rằng cáo phó của tờ báo, “đã nhắc đến một trưng bày lỗi thời về Đức Piô trong một viện bảo tàng do Yad Vashem, đài tưởng niệm các nạn nhân của Diệt chủng ở Israel, điều hành. Một tấm bảng ở bên dưới bức ảnh của ngài viết rằng ngài 'không công khai phản đối' việc trục xuất người Do Thái khỏi Rome. Nó không còn viết rằng ‘ngài đã không can thiệp’ để cố gắng ngăn chặn việc trục xuất; ngôn ngữ đó đã được sửa đổi vào năm 2012”.

Đúng, ngôn ngữ đã được sửa đổi, nhưng New York Times không giải thích tại sao. Đức Piô XII có can thiệp để giải cứu nhiều người Do Thái trong cuộc lục soát cộng đồng Do Thái ở Rome của Đức Quốc xã. Chắc chắn ngài không quảng cáo sự thật đó, như nhà sử học lỗi lạc Owen Chadwick đã nhận xét, vì sợ rằng điều đó sẽ kích thích Đức Quốc xã xâm nhập các khu trú ẩn của Đức Giáo Hoàng ở Rome và bắt giữ tất cả những người Do Thái lúc đó đang được Đức Giáo Hoàng và vô số tu sĩ bảo vệ.

Nhưng tờ New York Times đã không kết thúc việc đính chính của họ ở đó. Một thời gian ngắn sau khi tuyên bố này xuất hiện trên trang “đính chính” của họ, một cáo phó mới xuất hiện, với một đoạn mới quan trọng, với các siêu liên kết (hyperlinks) quan trọng, bình luận rằng: “Yad Vashem, đài tưởng niệm ở Israel cho các nạn nhân Diệt Chủng, đồng thời nhìn nhận những người đã cứu người Do Thái khỏi nạn diệt chủng, đã chỉ trích Đức Piô XII. Trong viện bảo tàng của họ, bên dưới một bức ảnh của ngài, một tuyên bố ban đầu cho biết ngài 'không can thiệp' vào việc trục xuất người Do Thái khỏi Rome. Ngôn ngữ này đã được làm dịu đi vào năm 2012, dựa trên nghiên cứu mới, để nói rằng ngài 'không công khai phản đối' việc trục xuất họ. Năm ngoái, viện bảo tàng này đã kêu gọi sự thận trọng trong việc đưa ra bất cứ kết luận nào cho đến khi văn khố của Đức Giáo Hoàng có thể được khảo sát kỹ lưỡng”.

Một bài học cho người Công Giáo

Tờ New York Times xứng đáng được khen ngợi vì đã ghi nhận và sửa đổi những sai sót của họ. Doino cho biết ông đã tham gia vào "Cuộc chiến tranh của Đức Piô" trong gần hai thập niên nay. Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách để bênh vực Đức Giáo Hoàng, như cuốn Pius XII’s Duel With Hitler (Cuộc Đấu Tay Đôi của Đức Piô XII với Hitler) và cuốn History Redeemed: Justice for Pope Pius XII (Lịch sử Đã được Cứu chuộc: Công lý cho Đức Piô XII) và một thư mục gần như toàn diện gồm các bài viết về Đức Piô XII.

Ông viết nhiều lá thư phản đối các câu chuyện rất không chính xác về vị Giáo hoàng thời chiến này. Hiếm khi việc này dẫn đến một điều chỉnh hoặc sửa đổi lớn. Nhưng trong trường hợp này, tờ New York Times đã hành động nhanh chóng và có lương tâm.

Ở đây, có một bài học cho người Công Giáo: Vì thành kiến chống Công Giáo người ta thường gặp trong báo chí chính dòng, thật dễ trở nên hoài nghi và thậm chí không cố gắng phản bác các bài báo kém hiểu biết về Giáo hội. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người viết và biên tập viên thực sự quan tâm đến sự thật và khi được cung cấp bằng chứng, họ đã chấp nhận sự thật.

Đó là điều đã mang lại cho Nữ tu niềm hy vọng trong nỗ lực minh oan cho Đức Piô XII. Đó là lý do tại sao Nữ tu, cũng như nhiều người khác, tin chắc rằng chỉ còn là vấn đề thời gian, như các văn khố vừa mở đã cho thấy, trước khi sự thật đầy đủ về Đức Piô XII được xác lập và ngài được phong chân phước và phong thánh vì các nhân đức anh hùng của ngài.