1. Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ tiếp ông Joe Biden vào ngày 15 tháng 6. Nguy cơ bị lợi dụng

Theo nguồn tin từ điện Tông Tòa Vatican, cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và ông Joe Biden có thể sẽ diễn ra vào ngày 15 tháng 6.

Biden có thể sẽ đến Rôma để triều yết Đức Thánh Cha Phanxicô trước khi bay tới Geneva để dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16 tháng 6. Mặc dù cuộc gặp gỡ này chưa được xác nhận, nhưng một nguồn tin khác từ Bộ Quan Hệ Với Các Dân Nước của Vatican nói rằng một cuộc gặp gỡ như thế “có khả năng xảy ra”.

Biden dự kiến có mặt ở Âu Châu để dự hội nghị thượng đỉnh NATO, diễn ra tại Brussels vào ngày 14 tháng 6. Theo tuyên bố của Tòa Bạch Ốc hôm 3 tháng 6, ông Joe Biden dự kiến tham gia hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Liên Minh Âu Châu vào ngày 15 tháng 6, và sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Bỉ.

Nếu được xác nhận, chuyến thăm này sẽ diễn ra trong bối cảnh Biden vẫn chưa bổ nhiệm tân đại sứ tại Tòa thánh. Bên cạnh đó, trong một cử chỉ đầy thách thức, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tòa thánh đã thông báo vào hôm thứ Ba, ngày 1 tháng 6, rằng họ sẽ treo cờ “Tự hào Đồng Tính” trong suốt tháng 6.

Theo truyền thống, tháng 6 được xem là Tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Các nhà vận động đồng tính đã tìm mọi cách để biến tháng này thành tháng “Tự hào Đồng Tính”

Cử chỉ đầy thách thức này được xem là để chống lại một tuyên bố vào ngày 15 tháng Ba của Bộ Giáo Lý Đức Tin theo đó Giáo Hội không thể chúc lành cho các kết hiệp đồng tính.

Đức Hồng Y Luis Ladaria vạch rõ rằng: “sự chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính không biểu lộ ý định giao phó những cá nhân như vậy cho sự bảo vệ và giúp đỡ của Thiên Chúa, theo nghĩa đã đề cập ở trên, nhưng là chấp thuận và khuyến khích một lựa chọn và một lối sống không thể được công nhận là xứng hợp một cách khách quan với các kế hoạch được mạc khải của Thiên Chúa.

Đồng thời, Giáo hội nhắc lại rằng chính Thiên Chúa không bao giờ ngừng chúc phúc cho mỗi người con lữ hành của Ngài trên thế giới này, bởi vì ‘chúng ta quan trọng đối với Thiên Chúa hơn tất cả những tội lỗi mà chúng ta có thể phạm’. Nhưng Ngài không và không thể ban phước cho bất kỳ tội lỗi nào. Vì thế, Giáo hội không có và không thể có quyền chúc phúc cho sự kết hợp của những người cùng giới tính.”

Chương trình của Biden ở Âu Châu

Biden dự kiến sẽ đến Âu Châu vào tháng 6 để tham gia một số hội nghị thượng đỉnh quốc tế tại Vương quốc Anh, Bỉ và Thụy Sĩ.

Ông sẽ gặp Thủ tướng Anh Boris Johnson vào ngày 10 tháng 6 trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 và gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các quốc gia công nghiệp phát triển lớn. Ông và vợ dự kiến gặp Nữ hoàng Elizabeth II vào ngày 13 tháng 6.

Vào ngày 14 tháng 6, Biden dự kiến sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels, và gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Vào trung tuần tháng 6, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ sẽ gặp gỡ nhau theo phương thức trực tuyến trong phiên họp toàn thể mùa xuân của các ngài từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 6. Tại cuộc họp, các giám mục dự kiến sẽ cân nhắc và biểu quyết về tiến trình soạn thảo một văn kiện liên quan đến tính nhất quán của Bí tích Thánh Thể.

Đề cương được đề xuất cho tài liệu bao gồm một phần về “Tính nhất quán của Thánh Thể”, được mô tả là, “Bản chất của việc hiệp thông thánh thể và vấn đề tội trọng”.

Chủ đề về Hiệp thông dành cho các chính trị gia Công Giáo ủng hộ phá thai và an tử đã trở nên nổi bật hơn kể từ khi Biden được bầu vào chức vụ tổng thống; ông là tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ theo đạo Công Giáo, nhưng lại ủng hộ việc phá thai bằng tiền đóng thuế của người dân.

Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago và các giám mục khác gần đây đã tìm cách trì hoãn cuộc thảo luận về tính nhất quán của Bí tích Thánh Thể, nhưng chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, cho biết cuộc thảo luận sẽ diễn ra theo kế hoạch.


Source:Catholic News Agency

2. Lễ Mình Máu Thánh Chúa tại Ba Lan

Người Công Giáo đã tham gia vào các cuộc rước Corpus Christi trên khắp Ba Lan vào hôm thứ Năm 3 tháng 6.

Hàng triệu người đã tham gia vào các cuộc rước kiệu ngày 3 tháng 6 với khẩu trang y tế và tuân theo các quy định hạn chế về coronavirus tại địa phương để kỷ niệm ngày lễ Corpus Christi, vào ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi.

Theo truyền thống của Ba Lan, các bé gái gần đây được Rước Lễ lần đầu đã rải những cánh hoa hồng trước Mình Thánh Chúa, được một linh mục kính cẩn cung nghinh trong một Mặt Nhật dưới một lọng che.

Mừng lễ Corpus Christi ở Poznań, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, là Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki nói rằng “không một cộng đồng Kitô giáo nào có thể vượt qua được sự cô đơn và hình thành được một cộng đồng nếu cộng đồng đó không có nguồn gốc và cơ sở từ việc cử hành Thánh Thể”.

Đức Cha Andrzej Przybylski, Giám Mục Phụ Tá của Częstochowa, đã cử hành thánh lễ ngoài trời tại Jasna Góra, nơi có bức ảnh Đức Mẹ Đen rất được các tín hữu Ba Lan tôn kính.

“Kho báu lớn nhất của Đền thờ Jasna Góra không phải là bức ảnh tuyệt vời và đẹp đẽ này của Đức Mẹ Jasna Góra mà chính là Mình Thánh Chúa và lời cầu nguyện quan trọng nhất và hiệu quả nhất là Thánh Lễ. Bí tích Thánh Thể là mặt trời và là trung tâm đức tin của chúng ta,” Đức Cha Przybylski nói trong bài giảng.

Đức Tổng Giám Mục Wojciech Polak của tổng giáo phận Gniezno nhận xét rằng Corpus Christi “là về nhận thức sống động rằng Bí tích Thánh Thể là bí tích của sự hiện diện của Thiên Chúa và bản chất này không thể và không bao giờ có thể thay thế được bằng thực tại ảo.”

Hội đồng giám mục Ba Lan tuyên bố rằng “trong suốt tám ngày chung quanh lễ Corpus Christi, người Ba Lan sẽ tham gia vào các cuộc rước, là một phần của lòng mộ đạo qua đó người Ba Lan bày tỏ tình yêu đối với Chúa Giêsu Thánh Thể.”

Corpus Christi là một ngày lễ quốc gia ở Ba Lan. Tham gia vào một đám rước không chỉ là một lời tuyên xưng đức tin công khai, mà còn là một biểu hiện của lòng yêu nước.

Dưới sự cai trị của cộng sản sau Thế chiến thứ hai, các cuộc rước kiệu Corpus Christi là một dấu chỉ của sự hiệp nhất và đức tin của dân tộc. Các nhà chức trách vô thần đã cố gắng cấm các đám rước trong nhiều trường hợp.

Thông thường, sau khi tham dự cuộc rước của giáo xứ mình, người Công Giáo viếng thăm bốn nhà thờ lân cận. Tại mỗi nơi, trong khi các tín hữu cầu nguyện, vị linh mục sở tại ban phép lành Mình Thánh Chúa và đọc Tin Mừng.

Ba Lan, với dân số gần 38 triệu người, trong đó 93% là người Công Giáo, đã không bị ảnh hưởng bao nhiêu bởi đại dịch so với các nước Âu Châu khác.

Nhưng đợt coronavirus thứ ba vào năm 2021 đã gây áp lực lên hệ thống y tế của quốc gia và khiến chính phủ phải thắt chặt các hạn chế.

Năm nay, vì đại dịch, các đám rước có một đặc điểm khác. Các cuộc rước trung tâm tại các thủ phủ của các giáo phận với sự tham dự của các giám mục bị hạn chế và các tuyến đường được rút ngắn. Người Công Giáo được khuyến khích tham gia vào các đám rước của các giáo xứ địa phương ở gần nhà của họ.

Corpus Christi ở Ba Lan có một số truyền thống dân gian ngoài việc rải những cánh hoa, còn bao gồm biểu diễn các ca khúc và mặc các trang phục dân gian.

Một phong tục khác là đặt các thảm hoa. Ở Spycimierz, một giáo xứ nhỏ ở miền trung Ba Lan, truyền thống này đã được gìn giữ trong hơn 200 năm, và những tấm thảm hoa trải dài hơn một cây số.
Source:Catholic News Agency