Ông Joe Biden luôn tự hào mình là người Công Giáo rất sùng đạo nhưng lại công khai ủng hộ phá thai hơn cả những vị tổng thống không Công Giáo. Trước gương mù tỏ tường này, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ dự định trong kỳ họp khoáng đại vào tháng 6 tới, sẽ thảo luận viễn ảnh đưa ra một tuyên bố về việc rước lễ của các chính trị gia phò phá thai cũng như “phò” nhiều vấn đề khác mâu thuẫn gay gắt với giáo huấn của Hội Thánh.

Trước khi có cuộc thảo luận này, Đức Tổng Giám Mục José Horacio Gómez, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã viết một lá thư xin ý kiến của Bộ Giáo Lý Đức Tin. Thư phúc đáp của Đức Hồng Y Luis Ladaria đã gây xôn xao cho dư luận tại Hoa Kỳ, đặc biệt là sau khi nhân vật khét tiếng phò phá thai, Nancy Pelosi tuyên bố rất hài lòng với lá thư của Đức Hồng Y Luis Ladaria.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, có một bài nhận định đăng trên tờ First Things ngày 19 tháng 5, 2021.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

A Most Unfortunate Roman Intervention

By George Weigel

Một sự can thiệp vô cùng không may từ Rôma


Vào ngày 7 tháng 5, Đức Hồng Y Luis Ladaria, SJ, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã gửi một bức thư cho Đức Tổng Giám Mục José Gomez, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ. Nhìn chung, bức thư đó nhằm mục đích ngăn cản vô thời hạn một tuyên bố chung của các giám mục Hoa Kỳ về sự mạch lạc của bí tích Thánh Thể trong Giáo hội, đặc biệt liên hệ đến việc rước lễ của các quan chức Công Giáo đồng lõa với tội ác luân lý nghiêm trọng là phá thai: một vấn đề gần đây được đề cập đến rất hùng hồn bởi Đức Cha Thomas Paprocki của Springfield, Illinois; Đức Cha Thomas Olmsted của Phoenix; Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver; và Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco.

Thư Đức Hồng Y Ladaria bao gồm những tuyên bố không tự minh nhiên, một phần vì chúng xem ra không nhất quán với những gì Bộ Giáo Lý Đức Tin do ngài đứng đầu đã từng dạy vào năm 2002 trong “Lưu ý Tín lý,” có tựa đề “Sự tham gia của người Công Giáo trong Đời sống Chính trị”.

Ví dụ, lá thư của vị Hồng Y gửi cho Đức Tổng Giám Mục Gomez thúc giục các giám mục Hoa Kỳ tiến hành một cuộc “đối thoại” để “họ có thể đồng ý với tư cách là một Hội Đồng Giám Mục rằng việc ủng hộ những luật lệ phò lựa chọn là không tương thích với giáo huấn Công Giáo”. Tại sao lại cần có một cuộc đối thoại như thế? Tại lễ tấn phong của mình, các giám mục tuyên thệ long trọng đề cao giáo huấn của Giáo hội. Và như Lưu ý Tín lý năm 2002, khi trích dẫn thông điệp Evangelium Vitae (Tin Mừng Sự Sống) năm 1995 của Đức Gioan Phaolô II, đã nói “những người trực tiếp tham gia vào việc xây dựng luật pháp có ‘nghĩa vụ nghiêm trọng và rõ ràng là phải chống lại’ bất kỳ luật lệ nào tấn công sự sống con người. Đối với các chính trị gia, cũng như đối với mọi người Công Giáo, không thể cổ vũ những luật đó hoặc bỏ phiếu cho chúng”.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y viết rằng các giám mục nên “thảo luận và đồng ý” với giáo huấn đó. Có gì để “thảo luận” ở đây? Và nếu, chẳng may, một số giám mục thực sự không đồng ý với giáo huấn đó, thì tại sao sự từ khước của họ — hoặc thậm chí những hiểu lầm của họ về những tác động của nó — lại có thể ngăn cản phần lớn các giám mục chấp nhận giáo huấn đó không được tái khẳng định và sau đó áp dụng giáo huấn đó? Công Đồng Nicê thứ nhất đã không chờ cho những giám mục ủng hộ Ariô “đồng ý” rồi mới dạy sự thật về thần tính của Chúa Kitô. Công Đồng Êphêsô cũng đã không chờ đợi sự đồng ý của Nestoriô và các giám mục theo bè rối Nestoriô đồng ý trước khi giảng dạy sự thật rằng Đức Mẹ có thể được gọi một cách chính đáng là Theotokos, Mẹ Thiên Chúa. Sự thật không thể bị đánh đổi để giành được sự nhất trí, phải không nào?

Một khi “thỏa thuận” giữa các giám mục về chân lý cơ bản của đức tin Công Giáo đã đạt được, Đức Hồng Y lại kêu gọi các giám mục địa phương phải “tham gia đối thoại với các chính trị gia Công Giáo trong địa phận của mình” như một “phương cách để hiểu bản chất các quan điểm và mức độ lĩnh hội giáo huấn Công Giáo của họ. Có lẽ Đức Hồng Y không biết rằng điều này đã được thực hiện. Có lẽ Đức Hồng Y không biết rằng vấn đề, tiêu biểu là, không phải các chính trị gia “ủng hộ phò lựa chọn” hiểu sai những gì Giáo hội dạy mà là họ [hiểu rất rõ nhưng] bác bỏ những giáo huấn đó - và vẫn khăng khăng thể hiện mình như những người Công Giáo nghiêm túc trong sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội. (Tuyên bố như vậy bây giờ là một chi tiết thường xuyên trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc.) Có rất ít những gì là không rõ ràng ở đây, và tiếp tục “đối thoại” sẽ chẳng làm sáng tỏ bao nhiêu bất cứ điều gì.

Đức Hồng Y cũng lo ngại rằng bất kỳ “chính sách quốc gia nào về sự xứng đáng cho sự hiệp thông Thánh Thể” phải thể hiện “sự đồng thuận thực sự của các giám mục về vấn đề này”. Nhưng, một lần nữa, điều đó có nghĩa là một số các giám mục ít có cảm thức cấp bách về việc phải bảo vệ sự thật, áp dụng nó, và nhờ đó khôi phục tính mạch lạc Thánh Thể của Giáo hội, lại đâm ra là những người quyết định giai điệu cho tất cả các giám mục còn lại. Đây không phải là kiểu “đồng thuận” mà Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã tìm kiếm khi ngài nỗ lực hoạt động để Công đồng Vatican II thông qua Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo với tỷ số lớn nhất có thể. Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục biết rằng Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre và những người cực đoan khác sẽ không bao giờ chấp nhận một tuyên bố như vậy, nhưng ngài không sẵn sàng trao cho họ quyền phủ quyết tuyên bố ấy dưới danh nghĩa “đồng thuận”. Tại sao ngày nay quyền phủ quyết như vậy lại được trao cho một số ít những người cực đoan trong Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ?

Lời kêu gọi của Đức Hồng Y Tổng trưởng rằng “mọi nỗ lực... phải được thực hiện” để “đối thoại” với “các Hội Đồng Giám Mục khác khi chính sách này được hình thành” cũng là một điều khó hiểu. Liệu Đức Hồng Y Ladaria có thực sự tin rằng một cuộc “đối thoại” với một Hội Đồng Giám Mục Đức không quan tâm gì đến việc bội giáo và đang quay cuồng bên bờ ly giáo sẽ tạo ra những kết quả tốt đẹp ở Hoa Kỳ? Nếu vậy, sẽ rất lý thú khi biết điều đó sẽ xảy ra như thế nào.

Chiến lược mà Đức Hồng Y Ladaria thúc giục trong lá thư của ngài sao chép các yếu tố chính trong cách tiếp cận của McCarrick đối với các chính trị gia Mỹ ủng hộ việc phá thai. Tôi tin rằng Đức Hồng Y Ladaria đã không biết về điều đó, nhưng dù thế nào đi nữa, cách tiếp cận chậm chạp, tẻ nhạt đối với một cuộc khủng hoảng mà ngài thúc giục các giám mục Hoa Kỳ đang bị đánh giá rất thấp.
Source:First Things