Giáo hội ở Đức được mời gọi là đi theo chân lý mạc khải chứ không phải là chạy theo tinh thần thế gian, Tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử của Thánh Gioan Phaolô II và một học giả Công Giáo hàng đầu, đã đưa ra lập trường trên khi được hỏi ý kiến về cái gọi là “Tiến Trình Công Nghị” do Hội Đồng Giám Mục Đức và phong trào giáo dân ZDk tổ chức.

Nguyên bản tiếng Anh cuộc phỏng vấn Tiến sĩ George Weigel có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

CNA: Đức Cha Bätzing dường như muốn đang đi trên một lằn ranh cheo leo giữa việc tiếp tục trung thành với Rôma, trong khi không làm phật lòng những người đã công bố “cải cách”. Có một con đường trung dung như vậy không? Nếu vậy, phần đất trung dung đó trên thực tế trông như thế nào?

Tiến sĩ Weigel: Vấn đề không phải là “Rôma” đối kháng với “cải cách”. Vấn đề là sự trung thành với chân lý của Phúc âm so với sự trung thành với Zeitgeist, tức là “tinh thần của thời đại”. Nói cách khác, vấn đề nghiêm trọng trong ‘Tiến Trình Công Nghị’ ở Đức là liệu mặc khải của Thiên Chúa – về sự bất khả phân ly của hôn nhân, về tính cách xứng đáng để rước lễ, về trật tự đúng đắn của tình yêu con người chúng ta - là có thật hay không và có hiệu quả ràng buộc hay không bất kể thời gian, và bất kể mọi hoàn cảnh văn hóa. Đó cũng là vấn đề được đặt ra tại các Thượng Hội Đồng năm 2014, 2015 và 2018.

CNA: Đức Giám Mục Bätzing nói: “Tiến Trình Công Nghị đang nỗ lực, đặc biệt đối với chủ đề về các mối quan hệ tình cảm, ngõ hầu có thể thảo luận trong một bối cảnh rộng lớn trong đó cũng xem xét nhu cầu, khả năng và giới hạn của việc phát triển huấn quyền của Giáo hội. Các quan điểm được trình bày bởi Bộ Giáo lý Đức tin sẽ tìm thấy không gian trong các cuộc tranh luận này”. Các tuyên bố của CDF chỉ là “quan điểm” có thể bị tranh cãi, hay chúng là cơ sở để tranh luận?

Tiến sĩ Weigel: Khi CDF phát biểu một cách có thẩm quyền, như Bộ này đã làm về vấn đề liệu Giáo hội có thể “chúc lành” cho các mối quan hệ đồng giới hay không, Bộ không đưa ra một “quan điểm”, mà đang nói về chân lý của đức tin Công Giáo. Nếu Giám mục Bätzing và những người khác trong hàng giáo phẩm của Đức không chấp nhận những sự thật đó, thì họ nên thành thật nói ra như vậy. Nếu họ chấp nhận những sự thật đó, họ cũng nên có can đảm để nói như vậy.

CNA: Dựa trên văn bản làm việc, liệu đánh giá của Giám mục Bätzing có chính xác không khi ông nói: “Câu hỏi trung tâm là: làm thế nào chúng ta có thể nói về Chúa ngày nay và đi đến một đức tin sâu sắc hơn? Đức tin có thể phát triển và sâu sắc hơn nếu chúng ta được giải thoát khỏi những sợ hãi và khép kín tâm hồn, nếu chúng ta đặt ra những câu hỏi và tìm kiếm những cách thức mà Giáo hội ngày nay có thể trình bày cho con người”.

Tiến sĩ Weigel: “Câu hỏi trung tâm” là điều mà Chúa Giêsu đã nói rồi, đó là, và sẽ luôn là: “Khi Con Người trở lại, liệu Người có còn tìm thấy đức tin trên trái đất này không?” (Lc 18:8). Dĩ nhiên Giáo Hội phải luôn luôn nói chân lý Phúc Âm theo những cách thế mà người dân trong một thời đại và một nền văn hóa nhất định có thể hiểu được; đó là điều mà Thánh Phaolô đã cố gắng thực hiện tại Areopagus thành Athens trong chương 17 sách Tông đồ Công vụ, và đó là điều mà Công đồng Vatican II đã hướng dẫn Giáo hội ngày nay phải làm: đó là nói sự thật theo những cách mà sự thật có thể được lắng nghe. Khó khăn mà tôi và nhiều người khác gặp phải khi chúng tôi nghe Giám mục Bätzing, các đồng nghiệp giám mục cùng chí hướng với ông, và Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức, là chúng tôi không nghe thấy tiếng nói của Chúa, Phúc âm hay sự thật, mà chỉ toàn là tiếng của chủ nghĩa hậu hiện đại.

CNA: Tiến sĩ có phản đối khả năng có nữ phó tế không? Có thể tách phó tế khỏi các mức độ khác của chức lớn không? [các chức lớn – major orders – là chức Giám Mục, linh mục và phó tế – chú thích của người dịch]

Tiến sĩ Weigel: Nếu phó tế không phải là một phần trong bộ ba các thánh chức bao gồm giám mục, linh mục mục và phó tế, thì được, phụ nữ có thể là phó tế. Nhưng mà nếu phó tế không phải là một phần trong bộ ba các thánh chức, thì không ai thúc ép việc phong chức phó tế cho phụ nữ, bởi vì chiến dịch đó chẳng qua chỉ là một chiêu bài để tấn phong phụ nữ vào chức tư tế và cuối cùng, giám mục. Đó là một chiến dịch của chủ nghĩa giáo sĩ, vì có vẻ như người ta tưởng tượng rằng chỉ những người Công Giáo có Thánh Chức mới đáng giá. Công đồng Vatican II đã dứt khoát bác bỏ não trạng giáo hội học giáo sĩ đó.

Tuy nhiên, trên thực tế, tôi cho rằng giáo huấn chung cuộc của Giáo hội là chức phó tế được tạo ra trong chương 6 sách Tông đồ Công vụ là một phần của bộ ba Thánh Chức (triple-sacerdotium); do đó, Giáo Hội không có thẩm quyền phong chức phụ nữ cho chức phó tế, cũng như không có thẩm quyền phong chức linh mục hay giám mục cho phụ nữ. Điều đó đã được Đức Gioan Phaolô II giải quyết dứt khoát trong Tông Thư Ordinatio Sacerdotalis.

CNA: Giám Mục Bätzing nói rằng: “Ở Đức và các nơi khác của Giáo hội trên toàn thế giới đã diễn ra các cuộc thảo luận trong nhiều năm về cách thức Huấn Quyền có thể được phát triển hơn nữa với những lập luận lành mạnh - trên cơ sở các chân lý cơ bản của đức tin và đạo đức, các suy tư thần học tiến bộ, và trong một tinh thần cởi mở hơn đối với khoa học nhân văn và các tình huống cuộc sống của con người ngày nay”. Tiến sĩ có nghĩ đây là một nhận định chính xác về cách giáo lý Công Giáo phát triển một cách hữu cơ?

Tiến sĩ Weigel: “Những chân lý cơ bản của đức tin và luân lý” phán xét “sự tiến bộ của suy tư thần học” và “những kết quả mới nhất của khoa học nhân văn.” Chứ không phải những nhà thần học hoặc các nhà thực hành khoa học nhân văn phán xét các chân lý cơ bản đó. Nếu xảy ra như thế, thì kết quả là Đạo Tin lành Tự do, và tôi không thể hiểu tại sao lại có những người lại muốn đi theo con đường đáng buồn dẫn đến sự diệt vong của Giáo hội như vậy. Thánh John Henry Newman đã dạy Giáo hội rằng có bảy dấu hiệu cho thấy sự phát triển đích thực của tín lý. Có lẽ Tiểu luận của Newman về Sự phát triển của tín lý Kitô cần một ấn bản mới bằng tiếng Đức chăng?

CNA: Tiến sĩ tin rằng điều gì sẽ là những đóng góp của Tiến Trình Công Nghị ở Đức cho Giáo hội? Giáo hội ở Đức ảnh hưởng thế giới như thế nào? Điều này có những hệ quả nào đối với Giáo hội, cả ở quốc tế và ở Hoa Kỳ?

Tiến sĩ Weigel: Giáo hội Đức vô cùng hào phóng trong việc hỗ trợ công việc của Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới, nhưng họ cần phải học hỏi kinh nghiệm của các Giáo hội địa phương sống động ở Phi Châu rằng Tin Mừng giải phóng chúng ta, chứ không hạn chế chúng ta. Nếu Tiến Trình Công Nghị của Đức tiếp tục đi theo con đường bội giáo, nó sẽ mang lại một bài học cho toàn thể Giáo hội thế giới về điều mà “tính đồng nghị” không phải là và không thể có: chân lý mặc khải và nội dung của kho tàng đức tin không thể được quyết định bằng một “sự đồng thuận” được hình thành bởi một bộ máy quan liêu giáo hội đã bị thao túng và thuần hóa bởi tinh thần thời đại. Và đó sẽ là một bài học quan trọng để xem xét tại Thượng Hội Đồng về “tính đồng nghị” vào năm 2022.
Source:Catholic News Agency