“Giuse thuộc tầng lớp thợ thuyền; ngài có kinh nghiệm về sự vất vả và khó nghèo, đối với ngài cũng như với Thánh Gia, trong đó ngài là người đứng đầu biết tỉnh thức và yêu mến… Nhờ sống tuyệt đối trung thành trong khi chu toàn bổn phận hằng ngày, ngài đã để lại một gương mẫu cho tất cả những ai phải mưu sinh nhờ công việc chân tay và xứng đáng được gọi là công chính, mẫu gương sống động của sự công chính Kitô giáo đang ngự trị trong đời sống xã hội” (Đức Piô XI, cuối thông điệp “Đấng Cứu Chuộc”).

I.= Phần Dẫn Ý

(1)- Chọn nghề thợ mộc.

Khi những người trong làng Nagiarét gặp người con trai tên là Jeshouad ở các đường phố, họ nói: “Đấy là con của bác thợ mộc” (Mt 13, 55).
Say này, khi cha của Người qua đi, người ta nói đơn giản là: “Đấy là bác thợ mộc” (Mc 6,3). Dĩ nhiên, Chúa Giêsu là người duy nhất ở Nagiarét, vì người ta xác định bác thợ mộc với mạo từ “le” (tiếng Pháp: le charpentier). Ai cũng biết, nên thường chạy đến với Ngài để xin làm đồ mới hoặc sửa đồ cũ.
“Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà” (Ga 13, 16). Chúa Giêsu đã phải nghe trước khi nói, học việc trước khi hành và đến lượt làm ông chủ. Thật vậy, sách Talmud tuyên bố: “Cha mẹ phải nuôi con cái, dạy cho nó một nghề chân tay”; “Bất cứ ai trốn tránh việc này, người đó đang dạy con mình trở thành kẻ trộm” (Tosefta Kid 1,11).
Khi còn bé, Chúa Giêsu phải lẩn vào xưởng, ngồi trên đống mạt cưa, chăm chú quan sát cha mình và đặt ra cho Ngài cả đống câu hỏi:
Abbi (cách gọi của trẻ em Do Thái), dụng cụ này gọi là gì?
Đấy là cái búa, kia là cái cưa, cái đục, cái thước đo góc, cái dây chì, cái rìu, cái dao cắt… đưa tay đây để cha dạy cho cách dùng những thứ này ra sao.

(2)- Giuse “con” (Giêsu) hành nghề

“Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 17).
Đã đến lúc học nghề thực sự bắt đầu[1]:
“Chú ý quan sát cha làm như thế nào”.
Thế là Giuse cầm tay của người con niên thiếu. Phải thực hành nhiều lần, vì công việc phức tạp lắm, có thể gây thương tích đấy. Phải làm cách mềm mại và cố gắng kiên nhẫn. Maria vừa mỉm cười vừa bước đến, tay mang theo bình nước và một giỏ trái cây:
“Cha con chắc khát nước lắm rồi? Trời nóng quá! Hãy ăn nào và xem Chúa tốt lành đã cho chúng ta nước mát làm sao!
Vâng, đúng đấy mẹ ạ, chính Chúa là Nguồn nước đã làm dịu cơn khát Thiên Chúa hằng sống của chúng ta, một cơn khát triền miên. Khi nào con sẽ nhìn Ngài mặt đối mặt đây?
Giuse vừa nói vừa lau mồ hôi: “Cám ơn Maria, em xem Giêsu một mình làm cái ghế đẹp không, lần đầu tiên đấy!”

(3)- Giá trị của lao động

Như vậy, từ đó suy ra rằng: công việc tay chân vô cùng giá trị như là cộng tác với công trình của Thiên Chúa để thế giới chưa hoàn thiện có thể được con người, là con Thiên Chúa hoàn tất. Chúa Giêsu tuyên bố: “Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc” (Ga 5, 19, 20).
Tất cả thần tính của Chúa Giêsu được tóm lại ở đây. Phải chăng Người đã học được chính bài học cộng tác với Giuse trong xưởng mộc?
(Daniel Foucher, Notre Père, Joseph Le Charpentier –Giuse, Thợ mộc, Cha chúng ta, Tr. 255 – 260)

II= Phần Gợi Ý Suy Niệm

“Giuse thuộc tầng lớp thợ thuyền, Ngài có kinh nghiệm về sự vất vả và khó nghèo, đối với Ngài cũng như Thánh Gia, trong đó Ngài là người đứng đầu biết tỉnh thức và yêu mến” (Piô XI).
Lao động là điều kiện phải có cho cuộc sống vật chất. Tỉnh thức và yêu mến là điều kiện phát triển tâm linh. Đời sống tâm linh của bạn phát triển thế nào? Có Chúa ở với mình thật sự không?
“Thế là Giuse cầm tay người con niên thiếu. Phải thực hành nhiều lần, vì công việc phức tạp lắm…” Chúa Giêsu học nghề với Giuse. Rồi chính Ngài cũng bắt đầu “hành nghề”. Những điều ta học hỏi về tu đức, chúng ta đã đưa vào cuộc sống bằng những hành động cụ thể; hay mới chỉ có trong trí óc mà chưa thể hiện “nơi bàn tay” (sống)?
“Công việc tay chân vô cùng giá trị, được coi như sự cộng tác với công trình của Thiên Chúa”. Ý nghĩa hơn: “Đừng bao giờ nghĩ rằng tôi sung sướng nhờ sự làm việc. Không, điều làm cho tôi sung sướng chính là được ở cạnh Thiên Chúa đề làm những gì Người muốn” (J. Ploussard). Nghĩa tu đức là vậy. Còn thực tế, đa số người lao động chỉ tìm miếng cơm manh áo. Hãy dành cho giới công nhân một lời nguyện và nhớ đến bao người vất vả vì chúng ta.

*( Trích dẫn trong ‘Năm Thánh Giuse’ của Lm Trần đình Thụy )

+ Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà, giảng dạy dân chúng trong hội đường, họ bỡ ngỡ nói rằng : “Bởi đâu ông này khôn ngoan và tài giỏi như thế? Không phải là con bác thợ mộc ư? “ ( Mt.19 : 54- 58 )

*Cần lao & Cầu nguyện

Giu-se Cha Thánh nêu gương,
Suốt đời vất vả yêu thương gia đình,
Cần lao quên cả thân mình,
Tỵ nạn Ai Cập mưu sinh đất người.
Trở về quê nhà một đời,
Làm nghề thợ mộc để nuôi gia đình,
Đời Ngài là chuỗi lời kinh :
Cần lao-Công chính-Hy sinh-Nguyện cầu.

*Bạch Huệ Hàn Gia

Ba Đấng yêu thương họp một nhà,
Giu-se gương mẫu phận làm cha,
Dưỡng nuôi Con Chúa tình cao quí,
Săn sóc Bạn Đời nghĩa thắm hòa.
Khấn nguyện chu toàn cùng Thánh Ý,
Kiên trung vui sống với Hàn Gia,
Một đời sáng chói quên lao nhọc,
Lưu mãi muôn đời bản diệu ca :
ORA ET LABORA !

*Ghi nhớ : Giáo Hội Công Giáo chọn ngày 1/5 Kính Thánh Giuse Thợ- Quan Thày Công nhân-
Cũng là ngày Quốc Tế Lao Động.

Đinh văn Tiến Hùng