Trong Tuần Thánh tại Giêrusalem, các tu sĩ Dòng Phanxicô quản thủ Thánh Mộ đã thăm viếng và cầu nguyện tại những nơi diễn ra cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu.

Ngày thứ Tư 31 tháng 3, lúc 8.00 sáng tại đền thờ Mộ Thánh đã có Thánh lễ trọng thể với bài “Thương khó” và cuộc rước hàng ngày. Lúc 10 giờ sáng tại nhà thờ Mộ Thánh có Lễ tôn kính Cột đá Chúa Giêsu bị đánh đòn tại Nhà nguyện Chúa hiện ra.

Việc đánh đòn dưới tay người La Mã được đề cập đến trong ba sách Phúc âm: Ga 19: 1-3, Máccô 15:15 và Mathêu 27:26, và là khúc dạo đầu thông thường cho việc đóng đinh theo luật La Mã. Thánh Gioan tường thuật chi tiết như sau:

Bấy giờ ông Philatô truyền đem Đức Giêsu đi và đánh đòn Người. Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: “Kính chào Vua dân Do-thái!”, rồi vả vào mặt Người.

Sự nhạo báng Chúa Kitô và đội mão gai lên đầu Ngài, mà các sách Phúc âm tường thuật không phải là một phần của quy trình xét xử thông thường của người La Mã, nhưng là điều được bọn lính thêm vào để làm nhục Chúa Giêsu.

“Columna nobilis” các linh mục, tu sĩ trong cộng đồng dòng Phanxicô hát cạnh Mộ Chúa trong bài thánh ca và sau đó từng người một tiến lên Cột đá để bày tỏ lòng tôn kính cuộc khổ nạn tại nơi Chúa Giêsu bị trói và bị đánh roi. Thông thường nghi thức cổ xưa này cũng có sự tham dự của khách hành hương và anh chị em giáo dân tại Giêrusalem, nhưng năm nay chỉ có các tu sĩ dòng Phanxicô tham gia buổi cử hành sùng kính này, do những hạn chế của tình trạng khẩn cấp về sức khỏe.

Ngay từ thế kỷ thứ 4, Egeria, một tác giả và là một người hành hương đã viết về sự tôn kính tại cột đá nơi Chúa Giêsu chịu đánh đòn, tuy nhiên, vào thời điểm đó, cột đá này được giữ trong Nhà thờ Cenacle tức là Tiệc Ly và được tôn kính vào lúc bình minh của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Cột đá đã được đưa đến Mộ Thánh vào thế kỷ 14.

Đó là chiếc cột mà theo truyền thống, đã được nhuộm bằng máu của Chúa Giêsu, đổ cho nhân loại. Cũng chính máu đã đổ trên đá ngày nay ở Vương cung thánh đường Khổ Nạn, dưới chân Núi Ôliu. Ở đó, theo truyền thống, huynh đoàn Phan sinh tại Giệtsimani đã cử hành Thánh lễ với Bài Thương Khó. Các công việc chuẩn bị cũng đang được tiến hành cho Tam Nhật Vượt Qua trong lời cầu nguyện, ở Giêrusalem.