Chính phủ Sri Lanka hôm thứ Ba cho biết sẽ cần thời gian để xem xét một đề xuất cấm mặc burqa, mà một quan chức an ninh hàng đầu gọi là dấu chỉ của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Bộ trưởng Bộ Công an Sri Lanka, Sarath Weerasekara, hôm thứ Bảy cho biết ông đang tìm kiếm sự chấp thuận của Nội các để cấm burqa - một loại quần áo do một số phụ nữ Hồi giáo mặc để che cơ thể và khuôn mặt - một động thái mà ông nói sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của chính phủ Keheliya Rambukwella cho biết lệnh cấm là một quyết định nghiêm túc cần có sự bàn bạc và đồng thuận.

“Nó sẽ được thực hiện trong sự bàn bạc rộng rãi. Vì vậy, nó đòi hỏi thời gian”, ông nói mà không giải thích chi tiết, tại cuộc họp truyền thông hàng tuần được tổ chức để công bố các quyết định của nội các.

Trước đó, một nhà ngoại giao Pakistan và một chuyên gia Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại về lệnh cấm có thể xảy ra. Đại sứ Pakistan Saad Khattak tweet lệnh cấm sẽ chỉ làm tổn thương cảm xúc của người Hồi giáo. Báo cáo viên của đặc biệt của Liên hợp quốc về tự do tôn giáo, Ahmed Shaheed, đã tweet rằng lệnh cấm này không phù hợp với luật pháp quốc tế và quyền tự do biểu đạt tôn giáo.

Việc mặc burqa ở Sri Lanka đã tạm thời bị cấm vào năm 2019 ngay sau vụ đánh bom vào ngày Chúa Nhật Phục sinh nhằm vào các nhà thờ và khách sạn khiến hơn 260 người thiệt mạng ở đảo quốc trong Ấn Độ Dương này. Hai nhóm Hồi giáo địa phương liên quan đến bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã bị đổ lỗi cho các vụ tấn công tại sáu địa điểm – bao gồm hai nhà thờ Công Giáo, một nhà thờ Tin lành và ba khách sạn hàng đầu.

Sri Lanka cũng có kế hoạch đóng cửa hơn 1,000 trường học Hồi giáo được gọi là madrassas vì chúng không được đăng ký và không tuân theo chính sách giáo dục quốc gia.

Người Hồi giáo chiếm khoảng 9 phần trăm trong số 22 triệu người ở Sri Lanka, nơi Phật tử chiếm hơn 70 phần trăm dân số. Người Tamil dân tộc thiểu số, chủ yếu theo Ấn Giáo, chiếm khoảng 15% dân số.
Source:Crux