Thông thường, vào lúc 16:30 ngày thứ Tư lễ Tro, Đức Thánh Cha chủ sự cuộc rước thống hối từ nhà thờ Thánh Anselmo của dòng Biển Đức đến Vương cung Thánh Đường Thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh trên đồi Aventino ở Rôma.

Trên quãng đường dài 500 mét, các vị vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và thánh ca thống hối.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với nghi thức xức tro, cùng với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Do tình trạng đại dịch coronavirus, năm nay tất cả những nghi lễ này phải hủy bỏ.

Sáng ngày thứ Tư 17 tháng 2, lúc 9 giờ 30 theo giờ địa phương Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh Lễ, làm phép và xức tro tại Bàn thờ Ngai Tòa, trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Buổi lễ đã diễn ra với sự hiện diện của một số lượng rất hạn chế các tín hữu theo các phương thức được sử dụng trong những tháng qua, liên quan đến các biện pháp phòng ngừa COVID-19.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay, với những lời của tiên tri Joel, là những lời chỉ ra hướng đi cho chúng ta. Chúng ta nghe một lời mời gọi vang lên từ trái tim Thiên Chúa, Đấng với đôi tay rộng mở và đôi mắt đầy nỗi nhớ nài nỉ chúng ta: “Hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2:12). Hãy quay lại với Ta. Mùa Chay là một cuộc hành trình trở về với Chúa. Đã bao lần, vì bận rộn hay thờ ơ, chúng ta đã nói với Ngài: “Lạy Chúa, sau này con sẽ đến với Ngài, xin hãy chờ đợi… Hôm nay con không thể, nhưng ngày mai con sẽ bắt đầu cầu nguyện và làm điều gì đó cho người khác”. Chúng ta cứ làm như thế, hết lần này, đến lần khác. Tuy nhiên, ngay bây giờ Chúa đang kêu gọi trái tim của chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta sẽ luôn có những việc phải làm và chúng ta sẽ luôn có những lý do để thoái thác, nhưng thưa anh chị em, hôm nay là lúc để trở về với Chúa.

Ngài nói: Hãy quay lại với Ta bằng cả trái tim. Mùa Chay là một cuộc hành trình bao gồm toàn bộ cuộc sống của chúng ta, toàn bộ con người chúng ta. Đây là lúc để kiểm tra những con đường chúng ta đang đi, để tìm đường trở về nhà, để khám phá lại mối liên kết cơ bản với Chúa, mà mọi thứ đều phụ thuộc vào đó. Mùa Chay không chỉ là thực hiện một vài hy sinh nhỏ, nhưng là lúc phân định xem tâm hồn chúng ta hướng về đâu. Đây là trọng tâm của Mùa Chay: lòng tôi đang hướng về đâu? Chúng ta hãy thử tự hỏi: hệ thống điều hướng của cuộc đời tôi đang đưa tôi đến đâu, đến với Chúa hay đến với chính tôi? Tôi có sống để làm đẹp lòng Chúa, hay để được chú ý, khen ngợi, ưa thích, được chỗ nhất, v.v.? Có phải tôi đang có một trái tim “khiêu vũ”, tiến một bước, rồi lại lùi một bước, yêu Chúa một chút và thế gian một chút, hay tôi có một tâm hồn kiên định nơi Chúa? Tôi có hài lòng với thói đạo đức giả của mình không, hay tôi đang đấu tranh để giải thoát trái tim mình khỏi sự giả tạo và giả dối đang trói buộc tâm hồn tôi?

Hành trình của Mùa Chay là một cuộc xuất hành, một cuộc xuất hành từ nô lệ đến tự do. Bốn mươi ngày này tương ứng với bốn mươi năm dân Chúa vượt qua sa mạc để trở về quê hương của họ. Rời bỏ Ai Cập khó biết chừng nào! dân Chúa rời bỏ mảnh đất Ai Cập đã khó, nhưng còn chông gai hơn nhiều khi họ muốn rời bỏ cái Ai Cập trong lòng họ, cái Ai Cập mà họ mang trong tim. Thật khó để bỏ lại Ai Cập sau lưng. Trong cuộc hành trình của họ, luôn có một cám dỗ thường hằng là luyến nhớ những củ hành củ tỏi, cám dỗ quay trở lại, bám vào những kỷ niệm của quá khứ hoặc ngẫu tượng này, ngẫu tượng kia. Điều đó cũng xảy ra với chúng ta: hành trình trở về với Chúa của chúng ta luôn bị chặn lại bởi những dính bén không lành mạnh của chúng ta, luôn bị kìm hãm bởi những cạm bẫy tội lỗi, bởi sự an toàn giả tạo về tiền bạc và vẻ bề ngoài, bởi sự tê liệt vì bất mãn của chúng ta. Để bắt tay vào cuộc hành trình này, chúng ta phải vạch trần những ảo tưởng đó.

Nhưng chúng ta có thể tự hỏi: làm thế nào để chúng ta thực hiện cuộc hành trình trở về với Chúa? Thưa: Chúng ta có thể được hướng dẫn bằng những cuộc hành trình trở về được mô tả trong Lời Chúa.

Chúng ta có thể nghĩ về đứa con hoang đàng và nhận ra rằng, đối với chúng ta, đã đến lúc phải trở về với Cha. Giống như người con trai ấy, chúng ta cũng đã quên đi mùi hương quen thuộc của ngôi nhà mình, chúng ta đã phung phí một gia sản quý giá vào những thứ xoàng xỉnh và cuối cùng đã ra đến nông nỗi là chỉ còn hai bàn tay trắng và một trái tim bất hạnh. Chúng ta đã ngã xuống, giống như những đứa trẻ nhỏ liên tục bị ngã, những đứa bé sơ sinh đang cố gắng bước đi nhưng cứ bị ngã và hết lần này đến lần khác cần được bố bế lên. Chính sự tha thứ của Chúa Cha luôn nâng chúng ta dậy và đứng vững trên đôi chân của mình. Sự tha thứ của Thiên Chúa – qua Bí Tích Hòa Giải - là bước đầu tiên trên hành trình trở về của chúng ta. Khi đề cập đến Bí Tích Hòa Giải, tôi xin các cha giải tội hành xử như những người cha, không trao ra một cây gậy nhưng là một cái ôm.

Sau đó, chúng ta cần quay trở lại với Chúa Giêsu, giống như người phong cùi đã từng được chữa khỏi, và đã quay trở lại để tạ ơn Người. Dù mười người đã được chữa lành, nhưng anh là người duy nhất được cứu, vì anh đã trở lại với Chúa Giêsu (x. Lc 17,12-19). Tất cả chúng ta đều có những bệnh tật về tâm linh mà chúng ta không thể tự chữa lành được. Tất cả chúng ta đều có những tật xấu thâm căn mà chúng ta không thể tự mình nhổ bỏ. Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ hãi gây tê liệt mà chúng ta không thể vượt qua một mình. Chúng ta cần noi gương người bệnh phong đó, là người đã trở lại với Chúa Giêsu và tự ném mình vào chân Ngài. Chúng ta cần sự chữa lành của Chúa Giêsu, chúng ta cần trình bày vết thương của mình cho Ngài và nói: “Lạy Chúa Giêsu, con ở trước mặt Chúa, cùng với tội lỗi của con, với nỗi buồn của con. Chúa là thầy thuốc. Chúa có thể giải phóng con. Xin chữa lành trái tim con”.

Một lần nữa, lời Chúa mời gọi chúng ta trở về với Chúa Cha, trở về với Chúa Giêsu. Lời Chúa cũng kêu gọi chúng ta trở về với Chúa Thánh Thần. Tro trên đầu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là cát bụi và sẽ trở về với cát bụi. Tuy nhiên, trên hạt bụi này của chúng ta, Chúa đã thổi Thần khí sự sống của Ngài. Vì vậy, chúng ta không nên sống một cuộc đời chạy theo cát bụi, theo đuổi những thứ nay còn mai mất. Chúng ta hãy trở về với Thánh Linh, Đấng Ban Sự Sống; chúng ta hãy trở về với Lửa có thể phục sinh những tro tàn của chúng ta, về với Lửa dạy chúng ta yêu thương. Chúng ta sẽ luôn là cát bụi, nhưng như một bài thánh ca phụng vụ đã nói, đó là “cát bụi trong tình yêu”. Một lần nữa, chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần và tái khám phá ngọn lửa ngợi khen, ngọn lửa làm tiêu tan tro tàn của sự than thở và cam chịu.

Anh chị em thân mến, cuộc hành trình trở về với Chúa của chúng ta thực hiện được chỉ vì Ngài đã đến với chúng ta trước. Nếu không, điều đó sẽ là không thể. Trước khi chúng ta đến với Ngài, Ngài đã đến với chúng ta. Ngài đi bước trước; Ngài xuống để gặp chúng ta. Vì thiện ích của chúng ta, Ngài đã tự hạ mình hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng: Ngài gánh vào mình tội lỗi của chúng ta, và chết vì chúng ta. Vì thế, Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” ( 2Cr 5:21). Ngài đã chấp nhận tội lỗi và cái chết của chúng ta, không phải để bỏ rơi chúng ta nhưng để đồng hành trong cuộc hành trình của chúng ta. Ngài đã chạm vào tội lỗi của chúng ta; Ngài đã chạm vào cái chết của chúng ta. Cuộc hành trình của chúng ta, do đó, là để cho Người nắm lấy tay chúng ta. Người Cha chào mời chúng ta trở về nhà, cũng chính là người Cha đã bỏ nhà đi tìm chúng ta; Chúa chữa lành chúng ta cũng chính là Đấng đã để mình chịu đau khổ trên thập tự giá; Thánh Linh, Đấng giúp chúng ta thay đổi cuộc đời, cũng chính là Đấng thở nhẹ nhàng nhưng đầy quyền năng trên bụi đất của chúng ta.

Vì thế, đây là lời cầu xin của vị Tông Đồ: “Hãy làm hòa cùng Chúa” (câu 20). Hãy làm hòa: cuộc hành trình này không dựa vào sức lực của chính chúng ta. Không ai có thể tự mình giao hòa với Chúa theo ý mình. Sự hoán cải chân thành, với những việc làm và thực hành thể hiện sự hoán cải ấy, chỉ có thể thực hiện được nếu nó bắt đầu với tính ưu việt của kỳ công Thiên Chúa. Điều khiến chúng ta quay trở lại với Ngài không phải là khả năng hay công lao của chúng ta, mà là ân sủng Ngài ban cho chúng ta. Ân sủng cứu chúng ta; ơn cứu rỗi là ân sủng thuần khiết, ân sủng nhưng không. Chúa Giêsu nói rõ điều này trong Tin Mừng. Ngài nói rằng điều khiến chúng ta nên công chính không phải là sự công chính mà chúng ta thể hiện trước mặt người khác, mà là mối quan hệ chân thành của chúng ta với Chúa Cha. Sự khởi đầu của việc trở lại với Chúa là sự nhận biết nhu cầu của chúng ta đối với Ngài và lòng thương xót của Ngài, nhu cầu của chúng ta đối với ân sủng của Ngài. Đây là chính lộ, là con đường của sự khiêm tốn. Tôi có cảm thấy thiếu thốn không, hay tôi cảm thấy quá đủ, không còn thiếu thốn chi?

Hôm nay chúng ta cúi đầu nhận tro. Vào cuối Mùa Chay, chúng ta sẽ cúi đầu thấp hơn nữa để rửa chân cho anh chị em mình. Mùa Chay là một sự hạ mình khiêm tốn cả về nội tâm và đối với người khác. Đó là việc nhận ra rằng ơn cứu rỗi không phải là sự đi lên đến đỉnh vinh quang, nhưng là sự xuống dốc trong tình yêu. Đó là sự trở nên nhỏ bé. Chúng ta đừng lạc lối trên cuộc hành trình của mình, nhưng chúng ta hãy đứng trước thập giá của Chúa Giêsu: là ngai vàng thinh lặng của Thiên Chúa. Hàng ngày, chúng ta hãy chiêm ngắm những vết thương của Người, những vết thương mà Người đã lên trời và bày tỏ với Chúa Cha hàng ngày trong lời cầu bầu của Người. Chúng ta hãy hàng ngày chiêm nghiệm những vết thương đó. Nơi những vết thương này, chúng ta nhận ra sự trống rỗng, những thiếu sót của chúng ta, những vết thương tội lỗi của chúng ta và tất cả những tổn thương mà chúng ta đã trải qua. Tuy nhiên, ở đó, chúng ta thấy rõ ràng rằng Thiên Chúa không chỉ ngón tay vào ai, mà chính là mở rộng vòng tay để ôm chúng ta. Những vết thương của Người đã phải chịu là vì thiện ích của chúng ta, và nhờ những vết thương đó mà chúng ta đã được chữa lành (x. 1 Pr 2:25; Is 53: 5). Bằng cách hôn lên những vết thương đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng ở đó, trong những vết thương đau đớn nhất của cuộc đời, Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta với lòng thương xót vô hạn của Ngài. Bởi vì ở đó, nơi chúng ta dễ bị tổn thương nhất, nơi chúng ta cảm thấy xấu hổ nhất, Ngài đã đến gặp chúng ta. Và khi đến gặp chúng ta, giờ đây Ngài mời gọi chúng ta quay trở lại với Ngài, để tái khám phá niềm vui được yêu thương.
Source:Holy See Press Office