1. Nữ tu Công Giáo Pháp 117 tuổi, bị nhiễm virút Tầu độc địa vẫn không chết

Sơ Andre Randon, một nữ tu ở Pháp, sẽ tròn 117 tuổi vào tuần này, sau khi sống sót COVID-19 vào tháng trước, cộng đoàn của sơ cho biết như trên trong thông báo đưa ra hôm thứ Ba.

Sơ Andre Randon nhũ danh là Lucile Randon, sinh ngày 11 tháng 2 năm 1904. Sơ theo đạo Công Giáo ở tuổi 19. Sau khi phục vụ các trẻ nhỏ và người già tại một bệnh viện ở Pháp, sơ gia nhập Dòng Nữ tử Bác ái Thánh Vincent de Paul ở tuổi 40.

Bảy mươi sáu năm sau, Sơ Andre chuyển đến nhà hưu dưỡng Sainte Catherine Labouré ở Toulon, miền nam nước Pháp. Tại đó, vào ngày 16 tháng Giêng vừa qua, sơ có kết quả dương tính với COVID-19. Sơ bị cô lập với các sơ khác, nhưng không có biểu hiện gì.

Theo đài truyền hình BFM, 81 trong số 88 nữ tu của cơ sở này có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút này vào tháng Giêng, và 10 người đã tử vong.

Khi được hỏi có sợ COVID không, sơ Andre nói với kênh truyền hình BFM của Pháp, “Không, tôi không sợ vì tôi không sợ chết. Tôi rất vui khi được ở bên các bạn, nhưng tôi cũng muốn ở đâu đó khác - được gặp gỡ anh tôi, ông tôi, bà tôi, cha mẹ tôi”.

Nữ tu Andre Randon đã mừng sinh nhật lần thứ 117 vào ngày thứ Năm, 11 tháng Hai, lễ Đức Mẹ Lộ Đức.

Theo Nhóm Nghiên cứu Lão khoa, nơi xác nhận thông tin chi tiết về những người được cho là từ 110 tuổi trở lên, sơ Andre là người sống lâu thứ hai trên thế giới. Người lớn tuổi nhất là Kane Tanaka của Nhật Bản, vừa bước sang tuổi 118 vào ngày 2 tháng Giêng vừa qua.

Vào sinh nhật lần thứ 115 vào năm 2019, Sơ Andre đã nhận được một tấm thiệp và một tràng hạt hồng phúc từ Đức Thánh Cha Phanxicô, mà sơ sử dụng hàng ngày.

Khi bước sang tuổi 116 vào năm ngoái, nữ tu Dòng Nữ tử Bác ái Thánh Vincent de Paul đã chia sẻ “công thức để có một cuộc sống hạnh phúc” - cầu nguyện và một tách ca cao nóng mỗi ngày.
Source:Catholic News Agency

2. Trung Quốc đang dùng vắc xin COVID-19 để ngoi lên địa vị siêu cường hàng đầu thế giới

Bên trong mái vòm của một hội chợ ở Belgrade, hàng chục y tá trong bộ đồ hazmat tiêm chủng cho người già và trẻ nhỏ. Nỗ lực này của họ đã biến Serbia trở thành nước tiêm chủng nhanh nhất Âu châu. Theo ấn phẩm khoa học Our World in Data, chỉ trong vòng 2 tuần, quốc gia Balkan nhỏ bé này đã tiêm chủng cho hơn 450,000 người trong số bảy triệu dân của mình. Đó là một tỷ lệ cao hơn tất cả các quốc gia khác ở Âu châu ngoại trừ Vương quốc Anh. Một điểm khác biệt chính giữa Anh và Serbia là tất cả các lọ thuốc ở Serbia đều chứa đầy một loại vắc-xin do tập đoàn dược phẩm Trung Quốc Sinopharm sản xuất. Trong khi đó, Anh quốc chỉ dùng các loại vắc xin do chính họ sản xuất.

Tại Đông Nam Á, Campuchia đã nhận được lô hàng vắc-xin COVID-19 600,000 liều đầu tiên, do Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của nước này viện trợ.

Thủ tướng Hun Sen, các thành viên cấp cao trong Nội các và Đại sứ Trung Quốc Vương Văn Thiên (Wang Wentian, 王文天) đã có mặt tại Sân bay Quốc tế Phnom Penh để dự lễ tiếp nhận vắc xin Sinopharm do một chuyến bay của Không quân Trung Quốc mang đến.

Tuần trước Hun Sen đã tuyên bố rằng ông sẽ là người đầu tiên được tiêm vắc-xin nhưng đã bị cản trở vì vắc-xin Sinopharm do Trung Quốc sản xuất chỉ có hiệu quả với những người từ 18 đến 59 tuổi, trong khi ông 68 tuổi.

Hôm Chúa Nhật tại sân bay, ông ta nói sẽ kêu gọi các thành viên trẻ hơn trong gia đình mình, cũng như các quan chức hàng đầu và các tướng lĩnh dưới 60 tuổi, đi tiêm phòng vào hôm thứ Tư để làm gương cho công chúng.

Vắc xin Sinopharm của Trung Quốc nhằm phòng chống vi-rút Vũ Hán được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019, đã được tặng miễn phí cho một số quốc gia và được gọi là “vắc-xin ngoại giao”.

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất và là đối tác chính trị thân cận nhất của Campuchia, đồng thời, Đảng Cộng sản Trung Quốc cung cấp cho Hun Sen sự ủng hộ quan trọng mà ông đã bị các quốc gia phương Tây từ chối, vì họ đánh giá chính phủ của ông là một chính phủ đàn áp nhân quyền. Đáp lại, Campuchia ủng hộ các quan điểm địa chính trị của Bắc Kinh trên các diễn đàn quốc tế về các vấn đề như tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông.
Source:ABC News

3. Campuchia phấn khởi với vắc-xin Tầu, đám cưới đầu tiên sau cách ly

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Hoa Kỳ, gọi tắt là CDC, tính đến ngày 6 tháng Hai, trong số 35 triệu người Hoa Kỳ được tiêm hai loại vắc-xin Pfizer và Moderna, đã có 10,748 trường hợp xảy ra biến chứng, trong đó có 501 trường hợp tử vong. Các con số trên phản ánh các báo cáo được nộp từ ngày 14 tháng 12 năm 2020 đến ngày 5 tháng 2 năm 2021.

Cho đến nay, chỉ có hai loại vắc xin Pfizer và Moderna được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, gọi tắt là FDA, cấp Giấy phép Sử dụng Khẩn cấp tại Hoa Kỳ. Theo định nghĩa riêng của FDA, vắc xin vẫn được coi là thử nghiệm cho đến khi được cấp phép đầy đủ.

453 trong số 501 trường hợp tử vong được báo cáo đã xảy ra trong nội địa Hoa Kỳ. 53% số người chết là nam, 43% là nữ, các báo cáo tử vong còn lại không bao gồm giới tính của người chết. Tuổi trung bình của những người chết là 77, người chết trẻ nhất được báo cáo là 23 tuổi. 59% số người tử vong đã sử dụng vắc-xin Pfizer, 41% chết vì vắc-xin Moderna.

Trong khi đó, không có trường hợp tử vong hay gặp phải phản ứng phụ nào được ghi nhận sau khi tiêm vắc xin Sinopharm do Trung Quốc sản xuất. Cho đến nay, vẫn chưa rõ đây là thực chất hay chỉ là sản phẩm của những cố gắng che đậy sự thật.

Ngay cả trước khi nhận được lô hàng 600,000 liều vắc xin Trung Quốc, và vẫn chưa biết có hiệu quả hay không, Thủ tướng Hun Sen đã nới lỏng các hạn chế liên quan đến coronavirus.

Chính vì thế đôi tình nhân người Campuchia này cuối cùng đã được kết hôn sau một năm trì hoãn.

Leang Phannara, 31 tuổi, nói:

“Tôi thực sự hạnh phúc vì cuối cùng chúng tôi cũng đã kết hôn và trở thành vợ chồng hợp pháp”.

Leang Phannara và Kim Bethyliza đã kiên nhẫn chờ đợi để kết hôn. Vì vậy, khi chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm vào cuối tháng Giêng, họ đã nhanh chóng chụp lấy cơ hội

Cô dâu 28 tuổi, Kim Bethyliza, nói: “Tôi cảm thấy hài lòng khi được mặc đồ cưới và tôi rất vui, nhưng tôi cũng hơi lo lắng”.
Source:Global Research

4. Linh mục Pakistan bị bắt vì những lời bình phẩm liên quan đến vắc xin Trung Quốc

Bộ trưởng Y tế cho biết Pakistan công bố nước này đã nhận được những liều vắc-xin coronavirus đầu tiên, trong một hiệp định theo đó Trung Quốc hứa viện trợ nửa triệu liều vắc-xin Sinopharm cho nước này.

Bác sĩ Faisal Sultan cho biết một máy bay quân sự của Pakistan chở lô hàng đã hạ cánh xuống thủ đô Islamabad của Pakistan vào đầu ngày thứ Hai.

“Xin ca ngợi Allah, lô vắc-xin Sinopharm đầu tiên đã đến! Chúng tôi biết ơn Trung Quốc và tất cả những người đã làm cho điều này xảy ra, “ ông nói.

Sinopharm, một công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, đã phát triển một trong hai loại vắc xin chính của Trung Quốc đang được tung ra trên toàn cầu, cùng với vắc xin Coronavac của Sinovac.

Hiệp định Pakistan - Trung Quốc cũng bao gồm việc thử nghiệm trong giai đoạn ba, được tiến hành ở Pakistan, một loại vắc xin thứ ba của Trung Quốc, gọi là CanSino. Quốc gia này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin Sinopharm, AstraZeneca và Sputnik V vào tháng trước.

Theo tin từ tổng giáo phận Lahore, một linh mục đang bị cảnh sát câu lưu, sau khi ngài đưa ra các lời bình phẩm liên quan đến việc thử nghiệm vắc-xin CanSino. Trong khi thừa nhận rằng Trung Quốc có thể có các kinh nghiệm nhất định vì coronavirus virus xuất phát đầu tiên từ Trung Quốc, vị linh mục bày tỏ âu lo là người dân Pakistan có nguy cơ bị đưa làm chuột bạch để thí nghiệm. Ngài đề nghị những ai muốn chích các loại vắc xin Trung Quốc nên đi xưng tội trước khi chích.

Bác sĩ Faisal Sultan bác bỏ lập luận của vị linh mục và cho rằng các vắc xin Trung Quốc “đang nằm trong danh sách 10 vắc xin hàng đầu trên danh sách của WHO”.

Lô hàng Sinopharm hôm thứ Hai đánh dấu lô vắc-xin đầu tiên được nhập khẩu vào quốc gia Nam Á có 220 triệu dân, nơi hơn 546,000 trường hợp nhiễm coronavirus đã được báo cáo kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Theo số liệu chính thức, ít nhất 11,785 người đã chết vì virus, với số ca mắc hàng ngày trung bình là 1,800 trong hai tuần qua.

Những liều vắc-xin đầu tiên sẽ được cung cấp cho hơn 400,000 nhân viên y tế tuyến đầu trên khắp đất nước, theo kế hoạch triển khai vắc-xin của chính phủ.

Sau đó, các mũi tiêm sẽ được cung cấp cho những công dân trên 65 tuổi, những người thường đối mặt với nguy cơ tử vong vì vi rút cao hơn.
Source:Aljazeera