Linh Mục Với Sứ Vụ Làm Trung Gian

Chúa Kitô: Đấng trung gian duy nhất: "Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy." (Ga 14,6). Giáo Hội mãi luôn tuyên xưng chân lý đức tin này. Ngày từ buổi đầu, khi bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng, thánh Phêrô đã khẳng khái tuyên xưng: “Ngoài Người ra, Đức Giêsu, người Nagiarét, Đấng mà quý vị đã đóng dinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết thì không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (x.Cv 4,10-12).

Thời các Giáo Phụ, để đề cao vai trò của Giáo Hội, nhiều vị giáo phụ như thánh Inhaxiô thành Antiochia, thánh Grêgôriô thành Nysse, thánh Âugustinô đã khẳng định rằng: “ngoài Giáo Hội, không có ơn cứu độ” “Extra Ecclesiam nulla salus”. Đây là một lời tuyên tín xem ra tự tôn “quá khích” và nó tồn tại mãi cho đến Công Đồng Vaticanô II. Với sự góp phần suy tư về Giáo Hội của nhiều thần học gia như linh mục Karl Rahner, Yves Congar, M.D.Chenu Giáo Hội tuyên bố rằng: “những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi. Cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi.” (LG 16).

Chúa Kitô là Đấng Trung Gian nhất và Giáo Hội là một công trình do Người thiết lập để thông dự vào sứ vụ “làm trung gian” ấy. Chúa Kitô đã lấy lại hình ảnh chiếc thang bắc từ đất lên trời mà xưa Giacop đã năm chiêm bao thấy để nói với Nathanael và nhân loại mọi thời về vai trò, vị trí trung gian của Người (x.Ga 1,51). Các Tông đồ, các môn đệ được Người chọn gọi để chia sẻ vị trí vai trò trung gian ấy. Theo các dữ liệu Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật thì thánh Tông Đồ Anrê là một trong bốn vị tông đồ được Chúa Giêsu kêu gọi đi đánh lưới người (x.Mt 4,18-22; Mc 1,16-20; Lc 5,1-11). Theo Tin Mừng thánh Gioan thì có thể nói Anrê, một trong hai môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả đã là vị tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu (x.Ga 1,35-39).

Tin Mừng Gioan tường thuật ba sự kiện liên quan đến Tông Đồ Anrê và ngài được xem như là người trung gian thực sự. Lần thứ nhất là sau khi gặp Chúa Giêsu và ở lại với Người một ngày thì Anrê đã dẫn anh mình là Phêrô đến giới thiệu với Chúa Giêsu và qua đó Chúa Giêsu đã tìm được “viên đá” mà Người sẽ thiết lập Giáo Hội của Người (x.Ga 1,40-42). Lần thứ hai đó là khi thấy đoàn lũ dân chúng theo mình cồn cào bụng đói thì Chúa Giêsu đã muốn thi ân cho họ và chính Anrê đã dẫn một em bé có 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con các đến với Người và nhờ thế mà tình yêu quyền năng của Chúa Giêsu đã tỏ hiện để cho 5 ngàn người đàn ông, chưa tính phụ nữ và trẻ em hôm ấy đã no nê lương thực đến độ dư cả 12 thúng đầy bánh vụn. (x.Ga 5,1-15). Lần thứ ba đó là khi một số người Hy Lạp lên Giêrusalem dự lễ họ muốn gặp Chúa Giêsu, họ đến gặp Philiphê, ông này nói với Anrê và hai ông đã dẫn họ đến với Chúa Giêsu (x.Ga 12,20-23).

Chức tư tế thừa tác là một phương thế Chúa Giêsu thiết lập để chuyển thông tình yêu và ân sủng của Chúa cho nhân trần. Một phương thế làm trung gian không hiện hữu cho chính nó. Các phương thế có ra là cho người sử dụng đạt đến mục đích nhắm. Các trung gian chỉ có ra vì sự gặp gỡ hay hiệp thông giữa hai hay nhiều thực thể cần sự tiếp xúc. Chính vì thế chúng ta có thể nói rằng thiên chức linh mục được Thiên Chúa lập nên không vì nó và cũng không vì các tư tế thừa tác. Không sợ sai lầm để khẳng định thiên chức linh mục có ra là để làm vinh danh Thiên Chúa và để phục vụ hạnh phúc vĩnh cửu của con người. Một cái nhìn của cha ông chúng ta xem ra khá gần gủi và thiết thực về thiên chức linh mục như là phương thế làm trung gian: “linh mục là máng thông ơn Thiên Chúa”.

Là cái máng đích thực thì luôn gắn liền với hai đầu cần nối kết. Cuộc đời Vị Thượng Tế duy nhất chính danh chính hiệu là Đức Giêsu Kitô cho chúng ta cảm nghiệm hiên thực này. Người hằng luôn kết hiệp với Cha trên trời, đặc biệt là mỗi khi đêm về hay mối sáng tinh sương đầu ngày. Sự kết hiệp này được chính Người xác nhận: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34);Thầy hằng ở trong Cha và Cha ở trong Thầy và “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Chúa Kitô đã gắn kết với nhân trân bằng sự liên đới tận cùng. Mặc lấy thân phận tôi đòi, trở nên phàm nhân, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Khi đi rao giảng Tin Mừng thì Người đã mang lấy mọi bệnh hoạn tận nguyền của con người vào chính bản thân mình (x.Mt 8,17). Người tự nguyện làm con chiên gánh lấy tội lỗi của nhân trần. Khi luôn tự xưng với danh Con Người thì Chúa Kitô muốn đón nhận phần phúc của từng người của toàn thể nhân loại làm phúc phận của mình để rồi tìm mọi cách thế để cho con người được sống và sống dồi dào.

Là cái máng thì phải “lõm” đi để có thế chất chứa những gì cần đón nhận và chuyển trao. Sự “lõm” đi của Đấng là Trung Gian duy nhất, Giêsu Kitô đã được Thánh Phaolô Tông Đồ diễn giải bằng bài ca tự hủy: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.... (Phil 2,6-11).

Là cái máng thì phải tuôn chảy xuống tất cả những gì mình đã đón nhận. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã đặt vào môi miệng Đức Kitô những lời này: "Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xóa được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con,…Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giêsu Kitô, đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.” (Dt 10,4-10). Quà tặng Chúa Cha trao cho Chúa Con khi vào trần gian là tấm thân xác thì Đấng làm người đã trao ban nó cho nhân loại đến tận giọt nước giọt máu cuối cùng để nhân loại được ơn tha thứ, được giao hòa với Cha trên trời.

Linh mục là người được thông phần sứ vụ của Đấng Trung Gian, Giêsu Kitô. Để thực sự làm máng thông ơn Thiên Chúa thì các ngài phải gắn liền với hai đầu cần nối kết đó là Thiên Chúa và đoàn chiên, chiên trong đàn lẫn chiên ngoài đàn. Nếu khô cằn trong đời sống nội tâm và sao lãng việc cầu nguyện thì các ngài sẽ chẳng kín múc sự gì từ trời cao. Và một lẽ tất yếu đương nhiên đó là không ai có thể trao ban những gì mình không có. Nếu các ngài thiếu sự liên đới với chiên được trao phó, một sự liên mật thiết kiểu “chung thân-đồng phận”, thì cái máng trở thành vô dụng. Khi Đức Phanxicô nói linh mục hãy mang lấy mùi chiên tức là chỉ dạy các ngài hãy sống tình liên đới cách thiết thực. Hình thái lõm đi của cái máng nhắc nhớ linh mục sự khiêm nhu và động thái tự hủy khi phục vụ mà sự hiền lành ứng xử là một cách thế biểu hiện. “Hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,30). Ước gì các linh mục của Chúa luôn ghi nhớ lời của Thầy chí Thánh: “Các con hãy đi rao giảng rằng "Nước Trời đã gần đến". Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không.” (Mt 10,7-8)

Chia sẻ cho tha nhân những gì mình đã lãnh nhận đó là thực hiện vai trò và ý nghĩa của thân phận cái máng chuyển thông. Dù rằng cần phải xác tín điều chủ yếu mà các linh mục cần chia sẻ cho tha nhân chính là chương trình, ý định của Thiên Chúa và ân phúc của Người, tuy nhiên cũng cần phải chú ý đến cách thế trao ban. “Của cho không bằng cách cho”. Đi bước trước và luôn tôn trọng là hai động thái trong tình yêu liên đới trao ban của Chúa Giêsu.

Không ngồi một chỗ để chờ người ta đến với mình, nhưng Chúa Giêsu đã ra đi, rảo quanh các làng mạc để rao giảng Tin Mừng, thi ân giáng phúc. Hãy ra khỏi căn nhà xứ!, đừng cố thủ trong phòng thánh! Đó là lời mời gọi của Đức Phanxicô với các tư tế thừa tác trong Giáo Hội. Ngài còn nhấn mạnh rằng thà bị thương tích khi ra đi (nghĩa là bị vấp váp hay sai lỡ điều này, điều kia) còn hơn là ngồi trong pháo đài để bảo vệ “sự thánh thiện” của mình. Xin đừng quên đằng sau cái mục đích là “sự thánh thiện” ấy rất có thể là sự lười biếng, sự thiếu dấn thân, ngại khó, sợ khổ và sợ phải hy sinh vì đàn chiên.

Thái độ tôn trọng của Chúa Giêsu đối với người tội lỗi mà Tin Mừng tường thuật rõ nét nhất qua lời giảng dạy của Người và nhất là qua những lần người “cử hành bí tích hòa giải” (tha tội). Trong dụ ngôn con chiên bị thất lạc, người chăn chiên không chỉ dám bỏ 99 con trên núi mà tất tả đi tìm cho được con lạc đàn. Khi tìm được thì không thấy người ấy quở trách, mắng nhiếc hay đánh đập con chiên lạc tìm thấy mà lại vui mừng vác lấy nó trên vai đem về đàn (x.Lc 15,5). Trong dụ ngôn người con hoang đàng, thì người cha già khi chợt thấy con đã vộ chạy lại ôm hôn con, ngắt đi những lời xưng thú kiểu công thức của anh và rồi vui mừng sai gia nhân lấy áo mới, giày đẹp, nhẩn quý đeo mặc cho anh. Không thấy người cha hạch hỏi anh ta đã phung phí những gì (x.Lc 15,11-32).

Những lần Chúa Giêsu “cử hành bí tích Hòa Giải” mà Tin Mừng tường thuật làm nổi rõ thái độ của Người luôn tôn trọng phẩm giá của tội nhân. Với người bất toại do các thân nhân sau khi tháo dở mái nhà để thả xuống vì người ta đông quá không vào được thì Chúa Giêsu không hạch hỏi điều gì. Thấy lòng tin của họ thì Người nói với người bất toại: “Tội con đã được tha – Hãy vác chõng mà về nhà”(x.Mt 9,1-8). Với người phụ nữ tội lỗi công khai tại nhà ông biệt phái Simon thì Chúa Giêsu đã nói với ông ta cũng như các thực khách hôm đó rằng chị ấy đã yêu mến nhiều nên được thứ tha nhiều và Người nói với chị: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (Lc 7,50). Trong trường hợp người phụ nữ phạm tội ngoại tình do nhiều kinh sư và người biệt phái bắt quả tang và dẫn đến Chúa Giêsu để tìm cách gài bẫy Người thì Tin Mừng đã tường thuật thái độ ứng xử của Chúa Giêsu thật diệu kỳ vừa tràn tình yêu vừa đầy sự tôn trọng (x.Ga 8,1-11). Sau khi nói với đám đông hôm ấy rằng: “Ai trong các sạch tội thì cứ việc lấy đá ném chị này trước đi” thì Chúa Giêsu lại cúi xuống viết tiếp “cái gì đó” trên đất. Thái độ cúi xuống của Người khiến chúng ta nhớ lại lời Kinh Thánh: “Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối.”(Kn 11,23). Chúa Giêsu cúi xuống để tạo điều kiện cho đoàn người hôm ấy rút lui trong danh dự của mình. Hầu chắc Chúa đã nhận hành vi ấy là một sự thú nhận tội lỗi và họ cũng đáng nhận sự thứ tha của Người. Còn với chị phụ nữ phạm tội ngoại tình thì Người chẳng cật vấn điều gì mà chỉ hỏi: “Không ai lên án chị sao?” Và khi nhận câu trả lời của chị: “Thưa Thầy, không có ai cả” thì Chúa Giêsu đã nhận đó là lời xưng thú tội lỗi và Người ban lời xá giải: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị hãy về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).

Với các tư tế thừa tác thì “của cho và cách cho” cả hai đều cần được chú trọng. Mong sao các ngài ý thức điều thiết yếu mà mình có sứ mạng chuyển thông cho nhân trần chính là chân lý, là tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa. Đồng thời ước gì các ngài đừng quên cung cách chuyển thông của mình. Thiếu sự tế nhị và tôn trọng trong khi thi hành tác vụ mục tử thì rất có thể các ngài lầm tưởng rằng mình là chủ nhân của điều mình chuyển thông. Mùa Vọng sắp kết thúc, các tòa cáo giải ắt hẳn đầy người, rõ nét là ở Giáo Hội Việt Nam. Hy vọng các tín hữu sẽ gặp được Đấng đầy lòng thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung qua các trung gian là những tư tế thừa tác.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột